Giu-đe, chớ không phải là Ích-ca-ri-ốt, thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế gian: Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta; và lời các ngươi nghe đó, chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Cha, là Đấng đã sai ta đến. Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi ta còn ở cùng các ngươi. Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.
Giăng 14:22-26.
–
Trong Giăng 14:26, Chúa Giê-su nói với các môn đồ của Ngài, “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, sẽ dạy dỗ các ngươi mọi điều và sẽ nhắc nhở các ngươi mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi.” Khi chúng ta nghiên cứu đoạn văn này, cũng như với mọi đoạn văn khác, chúng ta cần giải quyết bối cảnh trực tiếp và sau đó rút ra những ứng dụng cho chính mình trong ngày hôm nay.
Trước tiên, chúng ta hãy xem Chúa Giê-su đã nói gì với các môn đồ của Ngài và tác động của Đức Thánh Linh đối với họ. Rõ ràng từ nhiều đoạn phúc âm, các môn đồ không hiểu ý nghĩa cuối cùng của lời dạy của Đấng Christ liên quan đến sự chết, sự chôn và sự phục sinh của Ngài. Một ví dụ về điều này được tìm thấy trong Giăng 13:31–38. Sau khi Chúa phục sinh, Đức Thánh Linh ngự xuống trên các môn đồ như được ghi lại trong Công vụ 2:1–13. Lưu ý, ngay sau đó, Phi-e-rơ rao giảng trước đám đông và giải thích những gì đang diễn ra tại thời điểm đó và ông nói về sự phục sinh của Đấng Christ. Do đó, sự ứng nghiệm đầu tiên của Giăng 14:26 đã xảy ra. Chúa Giê-su nói rằng Đức Thánh Linh “sẽ dạy các ngươi mọi điều,” và vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ đã hiểu những gì đã xảy ra liên quan đến Chúa Giê-su và đặc biệt là ý nghĩa về cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Ngoài ra, Đức Thánh Linh nhắc nhở các môn đồ về những lời dạy của Chúa Giê-su và các chi tiết về các sự kiện trong cuộc đời Ngài để ghi lại chúng trong các sách phúc âm và giải thích chúng trong các thư tín. Sứ đồ Giăng sau đó đã viết, “Chúa Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đồ của Ngài, mà không được ghi chép trong sách này. Nhưng những điều này được chép ra để các ngươi tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi tin, các ngươi có sự sống trong danh Ngài” (Giăng 20:30–31). Và Phi-e-rơ đã viết, “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả, nhưng hãy lấy phước lành mà chúc phước” (1 Phi-e-rơ 3:9). Đây là một sự ám chỉ rõ ràng đến lời dạy của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi (xem Ma-thi-ơ 5:43–47). Một lần nữa, Chúa Jesus đã hứa với các môn đồ rằng Đức Thánh Linh “sẽ dạy dỗ các ngươi mọi điều và sẽ nhắc nhở các ngươi mọi điều ta đã phán cùng các ngươi,” và kết quả là chúng ta có Tân Ước.
Đối với những người tin Chúa ngày nay, Đức Thánh Linh soi sáng Kinh Thánh cho chúng ta. Vào thời điểm được cứu rỗi, Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, và chúng ta được ban cho một tấm lòng mới (Ê-xê-chi-ên 36:26). Như Chúa đã nói với dân Y-sơ-ra-ên, “Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, khiến các ngươi vâng theo các mạng lịnh ta và cẩn thận giữ các luật lệ ta” (Ê-xê-chi-ên 36:27). Nếu không có Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh và các điều răn của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể hiểu hoặc vâng theo chúng. Phao-lô nêu thực tế này trong 1 Cô-rinh-tô 2:13–14: “Chúng ta nói điều này, không phải bằng lời lẽ mà sự khôn ngoan của loài người dạy chúng ta, nhưng bằng lời lẽ mà Đức Thánh Linh dạy, dùng lời lẽ mà Đức Thánh Linh dạy để giải thích những bài học thuộc linh. Người không có Đức Thánh Linh không chấp nhận những điều đến từ Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, nhưng coi chúng là sự điên rồ, và không thể hiểu được, vì chúng chỉ được nhận thức qua Đức Thánh Linh.” Vì vậy, đối với chúng ta ngày nay, Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu, sống và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống của mình.
Tóm lại, trong Giăng 14:26, Chúa Giê-su hứa với các môn đồ của Ngài trên phòng cao rằng Đức Thánh Linh sẽ giúp họ nhớ, viết và áp dụng cuộc sống và lời dạy của Chúa Giê-su. Đức Thánh Linh hướng dẫn họ ghi chép và viết Tân Ước (2 Ti-mô-thê 3:16–17; 2 Phi-e-rơ 1:20–21). Đối với chúng ta ngày nay, Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu và sống theo Lời Chúa khi chúng ta đi theo Chúa Giê-su, và Ngài nhắc chúng ta nhớ lại “lời đã trồng trong anh em” (Gia-cơ 1:21).
–
Chức vụ của Đức Thánh Linh.
Trong tất cả các ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho loài người, không có gì tuyệt vời hơn sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh có nhiều chức năng, vai trò, và cách thức hoạt động khác nhau. Đầu tiên, Ngài làm việc trong tấm lòng của tất cả mọi người ở khắp mọi nơi. Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ là Ngài sẽ sai Đức Thánh Linh xuống thế gian để “cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính, và về sự phán xét” (Giăng 16:7-11). Mọi người đều có nhận thức về Đấng Tạo hóa là Chúa, cho dù họ có thừa nhận nó hay không. Đức Thánh Linh áp dụng chân lý của Đức Chúa Trời vào tâm trí của con người để bắt phục họ bởi lý lẽ công bằng và thuyết phục rằng họ là những tội nhân. Đáp ứng với nhận thức tội lỗi đó đem con người đến sự cứu rỗi.
Khi chúng ta được cứu và thuộc về Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh sẽ cư ngụ vào tấm lòng chúng ta mãi mãi, ấn chứng chúng ta với bảo chứng của sự công nhận, xác chứng, và bảo đảm về tình trạng đời đời của chúng ta là con cái của Ngài. Chúa Giê-xu đã nói Ngài sẽ sai Đức Thánh Linh đến với chúng ta để trở thành Đấng Giúp Đỡ, Đấng An Ủi, và là Đấng Hướng Dẫn. “Ta sẽ cầu xin Cha, và Cha sẽ ban cho các ngươi một Ðấng An Ủi khác, để Ngài có thể ở với các ngươi mãi mãi” (Giăng 14:16). Trong từ Hy Lạp, “Đấng An ủi” dịch ở đây có nghĩa là “người đồng hành” và có sự hiểu biết của một người để động viên và thúc đẩy. Đức Thánh Linh cư ngụ vĩnh viễn vào bên trong tấm lòng của những người tin nhận Chúa (Rô-ma 8:9; I Cô-rinh-tô 6:19-20, 12:13). Chúa Giê-xu đã ban Đức Thánh Linh như là một “sự bù đắp” cho sự vắng mặt của Ngài, để thực hiện những chức năng mà Chúa sẽ làm cho chúng ta nếu như Ngài vẫn còn tiếp tục ở riêng với chúng ta.
Một trong số những chức năng đó là sự mặc khải chân lý. Sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong chúng ta giúp chúng ta hiểu và giải thích lời Chúa. Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ rằng “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi sự thật” (Giăng 16:13). Ngài mặc khải trong tâm trí chúng ta toàn bộ lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, đó là những điều liên quan đến sự thờ phượng, giáo lý, và lối sống của Cơ Đốc Nhân. Ngài là người hướng dẫn tối cao, đi trước, dẫn đường, loại bỏ các ngăn trở, mở ra sự hiểu biết, và làm cho mọi thứ trở nên thật rõ ràng và đơn giản. Ngài hướng dẫn con đường mà chúng ta nên đi cùng với mọi sự thiêng liêng ở trong đó. Không có sự hướng dẫn đó, chúng ta sẽ dễ rơi vào sai lệch. Một phần chân lý quan trọng mà Đức Thánh Linh bày tỏ ra là Chúa Giê-xu là Đấng như Ngài đã nói Ngài là ai (Giăng 15:26, I Cô-rinh-tô 12:3). Đức Thánh Linh bắt phục chúng ta nhận biết Thần tính của Đấng Christ và sự nhập thể, về Ngài là Đấng Mê-si, sự khổ nạn và sự chết của Ngài, sự sống lại và thăng thiên của Ngài, sự cao trọng cả thể của Ngài ở bên hữu Đức Chúa Trời, và vai trò của Ngài là thẩm phán tối cao của muôn vật. Đức Chúa Trời ban cho Đấng Christ sự vinh hiển trong muôn vật (Giăng 16:14).
Một trong những vai trò khác của Đức Thánh Linh đó là Đấng ban ân tứ. Trong I Cô-rinh-tô 12 miêu tả ân tứ thuộc linh được ban cho những người tin Chúa để chúng ta có thể thực hiện chức năng như là thân thể của Đấng Christ trên đất. Tất cả ân tứ, dù lớn hay nhỏ, đều được ban cho bởi Đức Thánh Linh, vì vậy chúng ta có thể thành đại sứ nước Trời trên thế gian này để bày tỏ ân điển của Ngài và tôn vinh Ngài.
Đức Thánh Linh cũng thực hiện chức năng như là Đấng sản sinh bông trái trong cuộc sống chúng ta. Khi Ngài ngự trong chúng ta, Ngài bắt đầu công cuộc thu hoạch bông trái của Ngài trong đời sống chúng ta – yêu thương, vui vẻ, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm tốn, tiết độ (Ga-la-ti 5:22-23). Những điều này không phải do việc làm của con người xác thịt chúng ta, nơi mà không có khả năng để sản sinh ra những bông trái này, nhưng đây là kết quả của sự hiện diện Đức Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta.
Sự hiểu biết về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã cư ngụ trong cuộc sống của chúng ta, rằng Ngài thực hiện tất cả những chức năng diệu kỳ, rằng Ngài ở bên trong chúng ta mãi mãi, và rằng Ngài sẽ không bao giờ lìa hoặc bỏ chúng ta, tất cả đó là nguồn của niềm vui phước hạnh và niềm an ủi lớn lao cho mỗi chúng ta. Cảm tạ Chúa về món quà quý giá này – đó là Đức Thánh Linh và công việc của Ngài trong cuộc sống chúng ta.
–
Nguồn: gotquestions.org