ÐỐT SÁCH PHÚC ÂM (1903)
“Cậu bé lớn nhanh quá” Sher Singh cũng đồng ý với các bạn như vậy, nhưng ông tỏ ra bối rối khi Jaswant Singh bình phẩm thêm rằng cậu bé sẽ đáng giá cho gia đình.
“Tôi tin nó sẽ như thế” người điền chủ tiếp tục nói sau khi dừng hơi một chút “nó không thích chiến tranh, cũng chẳng thích làm luật sư hay công chức”.
“Mấy lúc nay nó ít đi đến miếu thờ”. Ran Singh nói phụ thêm vào
“Và cũng không còn thường xuyên đến Sadhu trong rừng với mẹ nó”.
“Không phải nó không đến nữa nhưng vì nó bận học. Ðừng có lầm, chẳng phải nó không có lòng mộ đạo nữa đâu. Ông sẽ thấy nó trong phòng cầu nguyện mỗi buổi sáng với mẹ nó trước khi nó đi học”.
“Anh nghĩ sao? có tốt cho nó không nếu nó cứ đi học trường đạo?” Jaswant Singh thắc mắc hỏi.
“Ðừng sợ, ông bạn, Sundar là người Sikh. Nó rất kiêu hãnh về di sản nó đang hưởng. Họ chẳng bao giờ biến nó thành Cơ đốc nhân được”.
“Các thầy giáo đạo Tin Lành có đến thăm nhà anh không, Sher Singh?”
“Quả đúng, mẹ nó là một Bhakta, luôn luôn đi tìm chân lý, các anh đều biết thế. Còn tôi chẳng có kinh nghiệm gì về tôn giáo. Tôi chấp nhận mọi lời của Guru (tu sĩ đạo Sikh) cho niềm tin của tôi. Nhưng tôi biết rằng những bậc thầy của mình đều bảo chúng ta rằng Thượng Ðế thường bày tỏ chính Ngài bằng nhiều cách, bằng nhiều tiếng gọi và bằng nhiều sách vở nói về Ngài…”
“Ngay cả những sách vở Cơ đốc mà chúng nó học tại trường đạo nữa sao?”
“Có lẽ. Tôi chưa đọc đến, anh Jaswant Singh ạ. Lắng tay nghe các thầy tư tế đọc kinh trong các đền thờ thì cũng đủ cho tôi rồi. Và Sundar chẳng bao giờ đọc. Vả lại cách sách Cơ đốc giáo làm cho nó nổi giận một cách lạ kỳ. Có lần nó mua một quyển sách nhỏ, nhưng chỉ đọc có một trang hoặc hai, rồi nó xé nát và quăng xa, thề rằng chẳng bao giờ đọc nó nữa cũng chẳng nghe hay để thụ huấn”.
“Vậy tại sao nó lại đi học trường đạo?”
“Bởi vì trường công lập cách nhà độ ba dặm, anh biết không, nếu phải đi bộ mỗi ngày giữa trời nắng qua các đồng trống thật không tiện chút nào. Nó phải đi học một nơi nào đó để rồi nó cũng sẽ bước vào đời”. Sher đứng dậy, nặng nề chống trên gậy vì ông bị khập khiễng một chân. “Thú thật tôi không thích gieo nhiều đạo giáo quá vào một đứa trẻ mới được mười hai tuổi, nhưng đó là niềm hãnh diện mà tổ tiên ta đã chịu khổ tử đạo và chính nó cũng yêu thích. Hơn nữa, Kinh Granth Sahib mà nó quý trọng dù rằng nó thuộc lòng nhiều kinh kệ của Ấn độ giáo và Hồi giáo”.
Jaswant Singh nhìn Ram Singh với bộ râu xám đang nằm dưới bóng cây đa: “Sher Singh rất thương con trai, nhưng ông ta chẳng bao giờ làm gì được cho con ông ấy.”
Dĩ nhiên Sher Singh yêu thương con trai ông lắm. Can đảm và chân thành chiếu sáng trên cặp mắt nâu rất giống mẹ cậu và đó là giá trị có nơi người Sikh. Nhưng ví cậu làm con trai của mẹ cha như thế, tính cương trực của cậu xứng hợp với lòng trắc ẩn cho những người cần đến.
Ðôi khi tình yêu thương và tính trung trực xung đột nhau khi cậu thấy một người đàn bà ăn xin tại giữa chợ đang sắp chết. Cậu xin cha cậu vật thực và áo quần cho người ăn xin ấy. Nhưng cha cậu từ chối vì làm như thế nhiều người ăn xin đang bị bịnh sốt rét rừng đến nhà ông. Lòng trắc ẩn đưa dẫn cậu đến việc ăn cắp cha cậu tờ giấy 10 rupee, nhưng trên con đường đến chợ, tính trung trực đã thúc giục cậu trở về trả tiền lại. Cậu nhận biết sự mất cắp đã bị khám phá và những người trong nhà sẽ bị nghi oan, đánh đập. Lương tâm khiến cậu đánh thức cha dậy vào lúc nửa đêm và xưng tội. Thay vì phạt đòn, Sher Singh ca ngợi tính chánh trực và can đảm của con mình và bảo cậu trở về giường ngủ.
Vào tuổi mười bốn, Sundar đã mất mẹ. Thế giới đối với cậu bị đảo lộn. Bao nhiêu sức mạnh tinh thần từ người mẹ hiền như bị chôn vùi. Khi cậu đọc sách Thánh, tai cậu nghe mẹ cậu lặp lại lời thiêng liêng; khi cậu đọc lời kinh cầu ban mai, mẹ luôn bên cạnh; khi cậu viếng thăm tu sĩ Sadhu dưới gốc cây đa, cậu giẫm chân lên giầy của mẹ. Mẹ là tất cả cho cậu. Không còn ai hơn mẹ cậu. Khi mẹ qua đời , Sundar hoàn toàn tuyệt vọng. Cậu biết rằng cậu không thể sống nếu không có Thượng đế. Tuy nhiên một người mà Thượng đế đã dùng để tạo ra cho cậu thì Thượng đế đã cất đi mất rồi. Cậu đọc những lời của các đạo sư Sikh nhiều lần: “Con không thể sống trong một khoảng khắc mà không có Ngài, Chúa ôi! Con tìm kiếm Ngài! Con khao khát Ngài: chỉ có Ngài khiến lòng con an nghỉ” Ngay khi cậu đọc những lời khẩn thiết này, cậu khó phân biệt được đó ám chỉ Thượng đế hay là mẹ mình. Chẳng có ai trên trần gian này còn có ý nghĩa cho cậu nữa.
Sundar trở nên xa vắng. Cha cậu chẳng nói được lời gì để an ủi, vì cậu quá đau khổ. Người thánh mà mẹ con cậu từng đến viếng thăm chẳng đem lại cho cậu sự bình an. Vị Guru trong miếu thờ trong làng cũng chẳng giúp gì cho cậu. Trong vòng đôi tháng Sundar gắng guợng thực hành nhưng lối tĩnh nguyện nghiêm chỉnh như Yoga cũng không hiệu quả. Vẻ lịch sự của các giáo sư Tin lành tại trường còn tệ hại hơn. Cậu ghét bỏ họ, ghét cả nhà trường, ghét Thánh Kinh và ghét ngay cả Chúa Jesus của họ nữa.
Bỗng nhiên cậu biến đổi. Từ một đứa bé hiền hòa, trở nên một tên côn đồ, chống nghịch cả Thượng đế nữa. Cậu từ chối đọc và nghe Phúc Âm và còn độc ác chống đối cả niềm tin Cơ đốc. Cậu thuyết phục cha cậu gởi cậu đi học trường khác dù phải nhọc nhằn lội bộ sáu dặm ngang qua sa mạc Punjab đến trường công xa xôi mỗi ngày.
Ðược tự do khỏi bị ai kiểm soát nơi trường đạo, cậu họp với một số bạn côn đồ và làm đầu đảng. Cậu quyết phá đổ trường đạo, đánh đuổi các giáo sĩ và nhóm người Cơ đốc sống trong thành phố. Cùng với nhóm băng đảng này, cậu độc ác ném đá vào những người đang đứng nghe truyền đạo tại chợ, ném đất và đồ hôi thối vào các buổi nhóm họp của các tín đồ Tin lành và la lối bất cứ ai tỏ chống cự lại.
Sher Singh nghe bao nhiêu chuyện động trời không thể tưởng tượng nổi về cậu con trai. Mấy tín đồ Tin lành bày tỏ sự thông cảm với cậu vì biết cậu đang trải qua cảnh đau thương. Chẳng ai tưởng tượng nổi, một Sundar đã từng tìm kiếm sự bình an từ Thượng đế mà nay lại chống nghịch lại Thượng đế.
Mùa hè năm ấy càng nóng. Cậu bé không còn chịu nổi mỗi ngày phải đi ngang qua sa mạc cát nóng để đến trường mới nữa. Cuối cùng cậu ngã bịnh, sốt rét rừng và đồng ý để cha cậu xin cho trở lại trường đạo của Giáo hội Trưởng lão Hoa kỳ ở Rampur. Mấy thầy giáo bị cậu ném đá trước đó miễn cưỡng nhận cậu lại.
Cậu trở nên yên lặng và chán nản như muốn chết. Cậu không còn quan tâm đến sự học hành. Ðến giờ học về giáo lý Thánh kinh thì cậu phá phách, chọc cười mọi người. Sinh nhật thứ mười bốn vừa qua, cậu trở lại trường đạo của Giáo hội Tin lành. Thời tiết nóng nực cũng giảm đi vào tháng mười. Tháng 11 năm 1903, Sundar bỗng nhiên yêu cầu Hiệu trưởng bán cho cậu một quyển Kinh Thánh Tân Ước. Mọi người đều hồi hộp vui mừng như rằng lời cầu nguyện của họ được nhận lời Nhưng sự vui mừng đó không kéo dài lâu khi họ nghe Sundar nói với chúng bạn:
“Ði với tao. Tụi bây ngạc nhiên khi tao mua quyển sách này, nhưng hãy đến nhà tao chơi để thấy tao làm gì với nó! Tao còn sống bao nhiêu lâu, tao không thể nói cho tụi bây. Chắc không lâu đâu, nhưng trước khi tao chết, tao sẽ cho tụi bây biết tao đã nghĩ gì về Jesus và cuốn sách của hắn.”
Sundar dẫn bạn về nhà. Các đồng bạn chờ đợi, tò mò thấy cậu vào bếp đem ra một bó củi với một thùng dầu xăng. Chúng chạy tới phụ giúp đốt lửa nhưng cậu khoát tay ngăn chặn. Ðó là hành động cuối cùng của sự căm phẫn mà cậu muốn bày tỏ cho bạn mình thấy. Cậu đổ dầu vào củi và quẹt lửa. Lửa cháy sáng rực. Cậu nhẹ nhàng rút trong túi ra cuốn Kinh Thánh Tân Ước và bắt đầu chậm rãi xé từng tờ châm lửa cho cháy ra tro.
Bỗng nhiên người cha bước vào nhìn cậu con trai với cuốn sách trong tay và giấy cháy thành than: “Con điên rồisao? Ông la ầm lên “Sao con đốt sách Cơ đốc? Ðó là những sách tốt! Mẹ của con cũng đã từng nói như thế. Cha không muốn có việc làm sai bậy này trong nhà của cha. Dừng lại! Con nghe không? ”
Sundar nhìn cha mình. Cậu cũng không để ý các bạn đã rút lui. Cậu cúi xuống đẩy mạnh hết cuốn Kinh Thánh Tân Ước vào lửa, dùng chân đè nó vào chỗ lửa cháy to rồi yên lặng bước vào nhà không nói một lời.
(Còn nữa)
Tác giả: Cyril J. Davey
Soạn dịch: Cố Mục sư Trần Như Biên