Một người hỏi người bạn vừa mới nghỉ hưu của mình xem anh đang làm gì khi không còn làm việc toàn thời gian. “Tôi xem mình như một vị khách”, người đó trả lời. “Tôi đi thăm các tín hữu trong hội thánh và cộng đồng, những người đang ở trong bệnh viện hay trung tâm chăm sóc, neo đơn, hay cần một ai đó để trò chuyện và cầu nguyện cùng. Tôi rất thích công việc này!” Người bạn thực sự ấn tượng bởi mục đích sống và sự quan tâm của bạn mình dành cho mọi người.
Vài ngày trước khi chịu đóng đinh, Chúa Giê-xu đã kể cho các môn đồ một câu chuyện nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thăm viếng những người đang nhu yếu. “Vua sẽ phán với những người ở bên phải rằng, ‘. . . Ta trần truồng, các con mặc cho Ta; Ta ốm đau, các con chăm sóc Ta; Ta bị tù, các con thăm viếng Ta’” (Mat. 25:34,36). Khi được hỏi, “Lạy Chúa, có khi nào chúng con thấy Chúa ốm đau hoặc bị tù mà thăm viếng Ngài đâu?” Vua sẽ trả lời rằng: ‘Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta” (c. 39,40).
Mục vụ thăm viếng có hai đối tượng thụ hưởng –người được đến thăm và chính Chúa Giê-xu. Khi giúp đỡ và khích lệ người khác, chính là chúng ta đang phục vụ trực tiếp cho Chúa.
Hôm nay có ai đó cần được khích lệ bởi sự thăm viếng của bạn hay không?
Lạy Chúa Giê-xu, xin giúp con nhìn những người khác với cặp mắt của Ngài. Xin chỉ cho con ý nghĩa của việc tỏ bày tình yêu của Ngài với những người quanh con. Cảm ơn Ngài vì tình yêu mà Ngài đã ban cho con để có thể san sẻ.
Lòng trắc ẩn là hiểu được những rắc rối của người khác, và ước muốn giúp đỡ họ cách khẩn thiết.
Nền văn minh của chúng ta đang mất dần phép lịch sự. Thế giới ngày càng trở nên thô lỗ hơn! Một trong những điều gây ra tình trạng này là mạng điện toán Internet, vì nó cho phép người ta giấu mặt sau màn hình và nói nhiều điều trên mạng mà họ không bao giờ có đủ can đảm để nói với nhau mặt đối mặt.
Những gì họ đang làm đã bày tỏ sự nhỏ mọn của lòng họ. Những người cao thượng tôn trọng người khác, nhưng người hẹp hòi xem thường người khác. Người coi thường người khác có tấm lòng cứng cỏi, và họ chế giễu người khác vì nghĩ rằng làm như vậy sẽ khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn.
Bạn chống trả với những người thô lỗ như thế nào? Bạn không chống trả. Bạn hãy để Chúa làm điều đó. Hãy để Chúa bảo vệ bạn.
Vua Đa-vít là “chuyên gia” trong lãnh vực này. Ông biết rõ ý nghĩa của việc bị tấn công về cảm xúc, lời nói, và thể xác. Là một thanh niên trẻ, được tiên tri Sa-mu-ên xức dầu để kế vị Sau-lơ làm vua Y-sơ-ra-ên, nhưng ông đã phải tốn hai năm ròng rã chạy trốn bậc tiền bối đang hăm he giết hại ông. Ông phải trốn trong hang khi liên tục bị chỉ trích sau lưng.
Nhưng Đa-vít không bao giờ thốt lên một lời dữ nào đối với vua. Ông không bao giờ trả thù, vì Chúa đã chuẩn bị cho ông làm vua bởi tấm lòng nhân từ của ông.
Đa-vít nói trong Thi-thiên 23: 5: “Chúa dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi; chén tôi đầy tràn.”
Đa-vít nhận biết lòng nhân từ của Chúa đối với ông. “Chúa xức dầu cho đầu tôi,” cho thế gian biết rằng “Đây là người Ta lựa chọn! Hãy lui ra! Đây sẽ là người lãnh đạo kế tiếp.” Chén Đa-vít đầy tràn nghĩa là Chúa tiếp tục ban phước và ban phước cho ông, ngay cả khi người khác tấn công ông.
Đa-vít có mệt mỏi, buồn phiền, lo lắng không? Không! Ông đã không dốc sức bảo vệ mình vì ông tin cậy Chúa sẽ biện hộ và bảo vệ ông.
Phải có một lượng đức tin lớn và lòng khiêm nhường mới có thể an nghỉ và tin cậy Chúa được khi bạn đang bị tấn công, bị hiểu lầm, bị nói xấu và bị người khác lợi dụng mạng Internet để nói về bạn. Trong trường hợp đó, bạn không kềm chế được và muốn làm một điều gì đó để giải quyết.
Nhưng bạn sẽ càng giống Chúa Jesus hơn khi bạn nhẫn nhục im lặng khi bị tấn công. Chúa Jesus cũng liên tục bị tấn công nhưng Ngài không bao giờ trả thù, ngay cả khi Ngài phải đối diện với cái chết trên thập tự giá. Ngài im lặng trước những lời cáo buộc vì Ngài phó mình trong bàn tay chăm sóc của Đức Chúa Cha.
“Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín.” (1 Phi-e-rơ 4: 19)
–
RICK WARREN
Translated by Phan Thanh Nghia