Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Y-SÁC VÀ RÊ-BE-CA

Y-SÁC VÀ RÊ-BE-CA

Y-SÁC VÀ RÊ-BE-CA

MS Hồ Xuân Phước

jacob

Sáng thế ký 25:19 bắt đầu với dòng dõi Y-sác, con trai Áp-ra-ham: “Áp-ra-ham sinh Y-sác. Ðược bốn mươi tuổi, Y-sác cưới Rê-bê-ca, con gái của Bê-tu-ên, em La-ban là dân A-ram ở xứ Pha-đan A-ram.” Y-sác là đứa con của phép lạ nhiệm mầu – khi Áp-ra-ham đã tròn một trăm tuổi và Sa-ra đã là một bà cụ già chín mươi, hiếm muộn.

Vì vui sướng, hạnh phúc tột cùng, vợ chồng già đặt tên con là Y-sác. Sa-ra nói: “Ðức Chúa Trời làm cho tôi vui cười. Ai nghe đến cũng vui cười với tôi” (21:6). Ðến thời điểm nầy, Y-sác nổi bật ở thái độ tin cậy vâng lời – bằng lòng để cha mình trói chặt tay chân, hiến dâng làm của lễ trên giàn hỏa thiêu.

Khác hẳn Y-sác, Rê-bê-ca là một người nữ năng động. Nàng tình nguyện múc nước cho đầy tớ già của Áp-ra-ham và mười con lạc đà giữa trời nắng nóng cháy da – khi “Ông Mai” thừa lịnh Áp-ra-ham tìm vợ cho Y-sác (24:17-22). Rê-bê-ca từ giã gia đình, theo “Ông Mai” và đoàn tùy tùng về làm vợ Y-sác.

Tiễn đưa Rê-bê-ca lên đường, gia đình chúc phước nàng: “Em ơi, chúc em trở thành tổ mẫu của ức triệu người. Và chúc cho dòng dõi em chiếm được cổng thành quân thù!” (24:60). Khi Rê-bê-ca gặp Y-sác, nghe Y-sác lập lại lời hứa thiên thượng về dòng dõi – sẽ nhiều như sao trên trời – có lẽ Rê-bê-ca mong đợi mình sẽ có thai ngay. Nhưng ước nguyện đó không thành sự thực!

Hai mươi năm trôi qua. Y-sác đã tròn sáu mươi, mà Rê-bê-ca vẫn còn hiếm muộn (25:21). Ích-ma-ên, người anh cùng cha khác mẹ của Y-sác đã có mười hai con trai khôn lớn, đã có vợ và con. Còn Y-sác? Một con số không to lớn!

Ðã hứa cho dòng dõi Y-sác đông như sao trên trời, tại sao Chúa để Y-sác và Rê-bê-ca bước vào tuổi già không con? Vì Chúa đang dạy dân Ngài rằng – lời hứa phước hạnh cho dòng dõi Áp-ra-ham không thể thành hiện thực qua nỗ lực của con người mà thôi!

Ðiều nầy đã xảy ra cho Sa-ra. Bài học quý báu nầy cũng sẽ được lập lại cho Ra-chên, con dâu của Rê-bê-ca. Mẹ của Sam-sôn và An-ne, mẹ của Sa-mu-ên sau nầy cũng kinh nghiệm những năm dài không con. Nhưng cuối cùng, lời hứa thành tựu với Ê-li-sa-bét, mẹ của Giăng Báp-tít và Ma-ri, mẹ của Cứu Chúa chúng ta.

Y-sác và Rê-bê-ca cùng kinh nghiệm đau thương, hiếm muộn như Áp-ra-ham và Sa-ra, nhưng Y-sác Rê-bê-ca trổi cao hơn cha mẹ khi chọn không dùng một người đàn bà khác “giúp Chúa” thành công – như Sa-ra và Áp-ra-ham đã dùng A-ga sinh Ích-ma-ên.

Trong khi Sa-ra Áp-ra-ham bận rộn tìm người, dùng người – Y-sác tha thiết, nhiệt tình đến với Chúa, cầu khẩn Chúa! “Y-sác cầu khẩn Chúa cho vợ mình vì nàng son sẻ. Chúa nhậm lời, nên Rê-bê-ca thụ thai” (25:21). Tạ ơn Chúa!

Chữ “cầu khẩn” nầy được dùng để mô tả tinh thần cầu nguyện tha thiết, đầy năng lực của Môi-se (Xuất 7–10). Cầu nguyện với tất cả lòng thành, đức tin và sức lực – tin chắc rằng Chúa sẽ làm trọn điều Ngài hứa.

Y-sác cầu nguyện bao lâu? Năm năm, mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm? Tôi tin là hai mươi năm – bởi vì niềm đau thương, sỉ nhục không con nối dõi trong văn hóa thời đó cao ngút trời xanh.

Trong khi Ích-ma-ên vui hưởng cảnh sống gia đình hạnh phúc – con đàn, cháu đống, Y-sác cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Tinh thần cầu nguyện và nếp sống cầu nguyện lâu dài, bền bỉ không ngừng nghỉ của Y-sác đưa đến kết quả phước hạnh, tuyệt vời khi “Chúa nhậm lời, nên Rê-bê-ca thụ thai.”

Hai mươi năm hiếm muộn, hai mươi năm dài tủi nhục của Rê-bê-ca chấm dứt khi Chúa nhậm lời cầu xin – can thiệp và tác động nhiệm mầu.

Việc thai nghén không bao giờ đơn giản, nhẹ nhàng, dễ dàng. Rê-bê-ca hiểu rõ hơn ai hết kinh nghiệm thai nghén đó! Niềm vui sướng của bà phai mờ nhanh chóng trong hoảng sợ, choáng váng.

Vợ chồng già chưa dứt tiếng cười mừng vui rạng rỡ thì Rê-bê-ca đã bắt đầu bị thai hành – không phải cái bất ổn bình thường của việc buồn nôn buổi sáng, khó ăn buổi chiều, khó nằm buổi tối! Câu 21 cho biết “Chúa nhậm lời, nên Rê-bê-ca thụ thai,” câu 22 tiếp liền, “nhưng các thai nhi đánh nhau trong bụng, nên nàng nói: ‘Việc nầy xảy ra cho tôi sao?”

Tiếng Hê-bơ-rơ dùng động từ mạnh bạo, như mô tả với hình ảnh và âm thanh sống động kèm theo – các con đập nhau, đấm nhau, choảng nhau liên hồi. Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh mô tả Rê-bê-ca cảm nhận một cuộc nội chiến dữ dội trong lòng mình.

Trong con đau đớn quặn thắt, mệt mỏi ngút ngàn, Rê-bê-ca có tự hỏi, “Nếu biết mang thai khốn khổ, dằn vặt thế nầy – mình có dám cầu xin, khẩn nguyện không?”

Rê-bê-ca cầu hỏi Chúa, và Chúa trả lời: “Hai nước đang ở trong bụng con, và hai dân tộc sẽ từ lòng con mà ra. Dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục tùng đứa nhỏ! ” (25:23).

Qua Lời Chúa phán, Rê-bê-ca biết sự náo động sôi nổi của hai con trong lòng không phải do bà gây ra nhưng là một phần của chương trình Chúa định. Chúa có chương trình và mục đích cao cả của Ngài. Ðiều nầy được nhấn mạnh nhiều lần trong Sáng thế ký.

Anh cả Ca-in dâng của lễ nhưng bị Chúa khước từ – trong khi của lễ A-bên được Chúa vui nhận. Thứ nam Y-sác được chọn thay vì con đầu lòng Ích-ma-ên (17:18-19). Giô-sép, con trai út của Gia-cốp được chọn, thay vì mười anh của mình (37:3). Gia-đa được chọn thay vì các anh (49:8).

Tại sao Chúa không chọn anh cả mà chọn con trai thứ? Tôi không trả lời được câu hỏi nầy nhưng Lời Chúa trong 1 Cô-rinh-tô 1:27-29 có thể giúp chúng ta chấp nhận ý Chúa và quyết định tốt đẹp toàn hảo của Ngài.

Ðức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột trong thế gian để làm hổ thẹn những người khôn. Ðức Chúa Trời đã chọn những điều yếu đuối trong thế gian để làm hổ thẹn những kẻ mạnh. Ðức Chúa Trời đã chọn những gì hèn hạ, bị khinh khi trong thế gian và những điều không ra gì để hủy bỏ những điều trọng đại. Cho nên loài người không ai có thể khoe khoang trước mặt Ðức Chúa Trời.”

Tại sao Chúa không chọn anh cả mà chọn con trai thứ? Tôi không trả lời được câu hỏi nầy nhưng Lời Chúa trong 1 Cô-rinh-tô 1:27-29 có thể giúp chúng ta chấp nhận ý Chúa và quyết định tốt đẹp toàn hảo của Ngài.

Chúng ta được chọn nhờ ân sủng của Chúa – không phải qua truyền thống văn hóa, thứ tự sinh trước, sinh sau, anh cả, anh hai, nam hay nữ. Chúa không chọn người dựa vào tài năng, địa vị gia đình hay thế lực xã hội.

Phao-lô giải thích thêm trong Rô-ma 9:10-11: “Khi Rê-bê-ca từ một người là Y-sác, tổ phụ chúng ta mà có thai; dù hai con chưa được sinh ra, cũng chưa làm điều gì thiện hay ác – để cho mục đích, theo sự lựa chọn của Ðức Chúa Trời được giữ vững. Không do việc làm nhưng do sự kêu gọi của Chúa, thì bà được cho biết: ‘Ðứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ.

Phao-lô viết tiếp trong câu 14: “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Không phải Ðức Chúa Trời bất công sao? Chẳng hề như vậy! Vì Chúa có nói với Môi-se rằng: ‘Ta sẽ nhân từ với kẻ nào Ta muốn nhân từ. Ta sẽ thương xót kẻ nào ta muốn thương xót. Không phải bởi người ta ước muốn, cũng không phải bởi bôn ba mà được, nhưng bởi sự nhân từ của Ðức Chúa Trời.” Tạ ơn Chúa!

Và rồi hai con sinh đôi chào đời. Ðứa ra trước da đỏ hồng, toàn thân đầy cả lông như chiếc áo lông, được đặt tên là Ê-sau. Em nó ra sau, tay nắm gót chân Ê-sau, được đặt tên là Gia-cốp (25:24-26).

Anh em khác hẳn nhau từ lúc lọt lòng mẹ. Cách đối xử của cha mẹ gây thêm xa cách cho cả hai. Lớn lên, Ê-sau trở thành một thợ săn giỏi, người của đồng ruộng, còn Gia-cốp là người trầm lặng, thường ở quanh quẩn trong trại. Y-sác thương Ê-sau vì thích ăn thịt rừng, còn Rê-bê-ca lại thương Gia-cốp (27-28).

Mặc dầu Y-sác và Rê-bê-ca thành tâm, tha thiết cầu xin Chúa nhiều năm cho có con, nhưng họ lại thiên vị, bất công trong cách đối xử với con – đưa đến ngăn cách, chia rẽ trầm trọng và hậu quả vô cùng bi thương.

Với số trang giới hạn của một bài viết ngắn, nhiều chi tiết không được đề cập, nhưng có thể đủ làm cho bạn thắt mắc, băn khoăn? Tại sao Chúa thiên vị – chọn em mà bỏ anh? Chọn kẻ theo sau, thay vì người đến trước?

Nếu bạn bất bình, khó chịu – bạn cũng giống như tôi – không thấy mình, không biết mình! Có một khoảng đời đã qua, tôi không thấy mình tội lỗi, hư đốn, thất bại – đáng bỏ đi. Nhìn lại chính mình – Anh, Chị, cũng như tôi phải đồng ý với Lời Chúa trong Rô-ma 3:10-12 rằng, “Chẳng có ai công chính – dù một người cũng không. Chẳng có ai hiểu biết. Chẳng có ai tìm kiếm Ðức Chúa Trời. Tất cả đều lầm lạc. Chẳng ai làm điều lành. Không được lấy một người!”

Tâm trí, lời nói, việc làm đều bị ô nhiễm, lầm lạc, tội lỗi – làm sao dám trách Chúa bất công! Nếu Anh, Chị bất bình, nghĩ rằng Chúa thiên vị, bất công – Anh, Chị chưa biết Chúa! Chúa là Ðấng Tạo Hóa toàn năng. Ngài là Vua! Chúa có toàn quyền quyết định, chọn lựa người theo ý Ngài. Anh, Chị và tôi đâu phải là vua, là Chúa!

Nếu Anh, Chị nghĩ rằng Chúa bất công – Anh, Chị chưa biết ân sủng của Chúa. Ân sủng cứu rỗi của Chúa là một món quà vô giá – Anh, Chị và tôi không xứng đáng được.

Chúa Cứu Thế Jesus tình nguyện hiến thân trên thánh giá khốn khổ, thương đau để cứu rỗi con người tội lỗi – là hành động của tình thương và ân sủng. Ân sủng cao vời nầy Chúa ban cho Anh, cho Chị – nếu Anh, Chị bằng lòng tiếp nhận.

Thưa phải, một người bình thường như Anh, như Chị có thể trở thành con trai, con gái của Chúa – được tha thứ tội lỗi, được thiên đàng phước hạnh – bắt đầu ngay hôm nay. Anh là một người thường? Chị là một người thường? Nhưng Anh, Chị có thể hưởng được phước hạnh trường sinh ngay hôm nay!

Rê-bê-ca – Y-sác, Người Thường, Ðức Tin Phi Thường, vì họ Tin Cậy Vâng Lời, chờ đợi Chúa – lâu dài. Họ tha thiết, nhiệt tình đến với Chúa, cầu khẩn Chúa! Anh, Chị có phải là Người Thường với Ðức Tin Phi Thường? Amen.

hoxuanphuoc

                                                                                                 Mục Sư Hồ Xuân Phước

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn