Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / Hướng Đi Magazine / Văn hóa / CON NGƯỜI CỦA CỘNG ĐỒNG

CON NGƯỜI CỦA CỘNG ĐỒNG

cdong

 

CON NGƯỜI CỦA CỘNG ĐỒNG

 

Trước khi bàn về vị trí và vai trò của chúng ta trong cộng đồng, tôi xin cùng quí vị ôn lại đóng góp của Chúa Cứu Thế trong cộng đồng Pha-lê-tin trong những năm đầu của thế kỷ thứ nhất. Câu hỏi là:

Chúa Giê-Su đã làm gì cho cộng đồng?

——————————-

Chúng ta không có nhiều thông tin về Chúa Giê-Su trước khi Ngài nhận phép báp-tem. Có một lần Lu-ca kể chuyện Chúa bị bỏ lại đàng sau, sau khi dự Lễ Vượt qua. Khi Giô-sép và Ma-ri trở lại tìm con thì gặp Ngài đang ngồi giữa các giáo sư Do Thái Giáo, vừa nghe vừa hỏi. Khi được hỏi tại sao Ngài làm cho họ lo lắng, thì Ngài trả lời, “Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lu-ca 2:49)

 

Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng : từ lúc mười hai tuổi Chúa Giê-Su đã biết sự kêu gọi

của Ngài, và đã chuẩn bị hầu việc Đức Chúa Trời. Nhờ ham thích học hỏi mà Chúa Giê-Su sâu nhiệm lời Chúa, và nhờ sâu nhiệm lời Chúa mà Chúa Giê-Su có thể rao giảng Tin lành cho người nghèo, và phục vụ cộng đồng cách hiệu quả. Câu chuyện này cũng dạy chúng ta rằng việc học Kinh thánh là ưu tiên hàng đầu của con dân Chúa. Chúng ta không biết cách cư xử tốt với gia đình, Hội thánh và cộng đồng vì không hiểu Kinh thánh.

 

Chúa Giê-Su tuyên bố Ngài làm điều gì Ngài thấy Đức Chúa Trời làm. Con cái Chúa đúng khi

chúng ta làm những việc Cứu Chúa đã làm.

Muốn thành công, một người cần phải say mê công việc mình làm. Chúa Giê-Su thật sự say

mê việc Ngài được kêu gọi. Nhiều người chán nản công tác hầu việc Chúa vì thiếu hăng say, vì không thực sự được kêu gọi vào chức vụ. Sau việc ấy Ngài về nhà, và Lu-ca cho biết Chúa ”khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và loài người.” Ngài vừa đẹp lòng Đức Chúa Trời và đẹp lòng cộng đồng. Ngài trọn vẹn: trên thì đẹp lòng Đức Chúa Trời, dưới thì đẹp lòng cộng đồng.

 

Sau khi chịu phép báp-tem, các sách Phúc âm mới cho chúng ta nhiều thông tin về đời sống của Ngài. Sau khi chiến thắng Sa tan trong đồng vắng, Chúa Giê-Su được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Lu-ca kể:

16 “Theo thói quen Ngài vào hội đường trong ngày Sa-bát và đứng đọc Kinh Thánh.

17 Có người trao cho Ngài sách tiên tri I-sa. Chúa mở sách, tìm thấy đoạn văn chép rằng:

18 “Thần Chúa ngự trên Ta

Vì Ngài đã xức dầu cho Ta

Để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ,

Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích,

Cho kẻ mù lòa được sáng mắt,

Cho người bị áp bức được giải thoát,

19 Và công bố kỷ nguyên thi ân của Chúa.” (Lu-ca 4:16-19).

 

Đọc xong, Ngài bắt đầu nói: “Hôm nay, lời Kinh Thánh các người vừa nghe đó đã được ứng nghiệm!” (Lu-ca 4:21)

Bảy trăm năm trước tiên tri Ê-sai đã tiên báo về sự đến của Đấng Mê-si-a, và Chúa Giê-Su ra đời tại Bết-lê-hem là Đấng ấy. Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu để:

  • Truyền giảng Tin mừng cho người nghèo;
  • Kẻ tù được thả ra;
  • Người mù nhìn thấy;
  • Người áp bức được giải thoát, và
  • Công bố năm thi ân của Đức Chúa Trời.

 

Các sách Tin lành kể lại những công việc của Chúa Cứu Thế, và Ngài đã thực thi tốt những việc Ngài được phó thác.

 

  1. Truyền giảng Tin mừng cho người nghèo

Sau khi công bố với cộng đồng sứ mệnh của Ngài, Chúa Giê-Su rời bỏ Na-xa-rét, Ngài đến

cư ngụ tại Ca-pha-na-um bên bờ biển Ga-li-lê, và “Từ lúc ấy, Đức Giê-su bắt đầu truyền giảng: “Hãy ăn năn, vì Nước Thiên Đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17)

Ngài thực hiện việc Ngài được phong chức để thực hiện. Sứ điệp của Ngài là: “Hãy ăn năn.” Ai biết mình không thể đạt yêu cầu của Đức Chúa Trời để được xưng công chính, thì ăn năn để được cứu.

 

  1. Giải thoát kẻ bị trói buộc ( = kẻ tù được thả ra)

Trong thư tín gởi Hội thánh Rô-ma, Phao-Lô giải thích sự trói buộc mà Chúa Giê-Su muốn giải cứu chúng ta. Phao-Lô nói, “Vì mọi người đều đã phạm tội…” mọi người đều nô lệ cho tội lỗi. Chúa Giê-Su là Đấng có thể giải cứu tội nhân ra khỏi sự trói buộc của tội lỗi.

 

  • Mở mắt người mù

Các sách Phúc âm kể chuyện Chúa Giê-Su phục hồi chức năng nhìn thấy của người mù. Kinh thánh gọi những người chưa tin Chúa là “kẻ hư mất, đi lạc, đi trong tăm tối.” Chúng ta có thể nhìn thấy sự vật rất rõ, nhưng tâm linh bị mù lòa. Chúa Giê-Su mở mắt chúng ta khi chúng ta tin nhận Ngài.

 

  • Công bố năm thi ân của Đức Chúa Trời (hay là : công bố thời kỳ Đức Chúa Trời ban phước)

Trong lịch Do thái giáo cứ bảy năm là Năm Sa-bát. Và Năm Sa-bát là Năm hân hỉ hay thi ân, trong năm này mọi khoản nợ đều được tha. Chúa Giê-Su công bố năm thi ân của Đức Chúa Trời, nghĩa là Ngài tha nợ cho những ai mắc nợ tâm linh, nhưng không thể trả nổi.

Những điều Chúa Giê-Su thực hiện đều nằm trong tuyên ngôn về thánh vụ của Ngài. Chính Chúa Giê-Su tuyên bố Ngài đến thế gian không phải để được người khác phục vụ, nhưng để “hầu việc người”. Ngài sống trong cộng đồng Pha-lê-tin. Các sách Phúc Âm kể chuyện Ngài phục vụ cộng đồng. Là con cái Chúa chúng ta cũng có thể bắt chước Ngài để phục vụ cộng đồng.

 

Loài người đưc to dng để sống với người khác

Vì lời Chúa có nói, “Loài người ở một mình thì không tốt…” (Sáng 2:18). Ban đầu, A-đam cần một người khác phái để giúp đỡ, nhưng khi loài người sinh sản và đầy dẫy mặt đất thì dù có muốn ở một mình cũng không được. Con người không thể sống riêng rẽ, nhưng sống chung thì cũng có cọ xát, có vấn đề. Có thể trước khi loài người sa ngã thì liên hệ giữa con người không có vấn đề, cho đến khi họ tin lời con rắn, và không vâng lời Đấng tạo dựng ra họ. Khi liên hệ với Đức Chúa Trời không còn ngọt ngào, thì liên hệ với người chung quanh trở nên cay đắng.

Va chạm đầu tiên là A-đam và Ê-va không ai nhận trách nhiệm mình, nhưng đổ lỗi cho nhau. Sau đó, người con trai lớn của họ giết em mình không vì lỗi của người em, nhưng vì lỗi của chính  mình. Kể từ khi ấy cho đến ngày nay, xã hội loài người lúc nào cũng chiến tranh, từ giữa anh chị em trong gia đình cho đến giữa các quốc gia.

Con cái Chúa cũng là người của cộng đồng. Chúa Giê-Su, trong đêm bị nộp, cầu nguyện cho những người tin nhận Ngài : “Con không cầu xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ an toàn khỏi kẻ ác.”  (Giăng 17:15)

Chúa Cứu Thế biết rõ người theo Ngài sẽ bị kẻ ác bắt bớ, nhưng không cầu xin Cha cất họ khỏi thế gian, mà xin Cha gìn giữ họ. Điều này có nghĩa là Cơ đốc nhân phải chấp nhận thử thách trong cộng đồng, trước khi vui hưởng cuộc sống vĩnh hằng với Chúa mình.

 

Chúa muốn chúng ta sống với cng đồng

Chúng ta là thành viên của ba cộng đồng.

  1. GIA ĐÌNH

Đối với phật tử, gia đình là nơi khó tu nhất, kế đó là chợ và dễ hơn hết là tu trong chùa. Gia đình cũng là nơi thách thức nhất đối với con cái Chúa, kế đó là Hội thánh và dễ nên thánh hơn hết là ở trong tu viện. Đáng lẽ ra gia đình là nơi người ta được chăm sóc, an ủi, hổ trợ nhau, nhưng lại là chiến trường. Gia đình sẽ là thiên đàng, nếu con cái Chúa đọc và làm theo lời Kinh thánh dạy. Gia đình là một tế bào của xã hội. Khi một tế bào hay một nhóm tế bào bị ung thư và không chữa trị kịp thời thì ung thư sẽ lan ra khắp thân thể và giết chết người bệnh.

Chúa Giê-Su phán, “Các con là muối của đất…Các con là ánh sáng của thế gian…” (Ma-thi-ơ 5:13, 14)

Muối có khả năng diệt trùng. Nếu mỗi gia đình tín hữu có muối để giữ gia đình khoẻ mạnh, không bị bệnh thì sẽ không lây lan ra những gia đình khác, nhưng có thể rịt những vết thương của những gia đình khác. Nếu một xã hội có nhiều gia đình lành mạnh thì xã hội ấy tồn tại. Ngược lại, một xã hội gồm bằng nhiều gia đình bệnh hoạn sẽ có cơ nguy bị suy sụp.

Bổn phận đầu tiên của Cơ đốc nhân là giữ cho chính bản thân mình lành mạnh về thể xác lẫn tâm linh. Bản thân chúng ta có lành mạnh thì chúng ta mới dạy người khác cách sống lành mạnh, không bị trói buộc. Kinh thánh dạy chồng đối xử thế nào với vợ và vợ đối xử với chồng ra sao, và bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Làm theo lời dạy của Kinh thánh thật vô cùng khó khăn. Chúng ta phải cậy sức Chúa để có sức khoẻ. Sức khoẻ tâm linh ảnh hưởng trên sức khoẻ tâm lý, và sức khoẻ tâm lý sẽ giúp chúng ta làm được điều Chúa muốn.

Những bài giảng về giáo lý Cơ đốc thì cần thiết, kế đó là đời sống gia đình, trách nhiệm của vợ chồng, cha mẹ và bổn phận của con cái.

Trong Khổng giáo thứ tự ưu tiên của người quân tử là: (1) Chính mình, (2) Gia đình và (3) Quốc gia. Đó cũng là thứ tự ưu tiên của người hầu việc Chúa.

 

  1. HỘI THÁNH

Thống kê cho biết càng ngày người đi nhóm ít hơn vì internet đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ, cho nên họ không cần đi nhà thờ. Nhưng sự nhóm lại không chỉ có mục đích thờ phượng, nghe giảng, nhưng còn vì nhu cầu liên hệ với các anh chị em trong Chúa nữa. “Kìa, anh em sống hoà thuận với nhau, thật tốt đẹp thay!” (Thi Tv 133:1)

Đó cũng là điều mà Chúa Giê-Su truyền cho những người theo Ngài : “Bây giờ Ta truyền cho các con một điều răn mới: ‘Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta.” (Giăng 13:34, 35)

Cũng trong đoạn Kinh thánh này sứ đồ Giăng đã ghi lại bài học phục vụ mà Chúa Cứu Thế dạy các môn đệ. Trong thư Cô-rinh-tô I Phao Lô giảng thêm về sự hiệp nhứt, về tình thương yêu nhằm thêm sức cho Hội thánh Chúa trong mọi thời đại.

Nhiều tín hữu ca ngợi hệ phái của mình và chê hệ phái khác. Nhiều Hội thánh tư gia không theo hệ phái nào, nhưng tư gia cũng là một hệ phái. Thật ra chỉ có một Hội thánh, Hội thánh của Chúa Giê-Su. Ai tin Ngài, người đó là thành viên của Hội thánh Ngài thành lập. Anh chị em trong Chúa nên gầy dựng lẫn nhau thay vì tranh chiến với nhau.

Hội thánh nhỏ dễ thân thiết và quan tâm đến nhau, cho nên những Hội thánh lớn chia ra nhiều nhóm nhỏ để dễ chăm sóc. Hội thánh nhỏ thì dễ chăm sóc, nhưng cũng dễ va chạm, khó làm hài lòng mọi người.

Trong đoạn cuối cùng của sách Tin lành Giăng, ông kể lại chuyện Phi-e-rơ muốn biết về tương lai của Giăng, Chúa phán với Phi-e-rơ : “Nếu Ta muốn anh ấy sống mãi cho tới khi Ta đến thì liên hệ gì đến con? Phần con, hãy theo Ta!” (Giăng 21:22)

Mỗi con dân Chúa cũng nên chú tâm vào công tác hầu việc Chúa của mình, và chia sẻ trách nhiệm với anh chị em trong Hội thánh, thay vì tìm hiểu ai làm gì, hay không làm gì.

Con cái Chúa cần suy gẫm lời Chúa và cẩn thận làm theo những điều đã chép ở trong để nâng đỡ nhau, khích lệ nhau và cùng nhau vui hưởng đời sống sung mãn : “Hãy dùng ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau” (Ê-phê-sô 5:19).

Hội thánh là một cộng đồng nhỏ mà người ta tìm đến con cái Chúa đối đáp cùng nhau bằng thi thiên , và bằng lời hát thiêng liêng.

Tôi xin đề nghị với con cái Chúa điều này : Trước khi đi nhóm chúng ta nên cầu xin Chúa chỉ cho chúng ta thấy cơ hội phục vụ, thí dụ, cầu nguyện cho một người bệnh, an ủi người nản lòng, hút bụi phòng nhóm.

 

  • CỘNG ĐỒNG

Xã hội và quốc gia là cộng đồng lớn mà chúng ta không thể đứng bên ngoài. Ý Chúa cho con dân Ngài là sống với cộng đồng, đồng thời cũng không thể rập khuôn theo cộng đồng. Đó là một thách thức lớn đối với con dân Chúa. Cầu nguyện giúp chúng ta nhận được sức mạnh từ Chúa, và nhận được khôn ngoan của Ngài để sống vừa đẹp lòng Chúa vừa không mất lòng người.

Nước Trời phải thể hiện giữa những người thù nghịch bạn. Nếu ai không sẵn sàng chịu cái khổ này mà chỉ muốn quây quần với bạn bè, chỉ muốn ngồi trên những cánh hoa hồng hoặc hoa huệ, không muốn sống với những người xấu xa mà chỉ muốn sống với những người sùng đạo, người đó không thuộc về Nước Chúa. Đó là những người phạm thượng và phản bội Chúa Cứu Thế! Nếu Chúa Cứu Thế cũng xử sự như thế thì ai sẽ được phước hạnh đời đời?” (Luther).

Đó là một sứ điệp khiến chúng ta lùng bùng lỗ tai. Nhưng đó là sự thật. Chính Chúa Giê-Su đã từng bị chỉ trích vì tiếp cận những người bị xem như kẻ có tội; Ngài từng trải những khó khăn, và chịu chết dưới tay kẻ ác. Người theo Chúa không mong được tôn trọng hơn Chúa của mình.

Nếu loài người không sa ngã thì ngày nay chúng ta chỉ sống giữa vòng những người công chính mà thôi. Rất tiếc là mọi người đều phạm tội, cho nên chúng ta phải chung sống với những người thù nghịch. Trong gia đình và Hội thánh, dù cho có những bất đồng, nhưng chúng ta không gặp những kẻ thù. Đó là hai trường huấn luyện để sống trong xã hội. Nếu chuyên cần học hỏi lời Chúa trong Hội thánh, chúng ta sẽ biết cách ứng xử với thế gian và chiến thắng thế gian.

Chúa Giê-Su từng cảnh báo chúng ta : “Trong thế gian, các con sẽ gặp hoạn nạn; nhưng hãy an tâm! Ta đã thắng thế gian rồi.” (Giăng 16:33)

Bí quyết để chiến thắng thế gian là ở trong Chúa, nghe lời Ngài dạy, thí dụ, “Bài giảng trên núi,” “Người Sa-ma-ri nhân lành,” “Đầy tớ tốt lành và trung tín” (Ma-thi-ơ 24).

Phao Lô chỉ cho chúng ta trận chiến thật. Không phải cộng đồng chống nghịch chúng ta, nhưng kẻ thù thật của chúng ta là “những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời.” (Ê-phê-sô 6: 12)

Câu hỏi mà con cái Chúa nêu lên cho mình không phải là, “Gia đình, Hội thánh và cộng đồng làm gì cho tôi?” nhưng “Tôi có thể làm chi cho gia đình, cho Hội thánh và cho cộng đồng của tôi?”

 

Trước khi tìm hiểu công tác cộng đồng của Cơ đốc nhân, chúng ta nên lướt qua gương của Chúa Giê-Su.

Mục sư Lance Wallnau trong loạt bài dạy “The seven mountain strategy” nói rằng cộng đồng gồm bảy phạm vi then chốt : tôn giáo, văn hóa, gia đình, chính quyền, truyền thông, nghệ thuật và kinh tế. Ai nắm được bảy phạm vi này là nắm hết quốc gia. Ở Trung đông, chỉ có 5% người dân thuộc phe Hồi giáo cực đoan Gihad nhưng họ thao tác và khống chế bảy phạm vi nói trên, nên họ ảnh hưởng nhiều trên các quốc gia Trung Đông.

Hội thánh Chúa chỉ tập trung vào việc làm chứng cứu người để họ được lên thiên đàng và nhường 6 phạm vi kia cho vua chúa của thế gian mờ tối. Nước Mỹ ngày nay, Cơ đốc giáo mạnh, nhưng chính quyền do những người phóng khoáng nắm giữ, những điều Kinh thánh xem là sai thì họ cho là đúng. Đức Chúa Trời bị đẩy ra khỏi trường học, tòa án.

 

Khi những nguyên tắc của Kinh thánh được thực thi thì đất nước hưởng lợi. Một thí dụ là nước Sudan. Năm 1971, tổng thống Idi Amin lên cầm quyền. Amin dùng độc tài để cai trị. Khi ông không còn nắm quyền có 35% người dân bị bệnh Aids. Vị tổng thống kế nhiệm cầu vấn với những Mục sư. Sau khi cầu nguyện những Mục sư đề nghị chính quyền cần dạy người dân : (1) Không ăn nằm trước khi đám cưới, (2) Sau khi đám cưới, vợ chồng không phạm tội tà dâm. Chính quyền cần dạy những nguyên tắc này trong trường học và qua phương tiện truyền thông. Chính quyền nghe lời đề nghị của những Mục sư, và kết quả là những người bị bệnh Aids chỉ còn 5%.

Tổng thống mời những Mục sư đến và nói, “Thưa quí vị, kết quả rất ấn tượng. Bây giờ Chúa Giê-Su có thể nào giúp kinh tế của chúng phục hồi được không? Những Mục sư cầu nguyện và đề nghị, (1) Cách chức những lãnh đạo tham nhũng, (2) Tìm những người có tài và có đức để thay thế. Và kết quả thì kinh tế của Sudan được phục hồi.

Chúa Giê-Su đã làm gì để dạy chúng ta?

Khi một người sắp qua đời nhắn nhủ con cháu điều gì, điều đó phải là rất quan trọng. Khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giê-Su truyền cho họ điều mà Chúa xem là tối quan trọng, và chúng ta gọi là Đại mệnh lệnh.
Khi chúng ta chú ý đến thời điểm Chúa truyền Đại mệnh lệnh thì sẽ thấy Chúa truyền Đại mệnh lệnh sau khi đã dành ba năm để huấn luyện họ.

Ngày xưa, ở Phương đông, học trò thọ giáo với một ông thầy phải đến ăn ở trong nhà thầy.

Trước khi truyền giảng tin lành cho người nghèo, việc đầu tiên là Chúa Giê-Su tuyển mộ môn đệ.

18Đang đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê, Đức Giê-su thấy hai anh em Si-môn, cũng gọi là Phê-rơ và An-rê, em người, đang đánh cá dưới biển, vì họ làm nghề đánh cá. 19 Ngài bảo: “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các người trở nên tay đánh lưới cứu người.” 20 Họ liền bỏ chài lưới, đi theo Ngài.” (Ma-thi-ơ 4:18-20)

Đó là kế hoạch truyền giảng Tin lành của Cứu Chúa. Ngài đến trần gian một thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu của Đức Chúa Trời, để qua Ngài mà người tin Ngài được cứu. Khi sứ mệnh đã hoàn tất Ngài trở về, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Chúa hứa sẽ trở lại, nhưng, trong khi chờ đời, công tác rao giảng Tin lành không thể dừng lại sau khi Chúa thăng thiên. Vì vậy, Chúa phải huấn luyện một số môn đệ để tiếp nối sứ mệnh của Ngài.

Họ ở bên cạnh Ngài để làm học trò trọn thì gian. Nghe lời Ngài giảng và thấy phép lạ Ngài làm, dần dà họ thực sự nhận biết Ngài là Chúa Cứu Thế. Những điều Chúa giảng và những việc Ngài là những bài học để dạy Nhóm Mười Hai thi hành Đại mệnh lệnh.

Chúa Giê-Su dạy : “Người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở về cùng Cha.”  (Giăng 14:12)

 

Ở Mỹ có một số công ty sản xuất. Họ không đưa sản phẩm ra chợ để bán, người mua hàng phải là nhân viên, phải qua lớp huấn luyện để trở thành người bán. Họ được huấn luyện để trở thành người bán và tuyển mộ nhân viên cho hảng. Dỉ nhiên là họ mong những người bán hàng bán được nhiều hàng, nhưng điều quan trọng là những người bán hàng cho họ tuyển mộ những con buôn khác, vì như vậy mới có nhiều hàng được bán ra. Như vậy, riêng một người chỉ bán ra được 100 món, nhưng hai người thì bán ra được 200 món. Và nếu một người tuyển mộ được 10 người thì số hàng bán ra sẽ là 10 lần nhiều hơn.

Những công ty này học bí quyết từ kế hoạch truyền giáo của Chúa Giê-Su. Sau 2000 năm, từ 12 môn đệ, trên thế giới hiện nay có trên 2 tỉ người tin Chúa. Nếu Chúa Giê-Su đơn thương độc mả giảng Tin lành cho người nghèo thì ngày nay không còn ai tin Ngài, và Ngài chỉ là một nhân vật có tiếng tăm trong thế kỷ đầu tiên, và năm nay không gọi là năm 2014 sau Chúa.

Tuy Chúa không phán : “Các con hãy tuyển mộ và huấn luyện môn đệ như ta đã làm,” nhưng Ngài muốn chúng ta làm như Ngài đã làm khi Chúa dạy : “Người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở về cùng Cha.” (Giăng 14:12)

Nếu chỉ một mình Mục sư đi chứng đạo thì một năm chỉ được một người tin Chúa, nhưng nếu có 10 tín hữu được sai đi thì sẽ được 10 người mới thêm vào Hội thánh.

Các sinh viên đang theo học Trường Kinh thánh cho Việt Nam cần ghi nhận điểm này. Dù cho các bạn được kêu gọi làm việc gì, nên nhớ tuyển mộ và huấn luyện người hầu việc Chúa. Nếu chỉ một mình quí anh chị em ráng hết sức đi làm chứng thì trọn đời chỉ có thể đưa 100 người đến với Chúa, nhưng nếu quí vị tuyển mộ và đào tạo mười người truyền đạo thì họ sẽ làm chứng cho nhiều người khác tin Chúa. Chắc quí vị biết có Hội thánh khi Mục sư hưu trí hay đau yếu, hay dời đi chổ khác thì Hội thánh không có ai tạm thời thay thế vì không có ai được huấn luyện.

Trong Đại mệnh lệnh chúng ta thấy có ba chỉ đạo: (1) Môn đệ hoá, (2) Làm phép báp tem, và (3) Dạy những điều đã truyền.

Như vậy, trước hết chúng ta học từ Chúa, rồi truyền lại những gì Chúa dạy, và học xong rồi dạy lại. Trường Kinh thánh là một mô thức môn đệ hoá những người môn đệ hóa để thực thi Đại mệnh lệnh.

Sau khi tuyển mộ 12 môn đệ, Chúa dành thời gian ở bên cạnh họ. Họ học bằng cách quan sát Ngài dạy, làm phép lạ. Sau khi Chúa thấy họ đã học được phương pháp của Ngài thì Chúa sai họ ra đi. Lu-ca kể : “Đức Giê-su gọi mười hai sứ đồ lại, ban cho năng lực và thẩm quyền để trừ tất cả các quỷ và chữa bệnh. Ngài sai họ đi truyền giảng Nước Đức Chúa Trời và chữa lành những người đau ốm” (Lu-ca 9:1,2)

 

Kinh thánh dạy chúng ta những trách nhiệm đối với cộng đồng và đối xử với cộng đồng như

thế nào trên cơ sở của Điều răn lớn thứ hai : “Hãy yêu thương người lân cận như mình.” Ngày nay người hầu việc Chúa cũng được ban cho năng lực và thẩm quyền để đuổi quỷ và chữa bệnh. Nhưng điều quan trọng là phải tuyển mộ và huấn luyện người. Chúa Giê-Su hứa rằng Ngài sẽ trở lại. Trong khi chờ đợi, chúng ta cần huấn luyện người để chiếm đóng những vị trí chiến lược trong cộng đồng, và không nên tử thủ trong Hội thánh.

 

—– Huỳnh ngọc Ẩn —–

 

 

 

———————————————————————————————————   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn