Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Những Danh Xưng Nối Kết Với Đức Giê-hô-va.

Những Danh Xưng Nối Kết Với Đức Giê-hô-va.

CÁC DANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

FESTIVAL YÊU HÀ NỘI

Chúng ta sẽ học biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va khi nghiên cứu các từ theo sau được ghép với danh xưng này.

abraham
1. Đức Giê-hô-va Di-rê
Đức Giê-hô-va di-rê có nghĩa là Đức Chúa Trời cung ứng. Khi Áp-ra-ham vâng lời Chúa dâng nộp con trai duy nhất của mình cho Chúa làm của lễ thiêu trong sách Sáng thế ký 22: 14, ông đã đi qua một trải nghiệm kỳ thú. “Áp-ra-ham và Y-sác đến chốn Đức Chúa Trời đã phán dạy; tại đó, Áp-ra-ham lập bàn-thờ, chất củi lên, trói con mình lại, để lên đống củi trên bàn-thờ. Áp-ra-ham bèn giơ tay ra cầm lấy dao đặng giết con mình. Thiên-sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên-sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi. Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con mình. Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn.” (Sáng. 22:9-14)
2. Đức Giê-hô-va Rô-phi-ca
Đức Giê-hô-va Rô-phi-ca có nghĩa là Đức Chúa Trời chữa lành. Rô-phi-ca trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là chữa lành cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta nhớ câu chuyện này, sau khi tuyển dân Israel ra khỏi Ai-cập, họ đã đi suốt ba ngày trong sa mạc và không tìm thấy nước uống. Sau đó họ “đến đất Ma-ra, nhưng vì nước tại đó đắng, uống chẳng được, nên chi chỗ nầy gọi là Ma-ra.
Dân sự bèn oán trách Môi-se rằng: Chúng tôi lấy chi uống? Môi-se kêu van Đức Giê-hô-va; Ngài bèn chỉ cho người một cây gỗ, người lấy liệng xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt.
Ấy tại đó, Đức Giê-hô-va định luật lệ cùng lập pháp độ cho dân sự, và tại đó Ngài thử họ. Ngài phán rằng: Nếu ngươi chăm chỉ nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, lắng tai nghe các điều răn và giữ mọi luật lệ Ngài, thì ta chẳng giáng cho ngươi một trong các bịnh nào mà ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi.” (Xuất. 15: 23-26)
Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành. Ngài có thể chữa lành cho Mi-ri-am mà không cần đến bất kỳ một phương tiện trợ giúp nào (xem Dân số ký 12:10-15), hoặc Ngài có thể dùng một phương thức y khoa như trong trường hợp vua Ê-xê-chia nhận sự chữa lành (Ê-sai 38:21).

EXO
3. Đức Giê-hô-va Nis-si
Đức Giê-hô-va Nis-si có nghĩa là Đức Chúa Trời cờ xí của tôi.
Chúng ta đọc trong Xuất Ê-díp tô ký 17: 8-16, “ Vả, khi đó, dân A-ma-léc đến khiêu chiến cùng Y-sơ-ra-ên tại Rê-phi-đim. Môi-se bèn nói cùng Giô-suê rằng: Hãy chọn lấy tráng sĩ cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân A-ma-léc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay. Giô-suê bèn làm y như lời Môi-se nói, để cự chiến dân A-ma-léc; còn Môi-se, A-rôn và Hu-rơ lên trên đầu nổng. Vả, hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn. Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ bèn lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê lấy lưỡi gươm đánh bại A-ma-léc và dân sự người.
Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng ta sẽ bôi sạch kỷ niệm về A-ma-léc trong thiên hạ. Môi-se lập lên một bàn thờ, đặt tên là ‘Giê-hô-va cờ xí của tôi’ và nói rằng: Bởi vì A-ma-léc có giơ tay lên nghịch cùng ngôi Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va chinh chiến với A-ma-léc từ đời nầy qua đời kia.”
‘Giê-hô-va cờ xí của tôi’ hàm ý Chúa là Đấng làm cho tôi (ban cho tôi) chiến thắng.
Ý nghĩa của Đức Giê-hô-va Nis-si cũng được tìm thấy trong Tân Ước. “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy.” (Giăng 3:14). Chúa Jesus đã bị treo lên thập giá, nhờ đó chúng ta nhận được chiến thắng: “trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.” (Rô-ma 8:37). Và chúng ta cũng “tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.” (1 Côr. 15:57)
4. Đức Giê-hô-va M’Qadesh
Đức Giê-hô-va M’Qadesh có nghĩa là Đức Chúa Trời thánh hóa. Danh xưng này bày tỏ rằng TRỜI muốn dân sự của Ngài phải được nên thánh vì Ngài là thánh. Chúng ta biết điều này khi đọc Lê-vi-ký 20:8, “Các ngươi hãy giữ làm theo những luật pháp ta: Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng làm cho các ngươi nên thánh.”
Nghĩa căn bản của cụm từ “được làm nên thánh” hàm ý được biệt riêng ra và chỉ để dành dâng lên cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán dạy tuyển dân, “Đừng làm ô danh thánh ta, thì ta sẽ được tôn thánh giữa dân Y-sơ-ra-ên: Ta là Đức Giê-hô-va làm cho các ngươi nên thánh.” (Lê. 22:32)
Tuyển dân Israel phải được tách biệt ra khỏi các dân tộc ngoại bang khác chung quanh họ, “Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi, đã phân rẽ các ngươi cùng các dân” (Lê. 20:24). Sứ đồ Phi-e-rơ đã trích dẫn Lê. 11:44 khi viết những lời này trong 1 Phi. 1:15-16, “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.” Và sứ đồ Phao-lô đã dạy cho hội thánh Tân Ước, “Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài.” (Ê-phê-sô 5:25-27)
5. Đức Giê-hô-va Sa-lam
Đức Giê-hô-va Sa-lam có nghĩa Đức Chúa Trời bình an. Chúng ta đọc lại Các quan xét chương 6 để thấy ý nghĩa của danh xưng này. Đức Giê-hô-va phó tuyển dân vào tay dân Ma-đi-an trong bảy năm vì họ đã làm điều ác. Nhưng khi tuyển dân kêu cầu với Chúa, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã đến cùng Ghi-đê-ôn để chuẩn bị ông dẫn dắt dân sự đánh bại dân Ma-đi-an. Lúc đầu Ghi-đê-ôn đã có phản ứng thoái thác trách nhiệm, “Ôi! Chúa, nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy xảy đến cho chúng tôi? Các phép lạ kia ở đâu mà tổ phụ chúng tôi đã thuật lại rằng: Đức Giê-hô-va há chẳng có đem chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? Vì bây giờ Đức Giê-hô-va từ bỏ chúng tôi, và phó chúng tôi vào tay dân Ma-đi-an. Đức Giê-hô-va xây lại cùng người mà phán rằng: Hãy dùng sức của ngươi vẫn có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an. Ta há chẳng sai ngươi đi sao?” (câu 13-14). Sau đó Ghi- đê-ôn đã nài xin một dấu hiệu đến từ Chúa, và Chúa đã đáp lời ông khi “lửa từ hòn đá bốc lên, thiêu hóa thịt và bánh nhỏ không men” mà Ghi-đê-ôn đã dâng lên. Lúc bấy giờ Đức Giê-hô-va phán cùng Ghi-đê-ôn: “Khá yên lòng, chớ sợ chi, ngươi sẽ không chết đâu. Ghê-đê-ôn bèn lập tại đó một cái bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và đặt tên là Giê-hô-va Sa-lam.” (câu 23-24)
Từ “Sa-lam”  là một lời chào hỏi thông thường trong tiếng Hê-bơ-rơ chuyển tải ý nghĩa: sức khoẻ, phúc lợi, an toàn, toàn bộ, đầy đủ, hữu nghị. Tất cả các ý này được tóm lược trong từ “bình an”.
6. Giê-hô-va Sít-ki-nu
Giê-hô-va Sít-ki-nu có nghĩa Đức Chúa Trời là sự công bình của chúng tôi. Sự công bình ở đây hàm ý đúng và công bằng.
Trước khi tuyển dân bị bắt làm phu tù cho đế quốc Ba-by-lôn, vị vua cuối cùng của Giu-đa là Sê-đê-kia. Tên Sê-đê-kia có nghĩa là sự công bình của Đức Giê-hô-va, nhưng vua này là một nỗi hổ thẹn cho tuyển dân, vì “Vua Sê-đê-kia làm điều dữ trước mắt Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 52:2). Chúng ta đọc thấy trong 2 Các vua 25:7 kẻ thù đã giết vua và các con trai ông, “Quân Canh-đê giết các con trai Sê-đê-kia trước mặt người; đoạn, chúng nó móc mắt Sê-đê-kia, xiềng người bằng xích đồng, rồi dẫn người đến Ba-by-lôn.”
Nhưng tiên tri Giê-rê-mi công bố, “Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ ta sẽ dấy lên cho Đa-vít một Nhánh công bình. Ngài sẽ cai trị làm vua, lấy cách khôn ngoan mà ăn ở, làm sự chánh trực công bình trong đất.” (Giê. 23:5) Và trong câu 6 tiếp theo, “Đương đời vương đó, Giu-đa sẽ được cứu; Y-sơ-ra-ên sẽ ở yên ổn, và người ta sẽ xưng danh Đấng ấy là: Đức Giê-hô-va sự công bình chúng ta!” Khi đọc Tân Ước, chúng ta biết thêm “Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình” (1 Giăng 2:1).

ps
7. Giê-hô-va Rô-hi
Giê-hô-va Rô-hi có nghĩa Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi. Danh xưng này đến từ Thi thiên 23. Đây là đoạn Kinh Thánh được ưa thích nhiều nhất trong Cựu Ước. “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì” (Thi. 23:1). Một người chăn tốt được tiên tri Ê-sai công bố, “Nầy, Chúa Giê-hô-va sẽ lấy quyền năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình mà cai trị. Nầy, sự ban thưởng Ngài ở nơi Ngài, sự báo trả Ngài ở trước mặt Ngài. Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú” (Ê-sai 40:10-11).
Đức Chúa Trời là Đấng chăn chiên được bày tỏ: “Ấy chính ta sẽ chăn chiên ta và cho chúng nó nằm nghỉ, Chúa Giê-hô-va phán vậy. Ta sẽ tìm con nào đã mất, dắt về con nào đã bị đuổi, rịt thuốc cho con nào bị gãy, và làm cho con nào đau được mạnh. Nhưng ta sẽ hủy diệt những con mập và mạnh. Ta sẽ dùng sự công bình mà chăn chúng nó.” (Ê-xê-chi-ên 34:15-16). Trong Tân Ước Chúa Jesus cũng công bố, “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 19:11). Trước giả thư Hê-bơ-rơ viết, “Đức Chúa Trời bình an, là Đấng bởi huyết giao ước đời đời mà đem Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Jêsus chúng ta ra khỏi từ trong kẻ chết.” (13:20). Và trong 1 Phi-e-rơ 2:24, Đấng Christ được gọi là, “Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn” cho tín nhân.
8. Giê-hô-va Sa-ma
Giê-hô-va Sa-ma nghĩa là Đức Chúa Trời có ở đó. Sự hiện diện của TRỜI ở với dân sự Ngài luôn là điều quan trọng. Sự hiện diện của Chúa ở nơi đâu thì nơi đó có chiến thắng, sự chúc phước và sự bình an. Môi-se đã thưa với Chúa: “Nếu hiện diện Ngài chẳng đi cùng, xin đừng đem chúng tôi lên khỏi đây.” (Xuất. 33:15). Sự hiện diện của Chúa ở cùng đánh dấu tuyển dân Israel khác biệt với các dân tộc khác, “Lấy cớ chi mà người ta sẽ biết rằng tôi cùng dân sự Ngài được ơn trước mặt Ngài? Có phải khi nào hiện diện Ngài cùng đi với chúng tôi chăng? Thế thì, tôi cùng dân sự Ngài sẽ được phân biệt với muôn dân trên mặt đất.” (Xuất. 33:16)
Đấng Christ giáng sinh được nói đến trong Ma-thi-ơ 1:23, “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Chúa Jesus Christ đã đến trần gian trong thân xác một con người. Sứ đồ Giăng viết về Ngài, “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” (Giăng 1:14). Và sứ đồ Phao-lô xác nhận, “Chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” (Cô-lô-se 1:15).
Ngày hôm nay, Thánh Linh của Đức Chúa Trời cư ngụ bên trong tấm lòng tín nhân. Cơ đốc nhân trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời. “Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta.” (2 Côr. 6:16; xem Lê-vi-ký 26:12)
Khi Ê-xê-chi-ên viết Danh của Chúa là Đức Giê-hô-va ở đó, “Châu vi thành sẽ có mười tám ngàn cần; và rày về sau tên thành sẽ là: “Đức Giê-hô-va ở đó!” (Ê-xê. 48:35). Ở đây trước giả đang nói tiên tri về thành phố thiên đàng. “Vì người chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.” (Hêb. 11:10; xem Hêb. 12:22-23)
Trong sách Khải huyền, Giăng viết, “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng” (Khải. 21:3-4). Vào lúc ấy lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên sẽ được ứng nghiệm đầy trọn “Đức Giê-hô-va ở đó!” (Ê-xê. 48:35).

(Còn nữa)

 

JAMES SEMPLE

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn