Thứ Ba , 28 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / Các Vấn Đề Nan Giải Trong Kinh Thánh

Các Vấn Đề Nan Giải Trong Kinh Thánh

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NAN GIẢI TRONG KINH THÁNH

Việc thảo luận về tất cả các vấn đề hiển nhiên trong Kinh Thánh nằm ngoài phạm vi của sách này. Có thể tham khảo một số công trình giải quyết hầu hết những sự khó hiểu, đặc biệt là những vấn đề khó hiểu thường được nêu lên để chống lại học thuyết về sự vô ngộ của Kinh Thánh. Một trong những cuốn sách đáng lưu ý nhất là Bách khoa Toàn thư về những vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh của Gleason Archer. Đề cập đến những vấn đề khó hiểu cũng được tìm thấy trong nhiều bài bình luận từ những người nghiên cứu. Một cái nhìn ngắn gọn về một số ví dụ và các câu trả lời được đưa ra sau đây cũng rất hữu ích.

 

Những Vấn Đề Về Lịch Sử

Một số vấn đề khó hiểu thuộc lịch sử nảy sinh từ thông tin bên ngoài Kinh Thánh, và những vấn đề khó hiểu khác bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ được khẳng đinh. Những cáo buộc từ bên ngoài Kinh Thánh thường xuất phát từ những người theo học thuyết chống lại các sự kiện siêu nhiên. Ví dụ, giả sử về sự tiến hóa của con người và nền văn hóa, một số tác giả khẳng định rằng năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh (Ngũ Kinh) không thể có từ thời Môi-se vì khi đó hầu hết mọi người đều mù chữ và Môi-se không biết viết. Nhưng sau đó Bộ luật Hammurabi được phát hiện, và vì nó được viết vào khoảng năm 1728 trước Công nguyên, nên những phản đối về quyền tác giả của Môi-se đối với bộ Ngũ kinh đã bị bãi bỏ.

Những phản đối tương tự về độ tin cậy tính lịch sử của Kinh Thánh đã được nghiên cứu khảo cổ học đánh bại. Theo nhà khảo cổ học William F. Albright, “Cho đến gần đây, đó là kiểu cách giữa các nhà sử học Kinh Thánh khi luận giải các chuỗi sự kiện về chế độ tộc trưởng trong sách Sáng thế ký như thể những câu chuyện đó là tác phẩm của những nhà viết sử Israel hoặc những câu chuyện hư cấu bằng trí tưởng tượng… Những khám phá khảo cổ học kể từ năm 1925 đã thay đổi tất cả điều này. Ngoài một số người bảo thủ trong số các học giả lớn tuổi, hiếm có nhà sử học Kinh Thánh nào không bị ấn tượng bởi sự tích lũy nhanh chóng các thông tin, dữ liệu hỗ trợ cho truyền thống gia trưởng.”

Sự tồn tại của người Hê-tít, được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, đã được luận giải với thái độ nghi ngờ lớn cho đến khi thủ đô của họ được khai quật vào năm 1906 tại một nơi cách Ankara chín mươi dặm. Quy mô của thành Ni-ni-ve, “một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường” (Giô-na 3:3) đã bị Voltaire chế giễu như một lỗi sai về địa lý. Nhưng khảo cổ học sau đó đã xác nhận đây là thông tin đúng trong Kinh Thánh.

Những lời phản đối lặp đi lặp lại, thường thường dựa trên những giả định sai lầm đã bị lật tẩy bởi những bằng chứng rõ ràng của ngành khảo cổ học. Một trong những nhà khảo cổ học được kính trọng nhất trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, là học giả người Do Thái Nelson Glueck, đã quả quyết tuyên bố những phát hiện của ông liên quan đến độ tin cậy lịch sử của Kinh Thánh: “Thực tế là không có khám phá khảo cổ nào đã từng phủ nhận các dữ liệu trong Kinh Thánh. Nhưng chúng đưa ra các chứng cớ rõ ràng cho những thông tin từ Kinh Thánh.” Một số vấn đề của lịch sử cần thêm thông tin. Tuy nhiên không có bằng chứng nào chống lại sự vô ngộ của Kinh Thánh.

Cũng có thể giải thích hợp lý khi tất cả thông tin được nhận biết liên quan đến những mâu thuẫn lịch sử được cho là trong Kinh Thánh. Sự khác biệt trong các lời giải trình của Phúc Âm về cùng một sự việc là nguồn gốc của các vấn đề đối với một số người. Một trong những mối quan tâm phổ biến nhất là sự chối Chúa của Phi-e-rơ và tiếng gà gáy. Theo lời kể của Mác, “đêm nay, trước khi gà gáy hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần” (14:30,72) trong khi Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ tường thuật rằng trước khi gà gáy, thì Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần (Ma-thi-ơ 26:34, 74-75; Lu-ca 22:34, 60–61).

Tuy nhiên, không có mâu thuẫn nào tồn tại ở đây. Ma-thi-ơ và Lu-ca không nói tiếng gà  gáy một lần ngược lại với Mác là hai lần. Họ chỉ đơn giản là đề cập đến tiếng gà gáy. Khi chúng ta nhớ rằng “gà gáy” là một thành ngữ chỉ về buổi sáng sớm, các giải trình này có thể được hài hòa một cách dễ dàng. Theo Mác 13:35, “chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai” là bốn canh giờ trong đêm của người La Mã. Nhưng tiếng gà gáy có thể sớm hơn, từ nửa đêm trở đi. Ma-thi-ơ và Lu-ca đã cho chúng ta điểm chính về lời tiên đoán của Chúa Giê-su rằng Phi-e-rơ sẽ chối Chúa ba lần trước sáng sớm, được báo hiệu bằng tiếng gà gáy. Mặt khác, Mác thuật lại những lời Chúa Giê-su nói chi tiết hơn. Vì vậy, cả hai lời tường thuật đều đúng.

Một vấn đề tương tự thường được nêu ra liên quan đến số lượng các thiên sứ tại ngôi mộ của Chúa Giê-su. Các nhà phê bình chỉ ra rằng Ma-thi-ơ và Mác chỉ đề cập đến một thiên sứ tại mộ Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 28:2-5: Mác 16:5), trong khi Lu-ca và Giăng đề cập đến hai thiên sứ (Lu-ca 24:4; Giăng 20:12). Một lần nữa, không có mâu thuẫn nào ở đây, bởi vì sự hiện diện của hai thiên sứ chắc chắn không mâu thuẫn với thực tế là một thiên sứ đã có mặt. Hai giải trình có thể dễ dàng được coi là bổ sung cho nhau.

Các vấn đề về sự thay đổi trong các giải trình, chẳng hạn như những vấn đề vừa nêu ra, nói chung có thể được giải quyết nếu chúng ta ghi nhớ nguyên tắc rằng sự khác biệt có thể có nhưng mà không mâu thuẫn. Người viết có thể đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn để đưa ra một điểm nhấn khác hoặc một phần khác của câu chuyện.

Vấn đề cũng có thể được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng hai sự trình bày có thể không nói về điều gì đó theo cùng một nghĩa.

Một ví dụ cho điều này liên quan đến việc liệu Giăng Báp-tít có phải là Ê-li hay không. Khi được hỏi liệu ông có phải là Ê-li không, Giăng Báp-tít trả lời: “Tôi không phải” (Giăng 1:21). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng rằng Giăng Báp-tít là Ê-li (Ma-thi-ơ 11:14). Tình huống khó xử này được giải quyết khi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giê-su không ám chỉ Giăng Báp-tít và Ê-li theo cùng một ý nghĩa. Người Do Thái, nhớ rằng Ê-li đã được đem lên trời trong một cỗ xe ngựa lửa trong khi còn sống (2 Các vua 2:11), họ mong đợi cùng một Ê-li đó sẽ trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri của Ma-la-chi (Ma-la-chi 4:5). Giăng không phải là Ê-li theo nghĩa này, và vì vậy Giăng đã đúng khi trả lời là không phải. Một phương diện khác, liên quan đến sự ra đời của Giăng, thiên sứ đã tuyên bố rằng Giăng sẽ đến “trong linh hồn và quyền năng của Ê-li” để ứng nghiệm lời tiên đoán của Ma-la-chi. Hầu biết rằng Giăng đã ứng nghiệm một cách khái quát lời tiên đoán của Ma-la-chi về Ê-li như là một người báo trước về ngày Chúa đến, nên Chúa Giê-su có thể xác định Giăng là Ê-li.

Khi đối mặt với sự khác biệt rõ ràng, chúng ta cũng phải hỏi xem Kinh Thánh đang nói về cùng một sự kiện hay một sự kiện tương tự nhưng cách nhìn khác nhau. Vì các môn đồ vẫn đặt câu hỏi rằng họ có thể kiếm đủ thức ăn ở đâu để cho bốn ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 15:32-33) sau khi họ đã chứng kiến ​​phép lạ cho năm ngàn người ăn, nên nhiều nhà phê bình coi câu chuyện của bốn ngàn người là không có gì khác hơn là một “sự lặp lại”, hoặc sự nhắc lại của báo cáo trước đó về việc cho năm nghìn người ăn (14:15-21), mà theo họ, dẫn đến một sự mâu thuẫn rõ ràng. Tuy nhiên, không có gì ngăn cản việc hiểu rằng Ma-thi-ơ đang tường thuật hai sự việc có phần giống nhau, nhưng lại khác nhau. Trong báo cáo đầu tiên, có năm cái bánh và hai con cá, và năm ngàn người được cho ăn. Trong khi báo cáo thứ hai, thì có bảy cái bánh và một vài con cá nhỏ, và bốn ngàn người được cho ăn. Mối quan tâm của các môn đồ là thức ăn sẽ đến từ đâu sau khi Chúa Giê-su cho năm nghìn người ăn một cách kỳ diệu. Họ vẫn cảm thấy khó khăn để hiểu về các việc quyền năng của Chúa Giê-su.

Cũng cần phải nhận ra rằng những trước giả Kinh Thánh thường sử dụng các phương pháp tính toán khác với các phương pháp được sử dụng ngày nay. Điều này đặc biệt đúng đối với ngày tháng. Có một số bằng chứng cho thấy năm mới lần đầu tiên được tính là bắt đầu từ mùa thu và sau đó được đổi thành mùa xuân. Tuy nhiên, năm mới của Do Thái giáo thì bắt đầu với Lễ vượt qua vào mùa xuân. Chúng ta cũng làm điều tương tự khi sử dụng năm tài chính trong thu chi hiện nay.

Người cổ đại cũng sử dụng các phương pháp khác nhau để tính niên hiệu trị vì của các vị vua. Theo một hệ thống, bất kỳ khoảng thời gian nào của năm dương lịch đều được coi là triều đại của một năm. Ví dụ, sử dụng lịch của chúng ta, nếu một vị vua lên ngôi vào tháng 12 của một năm, thì vị vua ấy đã hoàn thành năm đầu tiên của mình vào cuối tháng 12 và bắt đầu năm thứ hai vào ngày 1 tháng một. Theo một hệ thống khác, thì năm cai trị đầu tiên sẽ được tính bắt đầu từ tháng Giêng mà không kể đến tháng nào của năm trước nhà vua đã trị vì.

Các nhà ghi chép cổ đại của vùng Cận Đông cũng không lập danh sách theo thứ tự niên đại về những người cai trị của họ như chúng ta ngày nay. Họ chỉ đơn giản liệt kê các triều đại của từng vị vua liên tiếp mà không đồng bộ hóa chúng với nhau. Các triều đại của một số vua Y-sơ-ra-ên chồng chéo lên nhau. Khi những quan điểm cốt lõi này được công nhận, các vấn đề khó hiểu về niên đại được cho là sẽ biến mất.

Các trước giả Kinh Thánh đôi khi di chuyển các trình tự thời gian trong việc ghi  các sự kiện lịch sử; họ thực hiện mục đích này nhằm phát triển các chủ đề cụ thể. Tuy nhiên, thực tế niên đại là mối quan tâm thứ yếu đối với họ nhưng không có nghĩa là họ không quan tâm đến tính chính xác. Như Craig Blomberg nói, “Một phân tích cẩn thận cho thấy rằng không có hai sách Phúc âm nào mâu thuẫn với nhau về niên đại cả.” Hơn nữa, tính chính xác của Kinh Thánh ngày càng được các học giả gần đây kiểm chứng.

Những vấn đề khó hiểu khác trong Kinh Thánh là do sai sót của những người sao chép. Như đã thảo luận ở phần sau, các bản chép tay từ các bản Kinh Thánh hiện tại của chúng ta được dịch ra rất gần với các tác phẩm gốc, nhưng chúng vẫn là bản sao. Không có máy in ấn và các phương tiện sao chép hiện đại khác. Các thầy thông giáo đã sao chép Kinh Thánh nhiều lần bằng tay. Trừ khi chúng ta đặt ra khả năng tuyệt vời của những người sao chép tương tự như nguồn cảm hứng của các trước giả, con người không thể tạo ra dù chỉ một bản sao hoàn hảo. Ngay cả với các kỹ năng kỹ thuật về chương trình kiểm tra lỗi chính tả của máy tính và các công cụ hỗ trợ khác, bao gồm cả những người hiệu đính lành nghề, thì các lỗi vẫn có thể xảy ra. Người ta chỉ nghĩ đến việc đọc các tài liệu viết tay, nhưng một số tài liệu đã bị sờn và bị ố vàng do sử dụng, và việc sao chép chúng một cách hoàn hảo lại nhận ra sự bất khả thi để có các bản sao hoàn hảo.

Việc xem xét cẩn thận các bản sao đầu tiên của Kinh Thánh cho thấy bằng chứng về những sai lầm điển hình đã mắc phải khi sao chép một tài liệu. Việc bỏ sót các chữ cái hoặc từ cần thiết (lối viết lược bớt âm tiết trùng nhau) có thể dễ dàng xảy ra. Các từ bị bỏ sót khi mắt người sao chép trượt xuống từ dòng này sang dòng khác. Việc chuyển đổi vị trí của các từ cũng có thể dễ dàng xảy ra, như có thể xảy ra trong 2 Sa-mu-ên 8:17, “Xa-đốc, con trai A-hi-túp, và A-hi-mê-léc, con trai A-bia-tha, làm thầy tế lễ” trong đó A-hi-mê-léc được cho là con trai của A-bia-tha trong khi 1 Sa-mu-ên 22:20 nói ngược lại, “một trong các con trai của A-hi-mê-léc, cháu của A-hi-túp, tên là A-bia-tha.” A-bia-tha ở câu này là con trai của A-hi-mê-léc.

Chính hình thức viết bằng tay làm tăng thêm sự khó hiểu trong việc tạo ra các bản sao hoàn hảo. Ví dụ, một số chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Do Thái có bề ngoài khá giống nhau. Trong chữ viết tay, có thể dễ nhầm lẫn một số chữ cái này, cũng giống như chữ “r” và “n” đôi khi rất khó phân biệt trong chữ viết tay của một số nhà văn viết tiếng Anh. Mặc dù các con số được viết bằng chữ trong văn bản tiếng Do Thái, nhưng có bằng chứng về hệ thống các dấu hiệu bằng con số ban đầu trong thời kỳ Cựu Ước. Các nét dọc được sử dụng để biểu thị các chữ số và các nét ngang để biểu thị hàng chục, được viết một nét bên trên chữ kia để cho bội số của mười. Trong một hệ thập phân như vậy, có thể dễ dàng thấy những sai lầm vô ý có thể được thực hiện như thế nào ngay cả khi chúng ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc thêm một số không vào một số lớn. Sau đó, thì các chữ cái trong bảng chữ cái cũng được sử dụng cho các con số, do đó khiến các con số có thể bị sao chép một cách sai trật vì chữ cái này bị nhầm lẫn với chữ cái khác trong một tài liệu bị ố vàng hay hư hỏng.

Một ví dụ rõ ràng được tìm thấy trong các con số được ghi trong 2 Các Vua 24:8 và 2 Sử Ký 36:9. Theo lời kể của các vua, Giê-hô-gia-kin trở thành vua khi mới mười tám tuổi và trị vì ba tháng trước khi bị lưu đày. Tuy nhiên, câu này trong sách Sử ký nói rằng ông ta chỉ mới tám tuổi khi ông ta bắt đầu trị vì, và ông ta đã trị vì ba tháng mười ngày. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn do lỗi của người sao chép. Vì số mười tám được viết bằng tiếng Do Thái là “tám” và “mười”, có vẻ như rõ ràng là “mười” đã bị đặt sai vị trí. Chính xác là nó đã được kết hợp với tám trong số mười tám trong sách Các vua—tạo ra số mười tám—nhưng nó đã bị bỏ qua trong sách Sử ký. Trên thực tế, một số bản viết tay tiếng Hy Lạp và tiếng Sy-ri của 2 Sử ký 36:9 ghi lại rằng Giê-rô-bô-am mới là mười tám tuổi, như trong 2 Các Vua 24:8.

Trong một số trường hợp, việc sao chép được thực hiện bởi người ghi chép bằng cách là có người khác đọc to bản văn gốc. Vấn đề là một số từ nghe giống nhau khi phát âm bằng lời nói, nhưng có cách viết và nghĩa khác nhau trong tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp và điều này có thể dễ dàng giải thích vì một số lỗi khi sao chép.

Hầu hết các sự khác biệt được nói đến trong Kinh Thánh thì liên quan đến những cái tên, ngày tháng hoặc con số. Đây là những điều dễ dẫn đến sự sai lạc nhất vì chúng không thể được xác định từ bối cảnh. Đó là, “tên, ngày tháng và con số cụ thể là những mục không thể được dự đoán về mặt ngữ pháp trong một câu, hoặc được nhớ bởi lý do của trật tự từ hoặc ý nghĩa chung.” Ví dụ, nếu chúng ta đang sao chép một câu có tên thị trưởng của một thành phố, chúng ta có thể dễ dàng viết “Joe” thành “John” nếu chúng ta không biết về ông ta một cách cá riêng tư. Cả hai đều phù hợp với câu. Mặt khác, nếu chúng ta đang sao chép một câu về nữ hoàng, chúng ta sẽ không viết “Joe” hoặc “John” bởi vì chúng ta sẽ cảm nhận được ngay điều gì đó phi lô-gíc và sẽ kiểm tra lại những gì chúng ta đang viết. Điều này cũng đúng với các con số và ngày tháng. Chúng ta có thể dễ dàng viết năm 1046 thay vì 1064 cho một sự kiện mà bản thân chúng ta không hề biết đến. Nhiều sai sót trong việc truyền tải các tài liệu Cựu Ước nằm trong những lĩnh vực này vì không có ý nghĩa cụ thể đối với người sao chép. Mặc dù vậy, so với hầu hết các tác phẩm cổ đại có độ dài đáng kể khác, thì Kinh Thánh chứa đựng tương đối ít câu hỏi liên quan ngay cả trong những lĩnh vực này.

 

Những Vấn Đề Về Khoa Học

Hầu hết những vấn đề được gọi là khoa học trong Kinh Thánh đều bắt nguồn từ cách tiếp cận thực tế là loại trừ những sự kiện siêu nhiên. Phép lạ bị bác bỏ cho rằng như là chuyện thần thoại vì chúng mâu thuẫn với các quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, khi sự tồn tại của Đức Chúa Trời được chấp nhận, chúng ta không có lý do chính đáng nào để phủ nhận sự can thiệp siêu nhiên của Ngài.

Vì sự tiến hóa chưa bao giờ được chứng minh một cách khoa học, nên không có cơ sở nào để buộc tội Kinh Thánh sai lầm khi tuyên bố về sự sáng tạo. Các nhà khoa học tin cậy Kinh Thánh và ngày càng có nhiều người khẳng định rằng thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết chưa được chứng minh. Vài năm trước Gerald A. Kerkut, đã viết tác phảm Những Tác Động của Sự Tiến Hóa (Elmsford, NY: Pergamon, 1960). Trong đó, ông đưa ra bảy nguyên tắc cơ bản của thuyết tiến hóa. Theo Kerkut, không điều nào trong số bảy điều này đã từng được chứng minh. Gần đây, với sự hiểu biết ngày càng tăng về thiết kế tuyệt vời của các dạng sống và sự phụ thuộc lẫn nhau được hiệu chỉnh, tính hợp lý của thuyết tiến hóa càng bị đặt nhiều nghi vấn.

Một số tuyên bố mang tính biệt lập đôi khi được nêu lên như là ví dụ cho thấy Kinh Thánh thiếu kiến thức chính xác về khoa học. Một trong những trường hợp kinh điển là lời Chúa Giê-su tuyên bố rằng hạt cải “nhỏ hơn tất cả các loại hạt khác” (Ma-thi-ơ 13:32). Vì các nhà thực vật học biết rằng hạt phong lan nhỏ hơn, họ nói rằng Chúa Giê-su đã nhầm. Tuy nhiên, trong số những hạt giống mà người Do Thái gieo trong vườn hoặc ruộng của họ, hạt cải là hạt nhỏ nhất. Theo Gleason Archer, “Chưa ai chứng minh được rằng người Palestine cổ đại đã trồng bất cứ thứ gì có hạt nhỏ hơn hạt cải đen”. Vì vậy, nó trở thành tục ngữ khi nói nó là hạt giống nhỏ nhất (17:20; Lu-ca 17:6), và tuyên bố của Chúa Giê-su phải được hiểu trong khung cảnh này. Tuyên bố của Ngài chỉ có thể bị buộc tội nếu Ngài có ý định đưa ra một tuyên bố khoa học bao hàm tất cả các mầm sống của mọi tạo vật.

Một số người cũng thấy một lỗi của lời tuyên bố của trong Lê-vi Ký 11:6 rằng con thỏ “nhai lại”. Có thể có một số giải thích. Đúng như vậy, thỏ không nhai thức ăn bằng cách nuốt thức ăn mà không nhai kỹ và sau đó sẽ nôn ra để nhai kỹ hơn. Tuy nhiên, chuyển động quai hàm của nó tương tự như chuyển động của các loài động vật nhai lại. Cũng có thể thuật ngữ tiếng Do Thái được dịch là “nhai lại” không có nghĩa chính xác với ý nghĩa của chúng ta thường hiểu. Lạc đà và  thỏ cũng được cho là loài nhai lại, nhưng về mặt kỹ thuật thì chúng không làm như vậy. Cuối cùng, một số nhà sinh vật đã giải thích rằng loài thỏ tham gia một quá trình tiêu hóa kỳ lạ. Đôi khi chúng đi ra phân rồi sau đó ăn lại lần nữa. Một số loại thực phẩm khó tiêu hóa được vi khuẩn tác động trong lần đầu tiên đi qua ruột và sau đó có thể được tiêu hóa tốt hơn ở lần thứ hai. Như vậy thỏ đang “nhai lại”.

Khi các câu nói trong Kinh Thánh được hiểu với ý nghĩa dự định, thì không một câu nào trong số đó được chứng minh là sai. Điều này càng tuyệt vời hơn khi chúng ta xem xét về nhiều lỗi kỹ thuật xuất hiện trong các tác phẩm của con người cổ đại.

 

Các Vấn Đề Về Tín Lý và Đạo Đức

Trong hầu hết các trường hợp, các câu hỏi về những tuyên bố đối với tín lý và đạo đức trong Kinh Thánh sẽ dễ dàng được giải quyết khi chúng ta hiểu biết cách đầy đủ những gì Kinh Thánh thực sự muốn nói. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, vấn đề khó hiểu nảy sinh khi có người chỉ trích Kinh Thánh chỉ đơn giản là không đồng ý với vấn đề đạo đức của Kinh Thánh.  Có thể ghi nhận những điều này chỉ là những vấn đề đối với sự soi dẫn nếu chúng ta cho rằng quan điểm của người phản đối là đúng.

Sự xúi giục về việc kiểm tra dân số của Đa-vít thường được coi là một mâu thuẫn thần học. Trong 2 Sa-mu-ên 24:1, “Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va lại nổi phừng cùng dân Y-sơ-ra-ên. Ngài giục lòng Đa-vít nghịch cùng chúng, mà rằng: Hãy đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa.” Chúng ta đọc thấy Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Tuy nhiên, trong 1 Sử-ký 21:1, “Sa-tan dấy lên muốn làm hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn giục Đa-vít lấy số Y-sơ-ra-ên.”  Ở đây Sa-tan được cho là đã xúi giục Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên. Một số người nói rằng đây là dấu hiệu của hai môn thần học khác nhau, một là Đức Chúa Trời kiểm soát thế giới và hai là Sa-tan kiểm soát. Một nhà phê bình khác tin rằng người chép sử đã sửa lại lời tuyên bố trước đó của Sa-mu-ên. Rõ ràng là ông không tin rằng Đức Chúa Trời đã xúi giục Đa-vít thực hiện một cuộc điều tra dân số để bày tỏ sự tức giận của Ngài đối với Y-sơ-ra-ên.

Tuy nhiên, câu trả lời cho chuyện này không khó, khi chúng ta hiểu về mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Đức Chúa Trời thường cho phép Sa-tan thực hiện những việc làm xấu xa của nó vì một mục đích lớn hơn. Vì vậy, Đức Chúa Trời trong trường hợp này được trình bày như là nguyên nhân cuối cùng khiến Sa-tan thúc giục Đa-vít thực hiện hành động này. Các tình huống song song được tìm thấy trong việc Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan tấn công Gióp (Gióp 1:12; 2:6) và trong việc Ngài sai ác linh đến gây rắc rối cho Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 16:14). Điều cần nhớ là đối với các trước giả Kinh Thánh, không có gì nằm ngoài quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết đầy đủ về sự dạy dỗ trong Kinh Thánh về một chủ đề nhất định. Một câu Kinh Thánh thường đưa ra một mặt của vấn đề, và một câu khác nhìn nó từ một khía cạnh khác. Trong khi hai bên có vẻ mâu thuẫn, nhưng trên thực tế, chúng là một phần của toàn bộ sự thật.

Chúng ta cũng phải tìm cách để hiểu các từ trong ngữ cảnh riêng của chúng. Vấn đề khó hiểu được cho là giữa Phao-lô và Gia-cơ về việc biện luận có thể dễ dàng giải quyết khi chúng ta xem xét cách họ sử dụng những từ ngữ tương tự nhau. Phao-lô tuyên bố rằng chúng ta được xưng công bình bởi đức tin mà không cần việc làm (Rô-ma 4:5; Ê-phê-sô 2:8-9), nhưng Gia-cơ tuyên bố rằng sự xưng công bình đến bởi đức tin và việc làm (Gia-cơ 2:24). Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét việc sử dụng các từ “đức tin” và “việc làm”, chúng ta thấy rằng sự biện luận của Gia-cơ và Phao-lô về các từ này không có nghĩa hoàn toàn giống nhau.

Gia-cơ đã sử dụng từ “đức tin” theo hai nghĩa. Theo một nghĩa nào đó, nó có nghĩa là loại niềm tin đồng ý mà ngay cả ma quỷ cũng có (2:19). Ông nói, đức tin hay niềm tin như vậy là không đủ khả năng để được cứu rỗi. Thay vào đó, nó phải là một đức tin đang sống và đưa ra bằng chứng trong cuộc sống về các việc làm. “Việc làm” đối với Gia-cơ là việc thực hành đức tin cứu rỗi.

Mặt khác, đức tin mà Phao-lô muốn nói là một niềm tin thực sự của vấn đề trong hành động. Ông nói về một đức tin hành động thông qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6). Khi phản đối “việc làm” để được cứu rỗi, Phao-lô muốn nói đến những việc làm có tính chất hợp pháp mà mọi người có thể đạt được.

Vì vậy, khi chúng ta xem xét ý nghĩa của những từ này trong ngữ cảnh của chúng, cả Phao-lô và Gia-cơ đều tin như vậy. Mỗi người đều nhấn mạnh một khía cạnh nhất định của lẽ thật. Phao-lô tin rằng các cá nhân chỉ được cứu bởi đức tin, một đức tin sống và hành động. Gia-cơ cũng tin rằng mọi người được cứu bởi đức tin, đức tin này còn hơn cả sự đồng tình về mặt lý trí – một đức tin có việc làm.

Một số nhà phê bình nói rằng Cựu Ước cho phép chế độ đa thê, trong khi Tân Ước thì không. Trong khi Cựu Ước trình bày rằng một số dân sự của Đức Chúa Trời bao gồm cả những người lãnh đạo có nhiều hơn một người vợ, nhưng Kinh Thánh không bao giờ dạy rằng đây là ý định của Đức Chúa Trời đối với hôn nhân. Trên thực tế, Kinh Thánh cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy đây không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời.

Một vấn đề khác liên quan đến mạng lệnh của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên là phải tiêu diệt kẻ thù khi đã chinh phục Đất Hứa (Phục. 20:16-18). Và rất nhiều Thi thiên ghi lại những lời cầu nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt kẻ thù của họ (ví dụ, Thi. 55, 59, 79, 109, 137). Những đoạn văn này dường như đang bày tỏ cho những hành động và thái độ trái với đạo đức, và chúng dường như mâu thuẫn với những câu nói rằng những người tin Chúa phải yêu kẻ thù của họ (Lu-ca 6:35–36).

Một số yếu tố có thể được nhận thấy về những vấn đề được cho là vô đạo đức này. Trong suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không chỉ được xem là Đức Chúa Trời của tình yêu thương vô hạn, mà còn là Đức Chúa Trời của sự phán xét công bình. Chắc chắn không có sự thay đổi nào giữa Cựu Ước và Tân Ước khi chúng ta xem xét thực tế của sự phán xét trong tương lai đã được báo trước một cách rõ ràng trong Tân Ước (Khải. 19:11-21). Trên thực tế, Chúa Giê-su nói về sự hủy diệt đời đời dành cho những người từ chối Đức Chúa Trời hơn bất kỳ trước giả Tân Ước nào.

Những tiếng kêu cứu đòi sự báo thù của Đức Chúa Trời, mà những người viết Thi thiên nêu lên để chống lại kẻ thù là bằng chứng về việc dân sự nhận thức sự công bình và lẽ thật của Đức Chúa Trời. Họ chỉ ra thời điểm mà tội lỗi sẽ bị hạ gục và sự công bình sẽ chiến thắng.

Mạng lịnh của Đức Chúa Trời là giết người Ca-na-an sẽ dễ hiểu hơn khi chúng ta nhận ra mức độ sự sa đọa của họ. Đức Chúa Trời chống lại họ khi tội lỗi của họ đạt đến một mức độ cao không thể phục hồi (Sáng. 15:16; Lêvi. 18:24–30). Và rồi, vì họ nghiện tất cả các hình thức tội lỗi gớm ghiếc đã tiêm nhiễm vào xã hội, Đức Chúa Trời đã đưa ra phán xét trên họ thông qua dân sự của Ngài. William Arndt mô tả trường hợp này là đúng.

Các bộ lạc Ca-na-an thể hiện những thói xấu xa vô đạo đức đã làm cho cái chén tội lỗi của họ gia tăng đến tràn trề. Khi hình phạt đến, nó giáng xuống tất cả cư dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Lỗi không phải là của Đức Chúa Trời; họ đã tự biến mình trở thành những người chà đạp dưới chân các luật công bằng và chính trực. Hãy hình dung thế này: khi những người đàn ông đưa bản thân và gia đình họ lên một con tàu, rồi chèo thuyền ra biển để có một chuyến đi chơi vui vẻ, và biến con tàu đó trở thành một nơi đầy dẫy sự gớm ghiếc và trụy lạc, và sau đó tất cả đều chết trong một cơn bão rất mạnh bất ngờ ập xuống họ, ai là người đáng trách? Bạn sẽ buộc tội Đức Chúa Trời vì đã không phân biệt đối xử giữa người lớn và trẻ em? Một khía cạnh đáng sợ của tội lỗi là sự khốn nạn mà nó tạo ra giống như một cơn xoáy nước, mà sức hút của nó sẽ hút mọi vật thể gần đó xuống đáy sâu. Đó là phụ nữ Ca-na-an phóng túng và là công cụ khiến dân Y-sơ-ra-ên rời bỏ con đường chân lý và sự trong sạch, hay là đối với những đứa trẻ thà chết từ khi còn nhỏ hơn là khi lớn lên sẽ trở thành như những kẻ sùng bái thần tượng và trụy lạc?

Khi chúng ta xem xét cách đầy đủ bản chất đạo đức của Đức Chúa Trời như đã được dạy trong Kinh Thánh, thì những phân đoạn này không còn gây ra vấn đề khó khăn gì nữa. Người Ca-na-an đối diện với thực tế nghiêm khắc của sự phán xét; những điều họ làm chỉ có thể được gọi là vô đạo đức đến nỗi Đức Chúa Trời không thể chấp nhận.

 

admin

sách tham khảo UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn