VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI
QUẢNG NAM
– Nguyễn Đình Bùi Thị (Quảng Nam, Việt Nam)
Như chúng ta đã biết, còn chừng hai năm nữa, vào năm 2011, con dân Chúa tại Việt Nam sẽ hân hoan tổ chức trọng thể Lễ Kỷ Niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam. Và chúng ta cũng biết rằng, Quảng Nam là cái nôi của đạo Tin Lành, Hội Thánh đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập tại mảnh đất miền Trung nghèo khó nầy. Nay, tôi xin gởi đến Hướng Đi vài nét về quê hương Quảng Nam. Hy vọng sẽ góp được chút gì đó cho trong sự hiểu biết thêm về vùng đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm còn nhiều khó khăn ở miền Trung nước Việt.
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.
Đó là câu ca dao nổi tiếng giới thiệu về đất và người Quảng Nam đầy yêu thương của tôi mà không một người Quảng Nam nào mà không thuộc.
Về đất Quảng Nam thì đã được hình thành khá lâu, nếu Sài Gòn đã 300 năm tuổi, thì Quảng Nam đã có trên 500 tuổi rồi. Cái tên Quảng Nam có từ năm 1471 và do vua Lê Thánh Tôn, một ông vua văn võ song toàn vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, đã đặt cho. Quảng Nam có nghĩa là gì? Hẳn không phải ai cũng biết, ngay cả người Quảng Nam gốc, mà nếu không quan tâm thì cũng không rõ nghĩa tên quê mình là gì nữa? Quảng Nam có nghĩa là: Quảng có nghĩa là mở rộng; Nam là ở hướng Nam, đi về phương Nam. Nghĩa là vùng đất rộng ở hướng Nam. Hình dáng vùng đất Quảng Nam giống như một hình bình hành vậy. Vị trí của Quảng Nam có thể nói là nằm ở trung tâm của Việt Nam giữa Sài Gòn và Hà Nội và được người dân Quảng Nam ghi lại trong ca dao như sau:
Quảng Nam là xứ tỉnh ta
Trong là Quảng Ngãi, ngoài là Thừa Thiên
Phía đông là biển sát miền
Phía tây có núi, gần miền Ai Lao.
Hay như Tường Linh, một nhà thơ tài danh của Quảng Nam đã viết về quê hương với cả tấm lòng của mình như thế nầy:
Quê hương tôi bên ni đèo Ải
Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn
Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện
Đêm Đà Nẵng vọng buồn con sóng biển
Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô
Ta muốn về Trung Phước giữa mùa ngô
Thăm quê ngoại Đại Bình cam đỏ ối
Sớm Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối
Chiều Điện Bàn xe đạp nước thay mưa
Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
Ngọt khoai Tiên Đoã, mát dừa Kiến Tân
Quế Sơn núi liếp mây vần
Thương bòn bon Đại Lộc, nhợ rượu cần Trà Mi…
Quảng Nam có những bãi biển đẹp. Biển Cửa Đại (Hội An), biển Bình Minh (Thăng Bình), biển Tam Thanh (Tam Kỳ), biển Bàn Than (Núi Thành)… Quảng Nam có những dòng sông thơ mộng: sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Ly Ly, sông Bà Rén, sông Vĩnh Điện, sông Tam Kỳ… Quảng Nam có nhiều tháp Chăm: Mỹ Sơn (là di sản văn hoá thế giới), Chiên Đàn, Bằng An, Khương Mỹ… Quảng Nam có núi: Núi Ngọc Linh (Phước Sơn), nơi bắt nguồn của dòng sông Thu Bồn, núi Chóp Chài (Thăng Bình), núi Quế (Quế Sơn), hòn Kẽm, Đá Dừng (Nông Sơn) đã đi vào ca dao:
Ngó lên hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng.
Quảng Nam cũng còn có một chợ heo con nổi tiếng đối với giới buôn heo từ bắc chí nam. Đó là chợ heo con Bà Rén, nằm sát ngay cầu Bà Rén (thuộc Huyện Quế Sơn), ngày nào cũng đông đúc, tập nập người bán kẻ mua heo con làm xôm tụ cả một vùng quê nhỏ.
Theo nha thơ Lê Minh Quốc, khi du lịch đến một nơi nào, để hiểu nơi ấy, thì phải thực hiện cho bằng được ba điều kiện: “tham quan thắng cảnh nơi ấy, được ăn món ăn tiêu biểu nơi ấy và … yêu một người nơi ấy.” (*)
Theo đó, về thắng cảnh ở Quảng Nam thì Tạo Hoá ban cho khá phong phú như sông Thu Bồn nổi tiếng hữu tình như … chẻ đôi tỉnh Quảng Nam ra làm hai (dòng sông đã đi vào ca dao: Quảng Nam có lụa Phú Bông. Có khoai Trà Đoã, có sông Thu Bồn); hồ Phú Ninh, một khu du lịch sinh thái bao la rất đặc trưng (thuộc Huyện mới Phú Ninh); biển Bàn Than với những tảng đá được nước bào mòn nhẵn bóng san sát bên nhau giữa một vùng biển sóng vỗ rì rào ngày đêm không ngơi nghỉ như lời réo gọi du khách đến tham quan (thuộc Huyện Núi Thành); biển Tam Thanh với những bãi cát vàng óng mịn màng không thể tả đẹp như tranh vẽ cuốn hút hàng ngàn người đến tắm biển, nghỉ mát, ăn đặc sản biển (thuộc Huyện Tam Kỳ); núi Chóp Chài hùng vỹ, có hồ Cao Ngạn ngay sát dưới chân mình thật là hữu tình (thuộc Huyện Thăng Bình); đèo Le cao và dài đi mệt đến phải … le lưỡi, nhưng cảnh đẹp thiên nhiên hai bên đường cuốn hút bạn phải đến thăm và để thưởng thức món gà đèo Le cực ngon ngay giữa đèo (thuộc Huyện Quế Sơn). Cù lao Chàm, một huyện đảo của Quảng Nam với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, một điểm đến thật hữu tình cho du khách. Cũng không thể nào không nói đến phố cổ Hội An và thắng cảnh Mỹ Sơn là hai cảnh đẹp do con người làm nên đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Về món ngon Quảng Nam thì không thiếu: Ngoài món mì Quảng đã trở thành thương hiệu, đã trở thành biểu tượng của Quảng Nam, nổi tiếng cả trong và ngoài nước thì còn có nhiều món ăn dân dã khác, mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền như cao lầu, bánh tráng đập, chè bắp, hến trộn có một sức cuốn hút kỳ lạ với du khách nước ngoài khi đến thăm phố cổ Hội An, một di sản văn hoá của thế giới; bánh tráng cuốn thịt heo ở Hà Lam (Huyện Thăng Bình) nổi tiếng thơm ngon, không chê vào đâu được; bánh ít Thu Bồn ngon đến độ ăn không biết ngán (Duy Xuyên); mít trộn Tiên Phước (thuộc Huyện Tiên Phước) vừa thơm vừa bùi làm bạn quyến luyến không muốn đi; món bánh tráng cuốn cá nục phổ biến ở các vùng biển Quảng Nam. Bánh tráng nướng đem nhúng nước, rồi cho rau muống sống đã rửa sạch vào, bỏ cá nục tươi vừa kho lên trên, xong quấn lại chấm với nước mắm nhỉ (tức nước mắm nguyên chất, không pha chế gì thêm), bảo đảm ăn không ngon … không trả tiền…
Và điều thứ ba là … yêu một người nơi ấy. Điều nầy thì xin dành sự quyết định cho bạn vậy.
Mời bạn hãy dành thì giờ về với Quảng Nam quê tôi để thăm cảnh đẹp, để thưởng thức món ăn ngon và để tìm yêu một người Quảng Nam cho biết tình cảm của con người ở cái vùng đất chưa mưa đà thấm nó đậm đà, mặn mà, chung tình như thế nào bạn nhé.
Đó là đất Quảng Nam, thế còn con người và văn hoá của Quảng Nam thì có gì đặc biệt?
Người Quảng Nam đặc biệt chứ sao không? “Quảng Nam hay cãi”, đó là một thành ngữ nói lên nổi bật tính cách người Quảng Nam. Từ rất lâu, người ta đã có câu nói công nhận tính cách đó của người Quảng Nam:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định nằm co
Thừa Thiên ních hết.
Không cãi không phải là người Quảng Nam mà! Nhưng mà cãi hay, cãi có lý chứ không phải cãi bậy, cãi bướng.
Còn nhớ, một thời, khi các sĩ tử xứ Quảng Nam ra Huế thi Đại học, dường như có mấy cô gái Huế làm thơ ghẹo:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Ý nói rằng con gái xứ Huế đẹp làm trái tim các chàng trai xứ Quảng vấn vương, xao xuyến đi không đặng. Các chàng trai xứ Quảng liền làm thơ … cãi chính lại ngay:
Học trò trong Quảng ra thi
Mấy cô gái Huế chân đi không đành.
Chỉ thay đổi có một chữ mà làm xoay chiều đổi hướng hẳn ý nghĩa của câu thơ. Cãi như vậy cũng đáng nên cãi phải không bạn???
Chuyện kể rằng có một người từ nơi khác đến Quảng Nam muốn hỏi đường đi đèo Le như thế nầy:
– Thưa bác, có phải đường nầy dẫn lên đèo Le không?
Thay vì gật đầu và chỉ đường cho người ta, thì người Quảng Nam nọ đã trả lời một cách “bực mình” không chịu nổi:
– Chú mi hỏi chi lạ rứa? Đường nầy không đi đến đèo Le thì đi đến đâu?
Một nhà báo có lần đi đến thăm Hợp tác xã Bình Tú (thuộc Huyện Thăng Bình), gặp một học sinh, ông hỏi đường:
– Có phải đây là đường vào Hợp tác xã Bình Tú không em?
Cậu học trò cứ đạp xe đi thẳng và “ném”lại một câu … chua hơn me:
- Bộ đui na sao không thấy?
Một lần, có một chàng trai đang tán tỉnh một cô gái, ngày nọ chàng đến thăm nhà, không may gặp cha của cô ta, vốn không thích chàng. Chàng trai sau khi gãi đầu ấp úng, liền đánh bạo hỏi:
- Thưa bác, Thuỷ có nhà không ạ?
- Nó không có nhà thì nó vô gia cư à? Hỏi hay hỉ?
Cũng có chuyện kể rằng, có lần nhà văn Phan Khôi, người đã góp phần dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ và được xuất bản năm 1926. Bản dịch của ông được người ta đánh giá là: “Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm.” (**) được mời đến nói chuyện văn chương ở một nơi nọ, người dẫn chương trình hôm ấy giới thiệu về Phan Khôi đại ý như sau: Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp quý vị đến dự buổi nói chuyện văn chương đầy ý nghĩa nầy, đặc biệt có nhà văn Phan Khôi đến tham dự với chúng ta. Xin chào mừng nhà văn và xin mời nhà văn lên nói chuyện.
Phan Khôi lên, và trước khi bắt đầu nói chuyện, ông cãi chính: Tôi cũng như mọi người ở đây chứ có gì khác người đâu mà anh lại bảo tôi là đặc biệt nào? Rồi Phan Khôi tiếp tục nói chuyện.
Thật đúng là Quảng Nam hay cãi và cãi có lý thật!
Đó là vài mẩu chuyện về tính cách của người Quảng Nam.
Người Quảng Nam cãi …nổi tiếng như vậy, nhưng người Quảng Nam có tài hoa không? Câu trả lời là có và có rất nhiều nữa là đằng khác.
Có câu hát rằng:
Non cao biển cả
Con chim tra trả tìm mồi
Khi mô vật đổi sao dời
Đất Quảng Nam hết nước mới hết người tài hoa.
Người tài ở Quảng Nam có thể kể như: Đoàn Ngọc Phi, Phạm Hữu Kính, Lê Văn Thủ, Nguyễn Tường Vĩnh, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành (Tiểu La), Tú Quỳ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đình Dương, Thái Phiên, Ông Ích Khiêm, Phạm Ngọc Thạch… Những bậc đại khoa như: Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Phan Quang, Ngô Chuẩn và Dương Hiển Tiến. Đó là năm con chim phụng cùng bay của Quảng Nam mà người ta thường gọi là Ngũ phụng tề phi. Những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà toán học cừ khôi như Phan Khôi, Huỳnh Thị Bảo Hoà, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Châu Ký, Hoàng Tuỵ, Lê Trọng Nguyễn, Bùi Giáng, Tường Linh, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Nhật Ánh…
Những nhà thơ Cơ-đốc quê Quảng Nam được nhiều người biết như Lưu Tuỵ, Lưu Văn Mão, Tường Lưu… Mục Sư Ông Văn Huyên là người Quảng Nam đã từng là Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Viện Trưởng Thánh Kinh Thần Học Viện của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Quảng Nam cũng được biết đến như là nơi sản sinh ra nhiều Mục Sư, Truyền Đạo cho giáo hội Tin Lành Việt Nam hơn bất cứ vùng đất nào khác.
Quảng Nam còn có một nền văn hoá dân gian rất phong phú. Có thể nói nhiều điệu hò, điệu lý, điệu vè, câu hát do người Quảng Nam sáng tác ra để thể hiện tình cảm độc đáo của mình giữa người với người, giữa người với cảnh vật thiên nhiên xung quanh mình.
Hát nhân ngãi là một nét văn hoá độc đáo của người Quảng Nam. Hát nhân ngãi là thể hát đối đáp giữa hai bên trai gái để thi tài đối đáp thông minh, lanh lợi và lém lĩnh với nhau, qua đó thể hiện sự ứng đối nhanh trí của người Quảng Nam. Xin kể ra đây vài câu hát tiêu biểu:
- Gặp anh Ba đây (mới) khiến hỏi anh Ba
Lâu nay làm ăn có khấm khá hay (là) vẫn sát da như bọn mình?
Không một chút ngại ngần, chàng trai cất giọng bỡn cợt một cách kín đáo, dí dõm:
- Thời buổi bây giờ công việc cũng sớt sưa
Dư không dư, thiếu không thiếu vẫn đu đưa như mọi ngày.
Hay: – Con anh nó chết cứng đơ
Vì anh không có đất nên mới chôn nhờ đất em.
- Đất em lởm chởm ổ gà
Chôn cha anh cũng được lọ là con anh.
Mấy cô gái trêu mấy cậu học trò:
- Hai bên cỏ mọc xanh rì
Ở giữa có khe nước chảy, trò đi đường nào?
Các cậu học trò đâu có chịu thua:
- Hai tay tôi bu lấy cội đào
Chính giữa có khe nước chảy, tôi chống sào tôi qua.
Thật ứng đối bỡn cợt mà thông minh ra phết!
Một hôm, có một thực khách vào quán ăn chưa kịp gọi, thì cô chủ quán đã nổi hứng hát mời đầy tính bỡn cợt và …quảng cáo:
- Chàng tới thiếp, thiếp dọn một bát mì tàu
Hai bên thịt mỡ trắng phau phau
Ở giữa có con tôm sú nhộm màu ngân sa
Chàng ăn rồi chàng chẳng muốn ra.
Thực khách ngẫm nghĩ một chặp thấy tức… no bụng dù chưa ăn, vì cô chủ quán nầy chơi mình đau quá. Rồi anh cũng nghĩ ra được để kịp đối lại:
- Thiếp tới chàng, chàng dọn một đĩa rau
Hai bên hai củ hành tàu
Ở giữa có con cá tràu nằm ngang
Ăn vô cho thấu bụng nàng
Thực bất tri kỳ vĩ, mới biết của chàng là ngon.
Nói lái cũng là một nét văn hoá khá đặc trưng của người Quảng Nam. Hầu như người Quảng Nam nào cũng biết nói lái cả. Thử nghe các món ăn mà người Quảng Nam đặt tên cho thì … vui hết biết luôn: Món mực xào với ngò, người Quảng Nam gọi tắt là mực ngò; món lươn ngon thì phải là lươn nấu với rau dền, gọi là lươn dền. Trong một buổi liên hoan, một cô bạn gái mời bạn trai cụng ly, bạn trai rất vui mừng và nói: “mời thì tôi uống, nhưng khi tôi muốn thì phải ời (đồng ý) đó nghe”. Ông Dương Quốc Thạnh là người Quảng Nam chính tông chuyên làm thơ nói lái theo thể thơ Đường, đối nhau rất chỉnh, khó ai chê được. Ông có để lại một bài thơ nổi tiếng được ông làm trong một trường hợp cụ thể là có một chàng trai làm công nhân lỡ ăn nằm với một cô gái mà mình đem lòng yêu thương ở chỗ anh làm việc và khiến cô mang thai. Anh ta về xin cha mẹ cho cưới cô gái làm vợ, nhưng cha mẹ không đồng ý. Ông Thạnh là người được nhà gái nhờ thuyết phục nhà trai. Cuối cùng ông đã thuyết phục được và đám cưới được tổ chức, không khí nặng nề giữa hai họ được giải toả ngay khi ông, với tư cách chủ hôn, đọc bài thơ nói lái với nội dung như sau:
Ai bàn chi chuyện đã an bài
Trai khiển đồng tình gái triển khai
Cứ sợ cho nên thành cớ sự
Mai than mốt thở lỡ mang thai
Tính từ ngày tháng vương tình tứ
Khai o bây giờ báo khổ ai
Cuỡng chúng ông bà nghe cũng chướng
Thôi đành để chúng được thành đôi.
Thật là một bài thơ nói lái theo tôi là tuyệt chiêu, không thua kém gì tài làm thơ nói lái Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương ngày xưa…
Quảng Nam không chỉ có những món ăn ngon đặc trưng như đã nói ở trên, mà Quảng Nam còn có một “đặc sản” độc đáo đáng … tự hào nữa. Đặc sản đó chính là… giọng Quảng Nam.
Chuyện kể rằng một cậu con trai Quảng Nam thấy con gì đó đang bò trên tường, nó vừa đưa tay vừa chỉ cho đứa bạn mới từ Sài Gòn ra Quảng Nam chơi:
– Ê, cua kìa! Con chi mà loạ! (Ê, coi kìa! Con gì mà lạ!)
Thằng nhóc Sài Gòn lấy làm lạ, ngước mắt nhìn thì không thấy … con cua đâu cả, chỉ thấy con thằn lằn thôi!
Người Quảng Nam phát âm vần “AM” thành “ÔM” hết. Thử nghe nhà thơ Tú Rua, quê Đại Lộc, Quảng Nam có bài thơ về tiếng quê mình sau đây:
Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm
Ăn cục nói hồn chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng (Đà Nẵng)
Cưới ả Thuý Kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội
Chả hiểu mô tê cũng toạ đồm.
Nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh cũng có một bài thơ nổi tiếng bằng giọng quê Quảng Nam của mình:
Nè mi mới dọn tới bên nhà
Dị òm tau cũng bước chưn qua
Ba đi một cấp, răng về kịp?
Mẹ chắc giờ ni ở chỗ bà.
Mi ở Điện Bàn hay Duy Xuyên
Tết ni không nói chuyện tình duyên
Tết mô mới nói cùng mi hỉ
Không nói mần răng ván đóng thuyền.
Nói thiệt chứ ai thèm nói lung
Nghĩ chi lạ rứa, tội tau không
Gặp mi bữa nớ ưng mi gướm
Cái nhớ mỗi ngày thêm nhớ hung.
Quà xuân, tau nhét vô trong thụng
Xí nữa gặp mi, tau lấy ra
Còn y nguy đó, răng mà mất
Rủi mất thì tau sắm lại quà…
Ghi chú: “Tau” là “tao”, “dị òm” là “mắc cỡ”, “chưn” là “chân”, “một cấp” là “một lát, một chặp”, “răng” là “sao”, “ni” là “nầy”, “mô” là “nào”, “hỉ” là “nhỉ”, “mần răng” là “làm sao”, “nói lung” là “nói giỡn”, “rứa” là “thế, vậy”, “ưng” là “thương”, “gướm” là “gớm”, “nhớ hung” là “nhớ nhiều”, “thụng” là “túi”, “xí nữa” là “chút nữa”, “y nguy” là “y nguyên”.
Một chuyện khác, một người Quảng Nam ở bên nhà người Sài Gòn, một hôm, nhà anh hết gạo, nên vợ anh chạy qua nhà anh bạn Sài Gòn hỏi mượn gạo, đang lúc cô vợ anh bạn đang nấu cơm trưa:
– Chị cho em mượn mấy lon go về nấu chố chứ chừ nhà em hết gộ mất rồi chưa đi mua được, cho em mượn cái bô đổ vô luôn. Chị đang xồ rau muống thơm quá hỉ.
Chị nọ chẳng hiểu mô tê gì cả, may nhờ kịp lúc anh chồng cô chủ nhà có mặt, cũng là người hay chơi với những người Quảng Nam, nên mới giải thích cho vợ hiểu, chứ không thì cô ta cũng chào thua luôn. (Nghĩa là: chị cho em mượn mấy lon gạo về nấu cháo chứ giờ nhà em hết gạo mất rồi chưa đi mua được, cho em mượn cái bao đổ vào luôn. Chị đang xào rau muống thơm quá nhỉ.)
Một câu chuyện buồn cười khác mà tôi nghe kể lại thế nầy: Có một đoàn người Hàn Quốc đến thăm các cảnh đẹp của Quảng Nam, người phiên dịch đi theo đoàn là người Hà Nội chỉ biết tiếng Anh và tiếng Hàn, không nghe được tiếng … Quảng Nam, nên anh đành phải nhờ một người Quảng Nam biết tiếng Anh để dịch dùm cho anh qua tiếng Anh (vì người Quảng Nam nầy không biết tiếng Hàn), rồi từ tiếng Anh, anh mới dịch qua tiếng Hàn cho phái đoàn Hàn Quốc hiểu.
Người ta nói giọng nói chính là hồn quê của mình. Đi đâu xa mà nghe một người nào đó nói giọng nói quê mình thì nghe mừng làm sao và trong lòng rộn lên bao niềm vui khó tả. Nhà thơ Lê Minh Quốc từng có mấy câu thơ thật chí lý:
Hồn quê ở tận đâu đâu
Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà
Ở gần đây chứ đâu xa
Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi.
Vài điều chấm phá viết về đất và người Quảng Nam quê tôi để gởi đến tặng bạn đọc Hướng Đi như là một món quà quê nho nhỏ bày tỏ tấm lòng quý mến Hướng Đi và độc giả Hướng Đi của tôi.
Có dịp nào đó quý vị đến thăm được vùng đất Quảng Nam yêu quý của tôi, tôi sẽ sẵn sàng dẫn đi thăm các cảnh đẹp quê tôi và cũng sẵn sàng chiêu đãi quý vị những món ngon đặc trưng của Quảng Nam, mà chắc chắn là không thể thiếu hai món tiêu biểu là mì Quảng và bánh tráng quấn thịt heo rồi. À, mà đâu chỉ có vậy, còn một món nữa, sẽ đãi quý vị thưởng thức thoả thuê, mệt nghỉ luôn, đó là món … giọng Quảng. Chắc chắn là như thế!
Rất mong được đón tiếp quý vị tại Quảng Nam.
Thân mến chào Hướng Đi và quý độc giả.
Chúc sức khoẻ và bình an.
Cầu xin Chúa ban ơn lành trên Hướng Đi và quý độc giả thật dồi dào.
– Nguyễn Đình Bùi Thị
(Quảng Nam, Việt Nam)
(*): Lê Minh Quốc trong “Người Quảng Nam”, p. 61.
(**): Sđd, p. 273.