Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Người Bạn Đồng Hành Của Phao-lô

Người Bạn Đồng Hành Của Phao-lô

Ba-na-ba

“Một người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin”

Nhân vật đầu tiên trong những người đồng hành với Phao-lô hiển nhiên phải nhắc đến là Ba-na-ba. Ông là một trong số những người đầu tiên bày tỏ sự cảm thông với Phao-lô sau khi Phao-lô cải đạo. Tuy nhiên trước Ba-na-ba cũng có hai người khác đã đối đãi tử tế và chăm sóc Phao-lô. Họ là Giu-đa và A-na-nia. Hai cái tên này khiến chúng ta gợi nhớ đến một là kẻ phản bội Đấng Christ và một là kẻ nói dối Đức Thánh Linh, song hai người đã làm ơn trên Phao-lô thì không giống như hai người khét tiếng trùng tên kia. Sau trải nghiệm trên con đường đến Đa-mách, Sau-lơ (từ đây về sau chúng ta sẽ gọi ông là Phao-lô) đã ở ba ngày trong nhà của Giu-đa, và sau cú sốc ấy Phao-lô không thể nào ăn uống gì được. Bên cạnh trải nghiệm về mặt cảm xúc, Phao-lô nhận ra rằng mọi sự công chính của ông đến từ việc tuân giữ luật pháp và sự sốt sắng trong Do thái giáo hoàn toàn vô nghĩa. Điều này đã làm ông khổ tâm đến dường nào. Ngay sau đó, A-na-nia được Đức Chúa Trời sai đến để phục hồi thị lực cho Phao-lô và thông báo cho ông sứ mệnh rao truyền Danh Chúa cho người ngoại quốc cũng như cho các vua chúa và các con cái Y-sơ-ra-ên. Nhưng chúng ta cũng hãy nhớ rằng trong tờ trát mà Sau-lơ đang cầm theo để vây bắt và bỏ tù những người theo đạo Chúa có lẽ cũng có tên của các thánh Giu-đa và A-na-nia. Sau-lơ chính là kẻ thù của họ, song họ đã bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Giê-su Christ qua việc ân cần chăm sóc Phao-lô.

Với đôi mắt được chữa lành cả  thể chất và tâm linh, Phao-lô không hề lãng phí thời gian. Tại thành Đa-mách nơi Phao-lô đến để tìm kiếm các môn đồ, ông bắt đầu giảng dạy về Đấng Christ trong nhà hội. Chắc chắn Phao-lô đã nói với các môn đồ rằng ông đã nhìn thấy Đức Chúa Giê-su người Na-xa-rét, rằng Chúa đã sống lại từ cõi chết và Ngài thật là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời. Mục vụ tại đây diễn ra rất ngắn bởi vì Phao-lô đã viết ở Ga-la-ti 1:16-17 rằng: “lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu… song tôi đi qua xứ A-ra-bi.” Phao-lô ở xứ A-ra-bi trong một khoảng thời gian rất ngắn, không như người ta thường nghĩ là ba năm. Phao-lô đến đó vì một cuộc gặp mặt, không phải với con người, nhưng với chính Đức Chúa Trời. Tại đó Phao-lô nhận được sứ điệp ông phải truyền cho người ngoại quốc. Phao-lô viết về phúc âm mà ông đã giảng rằng: “tôi không nhận và cũng không học Tin lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jesus Christ” (Ga-la-ti 1:12). Phao-lô đã chỉ về sự kiện này khi ông viết về “chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jesus, để mà làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời” (Công vụ 20:24).

Cần phải lưu ý rằng Phao-lô không nhận lấy toàn bộ lẽ thật tại A-ra-bi. Ông đã viết về “những sự tỏ ra” được ban cho ông về sau. Phao-lô cũng được đem lên tầng trời thứ ba nơi ông được nghe những lời không thể nói ra được, đó là những điều Phao-lô không được phép nói ra (tại thời điểm đó). Trong thời kỳ chuyển tiếp khi hình ảnh Y-sơ-ra-ên mờ dần khỏi bức tranh, ánh sáng bắt đầu chiếu soi sáng tỏ hơn. Với sự công bố đầy trang trọng ở Công vụ 28:28, sự chuyển tiếp kết thúc; hình ảnh Y-sơ-ra-ên hoàn toàn mất khỏi khung hình. Trong những bức thư sau đó, các thư tín trong tù, chúng ta có được trọn vẹn mọi lẽ thật. Các thư tín ấy bày tỏ sự kêu gọi thiên thượng và đích đến đầy vinh quang của Hội thánh là Thân thể Đấng Christ. Qua các thư tín ấy, những dấu tích cuối cùng của trật tự cũ đã biến mất và bày tỏ chương trình cho dân sự của Đức Chúa Trời dưới ánh sáng của ân điển Chúa. Không phải là sự khởi đầu của một Thân thể mới, nhưng là một chương trình mới cho Thân thể Đấng Christ.

Sau thời gian tại A-ra-bi, Phao-lô trở về Đa-mách, tại đó “Sau-lơ lần lần càng thêm vững chí, bắt bẻ những người Giu-đa ở tại thành Đa-mách, mà nói rõ rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ.” Sự giảng đạo đầy mạnh mẽ này đã khuấy động và gây phẫn nộ cho người Do Thái đến nỗi họ quyết định giết Phao-lô. Những người canh chừng được sắp đặt ở các cổng thành để ngăn Phao-lô trốn thoát, nhưng các tín hữu đã dùng một chiếc giỏ đưa Phao-lô xuống khỏi vách thành. Quả là một trải nghiệm thú vị! Xem như Phao-lô đã “đi thang máy” từ thế kỷ thứ nhất. Phao-lô, vốn là một người Pha-ri-si kiêu hãnh, ngạo mạn, người đã đến với lời đe dọa và bách hại tín hữu giờ đây phải lẩn trốn khỏi thành phố trong một chiếc giỏ giữa đêm tối. Trong chương 11 sách 2 Cô-rinh-tô, khi kể lại những sự đau khổ đã qua, Phao-lô đã kết lại bằng trải nghiệm trốn thoát khỏi thành Đa-mách như là một trải nghiệm khiến ông cảm thấy xấu hổ. Sau khi trốn khỏi thành Đa-mách, Phao-lô trở về thành Giê-ru-sa-lem.

Đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô khao khát được tham gia với các tín hữu khác. Tuy nhiên mọi người đều nghi ngờ Phao-lô, không tin ông là một môn đồ thật mà chỉ muốn thâm nhập để bắt bớ Hội thánh dữ dội hơn. Chính tại đây Ba-na-ba xuất hiện, Kinh Thánh chép: “Ba-na-ba bèn đem người đi” (Công vụ 9:27). Vâng, Ba-na-ba đã đem Phao-lô đến với các sứ đồ và những người khác và nói cho họ biết rằng Phao-lô đã gặp Chúa, đã cải đạo hoàn toàn, và đã giảng đạo cách đầy mạnh mẽ tại thành Đa-mách trong danh Đức Chúa Giê-su.

Ba-na-ba là người quan tâm đến người khác và luôn tìm cơ hội để giúp đỡ bạn bè khi họ cần. Ông được nói đến lần đầu tiên ở Công vụ chương 4. Hội thánh Giê-ru-sa-lem có sự hiệp thông Cơ-đốc, là hình mẫu của tương lai, những ai có của cải thì bán đi mà đem số tiền bán được dâng cho các sứ đồ và phân phát cho người thiếu thốn. Chúng ta đọc được rằng: “Vậy có Giô-sép mà các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự yên ủi, về họ Lê-vi, quê hương tại Chíp-rơ, có một đám ruộng, bán đi, đem tiền đặt nơi chân các sứ đồ” (Công vụ 4:36-37). Lý do vì sao phần đóng góp của Ba-na-ba được đặc biệt nói đến vẫn chưa rõ. Có thể vì đó là một phần tài sản lớn, hoặc cũng có thể đó là vì tinh thần mà phần đóng góp đó thể hiện. Bởi vì nhân vật này luôn đáp ứng nhu cầu của người khác nên ông được đặt cho một cái tên mới: “Con trai của sự yên ủi.” Thật là một cái tên tuyệt đẹp. Cái tên này nói lên một tinh thần ban cho, một tấm lòng yêu thương và quan tâm, và bàn tay ông luôn luôn vươn ra để giúp đỡ. Ông thật sự là một quý ông hào hiệp.

Và giờ đây tấm lòng rộng rãi của Ba-na-ba hướng đến Phao-lô. Nhìn thấy Phao-lô đang khao khát và cần có mối thông công nhưng lại bị khước từ, Ba-na-ba bắt đầu hành động. Ông nắm lấy tay Phao-lô mà lên tiếng bênh vực, và chính uy tín của Ba-na-ba đã khiến mọi người lắng nghe và chấp nhận Phao-lô. Gần như ngay lập tức, Phao-lô bắt đầu giảng đạo cách dạn dĩ về Đấng Christ, và điều này một lần nữa đã khuấy động kẻ thù của chân lý đến nỗi họ gần như muốn giết chết Phao-lô. Khi kế hoạch bắt giết Phao-lô bị bại lộ, các anh em, có lẽ do Ba-na-ba dẫn đầu, đã hộ tống Phao-lô đến bờ biển Sê-sa-rê, tại đó Phao-lô lên thuyền đến Tạt-sơ, quê hương của ông. Phao-lô hẳn nhiên ra đi một cách dứt khoát bởi vì Chúa đã hiện ra cùng ông trong đền thờ mà phán rằng hãy ra khỏi Giê-ru-sa-lem và Ngài nhắc cho ông rằng sứ mệnh của ông là dành cho người ngoại quốc (Công vụ 22: 17-21).

Chúng ta gần như không có thông tin gì về thời gian Phao-lô ở lại thành Tạt-sơ, có lẽ khoảng sáu hay bảy năm. Điều chúng ta tin chắc đó là Phao-lô không hề nhàn rỗi, bởi vì ông không phải là loại người đó. Có lẽ trong thời gian này ông đã dắt đưa những người bà con của ông đến với Chúa, những người được nhắc đến ở Rô-ma 16, trong đó có một người chị mà con của chị ấy sau này đã cứu mạng sống của Phao-lô. Ông cũng có thể đã thành lập các hội thánh tại Si-li-si như được nhắc đến ở Công vụ 15:41, “người trải qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, làm cho các Hội thánh được vững bền.”

Trong thời gian đó, do sự bắt bớ dữ dội sau cái chết của Ê-tiên, một số người tản lạc ra ở các nước ngoài đã đi đến thành An-ti-ốt. Họ làm chứng, giảng đạo và rất nhiều người tin và trở về với Chúa. Tin này lập tức lan đến Giê-ru-sa-lem và họ sai Ba-na-ba đến để xác thực. Kinh Thánh chép rằng: “vì Ba-na-ba thật là người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin” (Công 11:24). Khi Ba-na-ba đến thành An-ti-ốt và chứng kiến ân điển của Đức Chúa Trời đang hành động, những linh hồn được cứu và Lời Chúa hành động trong tấm lòng của những người Hy Lạp thì ông rất vui mừng. Việc này chứng tỏ tấm lòng yêu mến Chúa và hội thánh của Ba-na-ba. Một số người hẹp hòi khi nghe ơn phước Chúa trên người khác thì thay vì vui mừng họ trở nên giận dữ. Ba-na-ba thì không như vậy, ông vui mừng. Tại đây chúng ta nhìn thấy con trai của sự yên ủi trở thành con trai của sự khích lệ. Sau khi đã chứng nhận đức tin của họ nơi Đấng Christ, Ba-na-ba khích lệ họ giữ vững đức tin để không bị vấp ngã. Có lẽ ông đã kể cho các tín hữu tại đây về những sự đau khổ của các tín hữu tại thành Giê-ru-sa-lem, và các tín hữu tại An-ti-ốt cũng phải chuẩn bị đương đầu với sự đau khổ, nhưng họ không được nao núng, với sự kiên định trong lòng họ phải trung thành với Chúa. Chúng ta cũng cần sự khích lệ này, bởi vì nếu chúng ta trở thành bạn đồng lao với Phao-lô thì chúng ta cũng phải đối diện với sự đau khổ. Có những người ban đầu chọn tin theo Chúa và noi gương Phao-lô, khởi đầu thì rất tốt nhưng khi gặp một chút chống đối, hoặc khi nhìn thấy cái giá phải trả thì họ bắt đầu nản chí, bỏ cuộc và biến mất khỏi cánh đồng truyền giáo. Chúng ta cần phải “làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài.” Ngài sẽ ban cho chúng ta sự kiên cường và lòng dũng cảm, rằng với sự kiên định trong tấm lòng chúng ta sẽ trung thành với Chúa.

Khi nhìn thấy tầm quan trọng của công tác tại thành An-ti-ốt, và rất nhiều người Hy Lạp đang tin đạo và khao khát được nghe Lời Chúa, Ba-na-ba đã nghĩ đến Phao-lô và sứ mệnh của Phao-lô dành cho người ngoại quốc. Một lần nữa chúng ta nhìn thấy phẩm chất cao quý của Ba-na-ba. Ông không nghĩ cho bản thân. Nếu Ba-na-ba giống như một số người ngày nay, chắc hẳn ông đã lập nên một nhà thờ và lập nên những mục vụ  xoay quanh chính mình ông, tuy nhiên Ba-na-ba là một người không ích kỷ, ông đã đi đón Phao-lô từ Tạt-sơ về An-ti-ốt, tại đó họ đã cùng làm việc với nhau trong khoảng một năm để dạy dỗ nhiều người. Chính Ba-na-ba là người đã giúp Phao-lô khởi đầu công tác vĩ đại của chức vụ Phao-lô. Cũng chính tại An-ti-ốt mà lần đầu tiên các môn đồ được gọi là Cơ-đốc nhân. Một đầy tớ rất yêu dấu của Đức Chúa Giê-su đã viết rằng: “Từ những kẻ tiện nhân thô bỉ trên đường phố An-ti-ốt đến những người trác táng đầy mùi nước hoa ở những cánh rừng Đáp-ne đều không thể nói lên từ “Cơ-đốc nhân” với sự chế nhạo hoặc sự khinh khi miệt thị thầm lặng, hãy tưởng tượng sau khi một An-ti-ốt với đầy những đền thờ, cung điện, cánh rừng và thần tượng đã trở nên một đống đổ nát, thành phố sẽ chỉ được nhớ đến bởi vì đây là nơi lần đầu tiên những người tin theo Đức Chúa Giê-su được gọi là “Cơ-đốc nhân” và bởi vì đó là nơi Phao-lô và Ba-na-ba được sai đi để rao giảng phúc âm đến toàn thế giới.”

Với sự ủy thác và dẫn dắt của Đức Thánh Linh, hai người bạn đồng hành, Ba-na-ba và Phao-lô, rời An-ti-ốt để bắt đầu hành trình truyền giáo đầu tiên. Họ đến thành phố cảng Sê-lơ-xi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ. So với những chuyến du hành khác của Columbus, Magellan và những người khác, chuyến du hành của Ba-na-ba và Phao-lô có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều bởi hành trình này đánh dấu khởi đầu cho việc đem sứ điệp ân điển của Đức Chúa Trời cho toàn thế giới. Tổng kết lại hành trình truyền giáo này, Phao-lô đã kể lại tất cả những công việc Chúa đã làm cho họ, và Ngài đã mở các cánh cửa đức tin cho người ngoại quốc ra sao. Chúng ta cần lưu ý rằng qua Phao-lô mà Đức Chúa Trời đã mở các cánh cổng đức tin cho người ngoại quốc. Cánh cổng đức tin không phải mở ra cho người ngoại quốc vào ngày Lễ ngũ tuần khi Phi-e-rơ dùng chìa khóa của vương quốc thiên đàng kêu gọi người Do Thái ăn năn. Hội thánh ngày nay là sự kết hợp giữa người Do Thái và người ngoại quốc, và chắc chắn vào ngày Lễ ngũ tuần trong thế kỷ đầu tiên vẫn chưa có được sự hiệp nhất này.

Công lao của hai đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời, Phao-lô và Ba-na-ba, không chỉ được đánh dấu bằng sự chiến thắng đầy vinh quang của phúc âm, nhưng cũng có cả những sự thử thách. Họ bị đuổi khỏi An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, lẩn trốn khỏi Y-cô-ni nơi người ta lên kế hoạch giết Phao-lô và Ba-na-ba, và tại Lít-trơ Phao-lô bị ném đá và để mặc đến chết, nhưng Chúa đã vực ông dậy. Sau đó hai người đã bày tỏ lòng can đảm của họ khi quay trở lại thăm những thành phố mà họ đã bị bắt bớ, làm vững lòng và gây dựng các thánh đồ, khích lệ họ tiếp tục trong đức tin dù gặp đau khổ. Qua mọi việc, Ba-na-ba luôn vai kề vai với Phao-lô, là một người bạn đồng hành trung thành và đáng tin cậy.

Sau những hành trình đầy khắc nghiệt và trở về An-ti-ốt, Phao-lô và Ba-na-ba tham dự giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem để giải quyết các vấn đề liên quan đến người ngoại quốc và luật pháp. Tại đây, hai sứ đồ đã báo cáo những việc lớn mà Đức Chúa Trời đã làm cho người ngoại quốc. Gia-cơ, một lãnh đạo được tín nhiệm tại Giê-ru-sa-lem, đã phát biểu rằng không nên quấy rầy những tín hữu ngoại quốc bằng những luật lệ Do Thái giáo. Phao-lô và Ba-na-ba đã đem quan điểm này trở về An-ti-ốt, tại đó họ tiếp tục giảng dạy Lời Chúa. Một thời gian sau, Phao-lô đề nghị hai người trở về thăm các thành phố mà trước kia họ đã đến để biết đời sống các tín hữu tại đó như thế nào. Ba-na-ba sẵn lòng nhưng cũng muốn đem người cháu, là Mác, đi theo. Phao-lô phản đối việc này bởi vì trong hành trình đầu tiên Mác đã đi cùng họ nhưng vì một lý do nào đó mà trong khi đi Mác đã rời khỏi họ. Thật khó để nói ai đúng ai sai bởi vì chúng ta hiểu cảm nhận của cả hai người. Ba-na-ba hiểu người cháu mình rõ hơn Phao-lô, ông nhìn thấy tiềm năng thật sự nơi Mác, và cảm nhận Mác xứng đáng có thêm một cơ hội. Ngược lại, Phao-lô cảm thấy công việc Chúa đòi hỏi điều tốt nhất và bởi vì họ đang quay trở lại hang sư tử và mọi việc có thể rất khó nhọc nên họ cần một người hoàn toàn đáng tin cậy. Điều đáng buồn nhưng hoàn toàn có thật đó là thậm chí ngày nay công tác Chúa bị ảnh hưởng bởi những người không phù hợp hoặc không đáng tin cậy đang giữ những vị trí trong hội thánh, song sự hèn nhát của người có trách nhiệm vẫn không được thay thế. Sự tranh cãi giữa Phao-lô và Ba-na-ba lớn đến mức họ quyết định chia rẽ nhau. 

Có lẽ lý do thật sự cho sự chia rẽ này đã có từ trước và điều đó vẫn làm cho cả hai vị sứ đồ khổ sở. Có một thời điểm một người tốt như Ba-na-ba đã vấp phải lỗi lầm. Trong khi Phao-lô và Ba-na-ba còn ở thành An-ti-ốt, Phi-e-rơ đã đến thăm và tự do thông công, ăn uống với các tín hữu ngoại quốc, bởi vì ông có quyền làm vậy. Nhưng rồi Phi-e-rơ nhìn thấy “mấy kẻ của Gia-cơ sai đi.” Những người này là người Do Thái đến từ Giê-ru-sa-lem và có bằng chứng cho thấy quyết định của giáo hội nghị vẫn không thể xóa bỏ những oán giận và ganh tị của người Do Thái dành cho người ngoại quốc. Khi Phi-e-rơ nhìn thấy những người đến từ Giê-ru-sa-lem, ông đã e sợ rằng những người này sẽ báo cáo lại việc ông ăn uống cùng người ngoại quốc, chính vì vậy Phi-e-rơ đã tự tách mình ra và không can dự gì đến những người ngoại quốc, và điều đáng kinh ngạc nhất đó là Ba-na-ba cũng đã làm theo cách của Phi-e-rơ.

Phao-lô phản ứng gì với những hành động của Phi-e-rơ và Ba-na-ba? Nếu Phao-lô cũng giống như những người ngày nay có lẽ ông đã nói rằng: “Chúng ta không muốn có tranh cãi, vậy hãy để họ đi đường họ còn chúng ta đi đường chúng ta.” Nhưng những lời ấy không bao giờ đặt trên môi của người chiến binh trung tín này. Bất cứ khi nào lẽ thật bị đe dọa, Phao-lô luôn sẵn sàng cầm gươm mà chiến đấu để bảo vệ lẽ thật. Lòng ông tràn đầy sự sốt sắng để bảo vệ lẽ thật, Phao-lô đã ra mặt chống đối Phi-e-rơ và Ba-na-ba, ông công khai quở trách họ, bởi vì họ đáng bị chê trách. Chúng ta không cần phải tìm kiếm sự tranh cãi, tuy nhiên khi lẽ thật Lời Chúa bị ảnh hưởng mà chúng ta vẫn im lặng thì đó là hèn nhát. Chính nhờ sự can đảm của những người như Phao-lô mà lẽ thật được giữ gìn. Tiến sĩ Macartney đã viết những dòng tuyệt hay về sự kiện này: “Nếu những hình ảnh về Phao-lô khiến chúng ta có cảm nhận ông là một anh hùng chẳng hạn như khi Phao-lô khích lệ những người đang hoảng loạn trong con tàu đắm trên biển Địa Trung Hải, hoặc khi ông làm cho đám đông ầm ỉ trên đường phố Giê-ru-sa-lem phải im lặng, hoặc khi ông quay trở về Lít-trơ, I-cô-ni và An-ti-ốt ngay sau khi ông bị bắt bớ và bị đuổi khỏi các thành phố trên, thì hình ảnh anh hùng đó trong Phao-lô lại càng lớn hơn nữa khi ông đứng lên giữa hội chúng tại hội thánh An-ti-ốt mà quở trách Phi-e-rơ và Ba-na-ba vì đã không trung thành với đức tin và với sự tự do của ân điển Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-su Christ.

Mặc dù Ba-na-ba và Phao-lô chia cách nhau vì một lý do ngắn gọn, nhưng chúng ta tin rằng lòng thương mến giữa họ với nhau không kết thúc tại đó. Họ đã hòa giải. Về sau Phao-lô đã ví sánh chính ông với người bạn đồng hành tốt lành này mà viết rằng “chỉ một tôi với Ba-na-ba,” Phao-lô cũng viết thư cho Ti-mô-thê rằng: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm.” Thậm chí Phi-e-rơ đã viết về Phao-lô là người “anh rất yêu dấu của chúng ta.”

Chúng ta chia tay Ba-ba-ba tại đây. Ông là một người bạn đồng hành trung thành, yêu thương và không vị kỷ. Ông là minh họa rõ ràng cho câu Kinh Thánh: “Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.” Nguyện chúng ta được khích lệ từ người bạn đồng hành này.   

(còn những phần tiếp theo về những người bạn đồng hành khác của Phao-lô)

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn