Thứ Tư , 4 Tháng Mười Hai 2024
Home / THẦY ƠI / Đức Chúa Trời Có Một Kế Hoạch

Đức Chúa Trời Có Một Kế Hoạch

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỘT KẾ HOẠCH.

Hiểu biết về Lịch sử, các Lời tiên tri và Sự phân phát của Đức Chúa Trời.

Giải thích các từ ngữ:

Dispensation (n):  sự phân phát.

Các từ phái sinh:
Dispensationalism (n):  niềm tin vào một hệ thống tiến triển lịch sử, như được tiết lộ trong Kinh Thánh, bao gồm một loạt các giai đoạn trong sự mặc khải và kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Có thể được dịch là thuyết phân kỳ hay thần học giai đoạn.

Dispensationalists (n): Những người tin theo sự phân phát của Đức Chúa Trời, tin rằng Đức Chúa Trời ban phát sự sống của chính Ngài vào trong con người trong từng giai đoạn lịch sử, tin vào thần học giai đoạn.

Dispensational theology (n): thần học giai đoạn.

 

 

Khi một từ thần học khác thường xuất hiện trong các bài suy ngẫm Kinh Thánh, nó rất dễ gây hiểu nhầm hoặc hiểu sai. Gần đây từ “dispensation – sự phân phát” được yêu cầu làm sáng tỏ trong bối cảnh các Cơ đốc nhân người Mỹ ủng hộ Israel. Đây là cơ hội để chúng ta nói, “Rất vui, vì bạn đã quan tâm điều đó.”  Chúng ta cũng có từ  phái sinh dispensationalismthuyết phân kỳ nghiên cứu về tình yêu và sự quan phòng của Đức Chúa Trời qua các giai đoạn lịch sử – bao gồm luôn các sự kiện trong tương lai, sự tập trung của nó không chỉ vào các thời đại hay các ngày quan trọng được đánh dấu trên tờ lịch nhưng là chính Đức Chúa Trời. Bài viết này được biên soạn để trả lời một số câu hỏi sau:

 

HỎI: Thuật ngữ “dispensation – sự phân phát” có ý nghĩa gì?

ĐÁP: Sự phân phát  có thể được định nghĩa là một cơ cấu tổ chức cụ thể trong khoảng thời gian được Đức Chúa Trời chỉ định, trong đó Ngài giao cho con người những trách nhiệm cụ thể để tuân theo sự mặc khải của Ngài trong tiến trình lịch sử.

Sự phân phát trở nên rõ ràng bởi sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Khởi đầu của sự phân phát đến từ sự mặc khải thiên thượng của Đức Chúa Trời về sự thay đổi trong mối quan hệ của Ngài với con người và trách nhiệm của con người đối với Ngài. Phao-lô viết cho hội thánh Ê-phê-sô, “Vả, anh em có nghe về sự phân phát của ân điển Đức Chúa Trời (the dispensation of the grace of God) mà Ngài đã ban cho tôi vì anh em,  thể nào bởi sự tỏ ra, tôi đã hiểu biết điều mầu nhiệm mà tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời.” (Ê-phê-sô 3:2-3). Sau đó trong cùng chương sách này, ông xác định sự thay đổi của các mối quan hệ mà trong đó: hội thánh, dân ngoại và người Do Thái được cho là “kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin lành mà lập trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (Ê-phê-sô 3:6).

 

HỎI: Ai là người đã phát minh ra học thuyết  “dispensationalism – niềm tin vào sự phân bố của Đức Chúa Trời trong từng giai đoạn lịch sử để hoàn thành sự cứu chuộc” và theo ngôn ngữ hàng ngày, nó có nghĩa là gì?

ĐÁP: Thuật ngữ  dispensation – Tiếng Việt dịch là sự phân phát  được sử dụng trong bản dịch King James Version sau đây:

“If ye have heard of the dispensation of the grace of God which is given me to you-ward.” (Ephesians 3:2)

Vả, anh em có nghe về sự phân phát của ân điển Đức Chúa Trời mà Ngài đã ban cho tôi. (Ê-phê-sô 3:2. Lưu ý: Trong bản Kinh Thánh Tiếng Việt, câu này không dùng từ sự phân phát.)

“Whereof I am made a minister, according to the dispensation of God which is given to me for you, to fulfil the word of God.” (Col. 1:25. KJV)

Tôi làm kẻ giúp việc của Hội thánh đó, bởi sự phân phát của Đức Chúa Trời, là Đấng giao cho tôi cái phần việc truyền lời Chúa cho anh em cách trọn vẹn. (Cô-lô-se 1:25).

Bản thân từ dispensation – sự phân phát  có gốc từ tiếng Latin, nhưng ý nghĩa của nó thực sự bắt nguồn từ một thuật ngữ Hy Lạp là oikonomia  để chỉ sự quản lý. Trong thời Tân ước một người đảm nhận công việc quản lý là một quản gia – người này trải qua một giai đoạn chịu trách nhiệm hành chính là một nhà quản lý và cũng là nhà phân phối.

 

Một người theo thuyết phân kỳ  tin rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời là cung ứng sự cứu chuộc cho con người sa ngã và mục đích của Ngài là thành lập vương quốc trên đất, và  tiếp theo sau đó thực hiện công việc của Ngài trong suốt cõi đời đời. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, nhưng là một kế hoạch có từ trước trong ý định của Chúa. Ngài mong muốn hoàn thành các mục tiêu này trong kế hoạch của Ngài xảy ra trong từng giai đoạn có thể phân biệt được. Điều căn bản cho chỗ đứng  của sự phân phát trong Tân Ước là quan điểm này hiểu lời tiên tri trong Kinh thánh để nói rằng Đức Chúa Trời kiểm soát, điều khiển liên tục đối với Israel – trong tư cách là tuyển dân của Ngài và cũng là một quốc gia. Trong khi các Cơ đốc nhân thảo luận ý nghĩa chính xác của các lời tiên tri trong Kinh Thánh, thì những người theo thuyết phân kỳ tin rằng Chúa đặt lời tiên tri trong Quyển Sách nhằm mục đích để cung cấp cho chúng ta có cái nhìn đúng, để thúc đẩy chúng ta tiến đến sự tinh sạch nhờ ân điển Ngài, và rằng Ngài đã dự định lời tiên tri trở nên minh bạch, sáng tỏ một cách tiệm tiến.

 

 

 

HỎI: Tại sao niềm tin vào sự phân phát của Đức Chúa Trời, còn gọi là thuyết phân kỳ (dispensationalism) thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông?

ĐÁP: Niềm tin này đang xuất hiện trong các cuộc hội thảo về thời kỳ cuối cùng. Và thời kỳ cuối cùng lộ diện khi các quốc gia vùng Trung Đông xung đột với Israel và xung đột với nhau, hay khi các phóng viên nhìn  thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà truyền giáo Hoa Kỳ đối với Israel. Những Cơ đốc nhân ủng hộ Israel có thể giải thích điều này theo hai cách: 1) Sự kết hợp văn hóa: mối quan hệ lịch sử đơn thuần của nền văn minh phương Tây giữa người Do Thái và Cơ đốc giáo có nhiều điểm tương đồng, và 2) Sự kết hợp tôn giáo: Có những mẫu số chung giữa Cơ đốc giáo và Do Thái giáo.  Cựu ước nói đến giao ước của Đức Chúa Trời với Israel. Kinh Thánh bày tỏ rằng những ai chúc phước cho Israel sẽ được phước và những ai nguyền rủa tuyển dân sẽ bị nguyền rủa. “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.” (Sáng thế ký 12:3). Các câu  khác nói rằng Đức Chúa Trời ban lời hứa về quyền được hưởng đất  của  Israel trong tư cách là một quốc gia (Giô-suê 1:2-5  và đặc biệt là Thi thiên 105:8-11).

 

Giô-suê 1:2-5, “Môi-se, tôi tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Israel.  Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì ta ban cho các ngươi, y như ta đã phán cùng Môi-se. Địa phận các ngươi sẽ lan ra từ đồng vắng và Li-ban nầy cho đến sông cái, là sông Ơ-phơ-rát, tràn cả xứ dân Hê-tít cho đến biển cả về hướng mặt trời lặn.  Trót đời ngươi sống, sẽ chẳng ai chống cự được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu.”

 

Thi thiên 105:8-11, “Ngài nhớ đến sự giao ước Ngài luôn luôn, hồi tưởng lời phán dặn Ngài cho đến ngàn đời, tức là giao ước Ngài đã lập với Áp-ra-ham, đã thề cùng Y-sác, định cho Gia-cốp làm luật lệ, và lập cho Israel làm giao ước đời đời,  mà rằng: Ta sẽ ban cho ngươi xứ Ca-na-an, là phần sản nghiệp các ngươi.”

 

 

 

HỎI:  “Niềm tin vào sự phân phát của Đức Chúa Trời hay còn gọi là thuyết phân kỳ” xuất hiện ở đâu trong Kinh Thánh?

ĐÁP: “Niềm tin vào sự phân phát của Đức Chúa Trời hay còn gọi là thuyết phân kỳ” là một cụm từ không được tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng  thuật ngữ này được sử dụng để cung cấp cho chúng ta  sự hiểu biết về kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời.

 

Ví dụ, Cựu ước đề cao luật Môi-se – luật này là phương cách đầu tiên được Chúa ban để  hướng dẫn tuyển dân thiết lập  mối liên hệ với Ngài. Còn trong Tân Ước thì Thánh Linh Đức Chúa Trời nội trú bên trong tín nhân để hướng dẫn người đó liên hệ với Đức Chúa Trời. Đây là hai “thời kỳ hành chính” hoặc giai đoạn riêng biệt trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Nhưng có một giai đoạn khác nằm trong tương lai. Cụ thể là trong Khải huyền 20, công bố rằng Chúa Giê-su và các thánh đồ sẽ cai trị vương quốc một ngàn năm trên đất. “Những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm.” (Khải. 20:6)

 

HỎI: Các nhà truyền giáo có phải là nhóm duy nhất xác định những sự phân phát của Đức Chúa Trời?

ĐÁP: Những người thuộc nhiều giáo phái có lòng tôn kính cao đối với Kinh thánh đều nắm lấy sự hiểu biết về sự phân phát của Đức Chúa Trời. Và cũng có những người khác quan tâm đến Kinh Thánh có thể tin vào điều này theo một cách khác. Điều đó cho thấy, những người tin theo sự phân phát (tin theo thuyết phân kỳ) cho rằng cách tốt nhất để đọc Kinh Thánh là tin Đức Chúa Trời luôn giữ lời của Ngài. Và  Israel, dù là một quốc gia hay là một dân tộc cũng có chỗ đứng và tương lai trong chương trình của Chúa. Chúa sẽ hoàn tất chương trình của Ngài với tuyển dân theo giao ước mà Ngài đã thiết lập với họ. Về phần hội thánh, Đức Chúa Trời cũng có những lời hứa dành cho hội thánh, và chúng cũng sẽ được hoàn tất.

Sứ đồ Phao-lô tin vào tương lai của Israel trong tư cách vừa là tuyển dân vừa là một quốc gia. Ông xác nhận rằng cuối cùng họ sẽ được cứu. Vị sứ đồ viết trong Rô-ma 11:25-27, “Vả, hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm nầy, e anh em khoe mình khôn ngoan chăng: Ấy là một phần dân Israel đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ; vậy thì cả dân Israel sẽ được cứu, như có chép rằng:

Đấng Giải cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp;

Ấy là sự giao ước mà ta sẽ lập với họ, khi ta xóa tội lỗi họ rồi.”

 

Israel đề cập trong ngữ cảnh này là người Do Thái, khác với hội thánh. Những lời này của Phao-lô tiên báo một thời điểm khi Israel sẽ nhận ra Đấng giải cứu mình và làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu ước. Cơ đốc nhân tin rằng  Đấng giải cứu Israel  là Chúa Giê-su, và các sứ đồ đã giảng cho người Do Thái hy vọng này, “Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng cách đó mà làm cho ứng nghiệm lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các đấng tiên tri rằng Đấng Christ của Ngài phải chịu đau đớn.

Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi,  hầu cho kỳ thơ thái đến từ Chúa, và Chúa sai Đấng Christ đã định cho các ngươi, tức là Giê-su,  mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri.  Môi-se có nói rằng: Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Đấng tiên tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn. Hễ ai không nghe Đấng tiên tri ấy sẽ bị truất khỏi dân sự. Hết thảy các tiên tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các đấng nối theo người, cũng đều có rao truyền những ngày nầy nữa. Các ngươi là dòng dõi của các đấng tiên tri, và của giao ước Đức Chúa Trời đã lập với tổ phụ chúng ta, khi Ngài phán cùng Áp-ra-ham rằng: Các dân thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước. Đức Chúa Trời đã dấy đầy tớ Ngài lên, rồi trước hết sai Người xuống ban phước cho các ngươi, mà dắt ai nấy trong bọn các ngươi xây lại khỏi tội ác mình.” (Công vụ 3:18-26). Nhưng trong vài thế kỷ tiếp theo sau chức vụ của Phao-lô, tình trạng căng thẳng xuất hiện giữa người Do Thái và hội thánh đầu tiên khi các Cơ đốc nhân bắt đầu phỏng đoán rằng các tham chiếu trong Kinh thánh về Israel có nghĩa là cộng đồng Cơ đốc giáo và hội thánh đã thay thế cho người Do Thái cũng như quốc gia Israel để thừa hưởng những lời hứa của Đức Chúa Trời. Ngược lại với quan điểm này, niềm tin vào sự phân phát của Đức Chúa Trời tin rằng một ngày trong tương lai Đức Chúa Trời sẽ thực hiện mọi lời hứa trong Kinh Thánh mà Ngài đã hứa cùng tuyển dân Israel. Và hội thánh cũng sẽ nhận ra nhiều lời hứa của Đức Chúa Trời thông qua mối quan hệ của mình với Đấng Mê-si.

 

Cho rằng hội thánh hiện nay đã thay thế vị trí Israel trong kế hoạch của Chúa nghe có vẻ hợp lý đối với một số người đánh giá Israel không phải là một quốc gia cũng như không có đất đai. Trải qua nhiều thế kỷ niềm tin vào sự phân phát của Đức Chúa Trời xác định rằng Đức Chúa Trời sẽ tái lập quốc gia Israel trên đất của họ có vẻ thật xa vời. Nhưng vào khoảng hai thế kỷ gần đây, các nhà thần học bắt đầu nghiên cứu cẩn thận các lời hứa của Chúa trong Cựu ước liên quan đến các phần Kinh Thánh trong Tân ước. Các học giả đánh thức lại những lời tiên tri làm cho chúng sống lại như những hài cốt khô hồi sinh trong Ê-xê-chi-ên 37, điều này gợi ý mô tả sự hồi sinh của Israel từ một tình trạng dường như đã chết.

 

Như vậy, trọng tâm của thần học giai đoạn là tin rằng chương trình của Đức Chúa Trời dành cho dân tộc Israel không giống như chương trình của Ngài dành cho hội thánh.

 

 

HỎI: Chúa Giê-su liên hệ như thế nào với những sự phân phát?
ĐÁP: Có lẽ điều thay đổi  chính yếu nhất giữa những kỷ nguyên trước đây và kỷ nguyên hiện tại liên quan đến vai trò của Đấng Christ. Ngài là chìa khóa cho cả hai sự khải thị về sự phân phát mới và mối liên hệ mà chúng ta đang vui hưởng. Giăng 1:17 viết, “Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Chúa Giê-su Christ mà đến.” Ân điển và lẽ thật của Đức Chúa Trời chỉ có thể đến với chúng ta thông qua thân vị và công tác của Chúa Giê-su Christ. Dưới kinh luật của Môi-se các vua và thầy tế lễ đến từ hai chi phái khác biệt. Để cho Chúa Giê-su làm Vua và thầy tế lễ tế đòi hỏi sự mặc khải mới của Đức Chúa Trời có thể thay đổi mối quan hệ mà tín nhân sẽ được hưởng với Đức Chúa Trời qua Con của Ngài là Chúa Giê-su. Hê-bơ-rơ 7:12 viết, “chức tế lễ đã thay đổi thì luật pháp cần phải thay đổi.” Không có sự thay đổi trong những sự ban phát của Đức Chúa Trời, thì Chúa Giê-su không bao giờ trở thành Vua và thầy tế lễ thượng phẩm. Thực ra, Ngài là tiên tri, thầy tế lễ và là Vua.

 

HỎI: Những thay đổi nào có thể xảy ra từ sự phân phát này đến một sự phân phát khác?

ĐÁP: Một sự phân phát mới giới thiệu một sự sắp xếp của mối quan hệ và trách nhiệm mới mà  có thể có hoặc không có sự tiếp nối của các trách nhiệm từ sự phân phát trước đó. Ví dụ, khi luật Môi-se được thêm vào như Phao-lô đã biện hộ trong Ga-la-ti 3:17, “Vậy thì tôi nói rằng: Lời giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã kết lập thành rồi, thì không có thể bị hủy đi, và lời hứa cũng không có thể bị bỏ đi bởi luật pháp, là sự cách sau bốn trăm ba mươi năm mới có.”

Lời hứa ban phước của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông tiếp tục có hiệu lực trong suốt thời kỳ Luật Pháp.

 

Nói một cách khác, một khi Đấng Christ đến và  hy sinh vì tội lỗi, một số trách nhiệm như cắt bì, giữ các ngày thiêng liêng và kiêng ăn một số thực phẩm, vốn là những trách nhiệm thiết yếu theo giao ước Áp-ra-ham và Môi-se, không còn là những hành động bắt buộc nữa. Ví dụ khi đề cập đến sự cắt bì, Phao-lô viết, “trong Chúa Giê-su Christ, điều có giá trị không phải là cắt bì hay không cắt bì, nhưng là đức tin thể hiện trong tình yêu thương vậy.”  Về các ngày tháng đặc biệt và thực phẩm, ông viết trong Rô-ma 14:5-6, “Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình.  Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.”  Mỗi người sẽ phải tính sổ với Chúa, và sự chấp nhận của Ngài mới là vấn đề quan trọng nhất.

HỎI: Tại sao tiếp cận với sự phân phát của Đức Chúa Trời là quan trọng?

 

TRẢ LỜI: Tính liên tục và không liên tục của Kinh Thánh đã và đang tiếp tục là một chủ đề của các cuộc tranh luận lớn. Các khuynh hướng thần học khác nhau đã cố gắng xác định bức tranh tổng thể thích hợp dẫn đến chuyển động phù hợp trong các thời kỳ khác nhau của Kinh Thánh. Chúng ta nên nhớ rằng bất kỳ sự tổng hợp hay hệ thống hóa nào về lẽ thật của Đức Chúa Trời cũng đều là nỗ lực của con người. Do đó, khiêm tốn là một phẩm chất không thể thiếu khi chúng ta đối thoại với người khác và bảo vệ lẽ thật sau khi chúng ta hiểu nó.

 

Dr. Mark L. Baley là chủ tịch của Dallas Theological Seminary (DTS) đã viết:

 

“Chủng viện Thần học Dallas (DTS) trong lịch sử đã được ghi nhận là một tổ chức ủng hộ một hệ thống phân phối thần học. Với tư cách là một giảng viên, chúng tôi tin rằng thuyết phân kỳ, là một hệ thống, giải thích tốt nhất cho cả sự thống nhất cũng như tính đa dạng về chương trình cứu chuộc được trình bày trong Kinh Thánh. Sự liên tục trong chương trình cứu rỗi có thể được duy trì bằng cách tuân thủ mục đích chính của Đức Chúa Trời trong lịch sử, đó là thiết lập vương quốc của Ngài trên đất, và dưới sự chỉ định của Đức Chúa Trời, Đấng Mê-si là Vua sẽ thay mặt Đức Chúa Trời cai trị vương quốc trần gian đó.”

 

Tính không liên tục của Kinh Thánh là kết quả của sự mặc khải tiệm tiến của Đức Chúa Trời. Khi tác giả này đến tác giả khác ghi lại sự mặc khải của Đức Chúa Trời, có thể nhận thấy rằng họ là những người khác nhau trong những thời kỳ khác nhau. Và trong khi sự cứu rỗi luôn luôn là bởi ân điển, con người đã được giao những trách nhiệm khác nhau tùy theo sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho đến thời điểm cụ thể đó theo cách đối xử của Ngài với con người.

HỎI: Tại sao các phương tiện truyền thông lại coi thuyết phân kỳ chỉ là “đường viền bên ngoài” cho một học thuyết?

 

TRẢ LỜI: Đối với nhiều người chưa tin Chúa và những nhà báo không có đạo, thì ý tưởng mà nhiều tín nhân mong đợi Đức Chúa Trời can thiệp vào lịch sử của con người là xa lạ. Ngoài ra, những phóng viên chỉ hiểu Cơ đốc giáo theo nghĩa khái quát không thể phân biệt được đâu là những người cố gắng xác định ngày cụ thể Chúa tái lâm và những tín hữu rút ra từ thuyết phân kỳ điểm chung rằng Chúa thực sự kiểm soát dòng lịch sử, Ngài có một kế hoạch cho con người, và sẽ quy trách nhiệm cho chúng ta để giải trình.

Những người theo thuyết phân kỳ tin rằng Chúa có thể trở lại bất cứ lúc nào, và vì vậy họ phải sống trong hy vọng, sống thánh khiết nhờ ân điển Chúa vì biết rằng Chúa sẽ trở lại cách bất ngờ.

 

Nếu ai đó muốn kết hợp hai quan điểm: thiết lập ngày tháng của sự cất lên so với nghiên cứu những mặc khải của Đức Chúa Trời về tương lai, sẽ làm xáo trộn cuộc thảo luận, dễ dàng mang đến sự đố kỵ và trách móc lẫn nhau khi suy đoán của con người thất bại.

 

 

HỎI: Một người theo thuyết phân kỳ có thiết lập các quan điểm chính trị về quốc gia và quốc tế không?
ĐÁP: Một người theo thuyết phân kỳ khẳng định tương lai tươi sáng cho dân tộc Israel và nhìn thấy bàn tay quan phòng của Đức Chúa Trời trong suốt chiều dài lịch sử. Ngài đã và đang hoàn thành mục đích của Ngài cho tuyển dân. Những người tìm cách tiêu diệt người Do Thái hay quốc gia Israel rõ ràng là sai lầm trong hệ tư tưởng và xấu xa trong các nỗ lực của họ. Israel có chủ quyền hợp pháp để bảo vệ mình khỏi bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.  Trong một phương  diện khác, chúng ta thấy rằng mặc dù tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho Israel không thay đổi, nhưng Ngài không dung thứ cho hành động sai trái của quôc gia này (nếu có). Tiêu chuẩn đạo đức cao của Kinh Thánh hạn chế Israel khỏi các chính sách tiêu cực phiến diện. Chúng ta đọc trong Xuất Ê-díp-tô ký 22:21, “Ngươi chớ nên bạc đãi khách ngoại bang, và cũng chẳng nên hà hiếp họ.” Các tiên tri trong Cựu ước am hiểu Lời Chúa là những người yêu mến tuyển dân sâu đậm, sẽ cảnh báo rõ ràng cho tuyển dân khi hành vi của họ là đi ngược lại sự công chính.

 

Câu hỏi phức tạp này có một yếu tố quan trọng khác: nhóm tôn giáo của người Palestine và các Cơ đốc nhân Do Thái có lẽ là hai nhóm cần quan tâm nhiều nhất. Hội thánh chung trên thế giới nên hướng sự chú ý đến các anh em và chị em trong Đấng Christ ở Palestine và Israel. Tình yêu của họ đối với nhau phải phải vượt qua bạo lực và các sự trừng phạt trong khu vực. Những nhóm khủng bố giết người của Palestine chống lại Israel là hoàn toàn sai. Đức Chúa Trời không muốn bạo lực từ bất cứ phía nào. Tố cáo chủ nghĩa khủng bố là hành động đúng đắn cho những ai có lương tri. Nhưng chúng ta phải rao giảng sự cứu rỗi bởi ân điển cho người Palestine. “Đức Chúa Trời không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9)

 

HỎI: Có phải những người theo thuyết phân kỳ (theo thần học giai đoạn) công bố rằng họ biết khi nào Chúa Giê-su trở lại?

 

ĐÁP: Những người theo thần học giai đoạn tin rằng sự kiện tiếp theo trong tờ lịch tiên tri của Đức Chúa Trời là sự cất lên của hội thánh. Những tín hữu này tin rằng Chúa Giê-su đã chết và phục sinh sẽ trở lại hội hiệp với những người thuộc về Ngài trên không trung. “Nầy là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa”  (đọc thêm 1 Cô-rin-tô 15:35-58), và 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18, “Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” Không ai có thể tiên đoán ngày cụ thể Chúa Giê-su trở lại – Kinh Thánh đã giải thích điều này rất rõ ràng, và chúng ta không nên cố gắng để đưa ra một thời điểm của sự cất lên hay là  thời điểm sự tái lâm hiển nhiên của Chúa Giê-su trên đất. Chúa Giê-su đã công bố trên núi Ô-li-ve tại Giê-ru-sa-lem một chuỗi các sự kiện sẽ xảy ra trong suốt cơn đại nạn trước ngày Chúa đến trên đất. Ngay cả khi thời kỳ đại nạn diễn ra với những sự kiện và dấu hiệu báo trước sự trở lại của Ngài, Chúa Giê-su cũng đã cảnh báo rằng không một ai  có thể biết thời điểm chính xác ngày giờ trở lại của Ngài. “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 14:42). Các dụ ngôn mà Chúa Giê-su đã giảng dạy xoay quanh hai chủ đề lớn: sự trở lại của Chúa là một sự kiện chắc chắn, nhưng thời điểm thì không ai biết, ngoại trừ Đức Chúa Trời. “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi. (Ma-thi-ơ 24 :36). Trong tường thuật của các dụ ngôn có một lời kêu gọi các tín nhân phải tỉnh táo và khôn ngoan. Mệnh lệnh cảnh giác trong các dụ ngôn là lời kêu gọi đặt đức tin nơi Chúa là Đấng sẽ trở lại trong một thời điểm bất ngờ. Sự thách thức để trở nên khôn ngoan là lời kêu gọi trung tín  bởi vì quản gia khôn ngoan sẽ được khen ngợi  và nhận phần thưởng khi Chúa Giê-su trở lại. Do đó, cần phải sẵn sàng chờ đợi và trung tín  trong các mục vụ.

 

 

HỎI: Vậy thì mục đích của lời tiên tri trong Kinh Thánh là gì?

ĐÁP: Thông thường các lời tiên tri trong Kinh Thánh được viết ra để khích lệ những ai đang chịu đau khổ một cách bất công rằng một ngày nào đó Đức Chúa Trời sẽ phán xét tất cả các điều sai trên thế giới. Mục đích trong sự chờ đợi Chúa Giê-su trở lại là sẵn sàng bất cứ lúc nào cho trách nhiệm giải trình mà mỗi tín nhân phải đứng trước mặt Chúa. Các lời tiên tri cũng khích lệ Cơ đốc nhân về sự biến hóa vinh diệu sẽ xảy ra khi hội thánh được cất lên gặp Chúa. Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban thưởng cho người công nghĩa và trừng phạt kẻ bất nghĩa. Khi các phương tiện truyền thông chỉ tập trung vào những điều mà họ quan tâm hay chú ý vào  những người tiên đoán ngày Chúa tái lâm,  họ bỏ lỡ chủ đề thúc đẩy sự trung thành của tín nhân và lời hứa của Đức Chúa Trời ngay cả với những người vấp ngã. Chúng ta học biết về các sự kiện tương lai, thì không chú tâm quá nhiều về ngày tháng trên tờ lịch mà là giúp đỡ mọi người biết rằng Đức Chúa Trời là thành tín, và kiên nhẫn chờ đợi con người ăn năn trở về với Ngài.

 

HỎI: Thần học giai đoạn liên quan như thế nào đến bộ sách/bộ phim Left Behind (Bị Bỏ Lại)?

ĐÁP: Bộ sách Left Behind đã chuyển thành phim diễn tả sự kết thúc có thể xảy ra trong cuộc đời của chúng ta, và đó là một viễn cảnh của thần học giai đoạn. Bộ sách này trình bày một cái nhìn về tương lai và diễn đạt nó dưới hình thức tiểu thuyết hư cấu. Bộ sách có một ý nghĩa cho những người nghĩ về tương lai và  thái độ phản hồi của họ với lời mời gọi của Chúa Giê-su trước khi quá trễ. Bộ sách có nhược điểm là  có thể làm cho một số người không thể phân biệt giữa Kinh Thánh và các câu chuyện hư cấu, giữa  sự thật và những điều tưởng tượng. Các tác giả đã cố gắng sáng tạo, lấp đầy các khoảng trống của Kinh Thánh để chỉ ra rằng thời kỳ cuối cùng có thể giống như cách viết của họ. Trong khi loạt phim này kích thích sự hiếu kỳ của người xem, giá trị tiềm năng của nó là nỗ lực chứng tỏ rằng Chúa hành động trong lịch sử thế giới. Và vì vậy nó thách thức người xem nghiêm túc suy ngẫm về sự giải cứu và sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện bởi Con Ngài là Chúa Giê-su Christ.

 

 

HỎI: Tại sao một số người e ngại về việc thảo luận các lời tiên tri trong Kinh Thánh?
ĐÁP: Một ngạn ngữ xưa tuyên bố, “Đừng bao giờ thảo luận về tôn giáo và chính trị”  có lẽ vẫn còn in sâu vào tâm trí của nhiều người. Bởi vì các lời tiên tri thường gây tranh cãi, vì thế một số mục sư và hội thánh tránh né chủ đề này. Tuy nhiên, nếu một người đi qua các khuynh hướng chính  của thần học, người đó sẽ khám phá rằng luôn luôn có sự tranh cãi với nhau trải qua nhiều thế kỷ. Mọi người đã tranh luận về sự thần cảm và vô ngộ của Kinh Thánh, sự đồng hiện hữu  của Đức Chúa Trời với điều ác và đau khổ,  thần tánh của Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, các ân tứ Đức Thánh Linh, nhiệm vụ của các thiên sứ, quyền hạn của Satan và ma quỉ, các lý thuyết  về sự chuộc tội, quyền lực của chính phủ và giáo hội, ý nghĩa của sự nên thánh, thứ tự của các sự kiện tương lai, và…. Hầu hết mọi học thuyết thần học có hệ thống đều là chiến trường lúc này hay lúc khác trong suốt lịch sử hội thánh. Hội thánh sẽ đánh mất bao nhiêu lẽ thật nếu không nghiên cứu các lời tiên tri hiện hữu trong khoảng từ 1/4 đến 1/3 toàn bộ Kinh Thánh? Chỉ vì mọi người giữ các quan điểm khác nhau thì không có lý do gì để né tránh việc nghiên cứu các lời tiên tri và bỏ lỡ các áp  dụng của chúng vào đời sống.

 

 

HỎI: Hiểu biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho con người tạo ra sự khác biệt gì cho việc bước đi hàng ngày của tôi với tư cách là một Cơ đốc nhân?

ĐÁP:   Hiểu biết kế  hoạch của Đức Chúa Trời dành cho con người, đặc biệt là những sự kiện trong tương lai sẽ  làm rõ ràng quan điểm của chúng ta về cách sống hiện nay. Trước tiên, tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho tất cả mọi người được bày tỏ bất luận người đó thuộc về dân tộc và quốc gia nào. Ngài có một kế hoạch cứu chuộc cho toàn thể  nhân loại. Thứ hai, Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho con người. Khi chúng ta nhìn vào lịch sử, và các sự kiện hiện tại đều có mục đích, không phải ngẫu nhiên hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của Đấng tạo dựng hoàn vũ.  Thứ ba, tính bảo đảm tuyệt đối về sự cam kết của Đức Chúa Trời với những người có tiền sử bất trung cho thấy bề rộng của sự tha thứ  và chiều sâu của ân điển Ngài.  Cuối cùng, tính chắc chắn về sự phán xét cuối cùng nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của mỗi người đối với Đức Chúa Trời.

Nói tóm lại, thuyết phân kỳ là một thế giới quan cho phép chúng ta hiểu biết sâu sắc và ổn định về ân điển và kế hoạch của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh Thánh. Học thuyết này đi tới những kết luận  xứng đáng để tín nhân vui hưởng. Qua đó chúng ta có quan điểm đúng về thế giới và những sự kiện tương lai. Học thuyết cũng khích lệ chúng ta trong nếp sống đạo hàng ngày, chúng ta biết cách phải thờ phượng Chúa như thế nào.

 

HỎI: Chúa đang làm gì trên đất vì cớ thiên đàng?

 

ĐÁP: Những người theo thần học giai đoạn tin rằng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là ưu tiên cao nhất cho bất kỳ ai. Đây cũng là mục tiêu của tất cả những gì Đức Chúa Trời đang làm trong suốt lịch sử, và sự vĩnh cửu đó sẽ phô bày biểu hiện cuối cùng của nó. Liên quan đến ưu tiên lớn nhất  của đời sống, Phao-lô khuyến khích chúng ta ngay cả trong các hoạt động đời thường: “anh em hoặc ăn, hoặc uống hay làm bất cứ sự gì khác, hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà làm.” (1 Cô-rin-tô 10 :31). Thứ hai, sự thành lập vương quốc trên đất mà Con Đức Chúa Trời  cai trị sẽ là chương chung kết của lịch sử con người. Vào thời điểm đó, mọi kẻ thù  bị Đấng Christ khuất phục, kẻ thù cuối cùng là sự chết. Sau đó, vương quốc do Đấng Christ thiết lập sẽ được giao lại cho Cha thiên thượng “hầu cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.” (1 Cô-rin-tô 15 :28). Cuối cùng, sự công nhận Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời – Đấng Chủ tể tối cao sẽ  khép miệng tất cả các thế lực chống đối. Sứ đồ Phao-lô ghi lại sự ban phước của Đức Chúa Trời và ca ngợi mọi hoạt động của Ngài từ lúc khởi đầu cho đến vô cùng trong cõi đời đời  trong thư tín Rô-ma, ông đi tới kết luận: “Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men.” (Rô-ma 11:36)

 

Tường Vi biên soạn

 

Tài liệu tham khảo:

 

Dr. Mark L. Baley. God Has a  Plan

 

Dr. David Hocking. Thần học thay thế. https://huongdionline.com/2020/06/01/than-hoc-thay-the-2/

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn