NĂM MỚI, KHẢI TƯỢNG MỚI
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Khi bước vào năm mới, người ta thường nghĩ đến tương lai. Phần tôi, tôi có nghĩ đến tương lai, nhưng tôi cũng thường nghĩ đến hiện tại và quá khứ. Tôi tin Đức Chúa Trời đang dẫn dắt người lãnh đạo của gia đình và Hội Thánh phải luôn luôn nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Nghĩ đến quá khứ để chúng ta nhớ lại các bài học và kinh nghiệm Chúa đã dạy, nhớ đến hiện tại để chúng ta biết rõ thực tế đang diễn ra và nghĩ đến tương lai để thấy trước Chúa đang dẫn dắt chúng ta tới đâu.
Trong lãnh vực tâm linh, người ta thường nói đến khải tượng. Khải tượng là giấc mơ, là hình ảnh chúng ta có thể thấy trước. Tôi nhớ đến trong Kinh Thánh có những người có khải tượng như Áp-ra-ham (nhìn thấy con cháu đông như sao trên trời, như cát dưới biển) hay như khải tượng của Giô-sép (nhìn thấy anh em và gia đình cha mẹ sẽ nhờ ông mà cứu cả gia dình và dòng tộc thoát nạn diệt vong). Sứ đồ Phi-e-rơ nhìn thấy khải tượng từ trời (để bỏ hết thành kiến và chấp nhận dân ngoại có thể được cứu). Sứ đồ Phao-lô cũng được Chúa cho thấy khải tượng để ông có thể biết được ý Chúa và tiếp tục hầu việc Ngài. Biết được khải tượng, chúng ta có thể yên tâm chờ đợi chương trình của Chúa.
Trong những ngày đầu năm, tôi được Mục Sư Lê Hồng Phúc, Quản Nhiệm Hội Thánh dành cho tôi cơ hội để giảng Kinh Thánh trong một sáng Chúa Nhật, ông cũng cho biết Hội Thánh sẽ cùng nhau học sách Mác. Đến ngày giảng của tôi thì Hội Thánh sẽ học sách Mác chương 2. Khi nhận lời chuẫn bị bài giảng tôi thấy câu chuyện có 4 người bạn tìm cách đưa một người bại đến với Chúa Giê-su để được chữa lành. Và lập tức tôi nhìn thấy đây là một khải tượng Chúa dành cho tôi.
Làm sao ngày nay tôi và Hội Thánh có thể khiêng một người bại liệt đến cùng Chúa để được chữa lành?
Có nhiều trở ngại chúng ta phải vượt qua và quyết tâm vượt qua, chúng ta mới làm xong công tác Chúa giao. Trở ngại gì? Người bại nằm một chỗ, không có khả năng tự đi đến cùng Chúa.
Người bại có thể quen với đời sống cũ, chờ người nuôi, có thể không muốn có khả năng đi lại được để đổi đời, để tự lo cho bản thân. Và trở ngại từ phía những người khác. Câu chuyện cho thấy dân chúng tụ họp quanh nhà, bên trong lẫn bên ngoài, không cách nào đến gần Chúa được. Đám đông và hoàn cảnh đang ngăn trở nhiều người đến cùng Chúa. Những khó khăn cản bước, tinh thần bi quan cản bước, thói quen cũ cản bước. Để có thể giúp người khác, nhất là những người bị bại liệt, những người bị tổn tương, những người hiểu sai về phúc âm… đến cùng Chúa, mỗi người chúng ta cần có tinh thần mới và sáng kiến mới. Tôi thấy giải pháp nầy trong câu chuyện 4 người khiêng người bại đến cùng Chúa.
Bốn người nói đến một tập thể yêu thương người bại, thương xót người bại, đồng tâm hiệp tác khiêng người bại vượt mọi trở lực khó khăn. Những người nầy cũng có đức tin, lòng kiên quyết, sự hiệp đồng, hiệp ý, khiêm nhường, tin tưởng, vâng phục. Và họ có cùng một sáng kiến, cùng khiêng người bại nằm trên cáng, dỡ mái nhà, thòng người bại xuống trước mặt Chúa, nơi Chúa đang ngồi trong nhà. Những người bạn nầy đã tốn công sức, tốn thì giờ, tốn tiền để sửa lại mái nhà. Có thể sau khi người bại được lành, họ tổ chức tiệc ăn mừng với bạn hữu để Chúa được tôn vinh.
Muốn được chữa lành, người bại cần được Chúa tha tội.
Dầu thấy phép lạ chữa lành sờ sờ trước mắt, những nhà lãnh đạo Do Thái, những nhân vật tôn giáo thời bấy giờ vẫn không tin, vẫn gây khó cho Chúa Giê-su.
Làm sao áp dụng bài học nầy cho thời đại chúng ta? Tôi đang học đế áp dụng bài học nầy cho việc phát triển Hội Thánh, mở thêm Hội Thánh, bạn có muốn đồng công cộng tác để tham gia công việc hầu việc Chúa với tôi, với gia đình tôi và Hội Thánh chung hay không?
Để giúp một người bại cần 4 người khiêng, vậy để giúp một gia đình mạnh khỏe và tích cực theo Chúa, ngày nay chúng ta cần bao nhiêu người hiệp tác.
Để xây dựng một Hội Thánh mở, chẳng hạn Hội Thánh Quê Hương trên Zoom, chúng ta cần bao nhiêu Mục Sư và Hội Thánh hiệp tác?
Bạn có chú ý đến bài học chúng ta đang học và việc chúng ta đang làm để hầu việc Chúa, theo sự dẫn dắt của Chúa hôm nay không?
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Email: [email protected]