Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Phật Giáo và Cơ-đốc Giáo

Phật Giáo và Cơ-đốc Giáo

Thiền Định của Phật Giáo và Sự Cầu Nguyện trong Cơ-đốc Giáo

Con muốn viết đôi dòng tha thiết nhất

Trước khi về yên nghỉ chốn thiên quang

Và gởi lại gian trần bao nhiệm mật

Bởi linh ân: chứng cớ cõi thiên đàng

Sự khác nhau giữa Thiền Định của Phật Giáo 
và Sự Cầu Nguyện trong Cơ-đốc Giáo

huenhat

Người viết: Nguyễn Huệ Nhật

Khi còn tu học trong chùa, tôi đọc bộ sách thiền luận của Suzuki, một thiền sư người Nhật, khoảng giữa thế kỷ 19-20. Trong chương cuối của bộ thiền luận nổi tiếng nầy, thiền sư Suzuki cho rằng thiền Phật Giáo giống như sự cầu nguyện của những tín hữu Cơ-đốc Giáo. Hồi đó tôi cảm phục thiền sư Suzuki lắm, vì tin rằng ông là người thông hiểu Phật Giáo và cả Cơ-đốc Giáo. Nhờ có dịp đọc Kinh Thánh, tôi tin Chúa và từng bước kinh nghiệm đời sống Đức Tin trong Chúa, tâm trí tôi được mở ra để nhìn biết sự sống thật của thế giới thuộc linh đầy phước hạnh được chỉ dẫn rõ ràng trong Thánh Kinh. Sau khi tin Chúa, tôi đọc lại bộ Thiền Luận, và nhận ra rằng thiền sư Suzuki đã viết một cách chủ quan về những điều quan trọng mà ông chưa hề sống qua. Thiền sư Suzuki chưa bao giờ tin Chúa, chưa bao giờ cầu nguyện với Chúa, thế mà ông đã viết một chương sách cho rằng Thiền Phật Giáo và sự cầu nguyện của tín hữu Cơ-đốc Giáo giống nhau.
Ngày nay có nhiều thiền sư nỗi tiếng cũng chủ quan như thiền sư Suzuki. Họ dám viết những điều mà họ chưa thật sự từng trải. Vì trọng sự chân thật, tôi thấy cần ghi ra một số nét khác nhau rất cơ bản về thiền Phật Giáo và sự cầu nguyện của tín hữu Cơ-đốc Giáo. Bản thân tôi đã tu thiền và cũng đang là một cơ đốc nhân; tôi thấy Thiền Phật Giáo và Sự Cầu Nguyện của người tin Chúa rất khác nhau cả phương pháp, mục đích và kết quả.
I. Thiền Định:
A. Mục đích:
1. Tu Thân và tâm, tìm an lạc giải thoát.
2. Diệt trừ nghiệp và phiền não.
3. Chữa một số bịnh tật trong thân thể.
4. Tìm kiếm sự giác ngộ để biết quá khứ hiện tại và tương lai của mình và của vạn vật.
5. Đạt đến sự giác ngộ chân không diệu hữu (vô ngã): thành Phật, đạt chân không niết bàn.
B. Cách thực hiện:
1. Bước đầu là tập ngồi, tập thở đều đặn và đếm hơi thở để định tâm.
2. Cá nhân hành đạo, đặt niềm tin vào chính mình, tự lực đạt đến sự giác ngộ rốt ráo.
3. Buộc thân thể phải tuân theo kỷ luật như giữ giới, ngồi yên một chỗ thật đúng cách, đúng giờ và kéo dài hàng giờ hay cả buổi.
4. Buộc tâm trí không loạn động, không cho phép tư dục kích động, không để tạp ý lôi kéo ra ngoài sự tĩnh tâm.
C. Những trở ngại thường gặp:
1. Trẻ con không chịu ngồi thiền. Tuổi cao, sức khỏe thiếu: khó ngồi lâu vì dễ bị tê chân, dễ sinh bực bội.
2. Trong khi ngồi thiền, ý tưởng miên man khó tập trung. Ra khỏi thiền định, khó giữ giới, nhưng không ý thức được vấn nạn nầy, vì ít ai muốn biết mình không giữ được giới.
3. Người tu thiền là người cố gắng tự chủ, nhưng càng cố gắng tự chủ thì càng dễ bị xáo trộn, hoặc dễ bị rơi vào tình trạng tự lừa dối mình hết sức tinh vi. Càng tỏ ra diệt dục vọng, càng bị khiển bởi dục vọng. Càng cố gắng xả bỏ càng dễ gây mâu thuẫn với mục đích xả bỏ.
4. Khi đã ngồi quen thì dễ ngủ quên trong “tham thiền nhập định,“ gọi là bịnh thùy miên. Bịnh nầy chữa được bịnh mất ngủ khá công hiệu.
5. Hoàn cảnh gần như người nhà nói chuyện, tiếng muỗi bay vo ve, tiếng còi xe ngoài đường, v.v. cũng gây trở ngại khiến cho người ngồi thiền khó định tâm; đôi lúc vì thế mà càng thêm phiền não.
6. Những người đau yếu, tuổi quá cao không thể ngồi thiền.
7. Bị ràng buộc bởi công tác hay việc làm ăn sinh sống.
D. Kết quả:
1. Sau một thời gian chuyên tâm thiền định, có thể đạt đến thói quen ngồi lâu nhưng ít tê chân, không mỏi mệt. Cũng có khi sự tê chân xẩy ra toàn diện đến nỗi thiền giả không còn biết đôi chân của mình ở đâu. Sau khi thiền, phải xoa bóp thật nhiều mới lấy lại cảm giác bình thường, lúc đó tâm hồn thư thái; thiền giả tưởng rằng mình đã tự vứt bỏ được những phiền não, nhưng tiếp theo sau trạng thái vui vẻ (an lạc) tạm thời ấy, thiền giả thường móng tâm kiêu ngạo, tự mãn và trở lại phiền bực như trước. Cũng có người tạo được bản lĩnh tự chủ nhất thời.
2. Dễ bị ảo giác như thấy ma quỷ khiến thiền giả hoảng hốt, lo sợ, loạn trí; có khi lơ là với ngoại cảnh kể cả người thân, hoặc bị điên loạn có thể dẫn đến tình trạng tự tử, v.v cũng khá phổ biến. Thường là bị hoang tưởng, cho rằng mình đã thành Phật, đã vào cõi niết bàn. Tại Chùa Huỳnh Kim, Gò Vấp, năm 1969, có một vị thiền sư đang ngồi thiền, bất ngờ đánh vỡ đầu người đệ tử của mình bằng cái dùi mõ. Nhưng vị thiền sư nầy vẫn tin chắc là mình đã giết một con quỷ. Giới đồng đạo, không ai có một lý lẽ nào để kết án ông được. Trong sách Phật Giáo Huyền Bí Tây Tạng có nói đến một vị đạo sỹ đang thiền định bên bìa rừng, bất ngờ đứng lên tóm lấy một cô gái đang đi qua để hiếp dâm. Vị đạo sỹ giải thích rằng trong khi ngồi thiền, ông chứng quả thần thông nên thấy một a-lai-gia thức (tạm gọi là một linh hồn người đã chết) sắp sửa đầu thai vào bụng con trâu cái khi một đôi trâu đang động dục. Bài học giáo lý dạy rằng nhờ thông tuệ của bậc Bồ Tát hạnh, vị đạo sỹ ấy đã kịp thời cưỡng dâm cô gái để tạo duyên cho linh hồn ấy đầu thai làm kiếp người, khỏi bị đầu thai làm kiếp trâu. Năm 1966 ở Nha Trang có một giáo sư toán, người Huế đã tự tử sau một thời gian thiền định. Năm 1981, anh Ẩn, ở gần nhà tôi đã tự tử sau một thời gian thiền định.
3. Sách vở ghi lại vô số vị tu hành đạt đạo nhờ thiền định sau thế hệ Đức Thích Ca, nhưng chưa có một người nào chứng tỏ rằng mình đã giác ngộ như Đức Thích Ca. Vị Thiền Sư đã dạy cho tôi tu thiền theo Kinh Pháp Hoa tại Phú Nhuận 1973-1975, là một người khôi ngô, khoảng 45-50 tuổi, chuyên mặc bộ bà ba trắng, hút thuốc số 555, tự nhận mình đã thành chánh quả, hiệu là Phổ Quang Phật, nhưng ông có 4 vợ. Cuối năm 1974, ông cưới thêm một bà thứ năm. Tôi nghe một số người nói rằng ông đã di tản ra nước ngoài trước ngày 30.4.1975, nhưng tôi hoàn toàn mất liên lạc. Khi đang viết bài nầy, tôi vào blog www.dangvannham.com và được biết vị Phật Phổ Quang nầy hiện là giáo chủ Thiên Long Hoa. Ông cưới thêm vợ một bà vợ trẻ hơn con mình và đã phong chức Bồ Tát cho một trong những bà khác của ông tại Hawaii-Hoa kỳ.
4. Nhiều người trí thức đem thiền vào thi ca, hội họa, âm nhạc, triết, v.v. mặc dầu họ chưa bao giờ chứng minh cụ thể rằng mình đã giác ngộ thiền. Vì thế thiền là một lối tu hay là một lối sống yên tĩnh của những người trí thức, nghệ sỹ, dù trong số đó có rất nhiều người chưa thật sự tọa thiền, thậm chí chưa hiểu thiền là gì. Họ xem những thưởng ngoạn thiên nhiên, chơi hoa cảnh, trà đạ là một phần của pháp môn tu chứng, giải thoát, giác ngộ như là đem “thiền“ vào đời sống. Đây là nét mạo nhận về thiền định bàng bạc trong văn hóa Á Đông từ xưa đến nay.
Trên lý thuyết, Thiền được mô tả như là một sự thức tỉnh, tự do, giải thoát với cuộc sống bình an, thanh tịnh khi con người giữ được sự nhiếp tâm liên tục đến nỗi đi, đứng, nằm ngồi đều bất ly thiền định. Trên thực tế, một người đạt đến sự tự tin tuyệt đối là không thể có. Ít ra người ấy cũng có thể tin được rằng mình không có khả năng làm cho mình trẻ mãi, cũng như không biết bao giờ mình chết hay là thành Phật trước khi chết như Đức Thích Ca. Vậy làm sao mà nói rằng mình là chúa tể của mình? Ngày nay nhiều người trí thức gián tiếp hoặc trực tiếp tự nhận mình có tinh thần thiền hay có lối sống thiền. Tương tự như cách của thiền sư Suzuki, tiến sỹ TKĐ viết một bài báo nói đến sự giác ngộ thấy được “tâm con vi trùng“ (1) hoặc như thiền sư Nhất Hạnh viết về Đấng Christ và Đức Thánh Linh để đồng hóa với Đức Phật, trong khi chính ông là người không tin Chúa (2), hơn nữa, nội dung Kinh Thánh và giáo lý Phật Giáo cũng khác nhau hoàn toàn.
Hàng trăm năm sau nầy, tốc độ sống của nhân loại càng gia tăng khủng khiếp, sự suy nghĩ của con người càng lệ thuộc nhiều hơn vào những máy móc do họ tìm tòi chế tạo, khi ấy, ai đọc sách của thiền sư Suzuki, tiến sỹ TKD, thiền sư Nhất Hạnh trong Luận Tạng, không chừng người ta sẽ nghĩ rằng cả ba vị ấy đã thành Phật rồi.
Khác với các sự kiện ấy, Thánh Kinh chỉ ngắn gọn khuyên con dân Chúa rằng “Hãy tỉnh thức, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng“ (Cô-lô-se 2:8). Thánh Kinh cũng đã xác nhận cụ thể rằng “Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích chi để chống cự lòng dục của xác thịt” (Cô-lô-se 2:23).
E. Một số môn phái thiền quen thuộc đối với người Việt:
* Thiền Yoga Ấn-độ: Thiền giả kiên trì tập luyện những tư thế yoga lắc léo để giữ thân thể tham thiền theo các tư thế ấy rất lâu. Thiền Yoga bắt đầu với những người trẻ tuổi là thích hợp hơn cả. Có người cho rằng thể dục thư giản, tập dịch-cân-kinh, thái cực quyền của người lớn tuổi, hay tập một vài thế Yoga cũng được cho là khởi đầu thực hành thiền định, nhưng đó hoàn toàn không phải là thiền Yoga Ấn-độ.
* Thiền Thông Thiên Học: Là một trong những giáo phái thiền cũng xuất phát từ Ấn Độ vào đầu thế kỷ 17, truyền đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Trong thập niên 1990, tôi gặp những thiền giả Thông-Thiên-Học ở Sài Gòn, Bình Dương, Thủ Đức, Nhà Bè. Họ cho tôi xem và nghe giáo lý của Thiền Thông Thiên Học trong băng video. Tôi bắt gặp nhiều câu Kinh Thánh trích từ sách Khải Huyền nhưng đã bị sửa lại cả văn mạch lẫn nội dung để phù hợp với giáo lý của Thiền Thông Thiên Học.
* Thiền Tịnh Độ: Giữ giới và niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà để neo tâm vào thiền định. Câu kinh nền tảng của Thiền Tịnh Độ là “Niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật đủ tiêu tan tám vạn bốn ngàn kiếp sinh tử trọng tội.“ Phật Giáo không dạy cụ thể về sự xé lòng ăn năn tội, cũng không tin rằng có một đấng thiêng liêng kết tội hay tha tội cho con người. Phật Giáo không có giáo lý về sự tha tội. Người phật tử làm lễ sám hối, tức là đọc những bài kinh viết sẵn, đọc thần chú diệt tội và lạy Hồng Danh (108 vị Phật). Tâm hồn người làm lễ sám hối không có sự ăn năn thống hối mà chỉ thuần tuý là lễ nghi tụng niệm. Thông thường, thiền giả Tịnh Độ Tông ngồi yên và niệm vài chục chuỗi danh hiệu Phật là xong một lần thiền; sau đó thiền giả cảm thấy bình tịnh, thoải mái. Một chuỗi dài nhất là 108 hạt. Tâm niệm, hoặc miệng niệm một câu, ngón tay lần qua một hạt cho đến khi hết chuỗi hạt. Trong thực tế tâm hồn người Việt Nam vẫn có niềm tin chung chung rằng Trời phạt kẻ ác, Trời thương kẻ lành. Niềm tin “Ông Trời“ có tự trong thâm tâm nhân loại với nhiều văn hóa, khác nhau trước khi nhiều tôn giáo xuất hiện.
* Thiền Mật Tông: Giữ giới, ngồi thiền và niệm thần chú để neo tâm vào chỗ đại định.
* Tụng kinh, đọc kinh, lần tràng hạt của Phật Giáo và Công Giáo, Hồi Giáo không phải là thiền định, mặc dù sự đọc kinh giúp người hành đạo tự neo tâm vào một chỗ, tự an ủi tạm thời, tự trấn an mình bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần những bài kinh viết sẵn.
* Thiền Tông Trung Hoa rất chú trọng công phu tọa thiền. Sách giáo lý Thiền viết rằng vị tổ sư đầu tiên của Thiền Trung Hoa là ngài Đạt Ma đến từ Ấn Độ. Ông là vị thiền tổ thứ 28 của Thiền Phật Giáo Ấn Độ, đến Trung Hoa vào năm 520 sau Công Nguyên và trở thành vị tổ đầu tiên của Thiền Trung Hoa. Chuyện kể rằng ông đã ngồi thiền liên tục 9 năm xây mặt vào trong vách đá (cửu niên diện bích) không ăn uống gì cả mà vẫn sống! Người tu thiền tin điều nầy là có thật. Thiền Tông Trung Hoa truyền đến vị tổ thứ năm, là thiền sư Hoằng Nhẫn (601 -674). Khi ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã về già, xẩy ra một cuộc tranh chấp quyền thừa kế y-bát giữa hai khuynh hướng khác nhau của hai đại để tử: Thần Tú (606 – 706) và Huệ Năng. Cuối cùng Hoằng Nhẫn phải lén lút trao y bát cho Huệ Năng để tránh họa huynh đệ tương tàn, nhưng sau đó Thiền Tông vẫn bị phân rẽ. Từ đời lục tổ Huệ Năng đến nay, không còn thêm vị thiền tổ nào khác nữa, nhưng Thiền Tông vẫn phát triển thành nhiều môn phái khác nhau mang đặc tính văn hóa Trung Hoa rất phong phú.
* Thiền Pháp Luân Công là một biến thể đặc trưng của văn hóa Trung Hoa. Trung Hoa có nền văn hóa lâu đời. Văn viết của Trung Hoa có mối liên hệ đặc biệt với Thánh Kinh Cựu Ước, là quyển sách đã xuất hiện khoảng hai ngàn năm tại Trung Đông trước khi Đức Thích Ca ra đời tại Ấn độ. Ngày nay các nhà nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ đáng ngạc nhiên trong những chữ tượng hình và tượng ý xưa nhất của văn viết Trung Hoa với Thánh Kinh (4). Nhưng Phật Giáo du nhập vào Trung Hoa cũng rất sớm (trước công nguyên không bao lâu), và thịnh hành từ đời Đường (Thế kỷ thứ 6-7). Cả hai ảnh hưởng của Thánh Kinh và Phật Giáo đã làm cho nền văn hóa, triết học và luân lý Trung Hoa thêm phong phú qua suốt sử lịch khổ đau, áp bức, nghèo đói, hưng thịnh và dần dần hình thành nếp sống tôn giáo, nghệ thuật, triết lý, đạo lý Trung Hoa. Ví dụ Pháp Luân Công mà nhiều người quen gọi là Thiền Pháp Luân Công. Nhìn bên ngoài, môn phái nầy rất giống với Thiền Phật Giáo Trung Hoa, tuy họ không nhận mình là Phật Giáo.
* Dục thiền: Phái thiền nầy cho phép người hành đạo trực tiếp va chạm với nhục dục để chiến thắng nó. Nam nữ trần truồng, cùng nhau kích thích cảm giác nhục dục lên tột độ nhưng cấm thỏa mãn. Khi sự ham muốn nhục dục lên cao thì tâm trí thiền giả chỉ nhiếp quán vào đó mà không bị xao lãng qua chuyện khác. Đây là một cách định tâm xua tan phiền não. Tiếp đến, người hành đạo dùng tâm lực và ý chí tiêu diệt sự thèm khát nhục dục trong thân thể mình. Đây là cách đạt đến trạng thái định tâm, đồng thời rèn luyện khả năng chiến thắng tình dục xác thịt (lấy nhục dục trị nhục dục). Pháp môn thiền nầy ít được phổ biến rộng rãi. Trước 1975, ở miền Nam Việt Nam cũng có người tu theo phái thiền nầy. Lúc đó dư luận gọi các tu sỹ nầy là “Đạo Rờ.“ Trong thập niên 1980 tại thành phố Đà-Lạt có một tăng đoàn nam và nữ tu theo pháp môn nầy, nhưng bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt bỏ tù và giải tán. Vấn đề nầy đã một thời xôn xao trên các báo chí cộng sản tại Việt Nam.
Chú thích: Theo giáo lý đạo Phật, thiền là pháp môn cao nhất giúp người tu hành chóng giác ngộ. Lịch sử Phật Giáo ghi lại rằng sau khi từ bỏ hoàng cung, thái tử Tất Đạt Đa học đạo và tu theo pháp môn Khổ Hạnh của năm anh em Kiều Trần Như. Sau sáu năm tu khổ hạnh, thái tử nhận thấy pháp môn nầy sai lạc, bèn rời bỏ. Khi ấy thân thể thái tử đã gầy yếu gần kiệt lực. Một cô gái chăn dê tên là Tu-xà-đề tặng thái tử một bát sữa dê. Nhờ bát sữa dê, thái tử phục hồi sức khỏe và ngồi dưới gốc cây bồ đề phát lời thề rằng “Nếu không tìm ra chân lý, ta thà chết, chứ không rời bỏ chỗ nầy.“ Sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định, thái tử đã thành Phật vào lúc nửa đêm. Đêm đó, ma vương hiện hình cô gái trần truồng để cám dỗ thái tử, nhưng ma vương đã thất bại. Các loài thú rừng biết thái tử vừa mới thành Phật, chúng đem các thứ trái cây ngon nhất dâng cho ông. Một con mãng xà có nhiều đầu cũng đến hầu ông. Rắn đã xòe các đầu ra làm thành một cái tán che Đức Phật từ phía sau lưng. Câu chuyện lịch sử nầy đã gây cảm hứng trên nhiều thế hệ nghệ nhân. Hằng triệu bức tượng Phật ngồi nhập định dưới mái che bởi những đầu rắn hổ mang đã được sáng tác và lưu hành qua nhiều thế kỷ.
Giáo lý Thiền dạy rằng người tu hành phải từ bỏ bản ngã và diệt trừ cả ý muốn thành Phật, thì sự tu hành mới đạt đến chánh quả. Khi cái tâm còn ham muốn thành Phật, tức là cái tâm còn tham dục, con chấp ngã thì không thể thành Phật được. Nhưng theo đại thừa Bát Nhã Tâm Kinh thì cái gì đã gọi là rốt ráo tức là không rốt ráo; và không rốt ráo mới là rốt ráo! Đó lý nghĩa cao siêu của câu kinh tụng: “bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết; hay nói gọn là “bất khả tư nghị,“ hoặc nói theo lời của một bài kinh nhật tụng là “Đạo cảm thông không thể nghỉ bàn.“ )
II. Cầu nguyện:
A. Mục đích:
1. Cầu nguyện là việc làm của Đức Tin có mục đích được gặp Đức Chúa Trời.
2. Được chiêm ngưỡng vinh quang, lòng thương xót, hồng ân của Đức Chúa Trời.
3. Được trình dâng lên Chúa những nỗi niềm, tình cảm, tâm linh, hoàn cảnh và nội tâm của mình.
4. Ăn năn tội, cầu nguyện những nhu cầu của mình và của người khác.
5. Được cởi mở tấm lòng, mời Chúa ngự vào lòng để Ngài biến hóa con người tầm thường của mình trở nên đền thờ của Ngài, mặc lại bổn tính của Ngài vốn đã bị thiếu hụt do tội lỗi trong mỗi người.
B. Cách thực hiện:
1. Người cầu nguyện phải có đức tin của Chúa như Thánh Kinh dạy. Đức Tin khiến người cầu nguyện ý thức rằng mình đang tương giao, đang thưa chuyện, đang thờ phượng Đức Chúa Trời, là Đấng tối thượng, công bình, đầy ơn, giàu lòng thương xót, là Cha thiêng liêng của mình.
2. Không giới hạn tuổi tác, trừ trẻ em chưa biết nói, không bắt buộc thân thể phải ở vào một tư thế cố định nào cả. Để thân thể thoải mái như quỳ, đứng, ngồi, hay đang đi, đang nằm, miễn là tâm hồn tự do, lòng khẩn nguyện hướng về Chúa.
3. Khi tâm hồn không cố gắng định tâm, nhưng chỉ hướng về Chúa, thì tự nhiên được sự yên tịnh dễ dàng, dù ngoại cảnh có ồn ào cũng khó bị ảnh hưởng. Nhưng cũng có khi vì nhu cầu khẩn thiết, người cầu nguyện tạm thời bỏ qua ăn uống (kiêng ăn) để cầu nguyện.
4. Cần theo đúng Lời Chúa Jesus Christ dạy về sự cầu nguyện trong Ma-thi-ơ 6:1-18.

C. Sự cầu nguyện không gặp những trở ngại như ngồi thiền:

1. Không có sự trở ngại nào trên thân thể hay tuổi tác, sức khoẻ, trình độ tri thức khi cầu nguyện, nhưng phải có Đức Tin của Chúa. Ngay khi đau yếu hay tuổi già, sự cầu nguyện đến với Chúa vẫn không gặp trở ngại.
2. Khi một người đã phạm tội mà chưa chịu ăn năn từ bỏ, chưa tiếp nhận ơn tha tội của Chúa thì rất khó cầu nguyện. Đây là sự trở ngại về tâm linh.
3. Tâm hồn cầu nguyện với Chúa rất dể tập trung, vì trong đức tin lúc nào cũng biết chắc có Chúa hiện diện.
D. Kết quả sự cầu nguyện với Đức Chúa Trời:

1. Kết quả của sự cầu nguyện hoàn toàn khác với thiền định, vì thiền định là hành động không có đức tin, tự mình loại bỏ phiền não của mình, tự xem mình như không có (vô ngã) nên nội tâm dễ rơi vào trạng thái hư ảo, hoặc tự kỷ ám thị. Ngược lại, người cầu nguyện với đức tin của Chúa là người biết chắc mình đang cầu nguyện với Đức Chúa Trời, ý thức rõ ràng mình đang cầu nguyện với Chúa điều gì. Sau mỗi lần cầu nguyện, tâm hồn người tin Chúa cảm nhận lòng tạ ơn Chúa, an tịnh, tin cậy, bình an, hy vọng. Người cầu nguyện kinh nghiệm được sự nhậm lời của Chúa nên thêm lòng tin quyết và kính sợ Chúa để tôn thờ Ngài cũng như yêu mến người lân cận. Người cầu nguyện nhiều là người có mối tương giao mật thiết với Chúa, nên tâm tính anh ta khiêm hòa, giản dị, mạnh mẽ và khó phạm tội, nhưng dễ thể hiện tình yêu thương và lòng tha thứ.
2. Người cầu nguyện chân thật với đức tin là người có đời sống tâm linh mạnh khỏe, thoát khỏi những phiền phức trần thế dù đang sống giữa trần thế. Sự cầu nguyện trong Chúa không đem lại địa vị tôn giáo, hay địa vị xã hội, nhưng được một điều cao quý thiêng liêng nhất là được thưa chuyện với Đức Chúa Trời, mở hết tấm lòng mình cho Ngài. Có thể nói rằng con người chúng ta không thể tỏ ra ngay thật với nhau một cách tuyệt đối, nhưng ngược lại, người cầu nguyện với Chúa là người được bày tỏ sự ngay thật với Ngài một cách sâu xa, trọn vẹn nhất. Đây là một kinh nghiệm nội tâm khi được sống trong Đức Thánh Linh để tiếp xúc với Đấng tối thượng, đầy ơn, yêu thương, giầu lòng tha thứ.
3. Tóm lại, cầu nguyện là hành động của đức tin. Tâm linh con người được tiếp xúc với Đức Chúa Trời chí ái bằng năng lực Đức Thánh Linh. Trong cuộc tiếp xúc nầy, Đức Thánh Linh tỏ bày tình yêu, nâng đỡ, che chở, khích lệ, lắng nghe để giúp con người nói ra tất cả những gì anh ta cần nói. Đó là những điều sâu kín nhất mà anh ta không thể nói với ai được, và cũng không ai có thể hiểu hết nỗi lòng của anh ta như Đức Chúa Trời vốn hiểu. Trong cuộc tiếp xúc thiêng liêng nầy, anh ta thốt lên những lời cảm tạ về sự ban cho, sự nuôi nấng, sự dắt dẫn, sự bảo vệ, sự quan phòng mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời đã dành cho riêng anh. Anh ta cũng tỏ bày những tội lỗi sâu kín, những vết thương lòng sâu sắc để được Ngài tha thứ và được chữa lành. Dù anh ta là người gian ác đến mấy, nhưng sau khi đã thật sự cầu nguyện ăn năn với Chúa, vẫn được tha thứ, được tái sanh, được nhận sức sống mới.
Người cầu nguyện là người thật sự hạnh phúc, vì đã được vào thế giới thiêng liêng của Chúa để giao cho Ngài mọi sự, nhờ cậy Ngài mọi sự, tin cậy Ngài mọi sự. Từ thời Cựu Ước cho đến nay, các thánh đồ, các đấng tiên tri, con dân Chúa đã cầu nguyện và đã được Chúa nhậm lời. Khi Chúa Jesus Christ giáng thế làm người, Ngài cũng cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Ngài dạy cho các môn đồ cầu nguyện. Trong thời Tân Ước, bất cứ ai đã công khai tuyên xưng đức tin trong Chúa Jesus Christ đều có kinh nghiệm cầu nguyện và có nhiều kết quả được Chúa nhậm lời rất kỳ diệu. Kinh Thánh ghi lại kết quả của những gương cầu nguyện như Môi-se, An-ne, Gióp, Ê-li, Ê-li-sê, Ha-ba-cúc, Giê-rê-mi, Nê-hê-mi, Ê-sai, Đa-ni-ên, Vua Đa-vít, vợ chồng thầy tế lễ Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét, cụ già Si-mê-ôn, chấp sự Ê-tiên, sứ đồ Phao-lô, Giăng, Sa-chê, người thu thuế ăn năn, người mù, một thầy đội, 120 môn đồ trên phòng cao, v.v.
E. Sự cầu nguyện không theo đúng Lời Chúa không kết quả:

1. Người cầu nguyện chỉ tin Đức Chúa Trời như một vị thần hộ mệnh, thần may mắn, và cũng sẵn sàng tin bất cứ “vị thần“ nào khác; hoặc cầu nguyện vì động cơ ích kỷ, chỉ muốn cầu điều tốt cho riêng mình để được hơn người khác (Gia-cơ 4:3).
2. Người cầu nguyện chỉ tin có Chúa như cách ma quỷ tin (Gia-cơ 2:19), chứ không thật sự có Đức Tin theo lời dạy của Thánh Kinh như sau đây:
– Ngài là Đức Chúa Trời tối thượng; ngoài Ngài, không có đức chúa trời nào khác.(Ê-sai 44:6; 45:5-7, 14, 18-19).
– Ngài ban Chúa Jesus Christ xuống trần chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho nhân loại (Giăng 3: 14-16).
– Ơn tha tội của Ngài là trọn vẹn đối với tấm lòng ăn năn thống hối (Rô-ma 6:10).
– Ngài tái sinh con người bề trong, ban Đức Thánh Linh cho người tin Ngài để soi sáng, chữa lành, an ủi, thêm sức, dắt dẫn cuộc sống đắc thắng tội lỗi, yêu mến mọi người, mang kết quả nước trời trên đất (Giăng 1:12-13, 2 Cô-rin-tô 5:17).
3. Người cầu nguyện không có nhu cầu chính đáng để cầu xin, hoặc chưa hết lòng muốn được trình dâng nỗi niềm sâu kín nhất của mình lên cho Chúa, nhưng chỉ thực hiện một lễ nghi tôn giáo (Ma-thi-ơ 15:6, Mác 7:6-8).
4. Người cầu nguyện chỉ nói những lời thuộc lòng với bài bản quen thuộc trước đám đông, nhưng không thật sự tỏ ra riêng tư kín nhiệm với Chúa (Ma-thi-ơ 6:7).
5. Người cầu nguyện thiếu tương giao mật thiết với Chúa trong cuộc sống thường nhật, chỉ khi đến “nhà thờ“ mới bắt chước làm theo người khác, hay khi có nhu cầu bất chợt mới nghĩ đến cầu nguyện với Chúa. Đó là một biểu hiện không thật sự sống với Đức Tin của Chúa.
6. Người cầu nguyện còn dối lòng, còn một loại tội lỗi kín dấu nào đó chưa được xưng ra, hoặc chưa khao khát từ bỏ; còn một tham vọng ích kỷ, bất chính đang giấu trong lòng, hay là một nỗi oán hận chưa chịu buông tha, một thói quen hay trách móc người khác chưa thật sự được đóng đinh vào thập tự giá với Chúa (Gia-cơ 4: 2). Nên nhớ rằng Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi con người phải thánh khiết tuyệt đối, vì Ngài biết rõ bản chất con người vốn là bất toàn, vì đã nhiễm tội lỗi, nhưng Ngài đòi hỏi con người có tấm lòng chân thành tiếp nhận Đức Tin của Ngài, vì ngoài Đức Chúa Trời, không có một đấng nào cao cả thiêng liêng, hiểu thấu lòng người và xứng đáng để con người thờ phượng như Ngài.
7. Người cầu nguyện ở giữa nơi đông đúc, bị cám dỗ bởi ngoại cảnh một cách vô thức (Ma-thi-ơ 6:5); hay dùng lời cầu nguyện để chỉ trích, dạy dỗ người khác hơn là trình dâng cho Chúa một nan đề thật sự (Lu-ca 18:11).
III. Vài kinh nghiệm và ý kiến riêng của người viết:

Ai chưa từng đặt mình vào sự cầu nguyện một cách quen thuộc cần xem lại chính mình để xưng ra với Chúa những khờ dại, những thiếu sót của mình; rằng lòng con lâu nay ít tìm kiếm Chúa. Tâm trí con chưa hiểu đủ về Ngài cũng như về chính con. Con cảm thấy khó nói hết mọi điều trong đáy lòng mình. Lòng con còn những u uất rối reng chưa được giải phóng, xin Chúa ban Thánh Linh Ngài vào lòng con để con được sự soi sáng, được an tịnh, được dắt dẫn để lòng con được mở ra cho Ngài. Xin Thánh Linh cho con cảm nhận một cách chắc chắn rằng Ngài đang ở với con ngay bây giờ. Lời Chúa dạy rằng ai đến với Ngài dù khờ khạo cũng không lầm lạc, dù bao nhiêu tội lỗi cũng được Ngài tha thứ; xin Chúa cho con cảm nghiệm dòng Huyết thánh của Chúa Jesus Christ chảy vào tâm linh con như dòng suối tha thứ mọi tội lỗi của con, chữa lành những vết thương trong tâm hồn và thân thể con để con được kinh nghiệm tình yêu thiên thượng từ nơi Ngài. Xin Ngài nắm lấy con vì con không đủ sức nắm chặt Ngài, cho con được buông mình vào tay Ngài cách tự do như đứa trẻ để con được chiêm ngưỡng, được thờ phượng Ngài ngay trong cõi lòng bé nhỏ của con đây. Cho con nhớ lại biết bao điều oan khuất, lỗi lầm, cố chấp, thù ghét, bất mãn trong con và con xin Ngài đóng đinh các tội lỗi ấy trên thập tự giá của Con Ngài. Xin Chúa xóa bôi những thương tổn do người khác gây ra cho con mà lâu nay con chưa tha thứ cho họ được, Bây giờ con xin Chúa thể hiện sự tha thứ của Ngài trong lòng con để con được giải phóng ra khỏi sự cố chấp giận hờn, vì lâu nay con khó tha thứ người khác. (Xin đừng học thuộc lòng các lời gợi ý trên để tránh tệ trạng đọc kinh, nhưng hãy tự xem xét lòng mình cần nói với Chúa điều chi ngay khi mình bắt đầu bước vào sự cầu nguyện).
Mỗi lần cầu nguyện cần thưa với Chúa những nhu cầu cụ thể, không phải nói nhiều, không nói miên man quanh quẩn mơ hồ. Nếu chưa nói ra được thì im lặng, thiết tha khẫn nguyện, tìm kiếm ý muốn của Chúa. Không cần kéo dài hay lặp đi lặp lại ý đã cầu nguyện, nhưng lắng lòng với ý thức rõ rệt; biết mình đang thưa với Chúa điều gì. Khi cầu nguyện xong, chỉ cần nghỉ ngơi hay làm việc với tâm tình tạ ơn, tin cậy và chờ đợi xem kết quả công việc Chúa làm trong đời sống thực tế nội tâm và hoàn cảnh của mình. Nên đọc Kinh Thánh thường xuyên, cần đem Lời Chúa vào lòng để mỗi khi có điều chi suy gẫm thì mình có ngay Lời Chúa để làm nền tảng, làm ngọn đèn cho tâm linh. Luôn luôn ý thức rằng thân thể mình là đền thờ Chúa. Đức Thánh Linh luôn ngự trong thân thể mình mặc dù có khi mình quên Chúa, nhưng Chúa không bao giờ quên mình. Ngay cả khi mình đang sơ ý hay cố tình làm một điều tội lỗi, một điều buồn lòng Đức Thánh Linh, mình phải biết rằng không bao giờ mình che dấu Chúa được, cần kịp thời thưa với Chúa để được Ngài giải cứu. Bản chất xác thịt của mình vốn là tội lỗi, vì thế mình cần đến với Chúa để được Chúa chăn dắt chứ không cần tự lên án mình và cũng không sợ mình bị ai lên án. Chúa biết hết những gì sâu kín nhất trong nội tâm chúng ta, dù lắm khi chúng ta không biết hết về chính mình, nhưng Chúa chờ đợi cho đến khi chúng ta thật sự cần Ngài lắng nghe, cần Ngài soi sáng, mở mắt, mở lòng; sau đó Chúa sẽ cho chúng ta nhận biết về mình như Ngài đã biết chúng ta (1 Cô-rin-tô 13:9-12). Nếu chúng ta không còn nhớ đến Chúa nữa, Ngài vẫn có nhiều cách để cáo trách, nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta. Chúa là Đấng vui lòng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài (Hê-bơ-rơ-11:6; Giê-rê-mi 29:13). Chúa biết rằng nhân loại (nói chung), con dân Ngài (chung và riêng) vốn quen xa lìa Chúa, hay lơ đểnh đối với Chúa, nên Ngài ban thử thách, cáo trách, trui rèn, nhắc nhở, thì chúng ta mới trở lại con đường lành đem lòng tìm kiếm Ngài.
IV. Sự khác nhau bề trong và bề ngoài giữa người cầu nguyện và người thiền định:
Người thiền định sửa soạn từ bên ngoài vào bên trong như ăn chay, giữ giới, tập ngồi, tập đếm hơi thở, tập trung ý tưởng để định tâm. Tuy nhiên, càng cố gắng định tâm thì tâm càng dễ bị phân tán; một con muỗi bay qua, một nốt ngứa trên da thịt cũng làm cho người ngồi thiền bực bội. Đó là điều mà người cầu nguyện hoàn toàn không bị ảnh hưởng, vì người cầu nguyện làm công việc của Đức Tin từ bên trong ra bên ngoài. Đức Tin nhìn biết Đức Chúa Trời là Đấng Tối Thượng mà mình đang được chuyện trò thân thiết. Dù mình trình bày chưa đầy đủ, Ngài cũng hiểu thấu và hiểu hết những ý tưởng mình chưa kịp nói ra. Cầu nguyện xong, người cầu nguyện lấy Đức Tin chờ đợi Chúa trả lời. Đức Tin và sự tỉnh thức làm cho người cầu nguyện định tâm dễ dàng và tự nhiên, dù bên ngoài có ồn ào đến mấy thì sự cầu nguyện vẫn thực hiện được. Bởi Đức Tin mà con người biết chắc và kinh nghiệm sự hiện hữu của Chúa. Bởi đức tin mà con người được Chúa ban năng lực mầu nhiệm để được thưa chuyện với Ngài, tiếp xúc với Ngài là Đấng thiêng liêng, ban phước, an ủi, khích lệ, soi sáng, dắt dẫn, chữa lành (Hê-bơ-rơ 4:12).
Sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không lệ thuộc vào đức tin nơi con người, nhưng nếu con người không có đức tin thì không thể đến với Ngài. Đức Tin là một sự biết chắc vững vàng vô điều kiện mà lý trí không thể ngăn trở được. Dù chúng ta có Đức Tin hay không có Đức Tin, thì Đức Chúa Trời vẫn hiện hữu. Nhưng tấm lòng vô tín không bao giờ muốn nhìn biết Đức Chúa Trời và không có bản tính thích hợp để thiết lập sự giao thông với Ngài. Trái lại, lòng mê tín không thể tin vào Đức Chúa Trời nhưng lại tin các hình tượng vô tri, tin am miễu tà thần, hoặc tin vào những sự bói toán, xin xăm rất mê muội.
Người thiền định quán tưởng cái vốn có là không có, cái không có thì phải có. Họ tự lực loại bỏ sự phiền toái trong mình, cho rằng vạn vật là không gì cả, kể cả cái tôi của mình cũng không; nhưng thay vào sự quán tưởng về cái “không“ ấy, người tu thiền lại quán tưởng một vị Phật hay một đóa sen trước mặt mình, đồng thời cũng quán tưởng rằng không có gì cao siêu, không có gì thấp hèn, không có Phật, không có giác ngộ, không có địa ngục, không có niết bàn (chơn không diệu hữu). Sự quán tưởng nầy trái với những quan niệm sống thực tế, do đó thiền giả khó tránh khỏi những mâu thuẫn nội tại đưa đến tình trạng tự dối lòng, bất cần, giả hình, loạn trí, nửa điên nửa khùng, nửa mê nửa tỉnh mà ngôn ngữ thiền gọi là tẩu hỏa nhập ma (bị lửa ma quỷ làm tán loạn tâm trí). Nếu một người ngồi thiền hời hợt cho vui thì khó bị tầu hoả nhập ma, nhưng ngồi thiền như thế cũng chẳng khác gì không ngồi thiền. Các vị thiền sư không bị tẩu hoả nhập ma, vì thực tế họ không có thời gian ngồi thiền. Họ là thiền sư chứ không phải thiền giả. Họ nắm vững lý thuyết để dạy thiền sinh, để viết sách, để điều khiển cơ sở, tài chánh, để ban pháp thoại, đi đây đó lãnh đạo công việc thiền môn. Từ xưa và đặc biệt là ngày nay, các thiền sư nổi tiếng còn làm cố vấn cho các vua quan và các chế độ chính trị nữa.
Trái lại, người cầu nguyện tin Chúa là Đấng Hằng Hữu, biết chắc mình đang hiện hữu trước mặt Ngài. Người cầu nguyện tiếp xúc với Ngài, chiêm ngưỡng, thờ phượng Ngài và được tâm giao với Ngài, mở cả cõi lòng mình cho Ngài. Đây là những giây phút cao quý nhất mà tâm linh con người thật sự bước vào thế giới thiêng liêng với Đức Chúa Trời. Sự hiện hữu của người cầu nguyện với Đấng hằng hữu vô lượng thật là mầu nhiệm, chân thật và sâu nhiệm.
Phật Giáo cũng có nghi thức cầu nguyện, nhưng giáo lý đạo Phật cho rằng Đức Phật không phải là Đấng ban phước hay giáng họa; người tu hành phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, vì thế, sự cầu nguyện của người Phật Giáo là một nghi lễ được tổ chức thêm như một phương tiện. Nghi lễ nầy hoàn toàn không xuất phát từ niềm tin chắc chắn mà chỉ là để đáp ứng nhu cầu tâm lý tín ngưỡng. Tâm trạng người Phật Tử lạy lục trước các ảnh tượng Phật, đồng thời họ cũng nhận biết rằng các ảnh tượng ấy do thợ đục đẽo ra từ đất, đá, xi-măng, đồng, chì, gang, thiếc và họ mua về. Ngược lại, người cầu nguyện với Chúa hoàn toàn cảm nhận rằng Chúa là Đấng vô hình, Ngài là Thần Linh và người cầu nguyện tương giao với Ngài bằng tâm thần thiêng liêng, được Đức Thánh Linh vùa giúp.

Thông thường, những người có tôn giáo bề ngoài nhưng không có đức tin bề trong thì đành phải mượn hình tượng vô tri, hình thức nghi lễ để tượng trưng, hoặc làm vật trung gian. Trái lại, người có đức tin chắc chắn vào sự hiện diện thiêng liêng của Đức Chúa Trời như Kinh Thánh soi dẫn, thì không thể chấp nhận bất cứ một dụng cụ vật chất nào bên ngoài để thay thế, hay để đại diện sự thiêng liêng bề trong được

Thông thường, những người có tôn giáo bề ngoài nhưng không có đức tin bề trong thì đành phải mượn hình tượng vô tri, hình thức nghi lễ để tượng trưng, hoặc làm vật trung gian. Trái lại, người có đức tin chắc chắn vào sự hiện diện thiêng liêng của Đức Chúa Trời như Kinh Thánh soi dẫn, thì không thể chấp nhận bất cứ một dụng cụ vật chất nào bên ngoài để thay thế, hay để đại diện sự thiêng liêng bề trong được. Vì sao? Vì trong lòng người cầu nguyện với đức tin luôn luôn có Đức Thánh Linh thêm sức, soi sáng, giục giã người cầu nguyện nói lên điều đáng nói; không phải chỉ nói với Chúa một chiều mà còn tha thiết lắng nghe thánh ý của Ngài nữa. Khi người cầu nguyện không thể nói hết điều cần nói, Đức Thánh Linh giúp sức than thở thay cho người cầu nguyện như kinh nghiệm cuộc sống đức tin của Sứ Đồ Phao-lô (Rô-ma 8:26-27). Để được Đức Thánh Linh hiện diện trong một người tin Chúa, anh ta phải xa lìa các hình tượng. Vì con người mang hình ảnh thiêng liêng của Chúa nên không thể quỳ lạy trước các hình tượng vô tri do tay mình làm ra (Thi-thiên 115:4-8; Ê-sai 44:9-20; Giê-rê-mi 10:3-5).
Tóm lại, người tu thiền cố gắng hết sức mình để đạt đến sự đại định, nhưng càng cố gắng họ càng khó thành công. Trong khi đó, tín hữu Cơ-đốc đem lòng mình đến chuyện trò với Chúa để tâm hồn được an tịnh, yên nghỉ, hưởng phước; và tâm linh được nếm trải mùi vị thiên đàng, là thiên đàng của Chúa chứ không phải loại bình an tự kỷ ám thị như người ngồi thiền thường gọi là “nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là thay thảy do tâm mình tạo ra.
V. Lòng tin, niềm tin khác hẳn với Đức Tin:

Lòng tin, niềm tin hoàn toàn khác với Đức Tin. Lòng tin hay niềm tin phát xuất từ con người. Con người thường tin điều gì mình thích, mình muốn, hay mình hình dung được. Lòng tin hay niềm tin con người lệ thuộc vào tình cảm, lý trí, ý muốn, tri thức và cả truyền thống văn hóa, tôn giáo cũng như trình độ giáo dục. Mức độ và đối tượng của lòng tin hay niềm tin cũng thay đổi không ngừng theo tình cảm, lý trí, ý muốn và tri thức. Lòng tin hay niềm tin luôn bị lý trí, tri thức và ý muốn gạn lọc, kiểm soát một cách ý thức và vô thức. Không ai không có lòng tin hay niềm tin, kể cả người vô thần cũng là người có lòng tin hay niềm tin. Người vô thần tin rằng “không có thần linh“nào cả.
Nhìn khách quan, tâm con người không vô hạn, lòng tin hay niềm tin trong tâm con người cũng không vô hạn. Lòng tin hay niềm tin chủ quan của con người không ảnh hưởng đến chân lý hay thực tế khách quan; ngược lại, nó bóp méo, vo tròn tô mầu một cách chủ quan đối với chân lý khách quan. Từ ngữ Hán Nho của Phật Giáo gọi lòng tin là tín tâm, niềm tin là tín niệm và đặc biệt là tự tín. Từ ngữ “đức tin“ không có trong ngôn ngữ Phật Giáo Việt Nam, nhưng dần dần về sau nầy, một số luận sư Phật học dùng từ ngữ “đức tin“ theo nghĩa tương tự như “niềm tin, lòng tin“. Hoà Thượng Trí Quang trong tập Đại Thừa Khởi Tín Luận cho rằng “khởi tín đưa ta lên tột đỉnh của sự tự tín, xác quyết rằng chủ tể của ta chính là ta đây.“ (3) Phật Giáo không tin có Đấng Tạo Hóa toàn năng, nhưng tin rằng khả năng con người là toàn năng và vô tận, con người có thể đạt thành chánh quả để nhìn biết vạn sự từ trước vô cùng đến sau vô tận. Cụm Hán từ “nhất thiết duy tâm tạo“ trong kinh điễn nhà Phật tiêu biểu cho niềm tin chủ quan nầy. Đức Thích Ca dạy rằng đừng vội tin những gì do truyền thống, sách vở, giáo lý, hoặc bài giảng của bất cứ ai, dù người đó là bậc đáng kính trọng, nhưng hãy tin những gì mà chính mình thấy đúng, thấy thật, thấy ích lợi cho mình, cho tha nhân, cho hiện tại và tương lai (kinh Kalama). Ai nghiên cứu Phật Giáo một cách khách quan, khi đọc Kinh Kalama cũng dùng lời dạy của kinh nầy để đánh giá lại giáo pháp của Đức Phật có đúng hay không rồi mới tin. Nếu giáo lý của Phật là chân lý tuyệt đối, làm sao khả năng hạn hẹp của con người đánh giá đúng? Phật dạy rằng giáo lý Phật chỉ là phương tiện chứ không phải là chân lý; ai đã thành Phật rồi thì đương nhiên là vứt bỏ phương tiện ấy đi. Khả năng hiểu biết của nhân loại từ xưa đến nay vẫn không tuyệt đối trọn vẹn thì làm sao mà đánh giá đúng mức để đạt đến sự tự tin tuyệt đối và tự cho mình là chúa tể tối cao của mình như Khởi Tín Luận và Hoà Thượng Trí Quang? Thực tế là con người chịu lệ thuộc rất nhiều vào sự sống khách quan vốn đã được dựng nên; còn tệ hơn nữa là con người không đủ khả năng làm điều lành một cách trọn vẹn như chính mình muốn. (Rô-ma 7:19). Vì thế con người cần Đấng tuyệt đối trọn vẹn và đặt đức tin Đức Tin của Ngài.

ten-commandments
Khác với giáo lý Phật Giáo vốn chỉ là phương tiện, Kinh Thánh là chân lý, là sự mặc khải thành văn để chỉ dẫn Đức Tin của Đức Chúa Trời cho nhân loại, vì Đức Chúa Trời biết rõ khả năng hiểu biết của loài người còn quá ít so với chân lý tuyệt đối vô biên. Đức Chúa Trời mặc khải Đức Tin của Ngài qua thiên nhiên, qua Thánh Kinh, Luật Pháp và cuối cùng là sự giáng thế của Đấng Christ. Dù lương tâm và trí tuệ của con người không đủ để hiểu hết, nhưng đủ để tin. Thánh Kinh dạy rằng chỉ có Một Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật, là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Tại. (Sáng Thế Ký 1, 2; Thi-thiên 139:1-18; Ê-sai 43, 44, 45). Chỉ có một Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và nhân loại, là Đức Chúa Jesus Christ (1 Ti-mô-thê 2:5). Chỉ có một Đức Thánh Linh ban vào lòng người tin Chúa Jesus để cáo trách tội lỗi, để soi sáng, để tha thứ, chữa lành, thánh hóa, dắt dẫn, thêm sức, trang bị thuộc linh theo ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi (1 Cô-rin-tô 12:4-11). Lời Chúa xác nhận ý tưởng của Ngài là vô lượng cao siêu mà loài người không thể hiểu thấu được (Ê-sai 55:8-9), vì thế Ngài ban Đức Tin để mỗi người có thể nhờ Đức Tin mà giao thông với Ngài một cách thiêng liêng và kín nhiệm. Đức Tin là sự ban cho, là món quà Đức Chúa Trời tặng riêng cho nhân loại. Nhưng nhân loại có tự do tuyệt đối để tiếp nhận hay khước từ Đức Tin của Chúa. Dĩ nhiên nhân loại cũng đã được Ngài ban cho lý trí, lương tâm để ý thức trách nhiệm về thái độ tự do chọn lựa của mình.
Đức Tin của Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh, vì thế bất cứ lòng tin hay niềm tin nào không đúng với Thánh Kinh thì dứt khoát không phải là đức tin của Chúa. Khi tiếp nhận Đức Tin của Chúa, tín hữu tin theo Lời Chúa và sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh ứng hiệp với Lời Chúa, chứ không thể tin theo ý tưởng chủ quan của mình. Kinh Thánh là sự mặc khải thành văn của Đức Chúa Trời, là ngọn đèn soi đường cho đời sống của người có Đức Tin (Thi-thiên 119:9, 105).
VI. Sự khác nhau rất nền tảng giữa giáo lý Phật Giáo và Thánh Kinh:
Đức Thích Ca dạy rằng tất cả giáo pháp của Ngài chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng. Nghĩa là tất cả giáo lý Phật Giáo chỉ là phương tiện tu chứng chứ không phải là chân lý. Ai đã đạt đạo rồi thì vứt bỏ nó đi, như người đã qua sông thì phải vứt bỏ thuyền. Pháp môn thiền định được xem là pháp môn tu cao nhất của Phật Giáo. Thiền định được áp dụng nhiều cách khác nhau trong hầu hết các tông phái Phật Giáo. Nhưng tất cả các môn phái thiền đều có một điểm giống nhau, ấy là mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi, mỗi người tu chứng cho riêng mình, không tu dùm cho ai khác. Mục tiêu rốt ráo của thiền định là để đạt đến sự giác ngộ vô ngã, tức là người tu thiền không còn thấy mình hiện diện nữa, bởi đó, cũng không còn ai ngoài mình để đối đãi nữa: “vô năng vô sở” nghĩa là không chủ thể, không đối tượng (tuyệt đối không).
Trong lịch sử Phật Giáo, từ lý thuyết đến thực tế, chưa có một người nào đạt thành chánh quả như Đức Thích Ca. Bởi thế, chưa ai vứt bỏ được giáo lý Phật Giáo, và không ai có thể hiểu được sự thành Phật của Đức Thích Ca là như thế nào, vì chỉ có bậc tu đã thành Phật rồi mới thông hiểu Phật. Một chúng sanh chưa thành Phật thì không thể có đại trí, đại thần thông vi diệu như Phật để hiểu Phật. Theo giáo lý đạo Phật thì tất cả chúng sanh (người cũng như hết thảy mọi sinh vật trong sáu loài luân hồi như ngạ quỷ, súc sanh) đều có khả năng thành Phật. “Phật là chúng sanh đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành,“ đó là câu kinh nền tảng để hiểu giáo lý nầy.
Ngược lại, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật; nhân loại là loài thọ tạo duy nhất được mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời và có sự sống thiêng liêng vĩnh cửu. Sau khi bị Sa-tan cám dỗ để sa vào tội lỗi (Sáng thế ký 1:1-13), con người bại hoại (Sáng thế ký 6:5,11-12). Con người kiêu ngạo (Sáng thế ký 11:3-4). Lòng người gian ác xấu xa hơn mọi vật (Giê-rê-mi 17:9). Con người vốn biển lận, bội nghịch (Giê-rê-mi 3:20). Lòng người là ngu dại, suy đồi (Thi-thiên 14:1. 53:1). Tội lỗi trong loài người càng ngày càng gia tăng (Ma-thi-ơ 24:12). Nhưng con người là loài thiêng liêng, được dựng nên giống ảnh tượng của Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho sự khôn ngoan để quản trị tất cả các loài khác (Sáng thế ký 2:26-27). Đức Chúa trời hứa ban Chúa Cứu Thế xuống trần để cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi (Ê-sai 9:5-6). Khi con người đem lòng ăn năn trở về tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus Christ thì nhận được ơn tha tội, được trở lại địa vị làm con Đức Chúa Trời, được tái sanh trong Đức Thánh Linh (Giăng 1:12-13), được cứu ra khỏi sự hư mất đời đời (Giăng 3:16), được ra khỏi sự đoán phạt (Rô-ma 14:1), được nên thánh, được đổi mới và mặc lấy người mới (1Cô-rin-tô 5:17; Ê-phê-sô 4:24), được dùng thân thể mình để làm đền thờ Đức Chúa Trời (1 Cô-rin-tô 3:16; 6:19), được sống với Chúa vĩnh viễn trên thiên đàng sau khi qua đời (Khải-huyền 22:1-5).
Sự cầu nguyện không chỉ thực hiện khi người tin Chúa cần biệt riêng cầu nguyện với Ngài, nhưng còn có thể thực hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống qua mọi hoàn cảnh. Khi ăn, ngủ, chuyện trò, đi lại, làm việc, lái xe, ở cơ quan, ở nhà, trong rừng, trên biển cả, lúc thanh bình hay giữa vòng chiến cuộc, v.v. người tin Chúa biết rằng Chúa đang ở với mình và mình có thể nói với Chúa bất cứ điều gì mà tâm hồn mình muốn nói. Đây là mối giao thông tuyệt vời trong cuộc sống đức tin của Cơ Đốc Nhân với Đức Chúa Trời thiêng liêng. Bất cứ ai có Đức Tin, có lòng yêu kính Chúa, có Lời Chúa, có kinh nghiệm hồng ân cứu rỗi của Chúa đều có thể sống trong sự hiện diện của Ngài ở bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ lúc nào trừ khi người ấy biết mình đang cố tình phạm tội. Dù cố tình hay vô tình phạm tội, người ấy cũng không trốn đi đâu xa mắt Chúa được. Cho nên một tấm lòng yêu kính Chúa được Lời Chúa ghi tạc vào, thì tấm lòng ấy sở đắc mối tương thân với Chúa để tâm hồn được an vui hoan lạc như tình Cha con khắng khít mà thiền định không thể có được. Khi hữu sự, chúng ta kêu Trời ơi và lập tức cầu nguyện, chứ không ai kêu Phật ơi, và khi ấy thì không ai có thể ngồi thiền.
VII. Chức vụ cầu thay:
Như đã đề cập phần trước, người phật tử có nghi lễ cầu nguyện cho mình và cho người khác, nhưng rất chung chung, không phát xuất từ niềm tin tuyệt đối. Trái lại, người tin Chúa xem sự cầu nguyện là đỉnh cao nhất của đời sống làm con Đức Chúa Trời. Chẳng những cầu nguyện cho mình mà còn nghĩa vụ thiêng liêng cầu nguyện cho người khác. Đó là chức vụ cầu thay, như Môi-se cầu xin Chúa tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Xuất Ê-díp-tô ký 5:22-23; 32:30-33), như Chúa Jesus Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời cầu thay cho con dân Ngài đang ở giữa thế gian (Rô-ma 8:34).
Sự cầu thay đòi hỏi người cầu nguyện quên mình và đặt mình vào vị trí, vào cảnh huống của người mà mình đang cầu thay. Ví dụ cầu nguyện cho một người mắc bịnh nan y, cầu nguyện cho một người đang lâm vào hoàn cảnh tội lỗi, lạc lầm, cầu nguyện cho dân tộc, cho đồng hương, v.v. đều phải xem những nan đề của họ, vị thế của họ, bịnh tật của họ, đau khổ của họ như là của chính mình. Tâm thần người cầu nguyện mang những nan đề ấy mà trình dâng cho Chúa, chứ không chỉ nói suông bằng lời. Đây là sự cầu nguyện cao nhất. Ví dụ cầu thay cho một người đang sa vào cạm bẫy tội lỗi; người cầu nguyện xem tội lỗi của anh ta đang phạm như là tội lỗi của chính mình và khao khát một tấm lòng ăn năn từ bỏ tội lỗi một cách thiết tha đến nỗi sự ăn năn tha thiết nầy cảm động đến Đức Thánh Linh, vì chỉ có Đức Thánh Linh cảm động thì người phạm tội ấy mới thật sự ăn năn từ bỏ để thoát khỏi vũng lầy tội lỗi. Nếu không có năng lực Đức Thánh Linh với tâm tình Chúa Jesus Christ thì không ai có thể thực hiện sự cầu thay đúng nghĩa được. Vì thế Chúa Jesus Christ dạy: “Ngoài ta ra các ngươi không làm chi được“ (Giăng 15:5-11). Còn Sứ Đồ Phao-lô nói “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi“ (Phi-líp 4:13).
Tôi đang ở Đông Berlin, nơi mà con dân nước Việt đang sa vào nhiều thứ tội lỗi khủng khiếp, nhưng trong cảnh trạng nầy có một số người ăn năn trở về tin nhận Chúa. Sau khi gặp được tình yêu kỳ diệu của Chúa, họ nhớ đến người thân ở quê nhà. Thay vì tiếp tục phạm tội để kiếm tiền gởi về nuôi thân nhân, họ đã cầu nguyện cho thân nhân của họ. Họ xin Chúa cảm động người thân của họ ở quê nhà đặt lòng ưu tiên tìm biết Chúa trước và tìm vật chất sau như Lời Chúa dạy trong Ma-thơ-ơ 6:31-34. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của họ. Những thân nhân của họ gặp người Tin Lành đến làm chứng và kêu gọi họ tuyên xưng đức tin của Chúa Jesus Christ tại quê nhà.
Chức vụ cầu thay là rất quan trọng và rất phước hạnh. Bản thân tôi sau khi rời khỏi quê hương vì sự bắt bớ đức tin. Phải xa người cha trên 80 tuổi mới tiếp nhận Đúc Tin của Chúa, tôi chỉ biết cầu nguyện cho ba tôi ở quê nhà. Những ngày cuối cùng của tuổi già, ba tôi yếu và lẫn. Ba tôi đau khổ bởi những đứa con không tin Chúa đã bắt bớ đức tin của chúng tôi. Họ đánh đập và làm nhục tôi trước mặt ba tôi để dằn mặt ông cụ. Họ tách rời ba tôi khỏi sự chăm sóc của tôi để ba tôi bỏ Chúa. Nhưng khi ba tôi bị lẫn, miệng luôn luôn nhắc đến Chúa và hỏi thăm về tôi. Có khi ba tôi vui mừng nghĩ rằng tôi sẽ về thăm ông cụ. Trong sự vui mừng nầy, ba tôi đã trút hơi thở cuối cùng rất bình an. Khi phải rời bỏ quê hương và xa cách cha già, tôi chỉ biết cầu nguyện với Chúa. Ngài đã làm cho ba tôi cảm thấy gần tôi, đứa con cùng có Đức Tin trong Chúa như ông, và khiến ông vui mừng nhắc nhở về tôi cho đến khi nhắm mắt. Tất cả anh chị em ruột thịt của tôi đều phải công nhận rằng hoàn cảnh họ gây ra đã bắt buộc tôi xa ba tôi, nhưng Chúa không để cho ba tôi xa tôi cho đến khi thân thể ông cụ trút hơi thở cuối cùng để linh hồn được về với Chúa. Tôi còn nhiều bằng chứng của kết quả cầu thay, nhưng bài viết nầy đã quá dài!

isai53.5
Nếu không có Đức Chúa Trời thật, thì chắc chắn người tin Ngài không thể được tái sinh, không thể được đổi mới, và sự cầu nguyện của người Cơ-đốc chỉ là vô nghĩa. Riêng quyền lực Sa-tan thì chỉ làm hại con người và đem con người vào sự cám dỗ với tội lỗi. Các bậc vĩ nhân như Đức Thích Ca, Khổng tử, Lão Tử, Mohamet, Suzuki, Nhất Hạnh, Thanh Hải Vô Thượng Sư, v.v. đều là người thọ tạo, được sanh ra với máu cha thịt mẹ như chúng ta. Họ lớn lên, già, bịnh và chết như chúng ta, họ cũng có tội như chúng ta. Họ không thể hiểu hết tất cả những mầu nhiệm, huyền vi của vạn vật vì thế họ không phải là “những đấng“ siêu nhiên như Đức Chúa Trời. Lời Chúa cho nhân loại biết rằng mọi sự bí mật thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng những sự bày tỏ thì Ngài ban cho chúng ta và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo Lời Ngài đã phán dạy (Phục truyền 29:29). Ai thật lòng tiếp nhận Đức Tin của Ngài trong Đức Chúa Jesus Christ, thì mới nhận được sự bày tỏ của Đức Thánh Linh.
Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngài dựng nên con người. Dù con người khước từ Ngài, hoặc tự nhận rằng mình đã tu thành Phật, thì con người vốn cũng đã được Đức Chúa Trời dựng nên trong máu cha thịt mẹ giống như mọi người. Kinh Thánh dạy rằng con người chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vạn vật và tổ tiên nhân loại. Giữa con người với nhau là bình đẳng, không nhất thiết phải thờ phượng nhau, nhưng trên hết và trước hết là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, nhiên hậu sẽ được Ngài băn thêm cho chúng ta mọi điều khác nữa như lời Chúa Jesus Christ phán được ghi lại trong sách ´Tin Lành Ma-thi-ơ chương 6 câu 33.

Ghi chú:

(1) Diễn dàn Báo Làng, Sacramento, tháng 11, năm 2001
(2) Living Buddha, Living Christ – Thích Nhất Hạnh, RIVER HEAD BOOKS: Published by The Berkley Publishing Group. 200 Madison Avenue. New York 10016, from page 13 to 20.
(3) Khởi Tín Luận, trang 9, nxb tp Hồ Chí Minh-1994
(4) The Discovery of Genesis – How the Truth of Genesis were found Hidden in the Chinese Language, tác giả C.H Kang và Ethel R. Nelson, nhà xuất bản CONCORDIA/SAINT LOUIS

Berlin
Joshua Huệ Nhật Nguyễn

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn