Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Đối Diện Lương Tâm

Đối Diện Lương Tâm

bosun

“Lương tâm” trong Tân Ước

Giăng 8:9

Công Vụ 23:1; 24:16

Rô-ma 2:15; 9:1; 13:5

I Cô-rinh-tô 8:7,10,12; 10:25,27,28,29

II Cô-rinh-tô 1:12; 4:2;5:11

I Ti-mô-thê 1:5,19; 3:9; 4:2

II Ti-mô-thê 1:3

Tít 1:15

Hê-bơ-rơ 9:9,14; 10:2,22; 13:18

I Phi-e-rơ 2:19; 3:16,21

 

Chương 1: “Một nguyên lý bên trong.”

“Tôi cần một nguyên lý bên trong / sự kinh sợ thánh khiết và cảnh giác.”

Khi Charles Wesley viết những lời này, ông đang diễn tả một lẽ thật liên quan đến lương tâm. Nhà triết học người Đức Immanuel Kant đã viết: “Có hai điều đổ đầy tâm trí tôi với sự kinh sợ và ngạc nhiên gia tăng: Bầu trời đầy sao ở phía trên, và định luật luân lý bên trong tôi.”
Một cái gì đó bên trong tấm lòng của mỗi người đồng tình khi chúng ta làm đúng và cáo trách khi chúng ta làm sai, và đó chính là lương tâm.
Từ “lương tâm” được tìm thấy 32 lần trong Tân Ước (Bản King James) và được sứ đồ Phao-lô nhắc đến 21 lần. Nếu chúng ta muốn thành công trong đời sống Cơ Đốc, chúng ta phải hiểu được lương tâm là gì và nó hành động ra sao.
Tôi muốn thảo luận 2 chủ đề liên quan tới lương tâm. Đầu tiên, là định nghĩa: Lương tâm là gì? Thứ hai, lương tâm được mô tả như thế nào? Lương tâm được bày tỏ trong lời Chúa ra sao? Nếu chúng ta hiểu được lương tâm là gì và cách nó hành động, khi ấy đời sống chúng ta có thể được thay đổi.
Bạn không thể chạy trốn khỏi lương tâm. Bạn phải sống với lương tâm của mình. Bạn có thể tranh cãi với lương tâm của bạn. Bạn có thể làm ô uế lương tâm của mình. Bạn có thể làm chai sạn lương tâm mình. Nhưng bạn sẽ không bao giờ loại bỏ được nó. Nó có thể hành động sai vì bị bạn bắt buộc nó đi theo cách của bạn, nhưng nó vẫn luôn ở đó. Một đời sống buồn bã là do lương tâm không làm việc theo cách mà Đức Chúa Trời muốn nó hoạt động!
Lương tâm là gì? Từ “conscience”(lương tâm) trong ngôn ngữ Tiếng Anh của chúng ta bắt nguồn từ hai từ La-tinh: Com và Scio. Com nghĩa là “ đối với” hay là “cùng với nhau” và scio nghĩa là “Tôi biết”. Từ Tiếng Anh của chúng ta là “conscience” nghĩa là “biết một ai đó” hay “biết lẫn nhau.” Biết chính chúng ta và biết bên trong tấm lòng chúng ta. Lương tâm chính là sự hiểu biết nội tâm giúp tôi biết rõ chính mình.
Từ Hy Lạp được sử dụng trong Tân Ước, suneidesis (tấm lòng) có ý nghĩa chính xác giống với từ lương tâm. Từ này được tạo thành bởi hai từ Hy Lạp, “sun” và “oida” có nghĩa là “biết một đối tượng nào đó.”
Trong thời Tân Ước từ “lương tâm” không phải là một từ xa lạ. Nó được người Hy Lạp sử dụng trong đối thoại hàng ngày. Nó có nghĩa là “nỗi đau bạn cảm thấy khi bạn làm sai.” Đó là một định nghĩa hay?
Một Cơ Đốc Nhân người Mỹ gốc Ấn nói rằng “Trong tim tôi có một đầu mũi tên ba cạnh. Nếu tôi làm sai, đầu mũi tên sẽ quay và những cạnh đó sẽ cắt vào tôi. Nếu tôi làm sai quá nhiều, nếu tôi làm mài mòn các cạnh thì nó sẽ không làm tôi đau nhiều nữa.” Nhưng khi nỗi đau không còn nữa thì hãy coi chừng!

images
Lương tâm là khả năng đặc biệt sâu kín biểu lộ cho chúng ta biết rằng những hành động của chúng ta là đúng hay sai, theo tiêu chuẩn bên trong tấm lòng của chúng ta. Oswald Chambers đã đưa ra một định nghĩa đúng về lương tâm: “Lương tâm là khả năng bẩm sinh đặc biệt trong tâm hồn mỗi người gắn liền chính nó với điều mà người đó biết rõ nhất” Lương tâm không phải là luật pháp; lương tâm cung cấp bằng chứng cho luật pháp. Lương tâm không phải là tiêu chuẩn đạo đức, lương tâm cung cấp bằng chứng cho tiêu chuẩn đạo đức. Ở những vùng khác nhau trên thế giới tiêu chuẩn đạo đức cũng khác nhau.
Để tôi minh họa cho điều này. Khi người Anh chiếm Ấn Độ thành thuộc địa của họ, họ phát hiện ra một vài tục lệ cần phải được bãi bỏ. Một trong những tục lệ như thế là hỏa thiêu góa phụ của người đã khuất trên giàn thiêu. Người Anh ban hành một luật để bãi bỏ tục lệ này.
Một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo của người Ấn Độ đã đến nói với lãnh đạo Anh rằng “Lương tâm của chúng tôi nói với chúng tôi rằng góa phụ đó phải bị hỏa thiêu.” Và người Anh trả lời “Và lương tâm của chúng tôi mách bảo chúng tôi rằng nếu ông làm điều đó, chúng tôi sẽ treo cổ ông!” Đó chính là sự khác biệt phải không?
Lương tâm có thể hướng dẫn chúng ta đúng nếu chúng ta có một tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn. Mọi người đã kinh nghiệm điều này. Nếu bạn gian lận trong kỳ thi, nói dối hay làm gì đó đơn giản là không nên làm, lương tâm của bạn sẽ cáo trách bạn. Có gì đó bên trong nhắc nhở không ngừng rằng bạn không nên làm thế. Đó chính là lương tâm. Dĩ nhiên, một số người đối xử tồi tệ với lương tâm mình tới mức nó chẳng còn cáo trách họ thêm nữa; đối với những người này chúng ta chỉ có thể cảm thấy tiếc cho họ.
Khi A-đam và Ê-va phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời, họ trốn đi. Bạn có biết tại sao không? Lương tâm họ đang cáo trách họ đấy. Họ sợ hãi.
Khi Đa-vít cắt vạt áo của Sau-lơ trong khi Sau-lơ say ngủ, tim của Đa-vít đập thình thịch (xem trong I Sa-mu-ên 24:1-6). Đó chính là lương tâm. Ông biết rằng ông không nên làm thế đối với vua của Y-sơ-ra-ên. Mặc dù Sau-lơ không phải là một người thánh khiết nhưng ông vẫn là vua. Đa-vít không thể kính trọng con người Sau-lơ nhưng ông phải kính trọng chức vụ của Sau-lơ. Lương tâm của Đa-vít cáo trách ông khi ông đối xử với một vị vua như vậy.
Châm Ngôn 28:1 nói rằng “Kẻ ác chạy trốn dầu không ai đuổi theo.” Đó chính là lương tâm. Chúng ta đọc về vua Hê-rốt, khi ông nghe tin về những điều kỳ diệu Chúa Jesus đang làm, rằng Giăng Báp-tít đã sống lại. Lương tâm của ông ta lên án ông. “Nhưng Hê-rốt nghe vậy, thì nói rằng: Ấy là Giăng mà ta đã truyền chém, người đã sống lại.” (Mác 6:16). Đó là lương tâm.

images (1)

Hai sự mô tả về lương tâm
Hãy xem hai mô tả tuyệt vời về lương tâm trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô đã diễn tả một lần trong sách Rô-ma 2:14,15 và trước đó Đức Chúa Jesus phán dạy trong sách Ma-thi-ơ 6:22,23. Phao-lô so sánh lương tâm với một nhân chứng bên trong, một quan án bên trong.

Mô tả của Phao-lô
“Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: Chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.” (Rô-ma 2:14,15).
Dân ngoại không được ban luật pháp. Luật pháp được ban cho người Do Thái. Nhưng dân ngoại có việc làm bởi luật pháp được viết trong lòng họ. Hãy nhớ rằng Phao-lô không nói rằng họ có luật pháp được viết trong lòng họ. Chỉ khi nào bạn được cứu thì điều này mới xảy ra. Khi bạn được cứu thì Đức Thánh Linh mới bắt đầu viết luật pháp của Đức Chúa Trời trong lòng bạn và bạn biết phân biệt điều đúng điều sai. Nhưng cả những người chưa được cứu cũng có thể biết điều đúng điều sai bởi vì lương tâm của họ chính là nhân chứng.
Sâu thẳm bên trong con người là một tòa án. Một vị quan án ngồi trên ghế, vị quan án đó vừa là nhân chứng vừa là bồi thẩm đoàn! Toàn bộ “nhóm người” này trong toà án được xem là lương tâm. Quan án không làm ra luật pháp, ông ta chỉ áp dụng luật pháp. Khi bạn và tôi làm điều gì đó đúng, thì lương tâm của chúng ta nói rằng, “Điều đó tốt! Điều đó tốt!” Nó không cáo trách mà nó tán thành. Khi chúng ta làm gì sai, quan án bên trong này, cũng là nhân chứng bên trong nói với chúng ta rằng “Ngươi đã sai! Ngươi đã sai!”. Và điều đó làm chúng ta bị dằn vặt.
Lương tâm, như bạn thấy nó có tính phán xét. Lương tâm không vượt qua luật pháp. Lương tâm cũng không làm nên luật pháp. Lương tâm cung cấp chứng cứ cho luật pháp.
Bạn và tôi có thể nhớ khi chúng ta còn thơ ấu, thậm chí trước khi chúng ta hiểu được những điều liên quan đến đạo đức và luân lý thì khi chúng ta làm điều gì sai, điều đó sẽ luôn quấy rầy chúng ta từ bên trong. Đó là lương tâm. Phao-lô nói với chúng ta rằng lương tâm là một nhân chứng bên trong cho chúng ta biết chúng ta đã làm đúng hay sai. “còn ý tưởng mình khi thì cáo trách mình, khi thì binh vực mình.” (Rô-ma 2:15). Phao-lô cho chúng ta biết rằng mọi người đều có khả năng đặc biệt này. Đây là không phải là thứ mà chúng ta có thể phát triển. Nó ở đó vì Chúa đã ban cho mỗi người có một lương tâm.
Hãy để cho tôi nhắc nhở bạn một lần nữa rằng, lương tâm không phải là luật pháp. Việc làm của lương tâm là tuân theo luật pháp mà chúng ta có. Nếu chúng ta đưa ra một tiêu chuẩn và tiêu chuẩn đó không đúng, thì lương tâm vẫn vận hành theo tiêu chuẩn đó. Điều quan trọng là chúng ta phải có một tiêu chuẩn đúng thì lương tâm chúng ta mới có thể vận hành theo cách mà Đức Chúa Trời muốn nó vận hành.

Chúa Jesus dạy về lương tâm
Điều này dẫn chúng ta tới điều mà Chúa Jesus đã phán trong Ma-thi-ơ 6:22,23: “Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!”
Phao-lô so sánh lương tâm với một nhân chứng; Chúa Jesus lại so sánh lương tâm với một khung cửa kính. Cửa kính không sinh ra ánh sáng –mà nó để ánh sáng chiếu qua. Bạn và tôi đều có khung cửa kính bên trong này và Đức Chúa Trời muốn chiếu ánh sáng của Ngài qua nó. Nếu cánh cửa kính đó trở nên dơ bẩn, ánh sáng chiếu qua sẽ mờ đi. Hãy tưởng tượng quan án ngồi trong phòng xử án tại bàn mình. Trên bàn này là luật pháp của Đức Chúa Trời. Ánh sáng chiếu qua cửa kính và ánh sáng đó chiếu sáng luật pháp. Bây giờ cánh cửa kính đó càng dơ bẩn thì càng ít ánh sáng chiếu sáng luật pháp và vì thế luật pháp trở nên khó đọc hơn. Nếu như cửa kính bị bao phủ hoàn toàn bởi bụi bẩn thì không thể nào đọc được luật pháp. Đây chính là cách mà lương tâm vận hành. Đó là lý do tại sao chúng ta nói lương tâm làm chứng cho tiêu chuẩn đạo đức cao nhất mà chúng ta có. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất chính là Lời của Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus nói lương tâm giống như con mắt của bạn. Con mắt không sinh ra ánh sáng –mà con mắt để ánh sáng chiếu qua. Khi ánh sáng đến với cuộc sống của chúng ta, nó sẽ hướng dẫn chúng ta. Nhưng giả sử rằng mỗi khi chúng ta làm gì sai trật, cửa kính sẽ trở nên dơ bẩn hơn cho tới cuối cùng chúng ta phạm lỗi nhiều đến mức cửa kính hoàn toàn bị bao phủ bởi bụi bẩn. Khi ấy  ánh sáng không thể chiếu qua và chúng ta ở trong bóng tối!

images (2)
Thật là một điều khủng khiếp khi ánh sáng trở thành bóng tối. Chúa chúng ta không nói rằng ánh sáng biến mất nhưng ánh sáng trở thành bóng tối! Lương tâm lẽ ra dẫn chúng ta đi theo con đường đúng đắn thì lại dẫn chúng ta đi theo con đường sai trật. Kinh Thánh gọi đó là lương tâm xấu.
Một vài người, nếu họ làm điều tốt thì lại buồn phiền về điều đó nhưng nếu họ làm điều xấu thì họ lại vui mừng. Đó chính là lương tâm xấu. Đó chính là những người coi điều xấu là tốt và coi điều tốt là xấu. Đó chính là lương tâm xấu. Lương tâm bạn như một cửa kính và nó để ánh sáng chiếu qua. Đừng để ánh sáng bên trong bạn trở thành bóng tối.
Khi một người trở thành Cơ Đốc Nhân, Đức Chúa Trời làm tinh sạch lương tâm của họ. Dù chúng ta đã làm gì, dù chúng ta tội lỗi ra sao, Đức Chúa Trời cũng sẽ thanh tẩy lương tâm của bạn. Và khi lương tâm được thanh tẩy thì ánh sáng của Lời Chúa mới có thể đi vào bên trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta đọc Lời của Chúa, chúng ta phát hiện ra rằng Đức Chúa Trời có những tiêu chuẩn đạo đức chắc chắn. Điều gì đúng và điều gì sai. Chúng ta không cần phải làm, nói hay để ý đến những điều đó. Khi chúng ta tuân giữ lời Chúa, thì cánh cửa kính trở nên càng trong trẻo hơn và càng nhiều ánh sáng chiếu qua.
Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao một vài Cơ Đốc Nhân lại có nhận thức đúng sai tốt hơn người khác không? Bạn đã bao giờ muốn biết tại sao một vài thánh đồ của Đức Chúa Trời dường như luôn biết rõ họ được yêu cầu đi đâu và họ được yêu cầu phải làm gì? Họ dường có một kim chỉ nam trong sâu thẳm của tâm hồn dẫn lối cho họ. Đó chính là lương tâm. Đức Thánh Linh muốn cộng tác với lương tâm của bạn để hướng dẫn và giúp bạn lớn lên trong đời sống Cơ Đốc. Lý do tại sao lương tâm là một phước lành tuyệt vời như vậy? Vì một lương tâm tốt lành giúp bạn sống đời sống Cơ Đốc tốt lành.
Chúng ta sẽ nhận ra rằng có nhiều loại lương tâm khác nhau. Một vài người có lương tâm yếu đuối. Một vài người khác có lương tâm mạnh mẽ. Một vài người có lương tâm lương tâm dơ dáy. Một vài người khác lại có lương tâm xấu xa. Bạn có thể đang nói rằng, “Lương tâm tôi thực sự đang có vấn đề. Nó không còn cáo trách tôi nữa. Ngày nay tôi đang làm những điều mà nếu như trước đó một năm thì lương tâm tôi sẽ cáo trách tôi cả đêm! Nhưng tôi không còn lo phiền gì nữa.” Điều này không tốt, nhưng Chúa có thể thanh tẩy lương tâm của bạn.
Giả sử mỗi lúc bạn phạm tội, bạn sẽ giảm thị lực một chút. Bạn đã phạm tội bao nhiêu lần? Bạn sẽ nói rằng “Ôi, tôi chẳng nên phạm tội nhiều như vậy! Tôi không muốn mất thị lực đâu.” Điều đó đúng. Nhưng chúng ta luôn làm vậy với lương tâm mình.
Lương tâm của bạn là một đầy tớ kỳ diệu. Nó được tạo dựng để làm việc cho bạn và làm việc cùng bạn. Khi một người làm việc theo lương tâm tốt lành, anh ấy chính là một Cơ Đốc Nhân tốt, là nhân chứng tốt cho Chúa Jesus Christ và tận hưởng những ơn phước tốt lành Chúa ban. Anh ấy sẽ không bao giờ do dự giữa điều này với điều kia mà hỏi rằng: “Tôi đi phía này? Tôi đi phía đó? Chúa muốn tôi làm gì?” Đó là một trải nghiệm tuyệt vời khi có một lương tâm lành mạnh.
Nếu có gì đó sai trật với lương tâm của bạn, hãy ăn năn tội mình với Chúa. Hãy sửa lại cho đúng trước hiện diện của Ngài. Đừng bắt đầu một ngày hay bắt đầu làm mọi thứ với một lương tâm dơ dáy. Đức Chúa Jesus Christ có thể tha thứ bạn, làm bạn tinh sạch, và ban cho bạn một lương tâm lành mạnh. Khi đó bạn có thể học cách sử dụng lương tâm mình và sống đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

(Còn nữa)

Tác giả Warren W. Wiersbe

Translated by Hoa Da Quy

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn