Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Nước Trời Là Nước Tôi

Nước Trời Là Nước Tôi

tôi yêu vương quốc của tôi

Giê-su cao cả anh minh trị vì

dù cho vật đổi sao dời

nước tôi tồn tại đời đời hiển vinh (Đa-ni-ên 7:27)

Tường Vi

Nước Trời Là Nước Tôi  được hiểu: Nước Đức Chúa Trời là nước của tôi. Như vậy tôi là công dân của nước Trời.

Nước Trời Là Nước Tôi sẽ được đề cập liên tục qua nhiều bài nghiên cứu. Sau đây là các bài viết về chủ đề này.

🙂

Câu gốc: “Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời.” (Ma-thi-ơ 6:10)

Câu hỏi suy ngẫm: Nước Đức Chúa Trời có nghĩa là gì? Tại sao Nước Đức Chúa Trời là trọng tâm sứ điệp Chúa Giê-xu rao giảng? Nước Đức Chúa Trời đến với ai? Ở đâu? Bằng cách nào? Nước Trời có đến với bạn chưa? Bằng cách nào?

Từ ngữ “Nước Đức Chúa Trời” là đặc trưng của Tân Ước. Không có câu nào được dùng nhiều hơn câu này trong lời cầu nguyện, giảng dạy và trong văn chương Cơ Đốc. Bởi vậy, chúng ta phải biết rõ ý nghĩa từ đó là gì.

“Nước Đức Chúa Trời” là trung tâm sứ điệp của Chúa Giê-xu. Lần đầu tiên Ngài xuất hiện là khi Ngài đến xứ Ga-li-lê rao giảng Tin lành về Nước Đức Chúa Trời (Mác 1:14). Chính Chúa Giê-xu cho biết giảng về Nước Đức Chúa Trời là một nghĩa vụ đè nặng đôi vai Ngài: “Ta cũng phải rao Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác, vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến” (Lu-ca 4:43). Lu-ca mô tả hoạt động của Chúa Giê-xu là “Ngài đi thành này đến thành kia, làng này đến làng khác giảng dạy và rao truyền Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:1). Như thế chúng ta buộc phải tìm hiểu ý nghĩa Nước Trời.

Khi tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ này chúng ta gặp một khúc mắc. Chúa Giê-xu nói về Nước với ba lối khác nhau. Ngài nói về Nước như đã có từ trong quá khứ. Ngài phán rằng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cùng hết thảy đấng tiên tri đều ở trong Nước Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:28; Ma-thi-ơ 8:11). Nước Chúa có từ trong lịch sử xa xưa, Ngài cũng nói về Nước trong hiện tại khi Ngài phán: “Này, Nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi” (Lu-ca 17:21). Vậy Nước Đức Chúa Trời là một thực tại hiện có ở thế hạ này, Ngài lại nói về Nước như sẽ có trong tương lai vì Ngài dạy người ta cầu xin Nước Chúa được đến. Một “Nước” làm sao đồng thời mà có cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai? Làm thế nào Nước lại có thể đồng thời là điều gì đã có, hiện có và chúng ta còn phải có bổn phận cầu nguyện cho Nước đó đến nữa?

Đặc điểm của các hành văn Hê-bơ-rơ thường đặt câu song hành, nói điều gì đó cách này rồi nói lại một cách khác lặp lại, nói rộng hơn và giải nghĩa cách trên. Ví dụ để thấy rõ điều đó: “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi-thiên 46:1). “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh” (Thi-thiên 23:1-2). Áp dụng phương pháp này cho hai lời cầu nguyện của Bài Cầu Nguyện Chung. Hãy để: Nước Cha được đến” bên cạnh “Ý Cha được nên, ở đất như trời”. Giả định lời cầu xin thứ hai cắt nghĩa lời cầu xin thứ nhất, chúng ta sẽ thấy định nghĩa trọn vẹn về Nước Đức Chúa Trời. Nước Đức Chúa Trời là một xã hội trên đất mà ý chỉ Đức Chúa Trời được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời. Tại đây chúng ta có lời giải thích tại sao đồng thời Nước Chúa có thể là quá khứ, hiện tại và tương lai. Người nào trong thời quá khứ của lịch sử đã làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời thì ở trong Nước Ngài; người nào hiện tại đang làm trọn ý muốn Đức Chúa Trời cũng ở trong Nước Ngài. Nhưng vì thế gian thật còn xa vời chưa phải là nơi ý chỉ Đức Chúa Trời thực hiện cách phổ thông và trọn vẹn nên điểm tuyệt đích của Nước vẫn còn trong tương lai và còn là điều chúng ta phải cầu nguyện.

Ở trong Nước Chúa là vâng phục ý chỉ của Chúa. Như vậy chúng ta thấy ngay rằng Nước ở đây không liên quan gì đến các nước, các dân, các xứ, nhưng liên hệ đến mỗi người chúng ta. Nước ấy quả là điều riêng tư trong thế gian này. Nước đòi hỏi sự thuận phục ý muốn tôi, tấm lòng tôi, đời sống tôi. Chỉ khi nào mỗi người chúng ta tự ý quyết định và thuận phục thì Nước Chúa đến. Cầu nguyện cho Nước Trời là cầu nguyện cho ý muốn của chúng ta hoàn toàn thuận phục ý chỉ của Chúa.

Có lời cầu nguyện của người Trung Hoa rất hay: “Lạy Chúa, xin phục hưng Hội Thánh Ngài, bắt đầu từ tôi”. Chúng ta có thể đổi lời cầu nguyện ấy lại thành:

Lạy Chúa, xin đem Nước Trời đến, bắt đầu từ con.

Nguồn: https://vietchristian.com 

NƯỚC TRỜI

Theo một thống kê gần đây, người Việt chúng ta hiện đang sinh sống tại hơn bốn mươi nước khác nhau trên thế giới. Người thì ở Mỹ,Canada; người thì ở Úc; người thì ở Âu Châu, Bắc Phi…

Hầu như nước nào cũng có người Việt. Chúng ta cố gắng tìm hiểu đất nước mình đang sinh sống và có lẽ cũng cố nhận nơi đó làm quê hương, trong khi lòng vẫn hướng về quê cha đất mẹ Việt Nam. Nhưng thật ra, chúng ta có một quê hương tốt hơn gọi là Nước Trời hay Thiên Quốc. Quí vị có biết Nước Trời ở đâu? Luật lệ ra sao? Và công dân nước ấy bao gồm những ai không?

CHÍNH THỂ CỦA NƯỚC TRỜI

Nước Trời theo chế độ thần quyền, nghĩa là do chính Thiên Chúa cai trị. Thiên Chúa Ngôi Hai là Chúa Giê-xu, đã mang lấy hình hài thể xác con người, giáng trần khoảng hơn hai ngàn năm trước tại Do Thái. Trong đêm Ngài ra đời, có các thiên thần ca hát chúc tụng, những người chăn chiên tìm đến tôn thờ; rồi sau đó các nhà trí thức đông phương cũng đã theo một vì sao lạ tìm đến để dâng lễ vật. Có đại diện của cả ThiênĐàng và mọi thành phần của nhân loại, giàu nghèo, bình dân, học thức, đều chào đón Chúa Giê-xu là Vua của Nước ấy.

Khi bắt đầu thành lập Nước Trời, Chúa Giê­xu kêu gọi; “Hãy ăn năn tội lỗi, quay về với Chúa, vì Nước Trời đã gần! “ ( Mat 4: 17). Chúa Giê-xu đã thành lập Nước Trời với mục đích “cứu dân Ngài khỏi xiềng xích tội lỗi” ( Mat 1: 21) “ Dân Ngài” tức là người nào đặt lòng tin nơi Ngài.Để đạt mục đích ấy, Ngài phải chịu khổ hình, chết trên cây thập tự thay thế cho mọi người. Nhưng Chúa Giê-xu đã sống lại để chứng minh quyền năng vô hạn của Ngài với ma quỷ, tội ác, và sự chết. Sau đó, Ngài đã trở về trời.

Mặc dù Chúa Giê-xu về trời, nhưng qua Đức Thánh Linh, là Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Giê­xu vẫn luôn ở với những người tin Ngài, ngự trong lòng họ để thêm sức, biến đổi họ trở thành một người mới, xứng hợp với các tiêu chuẩn Nước Trời, đảm bảo quyền công dân  thiên quốc.

Nước Trời đã được thành lập trên căn bản tình thương, và thánh khiết. Chúa Giê-xu đã ban hành luật lệ Nước Trời, ghi trong Phúc-âm Mathiơ chương 5,6 và 7. Ngài tóm tắt cả bộ luật ấy như sau: “Phải yêu thương Thiên Chúa với cả tâm lòng, linh hồn, và tâm trí. Và phải yêu thương người khác như chính bản thân” (Mat 22:37,­39). Ngài còn nhấn mạnh: “Ta cho các con một điều răn mới: Các con phải yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con” (Giăng 13:34)

Luật của Chúa đơn giản như thế, nhưng từ xưa đến nay không có thể tuân giữ hoàn toàn, vì con người tội lỗi, không thể làm trọn điều đáng phải làm. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi chẳng làm điều tốt mình muốn, lại làm điều xấu mình không muốn, không phải chính tôi làm nữa, nhưng tội lỗi chứa đựng trong tôi” (Rô-ma 7:19-20).

Tuy nhiên, công dân Nước Trời thì khác. Họ yêu thích và có thể tuân giữ luật lệ Nước Trời vì Chúa Giê-xu đã làm một việc mà không có vị vua nào có thể làm được: Ngài đã đặt luật pháp của Thiên Chúa vào lòng người dân nước Ngài. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng: “Ta sẽ ghi luật Ta trong trí và khắc vào tâm khảm họ. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ và họ sẽ làm dân Ta” (Hê-bơ-rơ 8:10).

Luật lệ Nước Trời không những đã được phép trên giấy, bằng tự, nhưng còn được ghi trong lòng công dân của nước ấy. Luật đó trở thành bản tính và sự sống của họ. Luật đó tạo ra những đức tính như: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại,và tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).

Sống theo luật của Nước Trời, con người sẽ có một cuộc sống bình an, thỏa mãn, và hữu ích cho người xung quanh. Hạnh phúc sẽ đến với ta và ta cũng đem lại hạnh phúc cho người khác. Sống theo luật của Nước Trời mới xứng đáng với địa vị cao quí là công dân Thiên quốc, và mới làm trọn trách nhiệm trước Thiên Chúa.

Tuy nhiên Nước Trời được thành lập tại trần gian, nhưng mang tính cách Thiên Thượng. Chúa Giê-xu phán: “Nước của Ta không thuộc thế giới này” (Giăng 18:36). Nước Trời không có biên giới vì công dân Nước Trời bao gồm mọi chủng tộc, màu da, và ngôn ngữ.

Điều kiện để làm công dân Nước Trời không phải là giữ luật hay cố gắng làm lành, vì chúng ta là con người tội lỗi, việc làm của chúng ta cũng chỉ là tội lỗi.

Khi Chúa Giê-xu còn ở tại trần gian này, một nhà mô phạm tên là Nicôđem đến hỏi Ngài về Nước Trời và đã được Ngài trả lời như sau: “Nếu không được sanh lại, không ai thấy được Nước Chúa.” (Giăng 3:3). Điều này có nghĩa gì? Tại sao phải “sanh lại” (tái sanh) thì mới có thể thấy và vào được Nước Trời?

Để được làm con trong một gia đình, chúng ta cần được sanh ra trong gia đình đó. Cũng như thế, muốn trở nên công dân Nước Trời, nghĩa là được làm con trong gia đình của Chúa, thì bạn cần đượcsanh lại bởi Thiên Chúa. Đây là một hành động huyền nhiệm của Nước Trời. Bạn được Thiên Chúa ban cho loại sự sống mới, bắt đầu sở hữu một bản chất mới thích hợp với Nước Trời. Chúng ta được đem từ bóng tối qua sự sáng, từ nô lệ cho tội lỗi đến tự do khỏi tội lỗi, từ tội nhân thành thánh nhân, từ chỗ lẽ ra bị hình phạt đời đời nơi địa ngục đến chỗ được hưởng phước hạnh đời đời nơi Thiên quốc.

Trong câu chuyện với ông Ni-cô-đem, Chúa Giê-xu cho thấy nếu không được Thiên Chúa sanh lại, thì giữa ông và Chúa không có liên hệ gì cả, vì ông thuộc về ‘đất’, còn Chúa thuộc về‘trời’. Ông là người, còn Chúa là thần linh.

Người ta có thể nuôi một con chim, dạy nó nói tiếng người, nhưng chim và người vẫn là hai thế giới cách biệt. Người ta có thể tạo ra những máy tính điện tử biết tính toán nhanh hơn con người, nhưng cái máy vẫn không phải là con người.

Để thật sự tâm giao và cảm thông với nhau, chúng ta phải cùng loại sự sống, chính vì vậy Chúa Giê-xu bảo ông Ni-cô-đem: “Con người cần phải được sanh lại” (Giăng 3:7).

Thế nhưng chúng ta phải làm sao để được sanh lại? Hay nói cách khác, chúng ta phải làm sao để trở thành công dân Nước Trời.

ĐỂ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN CỦA NƯỚC TRỜI

Chúa Giê-xu nói với Ni-cô-đem rằng: “Nếu không nhờ nước và Thánh Linh sanh ra, không ai được vào Nước Chúa” (Giăng 3:5). Ở đây Ngài nói đến hai yếu tố cần thiết của sự sanh lại kỳ diệu này: nước và Thánh Linh.

Khi nói đến “nước”, Chúa Giê-xu muốn nói về lễ báptêm (là một nghi thức trầm mình xuống nước) để chỉ về sự ăn năn tội lỗi và được thanh tẩy. Thánh Kinh giải thích rằng: “Báp tem… chỉ về sự ăn năn tội lỗi” (Công 19:4). Vậy điều Chúa muốn trước hết là Nicôđem cũng như mỗi chúngta phải ăn năn. Ăn năn là nhận biết mình có tội, đau buồn về tội lỗi của mình, và thực tâm muốn được thay đổi.

Ngoài ra, con người phải nhờ Thánh Linh để được sanh lại, có nghĩa là chúng ta không thể tự mình làm điều đó. Con người không thể nỗ lực để tự tái tạo, tự thay đổi bản chất tội lỗi của mình. Sự sanh lại (nghĩa là được ban cho sự sống mới) phải là một công việc của Thiên Chúa, chứ hoàn toàn không thể là một nỗ lực của con người. Mọi cố gắng đạo đức của nhân loại đều không thể đạt được tiêu chuẩn thánh của Thiên Chúa. Thánh Kinh viết rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, khộng đạt được tiêu chuẩn vinh quang của Thiên Chúa” (Rô-ma 3:23).

Như vậy, để trở thành công dân của Nước Trời, một người cần nhận biết mình là người có tội trước mặt Chúa, rồi ăn năn để nhận được sự sanh lại.

Toàn bộ diễn biến của sự sanh lại nói trên xảy ra khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Trong câu chuyện với Nicôđem, sau khi nói về sự ăn năn và sanh lại, Chúa Giê-xu đã dùng một câu chuyện xưa để nói tiếp với ông rằng: “Như khi xưa Môi se treo con rắn lên nơi sa mạc thể nào, thì Con Người cũng cần phải chịu treo lên cho đến như thế, hễ ai tin Ngài đươc sự sống đời đời” (Giăng 3:14-15).

“Con Người” là chữ mà Chúa Giê-xu dùng để chỉ về chính Ngài, còn “chịu treo lên” là để nói về sự chết của Ngài trên thập tự giá. Thiên Chúa yêu thương nhân loại, trong đó có bạn, có tất cả chúng ta, nên Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giê-xu đã đến thế gian, trở thành con người như chúng ta và chết thay cho chúng ta. Gánh thay án phạt mà lẽ ra chúng ta phải chịu vì tội lỗi của mình.

Chúa Giê-xu nói tiếp với Ni-cô-đem rằng:“Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” ( Giăng 3:16).

Chúa Giê-xu yêu thương bạn và không muốn bạn hoặc bất kỳ ai phải chịu đau khổ ở nơi hình phạt đời đời. Ngài muốn chúng ta được phước hạnh và được làm con của Ngài.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng thánh khiết và công chính; dù Ngài luôn sẵn lòng tha thứ, nhưng một người không thể nhận được sự tha thứ ấy, nếu không chịu ăn năn, để được tha tội và được sanh lại.

“Ai tin Con (Chúa Giê-xu) thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Thiên Chúa vẫn ở trên người ấy” (Giăng 3: 36).

KẾT LUẬN

Nước Trời bao la, không biên giới; Mọi người tin nhận Chúa Giê-xu, dù là người Việt Nam hay bất cứ thuộc dân tộc nào cũng trở thành công dân nước ấy. Có những người trước kia ở dưới ảnh hưởng của Satan: sống một cuộc đời bất an, buồn chán, không ý nghĩa, hoặc bê tha, say sưa, cờ bạc, phóng túng, tham lam, dối trá, trộm cắp,… nhưng từ khi ăn năn tội, nhận rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho mình và tin Ngài làm Chúacủa đời sống mình thì Đức Thánh Linh đã tái tạo đời họ, cho họ được làm công dân Nước Trời và khiến họ trở thành những công dân gương mẫu trên trần gian này.

Sau khi đọc những điều này, nếu quý vị nhận biết mình là một người có tội đối với Thiên Chúa và muốn điều chỉnh lại mối quan hệ với Ngài, hãy liên hệ với các chi hội của Hội Thánh Tin Lành để được hướng dẫn thêm trong việc tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Chúa và chủ của đời sống mình.

Nguồn: https://sites.google.com/site/codocnhandn

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn