Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Mục Đích Sau Những Nan Đề Của Bạn

Mục Đích Sau Những Nan Đề Của Bạn

Mục Sư Rick Warren

1 Peter 1-7 The Trial Of Your Faith Is More Precious Than Gold brown
“Hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa,” (1 Phi-e-rơ 1:7a)

Để hiểu hoặc chịu đựng được bất cứ điều gì, bạn phải thấy được nguyên do của nó.  Người ta có thể hiểu hoặc chịu đựng hầu hết mọi sự nếu họ biết rằng mỗi việc xảy ra đều có một mục đích.  Nhưng khi không thấy mục đích ẩn sau đó, họ sẽ suy sụp.

Đề cập đến mục đích của Đức Chúa Trời sau những nan đề của chúng ta, Kinh Thánh nói: “hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa,” (1 Phi-e-rơ 1:7a)

Những người đến trong cuộc đời bạn thường có dụng ý xấu.  Nhưng Đức Chúa Trời có thể đem lại điều tốt từ điều xấu.  Và mục đích của Đức Chúa Trời sau những nan đề của bạn luôn lớn lao hơn bất cứ nan đề nào bạn phải trải qua.  Thật sự Kinh Thánh cho chúng ta biết “vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.  Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia-cơ 1:3-4)

Cách để chúng ta đạt đến mức độ trưởng thành là học tập chịu đựng.  Chúng ta trở nên trọn vẹn – không phải hoàn hảo, nhưng là trưởng thành trong Chúa – bằng cách học tập chịu đựng thử thách, cám dỗ, trì hoãn, cùng đường, và khó khăn.

Tôi không biết bạn đang trải qua hoàn cảnh nào hôm nay.  Nhưng Kinh Thánh dạy chúng ta: “Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy.” (Rô-ma 5:3-4)

Chúng ta có thể vui mừng trong đau khổ không phải vì những gì nó gây ra cho mình, nhưng vì những gì chúng ta biết về nó: hoạn nạn sinh ra nhịn nhục, và nhịn nhục sanh ra phẩm cách.

Khi Đức Chúa Trời thử bạn, hãy biết rằng mục đích của Ngài là làm cho bạn càng trở nên trọn vẹn hơn trong Chúa Jesus.

Thảo Luận

Đức Chúa Trời dạy bạn điều gì qua những thử thách bạn đã gặp?

Chịu đựng một điều gì đó nghĩa là gì?

Làm sao để bạn có thể bày tỏ niềm vui giữa cơn hoạn nạn?

Hãy Cảm Tạ Ngay Cả Khi Khốn Khó

Php4
“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi.” (Phi-líp 4:4 NLT)

Khi Sứ Đồ Phao-lô nói: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn”, ông không nói chỉ vui mừng trong những lúc tốt đẹp.  Ngay cả trong lúc khó khăn, Kinh Thánh dạy chúng ta có thể vui mừng nếu chúng ta làm theo chiến lược đơn giản này:

Đừng lo lắng về bất cứ điều gì.  Lo lắng không thay đổi đượcđiều gì.  Lo lắng cũng giống như dã tràng xe cát.  Trên đời không có ai là kẻ lo lắng bẩm sinh.  Lo lắng là phản ứng mà con người hấp thụ.  Bạn đã học được nó từ cha mẹ của bạn.  Bạn đã học được nó từ các đồng nghiệp của bạn. Bạn đã học được nó từ kinh nghiệm.  Và đó là tin tốt: Vì thực tế là nếu chúng ta học lo lắng thì chúng ta cũng có thể gạt bỏ nó.

Làm thế nào để gạt bỏ nó?  Chúa Jesus nói, “Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.”(Ma-thi-ơ 6:34 NIV). Ngài nói rằng đừng mở chiếc ô của mình cho đến khi nào trời bắt đầu mưa.  Hãy sống từng ngày một.

Hãy cầu nguyện về tất cả mọi thứ. Thay vì lo lắng, hãy sử dụng thời gian của mình để cầu nguyện.  Nếu bạn cầu nguyện được nhiều như khi bị lo lắng, thì bạn sẽ ít bị lo lắng hơn.  Đức Chúa Trời có quan tâm đến việc bạn phải trả góp tiền xe hàng tháng?  Có.  Ngài quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc sống của bạn.  Như vậy nghĩa là bạn có thể dâng mọi nan đề cho Ngài.

Cám ơn Chúa trong mọi sự.  Khi bạn cầu nguyện, hãy cầu nguyện với lòng tạ ơn.  Cảm xúc lành mạnh nhất của con người không phải là tình yêu mà là lòng biết ơn.  Nó thực sự làm tăng sức đề kháng của bạn.  Nó làm cho bạn có khả năng chống lại những căng thẳng và ít nhạy cảm hơn với bệnh tật.  Những người biết ơn đều hạnh phúc.  Nhưng những người vô ơn thì bị khổ sở vì không có gì làm cho họ hạnh phúc cả.  Họ không bao giờ thỏa lòng.  Không việc tốt nào đủ làm họ hài lòng.  Vì vậy, nếu bạn trau dồi thái độ biết ơn của mình, biết ơn trong tất cả mọi sự, nó làm giảm những căng thẳng trong cuộc sống của bạn.

Hãy suy nghĩ về những điều đúng đắn.  Nếu bạn muốn giảm mức độ căng thẳng trong cuộc sống của bạn, hãy thay đổi cách suy nghĩ, bởi vì cách bạn suy nghĩ sẽ quyết định sự cảm nhận của bạn.  Và cách bạn cảm nhận sẽ quyết định hành động của bạn.  Kinh Thánh dạy rằng, nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, hãy thay đổi những gì mình suy nghĩ.

Điều này liên quan đến một sự lựa chọn có ý thức và cố ý mà bạn chọn để suy nghĩ về những điều đúng đắn.  Chúng ta cần phải chọn để suy ngẫm về sự tích cực và về Lời Chúa.

Cái kết quả của không lo lắng, cầu nguyện về tất cả mọi thứ, cảm tạ, và tập trung vào những điều đúng đắn là gì?  Phaolô nói chúng ta sẽ kinh nghiệm được “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:7 NLT)

Thảo Luận

Bạn lo lắng về những gì?  Hãy trò chuyện với Đức Chúa Trời về những lo lắng của bạn và hãy thành thật nói với Ngài rằng tại sao bạn lo lắng.

Nếu bạn đã cầu nguyện nhiều như bạn lo lắng, bạn nghĩ xem cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào?

Đức Chúa Trời nói rằng Ngài quan tâm đến những gì tốt nhất cho bạn từ trong đáy tim của Ngài.  Hãy cám ơn Ngài trong tất cả mọi thứ, ngay cả khi bạn không thể hiểu được Ngài đang làm điều gì cho cuộc đời của bạn.

Bạn ngẫm nghĩ về điều gì nhiều nhất?  Bạn nghĩ Đức Chúa Trời muốn bạn suy nghĩ về điều gì?  Hai điều đó có trùng hợp với nhau không?  Nếu không, thế thì tại sao?
Bài giảng tham khảo:

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn