Bà Kim Phúc bên cạnh người ân nhân năm xưa, Christopher Wain. Ảnh: BBC. |
BBC đã tổ chức cuộc hội ngộ giữa Kim Phúc và Christopher Wain. Cuộc gặp gỡ được phát sóng trên đài BBC Radio 4 hôm nay.
Ngày 8/6/1972, Chris và các đồng nghiệp đã ở Việt Nam được 7 tuần và đưa tin về cuộc chiến đang diễn ra cho hãng ITN. Ký ức về ngày hôm đó với Chris vẫn vô cùng rõ nét. “Buổi sáng hôm đó chúng tôi tới ngôi làng Trảng Bàng, nhiều binh sĩ phía bắc Việt Nam đã tới đây hai ngày trước đó. Họ đang chờ đợi phản công”, ông nói.
Rất nhiều dân làng sơ tán vào một ngôi chùa, trong đó có Kim Phúc, 9 tuổi. “Chúng tôi nghĩ nơi đó an toàn, nhưng sau đó tôi thấy máy bay, nó quá gần”, Kim Phúc nhớ lại. “Tôi nghe thấy tiếng bom nổ, rồi đột nhiên lửa bùng lên quanh tôi. Tôi hoảng sợ và chạy. Quần áo tôi bị lửa thiêu trụi”.
Chris và các đồng nghiệp đứng cách vị trí 4 quả bom napalm phát nổ khoảng 400 mét. “Đó là một vụ nổ nhiệt, cảm giác như ai đó vừa mở cửa một lò nướng. Sau đó, chúng tôi thấy Kim và những đứa trẻ khác. Chúng không kêu la gì cho đến khi thấy người lớn. Và rồi chúng bắt đầu khóc thét lên”.
Một phóng viên ảnh người Việt, Nick Út, làm việc cho hãng AP, đã chụp lại được hình ảnh lúc đó. Cô bé Kim Phúc trên người không một mảnh áo quần, đang chạy trên đường, tay cô bé giang ra và kêu cứu. Bức ảnh vừa được tờ New Statesman bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Chris đã chặn Kim Phúc lại và đổ nước lên người cô bé. Ông cũng nói với các đồng nghiệp ghi lại cảnh tượng đó. “Chúng tôi gần hết phim và nhà quay phim Alan Downes sợ rằng tôi đang yêu cầu ông dùng những thước phim quý giá để ghi một cảnh tượng quá kinh khủng. Nhưng tôi nghĩ phải cho thế giới thấy cuộc chiến này thế nào”.
Đấy là lần cuối cùng Chris gặp Kim Phúc. Cô bé nằm trên giường bệnh với những vết bỏng cấp độ một trên nửa phần thân thể.Nick Út đã đưa Kim Phúc đến bệnh viện nhi đồng do người Mỹ điều hành. Ngày chủ nhật sau đó, Chris tìm gặp Kim Phúc trong một căn phòng bệnh nhỏ. “Tôi hỏi một y tá Kim thế nào và được thông báo rằng cô bé sẽ chết vào ngày mai”, Chris kể lại. Ông đã chuyển Kim Phúc đến một bệnh viện chuyên về phẫu thuật chỉnh hình để cứu mạng sống của cô bé.
Kim Phúc đã ở lại bệnh viện đó 14 tháng và trải qua 17 cuộc phẫu thuật. Cho đến hôm nay, những cơn đau vẫn thường xuyên hành hạ cô. Hình ảnh “em bé napalm” vẫn còn ám ảnh một thế hệ song Kim Phúc không hề xuất hiện trước công chúng.
Chris đổ nước lên cô bé Kim Phúc. Ảnh: AP. |
10 năm sau, một nhà báo từ Đức tìm lại Kim Phúc, lúc này cô đang học y tại một trường đại học ở Việt Nam. Sau đó, Kim Phúc chuyển đến Cuba tiếp tục việc học. Tại Havana, cô gặp Toan, cũng là một du học sinh từ Việt Nam. Họ kết hôn và nghỉ tuần trăng mật ở Nga. Sau đó, Kim Phúc và chồng chuyển đến Canada và họ có hai con.
Về phần Chris, ông tiếp tục làm việc cho ITN trong ba năm với vai trò phóng viên chiến tranh. Sau đó, ông chuyển sang làm cho BBC. Chris nghỉ hưu năm 1999. Ông chưa bao giờ mong gặp lại Kim Phúc. “Khi đó, nó cũng chỉ là một câu chuyện, dù rất kinh hoàng. Tất nhiên, đấy là điều kinh khủng nhất mà tôi từng chứng kiến”, ông nói.
Chris cho biết ông từng cảm thấy Kim Phúc bị các phương tiện truyền thông lạm dụng. Đó là lý do vì sao 10 năm trước ông đã từ chối một cuộc gặp mặt với Kim Phúc trong talk show của Oprah Winfrey. Ông cảm thấy nó mang đầy tính thương mại.
Tuy nhiên, trong lần hội ngộ này sau 38 năm, Chris cho biết ông đã thay đổi cách nhìn và không còn nghĩ cô như là một nạn nhân của bức ảnh kinh điển đó.
“Bất chấp mọi thứ xảy đến với cô ấy và tất cả những gì cô ấy trải qua, Kim Phúc đã trở thành một phụ nữ rất ấn tượng”, Chris nói. “Cuộc hội ngộ này cảm động hơn tôi mong đợi. Kim Phúc là người rất tình cảm và điều đó thật sự lôi cuốn”.
Nguồn: http://vnexpress.net
——————————–
Con Đường Dài Đến Sự Tha Thứ
(The Long Road to Forgiveness)
Phan Thị Kim Phúc
Ngày 8 tháng 6, 1972, tôi chạy ra từ đền Cao Đài tại làng Trảng Bàng của tôi. Tôi thấy một máy bay hạ xuống thật thấp và rồi bốn trái bom rơi xuống. Tôi thấy lửa bao phủ chung quanh tôi. Rồi tôi thấy lửa trên cơ thể tôi, đặc biệt trên tay trái của tôi. Áo quần tôi bị cháy rụi.
Tôi mới 9 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhớ cảm nghĩ của tôi lúc đó: Tôi sẽ bị dị dạng xấu xí và người ta sẽ đối xử tôi cách khác biệt. Bức ảnh của tôi được chụp trên Quốc Lộ 1 chạy từ Sài-gòn sang Phmom Penh. Sau khi một người lính cho tôi uống và đổ nước lên người tôi, tôi bất tỉnh. Vài ngày sau, tôi nhận thức mình đang ở trong nhà thương, tôi nằm tại đó 14 tháng và trải qua 17 cuộc giải phẩu.
Khi xuất viện tôi bị khốn khổ vô cùng. Nhà của chúng tôi bị sập; chúng tôi mất tất cả và chỉ sống lây lất qua ngày.
Mặc dầu tôi bị đau đớn, ngứa ngáy và nhức đầu liên tục, cuộc điều trị lâu ngày tại bịnh viện khiến tôi muốn trở thành một bác sĩ. Nhưng sự học hành của tôi bị cắt ngang bởi chính quyền địa phương. Họ muốn tôi trở thành một biểu tượng của quốc gia. Tôi không còn đi học được nữa.
Giận và ghét lên cao như núi trong lòng tôi. Tôi chán ghét cuộc sống tôi. Tôi thù ghét tất cả những người bình thường vì tôi không bình thường. Nhiều lần tôi thật sự muốn chết.
Tôi để thì giờ vào thư viện đọc nhiều sách tôn giáo để tìm một mục đích cho cuộc sống. Một trong những sách tôi đọc là cuốn Kinh Thánh.
Giáng sinh 1982, tôi tiếp nhận Chúa Giê-su Chrit làm Cứu Chúa của tôi. Quả là một khúc quanh lạ lùng trong đời sống tôi. Đức Chúa Trời giúp tôi tập tành tha thứ — bài học khó nhất. Điều đó không xảy ra trong một ngày và cũng chẳng dễ dàng. Nhưng cuối cùng tôi đã học được.
Sự tha thứ giải thoát tôi khỏi sự thù ghét. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trong cơ thể tôi và hầu như ngày nào cũng chịu sự đau nhức kinh khủng, nhưng lòng tôi thanh thản.
Bom Napalm rất mạnh, nhưng đức tin, sự tha thứ và tình yêu mạnh hơn nhiều. Chúng ta sẽ không có chiến tranh nếu mọi người học để sống với tình yêu chân thật, với niềm hi vọng và sự tha thứ. Nếu tôi làm được thì mọi người sẽ làm được.
(Mục sư Nguyễn Thanh Phiên thuật)
Trích NẾP SỐNG MỚI
KINH THÁNH nói gì?
Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi. Ma-thi-ơ 6:15