“Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi-thiên 23:4).
“Tôi tin rằng mọi thứ đều ổn và linh hồn tôi thật an ninh,” Mục-sư Tiến-sĩ Don Hapton, Mục-sư của hội thánh New Vision Community Church ở Shreveport, Louisiana nói. Đây là một phần của sứ điệp được phát trực tuyến vào ngày Chúa Nhật mà ông đã giảng trên giường bệnh trong phòng cách ly của bệnh viện. Ông nói thêm: “Tấm lòng tôi ngợi khen Chúa không thôi. Tôi giữ vững lời của Ngài và tiếp tục cố gắng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời ngay cả trên giường bệnh.”
Hai ngày sau, ông biết mình bị nhiễm COVID-19. Một đêm sau đó, ông mất.
Ông chỉ là một trong số những lãnh đạo tôn giáo được lên báo vì đời sống mình và giờ đây là vì cái chết của mình. Một người nữa là Linh-mục Franco Minardi, người đã hầu việc Chúa hơn 70 năm với tư cách là linh mục giáo xứ Ozzano Taro, một thị trấn làm nông nghiệp ở Ý, trước khi ông qua đời vì coronavirus ở tuổi 94. Một người khác là sơ Maria Ortensia Turati, một trong sáu nữ tu qua đời vì COVID-19 trong một tu viện ở miền bắc nước Ý. Bà đã lập những nhóm truyền giáo ở Phi-lip-pin và Bờ Biển Ngà, rồi dẫn dắt dòng tu của mình cùng nhiều trường học ở Chi-lê.
Những người này, họ đều chết trong Chúa, và họ không chết một mình.
Lẽ thật của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
Có nhiều nỗi sợ hãi liên quan đến đại dịch coronavirus.
Chúng ta sợ bị nhiễm bệnh và chết vì nó. Chúng ta sợ rằng gia đình và bạn bè mình sẽ bị nhiễm bệnh và chết vì nó. Chúng ta sợ mất công ăn việc làm và đời sống của mình bị ảnh hưởng. Chúng ta sợ rằng trận dịch này sẽ kéo theo một cuộc Đại Khủng Hoảng kinh tế hay tệ hơn. Chúng ta sợ mọi thứ sẽ không còn trở lại “bình thường” như trước ở bên kia của đại dịch, bất kể nó là điều gì.
Và nhiều người trong chúng ta sợ phải đối diện với căn bệnh này một mình.
Nếu tôi phải nhập viện vì COVID-19, vợ tôi sẽ không thể đến thăm tôi. Nếu tôi chết trong bệnh viện, các nhân viên y tế sẽ ở đó nhưng gia đình tôi thì không. Nhiều người trên thế giới đang chết vì căn bệnh khủng khiếp này một mình tại nhà.
Nhưng con cái Chúa sẽ không bao giờ cô đơn, lẽ thật này đã được làm sáng tỏ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – ngày kỷ niệm Chúa Giê-xu chịu thương khó và chết trên cây thập tự.
Khi bạn chết, nhưng lại không chết
Bất cứ nơi nào bạn đi, Chúa đã ở đó trước rồi.
Môi-se chạy trốn khỏi xứ Ai Cập, nhưng Chúa không chạy trốn ông. Đa-vít chối bỏ Lời Chúa khi ông phạm tội với Bát-sê-ba, nhưng Chúa không chối bỏ ông. Giô-na muốn tránh mặt Chúa nhưng lại đụng phải Ngài. Phi-e-rơ đã chối Chúa, nhưng Chúa không chối ông (Giăng 21:15–19). Phao-lô đã bắt bớ các Cơ-đốc nhân, nhưng Chúa Giê-xu yêu thương Phao-lô. Giăng bị đày ra hoang đảo, nhưng ông không hề bị chia cách khỏi Chúa của mình (Khải-huyền 1:9–17).
Và khi bạn chết đi (trừ khi Chúa Giê-xu trở lại trước khi điều đó xảy ra), bạn sẽ không cô đơn. Thật ra, Chúa Giê-xu đã hứa với chúng ta, “Còn ai sống mà tin Ta thì sẽ không bao giờ chết” (Giăng 11:26). Đó là bởi vì, trong khoảnh khắc đó, Ngài sẽ “đem chúng ta đi với Ngài, để Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó” (Giăng 14:3).
Khi bạn chết chính là lúc bạn sống.
Sự ban cho này không lấy của chúng ta cái gì: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Đó là vì Chúa Giê-xu đã mất tất cả để trả thay cho chúng ta rồi.
“Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ”
Khi Phi-e-rơ giải thích Tin Lành cho Cọt-nây cùng gia đình và bạn bè thân thiết của ông, vị sứ đồ này đã nói về Chúa Giê-xu rằng, “Người ta đã treo Ngài trên cây gỗ mà giết đi” (Công-vụ 10:39). Từ “cây gỗ” trong tiếng Hy Lạp ở đây (Xylon) là cùng một từ được sử dụng trong Phục-truyền 21:23 bản dịch Septuagint (còn được gọi là Bản Bảy Mươi — bản dịch tiếng Hy Lạp lâu đời nhất của Kinh Thánh Do Thái), “vì ai bị treo trên cây là kẻ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa.”
Nhờ đó, chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu khi chết đã bị “nguyền rủa” bởi Đức Chúa Trời để chúng ta có thể được cứu chuộc: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta — vì có lời chép: “Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:13).
Như thể chúng ta đang bị trói vào cái bàn trong phòng tử hình rồi Chúa Giê-xu đến thế chỗ cho chúng ta và nhận lấy mũi tiêm có thuốc độc đáng lý ra là dành cho chúng ta. Hay như thể chúng ta đang đứng trước đội xử bắn thì Ngài bước tới trước mặt chúng ta và lãnh những viên đạn đáng lẽ sẽ giết chết chúng ta.
Chúa Nhật tuần trước, vợ tôi và tôi đã xem tập đầu trong loạt phim mới của PBS có tựa là “Thế Giới Trong Lửa” (World on Fire). Nó miêu tả cách mạnh mẽ sự kinh hoàng và tàn phá nặng nề của Thế Chiến Thứ 2 với một số nạn nhân đầu tiên của nó.
Trong phim, có đoạn một phụ nữ trẻ chuẩn bị chạy trốn khỏi thành phố bị Đức Quốc Xã chiếm đóng cùng với người chồng mới cưới của mình. Cô gặp anh ở nhà ga cùng với cậu em trai nhỏ, dường như muốn nói lời tạm biệt với anh. Chồng cô lên tàu rồi quay lại nhìn cô. Vào phút cuối, cô đẩy em trai mình vào vòng tay của anh ngay khi cánh cửa đóng lại và đoàn tàu lăn bánh, giữ mạng sống cho cậu là chấp nhận rủi ro cho chính mình.
“Chỉ sống thôi là chưa đủ”
Trong trận dịch COVID-19 này, hãy biết rằng điều tệ nhất có thể xảy đến với các Cơ-đốc nhân có thể dẫn đến điều tốt nhất có thể xảy ra cho chúng ta. Và hãy biết rằng dù bất kỳ điều gì xảy ra cho chúng ta, Chúa Giê-xu sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Khi không có dịch bệnh hay chiến tranh, con người ít ai nghĩ đến việc mình sẽ chết. Họ luôn nghĩ mình còn rất nhiều thời gian trên đời. Ít ai nghĩ đến việc mình đang sống thế nào, sử dụng thời gian ra sao, và liệu mình có đang lãng phí cuộc đời này không? Nhưng khi đối diện với cái chết, ta chợt thấy đời mình thật hữu hạn. Ta đã sống như thế nào? Ta nuối tiếc những gì? Ta đã làm được những gì có ý nghĩa? Giữa đại dịch này, sự sống thật bấp bênh và cái chết có thể đến với bất kỳ ai; ta hãy nghĩ xem nếu còn được sống, mình sẽ sống thế nào? Làm sao để đời sống mình có ý nghĩa nhất?
Dù được sống bao lâu đi nữa, chúng ta cũng nên nhớ tới câu châm ngôn của Winston Churchill: “Chỉ sống thôi là chưa đủ. Chúng ta phải quyết định sống cho cái gì đó.”
Liệu bạn có sống cho Đấng đã chết cho bạn?
Richard Huynh dịch
Theo denisonforum.org