Trong Tất Cả Mọi Việc, Hãy Vui Mừng
Mục Sư Rick Warren
“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6 – BTT)
Niềm vui là một nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của bạn. Cuộc sống không có niềm vui khiến chúng ta bị áp đảo, đè nén và nặng nề quá sức. Các nghiên cứu thực sự cho thấy rằng, càng có nhiều niềm vui trong cuộc sống thì chúng ta càng sống có hiệu quả hơn. Tôi có đọc một bài báo trong “Báo cáo Tin tức Hoa Kỳ và Thế giới” cho biết nhiều công ty thuê mướn những “nhà tư vấn niềm vui” để gây dựng niềm vui trong cuộc sống nhân viên để họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Sự thật là bạn có nhiều năng lượng, sự sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn khi bạn có niềm vui trong cuộc sống.
Trong thư tín ngắn gửi cho người ở thành Phi-líp – dù chỉ vỏn vẹn có 4 chương – Phao-lô sử dụng từ “vui mừng” đến những 16 lần. Điều lạ lùng là Phao-lô không viết ra sách này trong khi ông đang đi nghỉ mát ở bờ biển Ca-ri-bê. Ông đang ở trong nhà tù tại La Mã, chờ đợi đến ngày bị hành hình. Trong những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời mình, ấy thế mà Phao-lô đã có thể viết nên một quyển sách lạc quan nhất trong Kinh Thánh.
Trong thư Phi-líp, Phao-lô đưa ra sáu cách gây dựng sự vui mừng để giúp chúng ta làm tan biến sự ngã lòng và cất đi tâm trạng chán nản. Để giúp cho dễ nhớ, tôi tóm tắt các yếu tố này trong sáu chữ cái – JOYFUL (theo tiếng Anh). Hôm nay chúng ta xem trước 3 chữ đầu.
J: “Jettison” (vứt bỏ) tất cả mọi nuối tiếc, ân hận về quá khứ của bạn.
“Jettison” có nghĩa là “bỏ đi vì không có giá trị, loại bỏ, vứt bỏ, từ bỏ.” Phao-lô khuyên rằng nếu bạn muốn tận thưởng đời sống thì có những điều bạn cần phải vứt bỏ vì chúng khiến cho bạn mệt mỏi và tạo nên gánh nặng quá mức cho cuộc sống. Kinh Thánh bảo bạn hãy quên đi những nuối tiếc, ân hận vì đó chính là điều mà Chúa làm – Ngài sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm của bạn một khi chúng được xưng ra. Điểm khởi đầu của sự vui mừng là buông bỏ quá khứ. Phi-líp 3:14 chép: “Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước” (BTT).
O: “Omit” (bỏ qua) mọi lo lắng về tương lai của bạn.
Nếu bạn muốn vui hưởng cuộc sống hiện tại, bạn phải bỏ qua mọi lo lắng về tương lai. Lo lắng chắc chắn là “thủ phạm” hàng đầu giết chết niềm vui. Bạn không thể vui mừng và lo lắng cùng một lúc. Phương thuốc của Phao-lô đưa ra là những câu Kinh Thánh này: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6 – BTT). Bạn có thể hoặc lo lắng, hoặc cầu nguyện.
Y: “Yield” (đầu phục) chính mình cho mục đích của Chúa.
Nếu bạn phó mặc cho số phận, nếu bạn không biết mình đến từ đâu và sẽ đi về đâu, hoặc tại sao bạn lại có mặt ở đây, thì lẽ dĩ nhiên bạn sẽ không có được niềm vui trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều cần một mục đích lớn lao hơn là sống vì bản thân mình. Đó là điều đem đến cho chúng ta niềm vui. Sống riêng cho bản thân mình thôi sẽ không đem lại niềm vui.
Ngay cả khi Phao-lô mất hết tất cả mọi thứ, theo đúng nghĩa đen, thì có một điều không ai có thể lấy đi khỏi ông cả – đó là, mục đích trong cuộc đời ông. Phao-lô nói trong Phi-líp 1:21 như sau: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (BTT)
Nếu bạn muốn có một cuộc sống tràn đầy niềm vui thì bạn cần sống theo mục đích của Chúa dành cho cuộc đời của bạn. Khi bạn bắt đầu sống theo mục đích mà bạn được tạo dựng nên thì cuộc sống trở nên ý nghĩa và niềm vui được tìm thấy dễ dàng hơn rất nhiều.
Thảo luận
Những yếu tố nào – con người, hoàn cảnh, tình huống hay cảm xúc – đang khiến bạn mệt mỏi và không thể sống một cuộc sống vui mừng?
Sự khác biệt giữa hạnh phúc và sự vui mừng là gì?
Bạn đang lo lắng về điều gì? Bạn cần làm gì để giải tỏa nỗi lo ấy đi?
“Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 1:6 – BTT)
Trong sách Phi-líp chỉ vọn vẹn có 4 chương nhưng Phao-lô lại dùng từ “vui mừng” đến 16 lần. Đang lúc ông ở tù tại La Mã chờ đợi đến ngày bị hành hình, thật lạ lùng khi nghĩ rằng ông lại có thể viết nên một quyển sách lạc quan nhất trong Kinh Thánh vào những ngày tăm tối nhất của cuộc đời mình.
Bạn cũng có thể có được sự vui mừng như vậy. Trong thư Phi-líp, Phao-lô đưa ra sáu điều giúp chúng ta sống một cuộc sống đầy niềm vui, bất chấp hoàn cảnh chúng ta như thế nào. Để giúp cho dễ nhớ, tôi tóm tắt các yếu tố này trong sáu chữ cái – JOYFUL (theo tiếng Anh). Hôm nay chúng ta xem ba chữ còn lại.
F: “Focus” (Tập trung vào điều tốt)
Cuộc sống luôn đầy những thăng trầm, nhưng bạn có thể chọn lựa: Cái nào bạn sẽ tập trung vào – điều tốt hay là điều xấu? Trong Phi-líp 4:8, Phao-lô khuyên rằng: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (BTT) Bạn lấy ở đâu ra một danh sách như thế? Từ hội thoại trên ra-đi-ô ư? Khó có được! Từ TV ư? Cũng không! Từ báo chí hay tạp chí ư? Cũng không nốt.
Chỉ có một nơi bạn có thể trông cậy được mà thôi, đó là Lời Chúa. Bạn càng lấp đầy tâm trí mình với quyển sách này thì bạn sẽ càng trở nên tích cực và vui mừng. Lời Chúa là chân lý, là lẽ thật, và vô cùng tuyệt vời. Lời Chúa rất giá trị. Vậy nên hãy dành thì giờ để đọc Lời Chúa mỗi ngày.
U: “Use” (sử dụng) cuộc đời bạn để giúp đỡ người khác.
Phao-lô vui mừng vì ông không ích kỷ. Ông đã đầu tư cuộc đời mình cho người khác. Nếu bạn muốn có sự vui mừng liên tục trong cuộc đời mình thì đây là bí quyết: Hãy cho đi cuộc đời của bạn. Hãy thôi chú tâm vào những vấn đề, những nỗi đau, những tổn thương nhỏ bé của riêng mình, và hãy bắt đầu chú tâm giúp đỡ người khác. Bạn càng cho đi cuộc đời mình nhiều chừng nào, thì như lời Chúa Jesus nói rằng, bạn sẽ càng tìm được nó chừng nấy. Bạn càng trở nên không ích kỷ chừng nào thì bạn sẽ trở thành một người vui mừng nhiều chừng nấy.
“Vậy thì, hỡi anh em rất yêu rất thiết, là sự vui mừng và mão triều thiên cho tôi, kẻ rất yêu dấu ơi, hãy đứng vững trong Chúa.” (Phi-líp 4:1 – BTT). Niềm vui của Phao-lô đến từ việc phục vụ những người mà ông đã đầu tư cả cuộc đời mình cho – đó là những người mà ông đã dẫn dắt đến với Đấng Christ và môn đồ hóa.
L: “Learn” (học) cách sống thỏa lòng.
Đây là điều chủ yếu: Vui mừng là một quyết định. Bạn sẽ trở thành người vui mừng như bạn lựa chọn.
Chúng ta thường quanh quẩn trong lối suy nghĩ “khi nào và thì” (“Khi nào “điều này” xảy ra trong cuộc đời, thì tôi sẽ hạnh phúc”). Bạn sẽ trở thành người vui mừng như bạn lựa chọn, vì vui mừng là một sự lựa chọn. Phi-líp 4:11 chép rằng: “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy.” (BTT). Bạn có thể luôn luôn vui mừng – dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa – vì Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát mọi sự.
Có thể bạn nghĩ rằng vui mừng là một đặc điểm tự nhiên của người có bản tính vui vẻ và lạc quan, còn bạn “không phải thuộc tuýp người vui vẻ”. Nghĩ như vậy là bạn sai rồi.
Bạn có một cơ hội để quyết định số phận của mình. Ngay bây giờ bạn hãy thay đổi những ưu tiên trong cuộc đời mình. Ngay bây giờ bạn hãy thay đổi việc mình sẽ sống quãng đời còn lại cho những điều gì. Nếu bạn bắt đầu đầu phục chính mình cho mục đích của Chúa, nhận biết Con Ngài, và sử dụng cuộc đời mình để giúp đỡ người khác, thì bạn sẽ có được nhiều niềm vui hơn bạn có thể tưởng tượng.
Thảo luận
Đâu là những điều đáng tôn, công bình, thánh sạch, đáng yêu chuộng mà bạn khám phá ra trong khi đọc Lời Chúa? Làm thế nào để bạn có thể tự nhắc nhở mình chú tâm vào những điều này ngày nay?
Những hoàn cảnh nào khiến bạn không thể sống thỏa lòng và vui mừng?
Việc phục vụ người khác sẽ giúp bạn tránh tập chú vào hoàn cảnh của mình như thế nào?