Chúng ta xưa nay thường nghĩ đến việc truyền bá Tin Lành cho người nghèo như mục đích của Chúa Giê-su khi đến thế gian (Lu-ca 7:22 và Lu-ca 4:18). Chúng ta cứ tưởng Tin Lành chỉ dành cho người nghèo, nhưng thực ra Chúa dạy hãy nhớ truyền bá Tin Lành cho người giàu. Người giàu trước mắt Chúa là người nghèo khó tâm linh. Người giàu thường là người nhờ cậy vật chất, nhờ cậy sức riêng, không muốn nhờ cậy ơn Trời.
Kẻ hà hiếp người nghèo khổ làm nhục Đấng tạo hóa mình;
Còn ai thương xót người bần cùng tôn trọng Ngài. Châm Ngôn 14:31.
Người Việt ngày nay đã trở thành người giàu, nhất là những người có học thức, có quyền thế. Ở Việt Nam đang có nhiều người là triệu phú hay tỷ phú theo tiêu chuẩn thế giới. Biết đến bao giờ nước Việt mới trở thành nước giàu? Khi còn nghèo người ta dễ sống gần Chúa, dễ nhờ cậy Chúa, nhưng khi trở thành người giàu, người ta dễ quên Chúa, dễ sống xa cách Chúa. Đối với tôi những người giàu mà chưa có Chúa vẫn là những người nghèo. Rất nghèo. Ở Việt Nam hay ở Mỹ người giàu vẫn cần nghe truyền bá Tin Lành. Phúc Âm của Chúa Cứu Thế vẫn còn giá trị trong thế giới ngày nay. Thiên đàng không phải ở dưới đất nầy.
Kinh Thánh cho biết người Do Thái được Chúa ban cho ân tứ làm giàu. Các tổ phụ người Do Thái như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp đều là người giàu. Vua Đa-vít, vua Sa-lô-môn đều là những người giàu nhất trong thế hệ của ông. Lịch sử dân Do Thái cho thấy dầu được Chúa cứu ra khỏi Ai-cập, nhưng lòng người Do Thái vẫn muốn trở lại nếp sống Ai-cập.
Chúa đánh giá không theo tiêu chuẩn giàu nghèo nhưng là thật hay giả, sáng hay tối, mới hay cũ, sống hay chết.
Ngày nay ít người biết rằng một phần ba số người chết trên thế giới hằng năm (khoảng 18 triệu người) đã chết vì nghèo. Có hơn 1 tỉ người sống mỗi ngày ít hơn 1 Mỹ Kim và một nửa dân số thế giới (khoảng 2.8 tỉ người) sống sót với ít hơn 2 Mỹ kim. Tin Chúa và theo Chúa vẫn là hy vọng tốt nhất của tất cả các dân tộc. Tin Lành vẫn cần rao giảng cho người nghèo. Mời Chúa vào lòng và mời Chúa vào nhà, chúng ta mới thoát được cảnh nghèo.
Chúa Giê-su đến thế giới không phải để thay đổi các chế độ nhưng để thay đổi những tấm lòng. Chúa đã đối diện với thực tế là người sáng mắt thì không thấy Chúa nhưng kẻ mù lòa thì thấy Chúa. Ngươi giàu, người khôn, người có học đều có những ý nghĩ khác nhau về Chúa. Chúa gần với người nghèo, người khổ, những người bị thế gian khinh chê. Chúa cảnh cáo người giàu chớ nương dựa vật chất không chắc chắn.
Kinh Thánh phát hiện:
Anh chị em biết ân huệ của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, Ngài vốn giàu sang, nhưng vì anh chị em tự làm nên nghèo khổ để bởi sự nghèo khổ của Ngài anh chị em được trở nên giàu sang. 2 Cô-rinh-tô 8:9.
Sứ đồ Phao-lô nhắc lại bài học quan trọng khó quên mà Chúa đã dạy cho ông cùng Hội Thánh, “Hãy nhớ lại rằng ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.” Đó là gương tốt của Chúa Giê-su.
Sứ đồ Phao-lô viết thư cho người học trò cưng của mình là Ti-mô-thê, một nhà lãnh đạo trẻ để dạy dỗ các Hội Thánh về thái độ của người giàu phải biết sống thế nào.
1 Ti-mô-thê 6: 6-10
Sự tin kính cùng sự thỏa lòng, chính là nguồn lợi lớn. 7 Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo, thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; 8 vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng. 9 Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. 10 Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.
Phao-lô dạy chúng ta hãy thỏa lòng với những gì Chúa đang ban cho chúng ta. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở đủ dùng là lợi. Thỏa lòng là lợi. Trái lại, không thỏa lòng nhưng cứ bất mãn là tội. Một Mục Sư có nhận xét là điều răn thứ nhất và điều răn thứ mười có ý nghĩa giống nhau: “Trước mắt ta, người chớ có các thần khác” và “Chớ tham lam.” Ông giải thích, “Tham lam mong muốn một điều gì khác ngoài Chúa là đánh mất sự thỏa lòng trong Chúa.”
Sự thỏa lòng thật được tìm thấy trong sự yêu mến Chúa và làm theo ý Chúa. Lý do chúng ta không tìm kiếm Nước Trời trước hết là vì chúng ta quá mãi mê chạy theo những gì mà thế gian đang chạy theo. Chúng ta quá yếu đức tin. Chúng ta không sống ngây thơ phó thác như chim trời, như hoa cỏ.
Trong 1 Cô-rinh-tô chương10, Phao-lô đã cảnh cáo tín hữu không nên theo gương người Do Thái khi Chúa giải cứu họ khỏi Ai-cập, “Và cũng đừng cằn nhằn như một số người trong họ, để phải chết bởi thiên sứ hủy diệt.” Tác giả Thi Thiên cũng đã nói về những người nầy,
“Tổ phụ chúng tôi khinh bỉ xứ tốt đẹp,
Không tin lời của Chúa,
25 Song nói lằm bằm trong trại mình,
Không nghe tiếng Đức Giê-hô-va.
26 Vì vậy, Ngài thề cùng chúng nó rằng:
Sẽ làm chúng nó sa ngã trong đồng vắng,
27 Khiến dòng dõi họ sa ngã giữa muôn nước,
Và làm tản lạc họ trong các xứ.” Thi thiên 106:24-27.
Phao-lô cũng làm chứng về sự thỏa lòng trong Chúa, phải học, phải tập luyện mới có. Muốn tập thỏa lòng chúng ta hãy tập vui mừng trong Chúa và bớt tham lam.
“Tôi biết thế nào là thiếu thốn, thế nào là dư dật. Trong mọi nơi, mọi tình huống tôi đã học bí quyết để sống, dù no hay đói, dù dư hay thiếu. 13 Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi” (Phi-líp 4:12).
Rồi ông khuyên dạy người giàu, xưa cũng như nay:
“Hãy khuyên bảo những người giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng đặt hi vọng vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật cách dư dật để chúng ta vui hưởng. 18 Họ phải làm việc thiện, làm nhiều việc phước đức, có lòng rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ, 19 (1 Ti-mô-thê 6: 17-19).
Người nghèo hay người giàu đều phải tìm kiếm sự an toàn trong Chúa. Một trong những lý do chúng ta không thỏa lòng là vì chúng ta không tin cậy Chúa. Chúng ta tìm kiếm sự an toàn trong của báu, trong hãng bảo hiểm, trong quỹ tiết kiệm, trong tài khoản ngân hàng hơn là tìm sự an toàn trong Chúa. Chúng ta đánh giá quá cao khả năng của tiền bạc.
Tác giả sách Hê-bơ-rơ dạy: “Chớ tham tiền, hãy hài lòng với những gì mình có, vì chính Đức Chúa Trời có phán: ‘‘Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.”
Chúa Giê-su đã dạy sự sống thật không cốt tại của cải dư dật. Sự sống thật được tìm thấy trong mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè, với người khác, với thiên nhiên, với Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-su, chứ không phải vật chất, mới ban cho chúng ta sự sống phong phú. Giăng 10:10. Sự sống thật không bao gồm những gì chúng ta sở hữu hay chiếm giữ. Sự sống thật bao gồm sự nhận biết Đức Chúa Trời. Nhận biết Chúa là quý tột bật. Phi-líp 3:8.
Hãy tập có cái nhìn như Chúa Giê-su đã nhìn. Chúa Giê-su nhìn đám dân đông khác với các môn đồ của Chúa đã nhìn. Hiện cái nhìn của Chúa cũng khác với cái nhìn của chúng ta hôm nay. Chúng ta sẽ hổ thẹn khi gặp Chúa, nếu hôm nay chúng ta không điều chỉnh nhãn quan của mình cho hợp với nhãn quan của Chúa, thay đổi tầm nhìn của mình cho hợp với tầm nhìn của Chúa.
Đức Chúa Giê-su đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, rao giảng Tin Lành về vương quốc thiên đàng, và chữa lành mọi thứ bệnh tật. 36 Khi thấy những đoàn người đông đảo, Ngài cảm thương vì họ khốn cùng, và tan lạc như chiên không có người chăn. 37 Ngài phán với các môn đồ rằng: “Mùa gặt thì thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít. 38 Vậy, hãy cầu xin Chúa mùa gặt sai thợ gặt vào mùa gặt của Ngài.” Ma-thi-ơ 9: 35-38
Viết thư cho Hội Thánh Phi-líp, sứ đồ Phao-lô đã dạy rõ,
Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. 4 Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa. 5 Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Cơ Đốc Giê-su đã có… Phi-líp 2: 5-11
Sứ đồ Phao-lô cũng dạy chúng ta biết vui thỏa với thiên nhiên chúng ta đang chung sống. Chúa đang cung ứng mọi sự cần thiết cho đời sống hằng ngày của chúng ta. Quả đất nầy biết quản lý đúng sẽ đủ nuôi sống chúng ta. Ngày xưa chỉ có nông nghiệp, ngư nghiệp mà người ta vẫn sống. Người ta còn sống khỏe, sống lâu. Chủ trương đi tu, không lập gia đình, tu thân ép xác, ăn chay trường… là trái ý Trời. Thế giới Chúa dựng từ đầu được Ngài xem là tốt lành. Chỉ có tội lỗi và ác tâm của loài người đã làm ô nhiễm, hư hoại thế giới.
Thánh Linh phán rõ ràng rằng trong thời kỳ cuối cùng sẽ có một số người chối bỏ đức tin, chạy theo các thần lừa dối và giáo lý của ma quỉ, 2 bởi luận điệu đạo đức giả của những kẻ nói dối mà lương tâm đã chai lì. 3 Họ cấm cưới gả, và bắt kiêng cữ các thức ăn mà Đức Chúa Trời đã tạo ra cho những ai tin và hiểu biết chân lý nhận lãnh với lòng biết ơn. 4 Vì mọi vật do Đức Chúa Trời tạo dựng đều tốt đẹp, không có vật gì đáng loại bỏ, miễn là được tiếp nhận với lòng biết ơn; 5 vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được thánh hóa. 1 Ti-mô-thê 4:1-5.
Chúng ta nên nhớ không phải chỉ có đời nầy. Chúng ta cần vui hưởng đời nầy với Chúa nhưng đừng quên vui hưởng đời sau. Hãy biết chuẩn bị cho đời sau. Chúng ta có thể sống đời đời bên Chúa.
Dưới ánh sáng của lời Chúa, chúng ta không thể dững dưng. Hãy chuẩn bị ngày chúng ta gặp Chúa, chúng ta về nhà. Chúng ta có thể chuẩn bị cho đời sau bằng tính rộng rãi, hào phóng. Tính rộng rãi đánh gãy quyền lực của tiền bạc. Chúng ta không thể cùng lúc làm tôi hai chủ. Chúng ta chọn làm tôi tớ của Đức Chúa Trời và chấm dứt chọn làm tôi tớ tiền bạc. Tiền bạc là đầy tớ tốt và là ông chủ xấu. Hãy làm chủ, không làm nô lệ cho tiền bạc. Ban cho đúng lúc, đúng mục đích là một cách biết làm chủ tiền bạc. Mỗi lần ban cho là mỗi lần chúng ta có thể nói, “Có những điều đối với tôi là quan trọng hơn tiền bạc.”
Bằng cách xây dựng lòng rộng rãi và tham gia phân chia của cải, chúng ta có thể chất chứa cơ nghiệp ở trên trời. Đây là lý do sứ đồ Phao-lô đã nói, “như vậy họ tích lũy cho tương lai mình một kho báu vững bền, để nắm chắc sự sống thật.” Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy “hãy chứa của trên trời” (Matt. 6:20) và đây là điều sứ đồ Phê-rơ đã dạy về “cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn để dành cho anh em trên trời (1 Phi 1:4).
Có một tác giả đã dạy một sáng kiến mà tôi ưa thích, đó là “Muốn chứa của trên trời trước tiên chúng ta phải biết đổi tiền dưới đất thành tiền của thiên đàng.” Tác giả đó còn nói thêm, “Tiền thiên đàng là món tiền yêu thương.”
Hãy làm người khôn, không nên làm người dại. Hãy biết đầu tư của cải Chúa giao cách khôn ngoan như một người quản lý trung tín, đầy ơn Chúa. Hãy đầu tư trong khi có dịp tiện.
Sứ đồ Phê-rơ nhắc nhở chúng ta,
Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy tỉnh táo và tiết độ để cầu nguyện. 8 Trước hết, hãy yêu thương nhau tha thiết; vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi. 9 Hãy tiếp đãi nhau không chút cằn nhằn. 10 Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau. 11 Nếu có ai giảng luận, thì hãy giảng như rao truyền lời của Đức Chúa Trời; nếu có ai phục vụ, thì hãy phục vụ bằng sức mạnh của Đức Chúa Trời ban cho, để trong mọi sự Đức Chúa Trời được tôn vinh qua Đức Chúa Giê-su Cơ Đốc. Nguyện vinh quang và quyền năng thuộc về Ngài đời đời vô cùng. A-men. 1 Phi-e-rơ 4: 7-11
Tôi nhớ Jim Elliot, một giáo sĩ tuận đạo ở Ecuador dưới tay của thổ dân Aucas. Ông bị giết chết ngày Chúa Nhật 8 tháng Giêng 1956, cùng với 5 giáo sĩ khác. Có bốn xác tìm lại được và xác thứ năm mất tích. Cho đến ngày nay, người ta tiếp tục truyền tụng một câu nói trong nhựt ký của ông, “Người cho điểu không thể giữ để được điều không thể mất, không phải là người dại.”
Tôi nhớ lời Chúa Giê-su kể,
“Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.” 16 Ngài lại kể cho họ một ẩn dụ: “Ruộng của một người giàu kia rất được mùa. 17 Anh ta thầm nghĩ: ‘Ta phải làm gì đây, vì không còn đủ chỗ để chứa hoa lợi.’ 18 Anh ta nói: ‘Ta sẽ làm thế nầy: Ta sẽ phá những kho nầy và xây những cái khác lớn hơn, rồi ta sẽ thu trữ thóc lúa và của cải ta vào đó. 19 Ta sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của cải để dành cho nhiều năm. Hãy nghỉ ngơi, ăn uống, và vui vẻ.’ 20 Nhưng Đức Chúa Trời phán với anh ta: ‘Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy của cải ngươi đã dự trữ sẽ thuộc về ai?’ 21 Ai thu trữ của cải cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.” Lu-ca 12: 13-21.
Chúa Giê-su rất thực tế, Ngài biết cái còn cái mất, cái tạm thời, cái trường tồn. Chúa Giê-su đã đề nghị chúng ta.
“Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy; 20 Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. 21 Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.” Ma-thi-ơ 6: 19-21.
Tôi tin Chúa Giê-su nói đúng về trời và đất. Ngài biết rõ chuyện trên trời là nơi Ngài đã từ giã để đến trần gian và Ngài đã trở về trời. Hiện Chúa chúng ta đang ngồi bên hữu của ngai Đức Chúa Trời. Lời Chúa là chân lý.
Có một viên quan hỏi Đức Chúa Giê-su: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 19 Ngài đáp: “Tại sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành cả, trừ một mình Đức Chúa Trời. 20 Hẳn ngươi biết các điều răn nầy: “Chớ phạm tội ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.” Ông ấy thưa: “Tôi đã giữ các điều ấy từ thời niên thiế
22 Khi Đức Chúa Giê-xu nghe điều ấy, thì Ngài phán: “Ngươi còn thiếu một điều: Hãy bán tất cả những gì ngươi có và phân phát cho người nghèo, thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời, rồi hãy đến theo Ta.” 23 Nhưng khi nghe những điều nầy, ông ta trở nên buồn rầu, vì ông rất giàu có. 24 Đức Chúa Giê-su nhìn ông và phán: “Người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời thật khó biết bao! 25 Vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời!” 26 Những người nghe điều đó, nói rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu?” 27 Ngài đáp: “Điều loài người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được.” 28 Phi-e-rơ thưa: “Nầy, chúng con đã bỏ những gì mình có mà theo Thầy.” 29 Ngài đáp: “Thật, Ta bảo các con, không ai từ bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con vì vương quốc Đức Chúa Trời, 30 mà lại không được nhận gấp bội phần trong đời nầy, và được sự sống đời đời trong đời sau.” Lu-ca 18: 18-30.
Theo Chúa là tin cậy Chúa và vâng lời Chúa. Vâng lời Chúa ở điều dễ nhưng cũng vâng lời Chúa ở điều khó. Nếu chúng ta có lòng yêu Chúa, chúng ta sẽ vâng lời Chúa dễ dàng. Đừng đợi đến gần chết mới vâng lời.
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ