Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / “Hội Chứng Đám Đông”

“Hội Chứng Đám Đông”

Khoảng thập niên tám mươi, chín mươi, sau nhiều năm thiếu hẳn loại nhạc trữ tình ở trong nước, bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung với lời “giữa đám đông xa lạ, tìm em vẳng theo tiếng hát” đã làm xao xuyến, thổn thức bao con tim. Tôi cũng đã từng bồi hồi khi nghe bài ca này, dẫu người con gái trong cái đám đông của nhạc sĩ không biết là ở nhà máy, công trường, hay một nơi nào đó hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến tôi, hoàn cảnh của tôi. Tuy nhiên những lời ca ấy đã ở lại trong trí tôi nhiều năm. Có thể nói là cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng vẫn bật ra.

Cái đám đông của nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, theo thiển ý của tôi, có lẽ là một đám đông dễ thương. “Vô hại”. Bởi nó chỉ là một cái “background”, làm nền cho hình ảnh người con gái nổi bật lên. Là một cái nhập đề đáng yêu cho toàn cảnh bức tranh “em như muôn ngàn tia nắng mặt trời”. Nó không nhốn nháo tin theo những tin đồn thất thiệt mà không kiểm chứng đúng hay sai. Không ồn ào hùa theo một cách vô ý thức có thể làm phương hại danh dự một kẻ nào đó. Cũng không góp sức vào những hành động có thể khiến người khác tổn thương, ngồi tù hay thậm chí thiệt mạng.

Ngày nay người ta có một cái tên gọi là “hội chứng đám đông” cho những đám đông như vậy, và xem như đó là một căn bịnh khó có thuốc chữa. Trong thời đại văn minh tiên tiến, người ta đổ lỗi cho truyền thông hiện đại dẫn đến “căn bịnh” ấy. Vì với những phương tiện gần như ai cũng có thể xử dụng được như truyền hình, truyền thanh, và với mạng lưới internet rộng lớn trên toàn cầu, tin tức đủ mọi loại, từ thật đến giả đều có thể loan đi một cách rất dễ dàng và nhanh chóng. Cái khoảng cách giữa các châu lục không còn quá xa nữa. Ngồi ở bất cứ nơi nào trên quả đất , người ta cũng có thể đưa tin, truyền tải những gì họ muốn. Thậm chí người ta còn mắng chửi nhau kể cả hai bên đang ở vào hai múi giờ hoàn toàn khác nhau.

Nên cũng vì thế mà “đám đông” càng ngày càng có sức mạnh. Con người càng ngày càng dễ bị lung lạc, dễ bị ảnh hưởng bởi những điều mình nhìn thấy qua hình ảnh trên mạng, trên truyền hình, nghe qua truyền thanh, đọc trên báo chí. Đã có không ít nước trên thế giới đã cố gắng chận tin tức nơi này loang ra nơi kia bằng những “hàng rào lửa” điện tử, những phương pháp tân tiến nhất, tuy nhiên vẫn không thể nào ngăn được tất cả. Vì có người xây hẳn cũng có người phá. Có người đóng nên cũng có người mở.

Mà thật ra “đám đông” không phải tới thời cộng nghệ phát triển nhanh như hiện nay mới xảy ra những chuyện “hùa theo”, “ăn theo”, “nói theo”; vì ngay từ trước công nguyên đã có những “đám đông” như thế rồi. Một tháp Ba-bên sở dĩ được dựng nên vì “người nầy nói với người kia rằng: Hè! chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa. Lúc đó, gạch thế cho đá, còn chai thế cho hồ. Lại nói rằng: Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất.” (Sáng Thế Ký 11:3-4). Hay khi vừa được Môi-se dẫn ra khỏi xứ Ai Cập, thoát cái ách làm nô lệ, được Chúa cho ma-na và chim cút để ăn mỗi ngày mà không phải làm lụng gì hết, mà dân chúng hay nói chung là những đám đông đã khiến Chúa phải mắng, “Ngươi chớ đồn huyễn; chớ hùa cùng kẻ hung ác đặng làm chứng dối. Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy; khi ngươi làm chứng trong việc kiện cáo, chớ nên trở theo bên phe đông mà phạm sự công bình”. (Xuất Ê díp tô ký, 23:1-2).

Cái tính chất của đám đông là đố kỵ. Cứ thấy ai hơn mình là đem lòng ganh ghét, là bè đảng để chống lại bằng cách moi móc sự thiếu sót của người khác mà dè bĩu, chê bai. Bà Anne, mẹ của tiên tri Sa-mu-ên đã khóc than và khổ sở từ năm này đến năm kia bởi “kẻ phân bì nàng khôn xiết trêu ghẹo nàng, để giục nàng lằm bằm vì Đức Giê-hô-va đã khiến nàng son sẻ.” (I Sa-mu-ên 1:6) khi thấy bà được Chúa thương và ban cho nhiều phần hơn. Về phần vua David đã phải chạy trốn khỏi Sau-lơ chỉ vì đám đông đã khơi gợi lòng ganh ghét, đố kỵ của Sau-lơ đối với David qua những lời hát và đồn đãi từ đám kỵ nữ trong cung ra đến ngoài dân chúng, rằng “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn David giết hàng vạn” (I Sa-muên 21:11c).

Đám đông, tập họp từ nhiều người, nên cái sức mạnh của con số nhiều ấy khi họp lại với nhau thật đáng sợ. Nó có thể thay đổi được cục diện của một sự việc nào đó. Nếu con số lên quá lớn, nó sẽ thay đổi được cả quyết định của người lãnh đạo mình. Việc A-rôn đã bị đám đông dân chúng vây lấy và bị ảnh hưởng bởi họ mà đã cùng họ thờ tà thần được diễn tả trong cựu ước Xuất Ê díp tô ký 32:1-5, “dân sự thấy Môi-se ở trên núi chậm xuống, bèn nhóm lại chung quanh A-rôn mà nói rằng: Nào! hãy làm các thần để đi trước chúng tôi đi, vì về phần Môi-se nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi. A-rôn đáp rằng: Hãy lột những vòng vàng đeo nơi tai vợ, con trai và con gái các ngươi đi, rồi đem lại cho ta. Hết thảy đều lột vòng vàng nơi tai mình mà đem lại cho A-rôn; người nhận lấy nơi tay họ, và dùng đục làm thành một bò con đúc. Dân chúng nói rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên! nầy là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. A-rôn thấy vậy, bèn lập một bàn thờ trước mặt tượng bò đó.”

Nhưng điều đáng sợ hơn như thế nữa là tính cách phản bội của đám đông. Trong bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Lu-ca, Mac và Giăng đều nhắc đến những đám đông đã theo Chúa Giê-su từ nơi này qua nơi khác để nhận được sự dạy dỗ của Ngài, đã chứng kiến Chúa Giê-su làm phép lạ, đi theo Ngài để xin sự chữa lành như cuối cùng đã phản bội Ngài. Một đám đông lên đến năm ngàn người chịu nhịn, chịu đói để được nghe Ngài giảng dạy, là đám đông được Chúa hóa bánh cho ăn (Mac 6:30-33), “Ta thương xót đoàn dân này, vì đã ba ngày nay, không bỏ Ta, và chẳng có gì ăn” (Mac 8:2), là những người từng trải áo trên đường cho Chúa khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 19:36-37), mừng rỡ tung hô Ngài, “qua ngày sau, có một đám dân đông đến đặng dự lễ, biết Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem, bèn lấy những lá kè ra đón Ngài, và reo lên rằng: Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 12: 12-13), lại cũng chính là đám đông vài hôm sau đòi giết Chúa, đóng đinh Ngài lên thập tự. (Ma-thi-ơ 27:21-26 ; Mac 15:14-15; Lu-ca 23:20-25; Giăng 19:13-16).

Tương tự như A-rôn bị đám đông chi phối, chính quan tổng đốc Phi-lat là người không nhìn thấy Chúa Giê-su có tội, nên trước mặt dân chúng đã hỏi đến ba lần “rằng: vậy người nầy đã làm điều ác gì? Ta không tìm thấy người có sự gì đáng chết.” (Lu-ca 23:22), và cũng đã có ý muốn tha cho Ngài, nhưng khi đám đông lớn tiếng đòi giết Chúa, và cuối cùng “tiếng kêu của họ được thắng” (Lu-cả:23b), thì tổng đốc Phi-lát đã thay đổi ý định. Vị quan này đã thuận lòng theo đám đông chỉ vì “muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba; và sai đánh đòn Đức Chúa Jêsus, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự.” (Mác 15:5).

Để bảo vệ cho cái chức quan của mình, A-rôn hay Phi-lát chìu theo đám đông, chìu theo ý của một số đông dân chúng là một điều rất dễ hiểu. Phần lớn các chính trị gia, người lãnh đạo một đất nước, một tập thể nào đó thường vẫn làm như vậy vì sợ quyền lợi của cá nhân và gia đình mình bị lay chuyển. Họ có “lý do”, dù cái lý do rất vị kỷ, nhưng ngược lại đám đông dường như không nhận ra, hoàn toàn không để ý mình đã bị xúi dục từ ý muốn và lợi ích của kẻ khác. Dân chúng, đám đông của thời Chúa Giê-su bị bức hại đã không hay rằng “các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si nhóm tòa công luận, bàn rằng: Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa.” (Giăng 11:47-48). Đám đông không hề biết các thầy thông giáo chỉ vì sợ địa vị và quyền lực mình mất đi vì một “Vua Giu-đa của nước Y-sơ-ra-ên” đang xuất hiện mà đã xúi họ phản lại những gì vừa mới được nghe, được giảng dạy trước đó không lâu. Họ quên mất chính họ đã nhận ra Chúa Giê-su là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin Ngài sẽ chẳng ở trong nơi tối tăm nữa. (Giăng 12:46).

Họ đã chóng quên, vì bản chất của đám đông là chóng quên. Những người đòi đóng đinh Chúa Giê-su đã không hề nhớ chính Ngài đã nói về sự chết của mình mà sứ đồ Giăng đã chép lại trong Phúc Âm Giăng 12: 32-33, “Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta. Ngài phán vậy để chỉ mình phải chết bằng cách nào.” Họ quên rằng họ từng được nhắc nhở rằng một ngày kia, khi Chúa trở lại, họ sẽ phải nhận chịu sự phán xét vì đã không thờ phượng đấng Sáng Tạo cách phải lẽ.

Trong những đám đông, chỉ có một đám đông mà Chúa ưa thích, là đám đông nhóm lại để thờ phượng Ngài. Một đám đông được mô tả trong Công Vụ các Sứ Đồ 2: 44-47, “Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung.

Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng.” Một đám đông có sức mạnh của Chúa, từ Chúa nên đã thắng được kẻ thù. Xưa dân các thầy tế lễ và các chiến sĩ của I-sơ-ra-ên theo lịnh Đức Giê-hô-va rước hòm giao ước của Chúa đi vòng chung quanh thành bảy lần ngày và hết thảy dân sự đã cùng la tiếng lớn lên mà đã khiến vách thành Giê-ri-cô đã sụp đổ. (Giô-suê 6).

Sự khôn ngoan Chúa ban cho con người là để có lòng kính mến Chúa, thờ phượng và biết những điều khiến Chúa đẹp lòng. Trong cuộc sống hằng ngày, chung đụng với tha nhân, không dễ gì mà chúng ta tách rời ra khỏi đám đông, khỏi cộng đồng của mình, bởi vì chính Chúa đã phán “loài người sống một mình thì không tốt”. Bởi chính Ngài luôn luôn thấu hiểu sự cô đơn của chúng ta. Nhưng ngược lại, có bao giờ tôi hay bạn, trước khi đứng vào đám đông, đã tự hỏi mình, rằng đó là đám đông nào, có làm điều gì tốt đẹp cho người chung quanh, có vang lên những tiếng nói hữu ích cho cộng đồng. Và nhất là có làm những điều khiến Chúa vui lòng hay không? Có nghĩ đó là một đám đông mà thánh Phao-lô đã nhắc rằng “những kẻ đó chẳng hầu việc đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh, dỗ dành lòng kẻ thật thà” (Rô-ma 16:18)?

Tôi đã khởi đầu bài viết bằng một bài hát nên cũng muốn đúc kết bằng một câu thơ được phổ nhạc của Nguyễn Tất Nhiên “Hãy nhìn sâu chút nữa. Trước khi… vào đám đông” (Cô Bắc Kỳ nho nhỏ), để tự nhắc nhở mình. Cũng muốn ghé vào tai các bạn những lời mà chúng ta đã được học từ Đấng cứu chuộc mình.

HOÀNG NGA

Đọc thêm:

https://huongdionline.com/2018/02/05/co-doc-nhan-co-bi-thu-hut-vao-cac-hoat-dong-chinh-tri/

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn