Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Trung Úy Hiroo Onoda Của Nhật Hoàng

Trung Úy Hiroo Onoda Của Nhật Hoàng

Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ.” 2 Tim. 2:3

“Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin lành, như con ở với cha vậy.” Phil. 2:22

Ti-mô-thê được Phao-lô huấn luyện để trở nên một người lính giỏi và trung thành (trung tín) với Chúa.
2 tim

Câu chuyện về trung úy Hiroo Onoda của Nhật hoàng sau đây minh họa thế nào là một người lính giỏi và trung thành với thượng cấp của mình.


 

Người lính Thiên hoàng Nhật Bản từng 29 năm không chịu đầu hàng sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Người lính này đã “ẩn nấp” (nếu nói đúng tâm thế của ông là “cố thủ”) trong rừng rậm trên đảo Lubang của Philippines suốt gần 3 thập niên, không chấp nhận sự thật là cuộc chiến tranh đã kết thúc với việc Nhật hoàng đầu hàng quân đồng minh ngày 2-9-1945, chẳng đếm xỉa tới những tờ truyền đơn được máy bay thả xuống rừng hay những lời trên loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng và nhiều nỗ lực để thuyết phục ông tin rằng quân phiệt Nhật đã thua trận.

hiroo onoda 1

Mãi cho tới năm 1974, Onoda mới chịu ra khỏi nơi ẩn nấp để quay về quê nhà sau khi đích thân viên chỉ huy cũ của ông tới nơi ra lệnh cho ông đầu hàng.

Onoda là người cuối cùng trong nhiều chục cựu binh Thiên hoàng mà người ta biết được sống lẩn trốn ở châu Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong số này có một người bị bắt trong rừng già trên đảo Guam (Mỹ) hồi năm 1972. Dưới góc độ nào đó, họ được coi như biểu tượng cho tinh thần bất khuất và tuyệt đối trung thành của người lính Nhật đối với Nhật hoàng của mình.

Chờ đợi trong bất khuất

Là con trai của một thầy giáo, Onoda sinh ngày 19-3-1922 tại Kai-nan. Ông học xong bậc trung học năm 1939, làm việc cho một hãng thương mại Nhật Bản cho tới khi bị động viên nhập ngũ. Sau khi được đào tạo thành một sĩ quan tình báo và một huấn luyện viên chiến thuật du kích, Onoda được phái tới đảo Lubang hồi tháng 12-1944 với nhiệm vụ quan sát bầu trời để phát hiện các máy bay ném bom của Mỹ.

Ông nhận được mệnh lệnh không bao giờ được đầu hàng, không bao giờ dùng tới hình thức tấn công liều chết, mà phải cố thủ và chờ cho tới khi viện binh tới tiếp cứu. Lúc đó đeo lon trung úy, ông đã bị cô lập trên đảo trong khi lính Mỹ đổ quân lên mạn bắc. Ông và 3 người lính khác đã tuân theo các mệnh lệnh do thượng cấp ban hành sau khi quân phiệt Nhật bại trận năm 1945. Sự tồn tại của nhóm này được biết đến vào năm 1950 khi một người lính ra đầu hàng và trở về Nhật Bản. Những người còn lại vẫn tiếp tục ẩn trốn trong khu vực, ăn trộm gạo, chuối và trâu bò của người dân, thỉnh thoảng tấn công các cư dân địa phương và có lần còn đụng độ với cả binh lính Phillipines. Một người đã chết sau đó.

Sau 9 năm tìm kiếm không thành công, Tokyo tuyên bố số cựu binh này đã chết. Tuy nhiên vào năm 1972, Onoda và người đồng đội còn lại đã xảy ra một vụ bắn nhau với lính Philippines. Người bạn kia bị giết chết, còn Onoda may mắn chạy thoát. Vụ này đã gây xôn xao ở Nhật và gia đình của Onoda đã tới Lubang với hy vọng thuyết phục được ông rằng cuộc chiến tranh đã kết thúc.

h o 2

Sau này Onoda kể rằng lúc đó ông tin những việc như vậy là trò lừa bịp của chế độ bù nhìn do Mỹ lập ra tại Tokyo hòng dụ ông ra mà bắt sống. Ông cũng có đọc trên báo rằng người ta đã cố gắng lùng sục khắp các cánh rừng để tìm kiếm ông, nhưng ông cho rằng đó là trò tuyên truyền. Những chiếc máy bay quân sự Mỹ bay ngang qua khu rừng mà ông ẩn nấp trong suốt những năm diễn ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam càng thuyết phục ông rằng cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn ở đâu đó.

Mãi tới tháng 2-1974, Onoda mới gặp được Norio Suzuki, một nhà thám hiểm Nhật trẻ tuổi trong khu vực ông ẩn nấp. Ông đã giải thích với đồng hương này về lý do mình vẫn cố thủ trong rừng sâu gần 30 năm rằng: nếu như cuộc chiến đã thật sự qua rồi, sao ông vẫn chưa bao giờ nhận được mệnh lệnh từ thượng cấp của mình. Nhà thám hiểm Suzuki đã trở về Tokyo với thông điệp này của Onoda. Người ta đã tìm được viên chỉ huy trực tiếp trước đây của Onoda, người đã phái ông tới Lubang, đó là cựu thiếu tá Yoshimi Taniguchi, lúc đó làm nghề bán sách. Sau đó, Taniguchi đã được sắp xếp sang Lubang, vào tận chỗ Onoda ẩn nấp trong rừng và trực tiếp ra mệnh lệnh đầu hàng.

Tới khi đó cuộc chiến tranh của người cựu sĩ quan Thiên hoàng này mới chính thức chấm dứt. Báo Washington Post (18-1-2014) kể rằng: Onoda đã đứng nghiêm với khẩu súng trường của mình khi viên chỉ huy cũ đọc lại bản tuyên bố đầu hàng của Quân hội Thiên hoàng năm 1945.

Người lính Nhật phải sẵn sàng hy sinh cho đất nước

Ngày 11-3-1974, tại dinh Tổng thống Malacanan Palace ở Manila, Onoda – lúc đó 52 tuổi – trong bộ quân phục Thiên hoàng cũ còn nguyên vẹn cả giày mũ vẫn được bảo quản tốt trong 30 năm đã trao cho Tổng thống Philippines hồi đó là Ferdinand Marcos thanh kiếm Samurai của ông để thể hiện sự đầu hàng.

h o 3

Nhà lãnh đạo Philippines đã trả lại cho Onoda thanh kiếm đó và tuyên bố ân xá cho ông các tội đã gây ra ở nước này trong quá khứ. Đại sứ Nhật Bản tại Philippines lúc đó đã gọi Onoda là “mẫu mực của người lính Nhật”.

Trả lời câu hỏi của báo chí sau khi trở về Nhật Bản rằng ông nghĩ gì về 30 năm ẩn nấp đã qua, Onoda nói rất đơn giản: “Tôi chỉ thực thi mệnh lệnh thượng cấp và không hề ân hận về bất cứ điều gì.”

Ngay hôm sau, Onoda đã đáp máy bay trở về Tokyo và được đón chào như một vị anh hùng. Cũng có những người lính Nhật khác sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã trốn trong các khu rừng rậm ở Guam và Indonesia suốt nhiều thập niên. Nhưng họ trốn vì sợ bị kẻ thù hành quyết, trong khi Onoda “cố thủ” để duy trì nhiệm vụ của mình.

Giới chính trị Nhật xưa nay vốn đề cao các truyền thống dân tộc chủ nghĩa và quân phiệt chủ nghĩa đã không bỏ lỡ cơ hội để khai thác hình tượng Onoda. Danh tiếng của Onoda cũng vang xa trên hành tinh. Nhà độc tài Uganda, Idi Amin, đã lấy Onoda làm tấm gương xây dựng đạo đức lý tưởng cho quân đội nước mình.

Vào năm 2010, trong cuộc phỏng vấn của hãng truyền hình Mỹ ABC, Onoda nói rằng: “Mỗi người lính Nhật đều sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đất nước. Nhưng là một sĩ quan tình báo, tôi đã được lệnh tiến hành cuộc chiến tranh du kích và không được chết”. Thoạt nhìn qua, người ta có thể coi Onoda là một kẻ cuồng tín, cực đoan và cố chấp, thậm chí là khùng điên. Nhưng xét kỹ lại, ông cũng giống như biết bao người đàn ông Nhật khác chịu ảnh hưởng sâu nặng bởi tinh thần võ sĩ đạo không bao giờ biết khuất phục, coi thất bại là một điều sỉ nhục không còn đáng sống, và đạo lý tuyệt đối trung thành và tuân phục bề trên.

h o 4

Biểu tượng 1000 năm Ninja của Nhật Bản

Giật tít là “Ninja cuối cùng của thế giới” (World’s Last Ninja), tạp chí Mỹ Time (17-1-2014) dẫn công trình nghiên cứu của John Man, nhà nghiên cứu sử học về Ninja, cho biết rằng Onoda đã được huấn luyện đúng theo kiểu Ninja tại trường tình báo nổi tiếng Nakano. Và điều này đã giúp ông có thể ẩn mình và sinh tồn trong rừng già suốt 30 năm. Man nhấn mạnh rằng cái chết của Onoda đã kết thúc truyền thống Ninja kéo dài 1.000 năm của nước Nhật. Tác giả này đã dành riêng cho Onoda một chương trong cuốn sách “Ninja: 1,000 Years of the Shadow Warrior” (Ninja: 1.000 năm chiến binh bóng tối).

Tuy nhiên, giống như không ít người khác, Onoda đã lâm vào cái bi kịch của khủng hoảng thời hậu chiến. Nước Nhật mà ông quay về đã thay đổi quá nhiều so với ngày ông ra đi. Lúc đó, Nhật Bản đang trong thời bùng nổ kinh tế, tiến bộ khoa học – kỹ thuật và du nhập nhiều văn hóa phương Tây. Nước này cũng tuyên bố mình là một đất nước chủ trương hòa bình. Onoda giống như một người rừng lọt giữa đô thị, lạc lõng.

Do quá khó khăn để hội nhập thực tiễn mới, chỉ một năm sau ngày quay lại Nhật Bản, Onoda đã di dân sang Brazil năm 1975 để mở một trang trại nuôi gia súc tại một nơi có hàng chục gia đình người Nhật sinh sống ở Campo Grande, thủ phủ của bang Mato Grosso do Sul. Nhưng ông vẫn đi đi về về giữa hai nước. Năm 1976, ông kết hôn với bà Machie Onuki, lúc đó 38 tuổi, nguyên là một người phục vụ trà đạo tại Tokyo.

h o 5

Năm 1984, Onoda thành lập ở miền bắc Nhật Bản một trại thanh niên, nơi ông dạy cho giới trẻ Nhật Bản các kỹ thuật mưu sinh thoát hiểm mà ông đã sử dụng trong 30 năm ẩn trốn trong rừng sâu, sống bằng thịt trâu bò rừng và chuối. Các học viên gọi ông bằng biệt hiệu: “Ông chú rừng xanh” (Uncle Jungle). Có lần ông kể với hãng tin Anh Reuters rằng ông đã khuyên các bậc phụ huynh nên để cho con em mình chơi đùa trên đất cát dơ bẩn, ngay cả trong trời mưa. “Quá sạch sẽ và vững chắc làm cho bọn trẻ yếu đi”, – ông nói như vậy.

Năm 1996, ông đã về thăm lại đảo Lubang theo lời mời của chính quyền địa phương. Người Philippines đã xí xóa cho ông chuyện ông từng giết chết và làm bị thương mấy chục người địa phương trong suốt 30 năm “cố thủ” trong rừng. Như một sự chuộc lỗi, ông đã tặng cho cộng đồng địa phương một khoản tiền để lập một học bổng.

Trong lần xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK hồi tháng 5-2013, Onoda nói rằng: “Tôi đã sống qua cái thời gọi là chiến tranh, những gì người ta nói thay đổi từ thời này sang thời khác. Tôi nghĩ lẽ ra chúng ta không nên để mình bị chao đảo bởi cái khí hậu của thời đại, mà nên suy nghĩ một cách điềm tĩnh.”

h o 6

Onoda được coi là người lính Thiên hoàng cuối cùng được tìm thấy sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 17-1-2014 đã bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Onoda, ca ngợi ông có ý chí mạnh mẽ để sống và có một tinh thần bất khuất. Ông nhấn mạnh: “Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông Onoda đã sống trong rừng sâu suốt nhiều năm và khi ông ấy trở về Nhật Bản, tôi đã cảm thấy rằng cuối cùng cuộc chiến tranh cũng đã kết thúc. Đó là cách tôi cảm nhận được.”

Từ lâu nay, ngành du lịch Philippines đã tổ chức tour du lịch tới đảo Lubang với những hoạt động như đi bộ trong rừng tới thăm những hang động mà ông Onoda từng sống, học các kỹ thuật mưu sinh của ông.

 

Phạm Hồng Phước

tuoitre.vn

images (2)

Câu hỏi: Khi chúng ta được Chúa ủy thác một sứ mạng, chúng ta có trung thành như Hiroo Onado?

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn