“Không thầy đố mày làm nên.”
Bài trước:
Thầy ơi cho tôi hỏi:
TÔI HỌC KINH THÁNH BẰNG PHƯƠNG CÁCH NÀO?
Trả lời:
Có bao nhiều lần bạn đã đọc hết toàn bộ Kinh Thánh trong một năm? Hay là bạn đã đọc Kinh Thánh nhưng chưa bao giờ đọc hết toàn bộ bản văn Kinh Thánh?
Một nghiên cứu chỉ ra 64% Cơ đốc nhân nói rằng họ rất khó thu xếp thời gian trong ngày để đọc Kinh Thánh. Trong khi đó có 80% Cơ đốc nhân cho rằng họ không hiểu khi đọc Kinh Thánh. Đây là điều đáng báo động. Một tỉ lệ thực tế hơn là có đến 95% Cơ đốc nhân chưa được huấn luyện hay thông qua những khóa học đào tạo về Kinh thánh. Điều này có nghĩa là chỉ có 5% tín hữu biết cách làm thế nào để nghiên cứu Kinh Thánh.
Sự thiếu hụt của việc am hiểu về Kinh Thánh là một nan đề đối với từng gia đình, hội thánh và quốc gia. Một trong những sứ mệnh chủ yếu của hội thánh là huấn luyện tín nhân phương pháp nghiên cứu Kinh thánh để họ có thể hiểu và áp dụng lẽ thật của Đức Chúa Trời.
Lời cầu nguyện của chúng tôi là bản thân bạn được lớn lên trong sự hiểu biết Lời Chúa thông qua một phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh đúng đắn. Những lời khuyên sau đây có thể giúp đỡ bạn.
Thiết lập một kế hoạch.
Sự thật là bạn không cần trở thành một chuyên gia để nghiên cứu Kinh Thánh. Điều bạn cần là có một kế hoạch rõ ràng để thực hiện. Điều đầu tiên là bạn phải có một chương trình đọc Kinh Thánh. Bạn có thể chọn một trong các gợi ý dưới đây:
– Đọc toàn bộ Kinh Thánh trong một năm.
– Đọc Kinh Thánh theo thời gian được ấn định.
– Đọc hết Cựu Ước trong sáu tháng.
– Đọc hết Tân Ước trong ba tháng.
– Đọc hai chương Cựu Ước, hai chương Tân Ước, một Thi thiên và một Châm ngôn mỗi ngày.
– Thực hiện một nghiên cứu quy nạp cho một quyển sách cụ thể của Kinh Thánh (các câu được ghép với nhau trong một nhóm).
– Nghiên cứu theo chủ đề và ghi nhớ.
Bảo đảm là bạn có trong tay một phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh cách khoa học, kèm theo các sách vở căn bản và phần mềm nghiên cứu Kinh Thánh hỗ trợ. Có nhiều chương trình tốt đọc Kinh Thánh trong một năm đang có trên mạng Internet, bạn có thể tải về để áp dụng. Chúng tôi đề nghị bạn nên đọc chung với người phối ngẫu, hoặc một người bạn hoặc một nhóm bạn trong hội thánh. Điều này sẽ nhắc bạn có trách nhiệm với chính mình và người khác.
CẦU NGUYỆN
Luôn ghi nhớ là bạn phải cầu nguyện trước khi đọc, trong khi đọc và sau khi đọc Kinh Thánh. Điều quan trọng bạn cần: chính Tác Giả của Kinh Thánh là Đức Thánh Linh soi sáng tâm trí để bạn có thể lĩnh hội Lời của Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết, “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.” (1 Côr. 2:12). Đa-vít cũng cầu nguyện, “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa.” (Thi. 119:18)
ĐỌC VÀ QUAN SÁT. ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA?
Khi bạn đọc Kinh Thánh, luôn luôn đặt câu hỏi điều gì đang xảy ra trong chương sách này. Ai, khi nào, ở đâu, tại sao, làm thế nào để hiểu được chương này? Càng có cái nhìn rộng hơn về bối cảnh bên ngoài của chương sách bạn sẽ càng hiểu sâu sắc hơn về nội dung bên trong. Vì vậy, hãy học hỏi với chính Đức Thánh Linh, tìm hiểu trước giả được Chúa sử dụng để viết Kinh Thánh, ngày tháng, bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử của từng sách. Điều này sẽ mở rộng sự hiểu biết của bạn về Kinh Thánh vốn là tài sản quí báu nhất của loài người.
ĐỌC VÀ GIẢI THÍCH. ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Khi bạn theo dõi những gì đang xảy ra trong chương sách. Bước tiếp theo là giải thích điều đó có ý nghĩa gì. Phải chắc rằng bạn không hiểu sai ý nghĩa của phần Kinh Thánh đang đọc. Một lần nữa hãy cầu nguyện để Đức Thánh Linh soi sáng tâm trí của bạn. “ Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa. Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời.
Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.” (1 Côr. 2:10-12. Xem 1 Giăng 2:26-27). Hãy nhớ rằng chìa khóa để hiểu Kinh Thánh là ngữ cảnh, mạch văn.
Giáo sư John MacAthur gợi ý bốn điểm sau đây giúp bạn nghiên cứu Kinh Thánh.
- Sự khác nhau về ngôn ngữ: Tìm ra từ gốc, nghĩa gốc của ngôn ngữ được viết. Sách đó viết bằng Tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram hay Hy-lạp?
- Sự khác nhau về văn hóa: Biết phân biệt sự khác nhau giữa các nền văn hóa khác nhau theo từng niên đại trong Kinh Thánh.
- Sự khác nhau về địa lý: Bạn phải am tường địa lý nhờ vào các bản đồ, để từ đó nhận ra phong cảnh, khí hậu, môi trường sống của con người vào từng thời điểm trong Kinh Thánh.
- Khoảng cách về lịch sử: Nắm vững các kiến thức về lịch sử trong Kinh Thánh để đánh giá đúng các sự kiện và con người trong mỗi thời đại.
ĐỌC ĐỂ ÁP DỤNG. TÔI PHẢI LÀM GÌ?
Cuối cùng, nghiên cứu Kinh Thánh là để áp dụng cho những hiểu biết của bạn. Howard Hendricks đưa ra một phương cách tốt để nhắc nhở mọi người áp dụng những gì họ đọc trong Kinh Thánh: đọc để thu nhận thông tin, ghi lại để nhớ, áp dụng bằng cách phản ánh ra (hay suy nghĩ cách để áp dụng).
ÁP DỤNG
Mạnh dạn đầu tư thì giờ cho việc học Kinh Thánh. Lập một kế hoạch cá nhân cho việc nghiên cứu Kinh Thánh (có thể phối hợp ít nhất với một người bạn gần nhất). Duy trì điều này cho đến khi bạn tập được thói quen dành một giờ đồng hồ mỗi ngày cho Kinh Thánh.
Thời gian sống với Lời Chúa sẽ định hình thế giới quan của bạn. Bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn về mọi vấn đề và đủ sức chống lại những cám dỗ của Satan cũng như những mánh khóe của nó kéo bạn cách xa Nguồn của Sự sống. Sứ đồ Gia-cơ đã viết, “Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.” (1:25).
KINH THÁNH THAM KHẢO
Thi thiên 19, 119; Ê-phê-sô 6:17; Cô-lô-se 3:16; 2 Ti-mô-thê 2:15; Gia-cơ 1:25.
Hướng Đi biên soạn
Sách tham khảo:
The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez