Thứ Hai , 25 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Lời Chúa Jesus dạy

Lời Chúa Jesus dạy

1. NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA CƠ ĐỐC NHÂN:
Mathiơ 5:1-10

“Đức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. 2 Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng:
3 Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
4 Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!
5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!
6 Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!
7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!
8 Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!
9 Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!
10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!”

Sau khi Đức Thánh Linh giáng lâm, chỉ trong một ngày Hội Thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem tăng từ vài trăm người lên 3000 người (Công vụ 2:41), và chỉ trong vài ngày sau có thêm 2,000 người nữa tin Chúa (Công vụ 4:4)! Thủ đô Giêrusalem trong thời đó chỉ là một thành phố nhỏ bé với khoảng 25,000 dân! Lúc bấy giờ nhằm mùa Lễ Ngủ Tuần (hay Pentecost trong tiếng Hy-lạp vì lễ đó nhằm 50 ngày sau lễ Vượt Qua, còn gọi là Shavout trong tiếng Hêbơrơ) tức là lễ mừng Mùa Gặt và cũng là lễ kỷ niệm ngày ban bố luật pháp của người Do-thái). Trong khoảng thời gian nầy thủ đô Giêrusalem có nhiều người từ khắp nơi và nhiều thứ tiếng khác nhau kéo về, dù vậy lúc đó có thể nhiều lắm cũng khoảng 50 ngàn người mà thôi. Thế mà chỉ trong vài tuần đã có khoảng 5,000 người hay 10% dân số trong thành tiếp nhận Chúa !

Chẳng bao lâu, Đạo Tin Lành được lan tràn khắp nước Do-thái nhỏ bé và bắt đầu lan đến những quốc gia lân cận trong Đế quốc La-mã. Và từ đó vô số quốc gia đã được nghe đến Đạo Chúa, và hiện nay, theo thống kê do the International Bulletin of Missionary Research nghiên cứu tính đến nữa năm 2011 thì trên khắp thế giới, mỗi ngày có khoảng 80,000 người mới trở thành Cơ-đốc-nhân (trong đó 31,000 là Công Giáo) vì vô số tín hữu đã hy sinh dấn thân phục vụ Chúa.

Năm 1900, nước Đại Hàn chưa có một hội thánh Tin lành nào. Sau 80 năm, 20% dân tộc nầy đã trở thành Cơ-đốc-nhân, và đến năm 2010 có 41.4% tin Chúa.

 Sau hơn 100 năm, từ khi Tin Lành đến Việt Nam (1911) chúng ta có nhiều điều để tạ ơn Chúa. Nhưng chúng ta có hãnh diện về những thành quả mà Hội Thánh Chúa tại Việt Nam đã gặt hái được hay không? Sau hơn 100 năm, Tại sao trên dưới chỉ có 2 phần trăm người Việt tin Chúa? Người Việt nam có khác với người Đại hàn nhiều không? Có phải người Việt nam cứng lòng hơn người Hàn quốc không? Hay là tại vì phần đông tín hữu Việt nam không dám cam kết sống theo 8 lẽ đạo nền tảng mà Chúa đã dạy môn đồ Ngài trên núi ngay khi Ngài bắt đầu chức vụ?

Sở dĩ Hội Thánh Chúa phát triển như lửa rừng trong những thế kỷ đầu tiên là vì những môn đệ của Chúa chẳng những hiểu được những chân lý căn bản Chúa dạy mà họ cũng đã cam kết áp dụng những chân lý đó vào đời sống mình. Nhờ đó, họ đã được Chúa dùng như những dụng cụ hữu hiệu trong tay của Ngài qua Đức Thánh Linh, và họ cũng đã trở thành những kênh thông suốt để truyền đạt tình yêu, ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời đến với nhân loại trong thời đó.

Là người môn đệ của Chúa ngày nay, muốn có đời sống phục vụ Chúa hữu hiệu chúng ta cần trở lại với những sự dạy dỗ của Bài giảng Trên núi, nhất là 8 đức tánh được Chúa ban phước (Mathiơ 5:1-10) để học hiểu và áp dụng những lẽ thật đó trong đời sống cho đến khi chúng hoàn toàn trở thành những đức tánh tự nhiên dính liền với tư duy và thái độ của chúng ta.

Phần I – 4 Đức Tánh Có Liên Hệ Với Đức Chúa Trời

4 đức tánh đầu tiên có liên quan đến những thái độ của người môn đệ đối với Chúa. 4 đức tánh tiếp theo có liên quan đến những thái độ của người môn đệ đối với anh em mình và với mọi người.

1. Đức tánh thứ Nhất – “Có lòng khó khăn” (hay biết rõ sự nghèo thiếu tâm linh của mình).“Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” (Mathiơ 5:3) Chữ ‘khó khăn’ hay ‘nghèo thiếu’ ở đây trong nguyên văn Hy lạp là ptōxós để nói đến những người nghèo sơ nghèo sát không sở hữu bất cứ một cái gì có giá trị. Trước mặt Chúa người môn đệ phải nhìn nhận tâm linh của mình cũng nghèo thiếu tương tự, chúng ta phải nhìn nhận mình chỉ là những con số 0. Trước sự vĩ đại của Chúa chúng ta còn nhẹ hơn một mảy bụi ở trên bàn cân của Ngài kia mà: “Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân…” (Êsai 40:15a). Trước sự thánh khiết vĩ đại của Chúa, chúng ta chỉ là những con người tội lỗi đầy ô uế chỉ xứng đáng cho sự đoán phạt đời đời nơi Hỏa ngục. Trong đời nầy, chúng ta có thể là một vị vua, một người giàu lớn và có nhiều quyền thế, hoặc học cao hiểu rộng, được nhiều người tôn sùng như thánh nhân. Nhưng trên phương diện tâm linh chúng ta phải ý thức về sự nghèo khó của mình, vì chúng ta không thể nào dùng tiền bạc hay công đức nào để giúp mình vào được Nước Trời. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được sự nghèo khó của mình, đến với Chúa để đón nhận món quà cứu rỗi của Ngài thì mới mong được Chúa đón nhận vào Nước trời, được trở thành công dân Nước Trời, kinh nghiệm được những phước hạnh và quyền năng của Nước Trời, và sở hữu được Nước Trời như Lời Chúa phán “… vì Nước Thiên đàng thuộc về những kẻ ấy.” Khi ý thức điều đó và dâng cho Chúa con người không ra chi của chúng ta, lúc ấy chúng ta sẽ kinh nghiệm được những công việc vĩ đại mà Chúa có thể làm được qua đời sống chúng ta, để thực hiện chương trình cứu rỗi vĩ đại của Ngài.

2. Đức tánh thứ Nhì của người môn đệ – “Biết than khóc” (hay biết rõ tình trạng hư mất của mình).“Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!” (Mathiơ 5:4) – Đức tánh thứ nhì mà Chúa muốn các môn đệ Ngài phải có là phải biết than khóc cho số phận của mình. Chữ ‘than khóc’ ở đây không có nghĩa là khóc thầm, nhưng là bày tỏ sự đau đớn cho những yếu đuối thất bại của mình mà mọi người có thể thấy được. Như cách người Do thái khi xưa mặc áo bằng vãi gai, đổ tro trên đầu và khóc lóc ăn năn với Chúa trước mặt mọi người. Chữ than khóc cũng mang ý nghĩa cảm nhận được tình trạng tội lỗi (feel guilty) và sự đáng hư mất của mình. Người môn đệ luôn sống với ý thức đó không dám có thái độ giả nhân giả nghĩa, để cho mọi người tưởng rằng họ thánh thiện toàn hảo và đáng được tôn trọng. Ngược lại, trước mặt mọi người, người đó không ngần ngại nhận mình là tội nhân, là người yếu đuối nhưng được Chúa thương xót và sử dụng. Người đó luôn biết ơn Chúa là Đấng đã cứu chuộc mình khỏi sự chết đời đời, luôn hầu việc Chúa trong tinh thần hạ mình, luôn biết nhờ cậy Chúa, tìm kiếm ý Chúa để vâng theo, không dám ĩ lại sức riêng cũng như không lên mình kiêu ngạo. Dù có thể bị nhiều lầm lỡ và gặp nhiều thất bại trong cuộc đời hầu việc Chúa, người đó vẫn không nản lòng, không mặc cảm nhưng can đảm đứng lên, tiếp tục nhờ sức Chúa, nương cậy lòng thương xót và ơn điển của Ngài mà làm cho xong bổn phận. Dù gặp phải nhiều hiểu lầm và bị đối xử cách oan ức bất công, người môn đệ than khóc với Chúa, nhưng vẫn nhịn nhục kiên trì phục vụ vì chỉ trông chờ sự cảm thông và an ủi từ Chúa mình. Mấy chữ “được yên ủi” trong nguyên văn Hy-lạp là parakaléo, nói lên bối cảnh một người đứng trước tòa án với đầy đủ bằng cớ vững vàng để biện hộ cho mình. Người môn đệ sống trong tinh thần biết than khóc đó ngày kia sẽ có đủ can đảm khi đứng trước Toà án Đấng Christ với Chúa Cứu Thế là Đấng vừa là Quan án vừa là trạng sư bênh vực cho người. Người ấy không lo lắng vì có đầy đủ chứng cớ bênh vực cho những công việc không được hoàn hảo lắm của mình. Vì sự xét đoán của Chúa không đặt trên nền tãng mà những người có lòng kiêu ngạo thường tìm, nhưng đặt trên lòng trung tín, vâng phục và nhịn nhục của người môn đệ. Lúc đó, chắc chắn người sẽ vui mừng và được an ủi khi nghe Chúa nhỏ nhẹ nói: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm, … hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi” (Mathiơ 25:21).

3. Đức tánh thứ Ba của người môn đệ – “Có tánh nhu mì” (hay biết sức mạnh mình đến từ đâu).“Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Mathiơ 5:5) Trong nguyên ngữ Hy lạp, nhu mì hay praus không mang ý nghĩa nhẹ dạ hay yếu hèn nhưng nói đến người biết sử dụng sức mạnh của Chúa ban cho theo sự điều khiển của Chúa. Người nhu mì có thể bày tỏ sức mạnh nhưng không gắt gao quá mức đối với người khác. Không ai chối cãi Môi se là một nhà lãnh đạo tài ba và mạnh mẽ nhưng được Chúa gọi ông là người nhu mì. Phao lô là người mạnh mẽ từng đi bắt bớ tín hữu, nhưng khi chính ông đầu phục Chúa thì hoàn toàn để Chúa cai trị đời sống mình, chấp nhận vâng theo ý Chúa và vui lòng nhận chịu những hoàn cảnh đầy khó khăn. Chữ nhu mì là hình ảnh con chó lớn biết tự chủ không thèm làm hại con chó con đang hung hăng sủa và nhào tới cắn chân nó. Người nhu mì không phải vì yếu hơn hay thất thế mà nhường nhịn kẻ đang gây tổn thương mình. Người đó có thái độ nhu mì vì chấp nhận chịu khổ vì Danh Chúa (đức tánh thứ 8). Người nhu mì là người có đủ sức mạnh hay quyền lực để lấn lướt người khác hay trả thù nhưng không làm điều đó vì muốn bày tỏ ân điển trong đời sống để xứng đáng là một môn đệ của Chúa Cứu thế. Người thiếu nhu mì là người luôn ĩ lại nơi sự khôn khéo và khả năng của mình nên thường chuốc lấy nhiều áp lực và khổ tâm. Chúa Giê-xu muốn người môn đệ học theo tánh nhu mì khiêm nhường của Ngài nên có dạy họ như sau: “Ta có lòng nhu mì khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta, thì linh hồn các con sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu, gánh ta nhẹ nhàng.” (Mathiơ 11:29,30) Cái gánh và cái ách là những dụng cụ giúp cho những người làm việc hay những con thú chia sẻ gánh nặng cho nhau. Người môn đệ ĩ lại nơi tài năng và sức riêng dễ bị kiệt sức khi phải đương đầu với những căng thẳng hay những gánh nặng quá tải đối với họ. Người môn đệ có tánh nhu mì thì biết giao phó mọi gánh nặng cho Chúa. Khi có Chúa phụ gánh thì gánh nặng đó trở nên nhẹ nhàng hơn, vì chắc chắn là Chúa gánh đầu nặng, và nhường đầu nhẹ cho chúng ta. Nếu con ngựa mang 1000 cân trên lưng thì rất vất vả, nhưng khi người ta đặt 1000 cân đó lên xe và con ngựa chỉ mang ách vào để kéo xe thì nó cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhất là khi có một con ngựa khác mang ách chung với nó. Người nhu mì biết nhờ Chúa chia sẻ gánh nặng với mình thì những khó khăn và thách thức trong cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Người tìm được sự nghỉ ngơi và cảm thấy bớt căng thẳng khi giao phó mọi sự cho Chúa hướng dẩn. Phần thưởng tối hậu của người nhu mì là “sẽ hưởng được đất.” Ngày xưa, vì lòng thiếu nhu mì không vâng lời Chúa, đi theo ý riêng mà tất cả những người Do thái rời khỏi Aicập đã ngã chết trong đồng vắng suốt 40 năm, không được vào Đất Hứa mà Chúa ban cho họ. Con cháu họ đã can đảm vâng lời Chúa vào chiếm đóng và được hưởng Đất Hứa mà ông bà cha mẹ chúng đã mất cơ hội. Người môn đệ muốn chiếm đoạt được những phước hạnh trong đời sống mà Chúa hứa ban và được an nghĩ trong đức tin phải học biết tánh nhu mì của Chúa, làm theo Lời Chúa trong tinh thần hạ mình khiêm nhượng.

4. Đức tánh thứ Tư của người môn đệ– “Biết đói khát sự công bình” (hay biết tìm kiếm sự chấp thuận của Chúa).Mathiơ 5:6 – “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” Trong nguyên văn Hy lạp, từ ‘công bình’ hay dikaiosýnē thường được dùng trong ý nghĩa “được Chúa chấp nhận” (“divine approval”) hay “được luật pháp Chúa công nhận” (“God’s judicial approval”), tức là những gì được Chúa xem là đúng, hay đẹp lòng Ngài. Người “đói khát sự công bình” lúc nào cũng mong mỏi được biết rõ ý Chúa, tìm kiếm sự chấp nhận của Ngài, luôn muốn sống một đời sống thích hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, muốn có những hành động và thái độ đúng đắn, nhất là để được Chúa đẹp lòng và mang đến vinh hiển cho Danh Ngài. Vì đói khát sự công bình, họ có thể có lòng quá nóng cháy cho công việc của Đức Chúa Trời, nên những hành động của họ nhiều khi có thể “không đúng” theo con mắt của người đời, nhưng lại đẹp lòng Đức Chúa Trời. Những người như Martin Luther, Martin Luther King, Nelson Mandela không ngần ngại mà đối diện với những điều sai quấy và sẵn sàng có những hành động đầy thách thức để giúp loại bỏ khỏi hội thánh hay xã hội những gì bất công hay đang làm tổn thương Danh Chúa. Khi Chúa Giê-su vì quá nóng cháy cho công việc của Cha Ngài, nên dùng roi quất kẻ gian ác và nổi giận lật đỗ bàn ghế của những người đang làm điều “không công bình” ngay trong đền thờ Đức Chúa Trời. Người khao khát sự công bình không tìm kiếm những gì mà thế gian thường đeo đuổi như sự giàu có hay danh vọng là những điều không mang đến thỏa mãn thật sự. Người đói khát sự công bình trước hết tìm kiếm những gì đẹp lòng Đức Chúa Trời nên nhận được sự “no đủ” như lời Chúa hứa. Họ được no đủ hay thỏa lòng không phải là vì họ tìm được sự công bình, hay được người khác đối xữ công bình với họ. Phước mà Chúa nói ở đây là họ được thỏa lòng khi biết được ý Chúa và sống theo ý Ngài. Họ cảm thấy phước hạnh khi làm điều phải, sung sướng khi sống cho công bình, và thấy kết quả tốt đẹp khi họ sống đẹp lòng Chúa, dù nhiều khi phải chịu bắt bớ vì sự công bình. Tóm lại, sự công bình của Đức Chúa Trời mang đến sự vinh hiển cho Ngài. Ngài muốn môn đệ của Ngài phải là những người tìm kiếm sự công bình, sống cho công bình và làm ống dẫn sự công bình đến với thế gian. Lời hứa cho họ là sự thỏa lòng trong một đời sống như vậy.

Kết luận: 4 đặc tánh đầu tiên nầy giúp cho người môn đệ có thái độ đúng đắn trong mối liên hệ của họ với Đức Chúa Trời, vì đó là điều kiện tiên quyết để họ có thể được Chúa sử dụng cách hữu hiệu trong chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài.

Là môn đệ của Chúa, quý vị và tôi có ý thức rõ ràng địa vị không ra chi và đáng hư mất của mình để luôn biết ơn Chúa và nhờ cậy Ngài không?

Mỗi ngày, quý vị và tôi có tập sống trong tinh thần nhu mì, hoàn toàn thuận phục và giao phó cuộc đời mình để được Chúa cai trị và sử dụng cách hiệu quả hơn không?

Chúng ta có hết lòng tìm kiếm sự công bình, tìm biết và can đảm sống theo ý Chúa, rao giảng Lời Chúa và loan báo chương trình cứu rỗi của Ngài cho mọi người với mục đích để Danh Chúa được vinh hiển và Nước trời mau đến hay không?

Cầu xin Chúa thương xót và tiếp tục sử dụng mỗi đời sống chúng ta cách tốt đẹp trong chương trình đời đời của Ngài.

Phần II – 4 Đức Tánh Có Liên Hệ Đến Mọi Người

“Đức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. 2 Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng:
3 Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
4 Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!
5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!
6 Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!
7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!
8 Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!
9 Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!
10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!”

Xin nhắc lại một lần nữa, bài học nầy không chú tâm đến những phước lành mà chúng ta thường được nghe nhắc đến, nhưng chúng ta sẽ nghiên cứu đến những đức tánh mà người Cơ đốc cần có để làm vinh hiển Danh Chúa cũng như để có đời sống được phước hạnh như Chúa đã hứa cho con cái Ngài.

4 đức tánh đầu tiên (c.3 đến C.6) có liên quan đến những thái độ của người môn đệ đối với Chúa. Đức tánh thứ 5 đến thứ 8 (c.7 đến c. 10) có liên quan đến những thái độ của người môn đệ đối với mọi người xung quanh.

5. Đức tánh thứ Năm – “Có lòng thương xót” (hay biết thương người).Mathiơ 5:7 – “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!” – Trong nguyên ngữ Hy lạp, chữ “thương xót” là eleémón, có nghĩa là nhân từ, là có lòng trắc ẩn thương người (compassionate), vị tha (merciful), và cũng có nghĩa là hành động thích hợp với sự khải thị của Chúa qua lời hứa của Ngài (acting consistently with the revelation of God’s covenant.)

Người có lòng eleémón là người có lòng trắc ẩn, dể động lòng trước số phận hay hoàn cảnh đau thương của người khác. Loài người thường hay cười đùa trên sự đau khổ của người khác, nhiều người hay mang chuyện rủi ro hay lầm lỡ của người khác ra để kể với nhau cho vui; trong khi chính người đang bị tổn thương, cảm thấy xấu hổ hay hối tiếc về những lầm lỗi hoặc những gì xảy đến cho họ. Người Cơ đốc nhân chân chính thông cảm cho sự yếu đuối, tủi nhục, hay tổn thương của người khác. Chúng ta phải thấy những gì người khác không thấy, hiểu được những gì người đời không hiểu, nhờ đó chúng ta mới có thể thông cảm và thương xót người khác, có thể vui với kẻ vui, buồn với người buồn, và cũng có thể khóc với người đang đau khổ. Lời Chúa dạy trong Rô-ma 12:15 – “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” Đó là thái độ của người “có lòng thương xót.”

Người có lòng thương xót có lòng “vị tha”. Người vị tha là người biết tha thứ cho những người có lỗi với mình. Vị tha là không bắt lỗi, không nổi giận, không mắng nhiếc hay tìm cách trả đũa trả thù. Vị tha là không ghim gút lỗi lầm của người khác, không nhắc đi nhắc lại, không “lập hồ sơ bìa đen” để dành, và không kêu rêu hay rao báo cho mọi người cùng biết. Người vị tha không bao giờ chấp nhất hay không chịu tha thứ khi đối phương biết nhận lỗi. Người vị tha còn có khả năng tha thứ cho người khác mà không cần đối phương phải ăn năn nhận lỗi hay xin lỗi mình.

Người có lòng thương xót là người có “hành động thích hợp với sự khải thị của Chúa qua lời hứa của Ngài.” Người đó biết vâng theo lời Chúa dạy họ trong Kinh Thánh và làm theo để mang đến sự an ủi, sự chữa lành cho người đang đau khổ, tủi nhục, mang đến bình an cho người lo âu, hay thêm tinh thần cho người đang nản chí.

Người có lòng thương xót được phước vì được chính Chúa thương xót. Người đó được Chúa đẹp lòng vì chính Chúa là Đấng nhân từ, chậm nóng giận, vị tha và hay thương xót. Người có lòng thương xót trở thành ống dẫn nguồn tình yêu vô hạn và vô điều kiện của Chúa đến với người khác, mang đến phước hạnh cho nhiều người cũng như cho chính mình.

6. Đức tánh thứ Sáu – “Có lòng trong sạch” (hay biết sống cách thánh sạch).Mathiơ 5:8 – “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” – Chữ “trong sạch” trong nguyên ngữ hy-lạp là katharos, có nghĩa là không bị pha trộn (unmixed) với những gì không tinh sạch hay không được ưa chuộng (without undesirable elements). Katharos cũng nói đến đời sống thuộc linh trong sạch nhờ được Chúa rữa sạch hay lọc sạch (spiritually clean because purged or purified by God), như khỏi những nhơ bẫn hay vướng bẩm của tội lỗi.
Cũng như gạo được gọi là cao cấp thì phải tinh khiết không chút bụi bặm cũng như không có một hột cát nào lộn vào trong đó. Người tín hữu phải có đời sống trong sạch, không vương vấn tội lỗi như Phao-lô khuyên dạy: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, Đặng tỏ ra Hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Êphêsô 5:25-27). Dĩ nhiên người tín hữu đã được Chúa dùng huyết quý báu của Ngài rữa sạch tội lỗi để xứng đáng trở nên nàng dâu của Chúa, được nhận làm con cái Đức Chúa Trời và được hưởng sự sống vĩnh cửu. Chúa không đòi hỏi họ phải nhờ công đức hay công tu luyện của chính họ để được cứu rỗi. Dù vậy, để có đời sống được phước hạnh và mang đến vinh hiển cho Chúa, người tín hữu cần tiếp tục giữ cho đời sống được “trong sạch” trước mặt mọi người. Có người nói: “Kẻ vô thần không bao giờ ăn năn, người có đạo thường ăn năn về tội lỗi của họ, còn Cơ-đốc-nhân ăn năn về sự công bình của chính họ.” Thật vậy, người Cơ-đốc chân chính vui mừng khi được Chúa tha thứ và rửa sạch tội lỗi nên không muốn để cho đời sống mình bị ô uế bởi tội lỗi nữa. Người đời hãnh diện về các công đức của mình; trong khi con cái Chúa sợ luôn chính những công đức của họ có thể khiến cho họ sanh ra thái độ hãnh diện hay kiêu ngạo.

Người có lòng trong sạch luôn xét lại những hành động trong đời sống để không có điều nào gây cho người khác bị vấp phạm, không có hành vi nào khiến cho người đời chê cười Danh Chúa. Chẳng những thế, người Cơ đốc nhân cũng phải luôn xét lại chính lòng mình, để xem có những mầm móng tội lỗi nào bắt đầu chớm nở trong lòng họ không. Chẳng những thế, họ cũng muốn biết chính lòng họ có cáo trách về những động cơ bất chính đầy tư kỷ ngay trong lúc họ làm những công tác “đạo đức” hoặc “việc lành”. Thánh Giăng khích lệ chúng ta như sau: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời.” (1Giăng 3:20-21) Thật vậy, Người có lòng trong sạch có phước lớn vì được “thấy Đức Chúa Trời” khi họ dạn dĩ đến gần ngôi ơn phước của Chúa để cầu nguyện, để kinh nghiệm được sự hiện diện, gần gủi và chăm sóc chu đáo của Ngài trong đời sống qua mối tương giao mật thiết với Cha thiên thượng của mình.

7. Đức tánh thứ Bảy – “Làm cho người hòa thuận” (hay biết giúp đưa người đến với Chúa).Mathiơ 5:9 – “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” – “Làm cho người hòa thuận” trong nguyên ngữ Hy-lạp là eirénopoios, tức là mang đến hòa bình (make peace) nhưng cũng có nghĩa là người có trách nhiệm mang hòa bình nội tâm đến cho người khác, một người dạn dĩ loan báo tin mừng về sự tha thứ mà Chúa đã ban cho tội nhân.

Phao lô dạy: “Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta.” (2 Côrinhtô 5:18) Cơ đốc nhân là người đã tìm được niềm vui trong sự hòa thuận với Chúa cũng nhận được “chức vụ giảng hòa” nên có trách nhiệm tìm đến những con người đau khổ đang sống trong một thế giới đầy bất an, đầy thù hận, ghanh tị và tranh chiến. Là những sứ giả hòa bình người Cơ đốc phải hết lòng giúp cho mọi người hiểu được nguyên nhân của những đau khổ là sự chối bỏ và xa lánh Đấng Tạo Hóa của họ, giúp họ ngưng chống lại Chúa, làm hòa với Chúa, đón nhận tình yêu của Ngài hầu được phục hồi địa vị làm con Đức Chúa Trời. Làm được điều đó, người Cơ đốc nhân mới có thể kinh nghiệm được niềm phước hạnh lớn lao của một con người hèn hạ được Chúa gọi là con của Ngài. Con của Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su đã được sai đến để chịu chết trên thập tự giá hầu chúng ta được sống. Đã được mang danh là con của Đức Chúa Trời với chức vụ giảng hòa, nếu chúng ta ngồi yên để mặc cho những người con khác của Ngài bị hư mất nơi hồ lửa đời đời thì làm sao xứng đáng với danh hiệu đó? Và chắc chắn rằng, ngày kia trong nước thiên đàng làm sao chúng ta có thể kinh nghiệm được cách trọn vẹn những phước hạnh mà Chúa ban khi lúc đó chúng ta thấy rõ những cơ hội cứu người mình đã bỏ qua? Hãy đi ra tìm những linh hồn đang lạc mất, hãy nắm lấy những cơ hội để giúp cho những tâm hồn bất an đang chống Chúa được phục hòa với Đức Chúa Trời hầu niềm vui và phước hạnh của chúng ta được trọn vẹn trong đời nầy lẫn đời sau.

8. Đức tánh thứ Tám – “Chịu bắt bớ vì sự công bình” (chịu khổ và sỉ nhục vì Tin lành).Mathiơ 5:10 – “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” – Vì thế gian luôn chống lại Chúa nên những sứ giả hòa bình thuờng lại gặp chống đối và bắt bớ gắt gao. Đối với nhiều người, kẻ theo đạo Tin lành chỉ xứng đáng để bị cười chê, nhạo báng, chịu ô nhục, bị bà con xóm giềng ruồng bỏ, bị ức hiếp và bỏ tù. Nhưng đối với Chúa, họ là những người kinh nghiệm được thiên đàng ngay trong trần gian, và dù họ có bị mất hết tài sản hay chính mạng sống mình, phần của họ là những tài sản vô cùng quý báu và phước hạnh trường cửu mà Chúa để dành cho họ nơi thiên quốc. Phao lô không buồn rầu vì những anh chị em bị bắt bớ và chịu khổ vì Danh Chúa mà còn lấy làm hãnh diện về họ. Ông muốn họ hiểu rằng, đôi khi Chúa cho phép những điều đó xảy đến với con cái Ngài vì kế hoạch tốt đẹp mà Ngài đã soạn sẵn cho họ trong nước vinh hiển đời đời của Ngài. Ông nói: “Chúng tôi cũng vì anh em mà khoe mình cùng các Hội thánh của Đức Chúa Trời, vì lòng nhịn nhục và đức tin anh em trong mọi sự bắt bớ khốn khó đang chịu… Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.” (2Têsalônica 1:4,5) Phước hạnh của những người chịu bắt bớ vì Danh Chúa đôi khi là phước trong đời tạm nầy, nhưng chắc chắn nhất là phước hạnh lớn lao mà Chúa đã sẵn dành cho họ trong cõi vĩnh hằng đời sau.

Kết luận: Thưa quý ông bà anh chị em. Hãy nhìn lại cuộc đời theo Chúa của chúng ta từ lúc tin nhận Ngài cho đến hôm nay được như thế nào? Có lúc nào nào chúng ta cảm thấy chán nản buồn lòng vì những khó khăn và áp lực từ môi trường hay xã hội? Nếu xem xét mọi sự theo góc nhìn của thế gian, thì có thể chúng ta là những con người ngu dại nhất. Nhưng theo tầm nhìn của cỏi đời đời, dưới con mắt của Đức Chúa Trời thì chúng ta là những con người vô cùng may mắn và phước hạnh vì được Chúa nhận làm con cái của Ngài.

Nhưng phước hạnh luôn đi đôi với trách nhiệm. Là người được mua chuộc bằng giá quá cao chúng ta không thể tiếp tục sống theo con đường ý riêng để làm ô danh của Chúa. Chúng ta cần luyện tập để có được những đức tánh mà Chúa đã truyền dạy cho môn đệ Ngài trên núi khi bắt đầu chức vụ. 4 đức tánh để bày tỏ lòng tôn kính và thờ phượng của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là:

1. Biết rõ địa vị thấp hèn và yếu đuối của mình để được Chúa tiếp trợ và cứu giúp.
2. Biết than khóc cho địa vị hư mất của mình để nhận được sự sống vĩnh cửu
3. Có lòng nhu mì để đón nhận quyền năng khi được Chúa sử dụng
4. Có lòng khao khát sự công bình để nhận rõ được ý Chúa cho đời sống.

4 đức tánh cần có để giúp chúng ta biết cư xử cách xứng đáng với người khác là:

5. Có lòng thương xót mọi người như chính Chúa thương xót chúng ta
6. Có lòng trong sạch để người ta có cớ mà khen ngợi Chúa và chính chúng ta kinh nghiệm một mối liên hệ mật thiết với Ngài
7. Biết giúp cho người tìm được bình an, hòa thuận với Chúa và với nhau
8. Có sức chịu đựng sự bắt bớ của kẻ thù để sống đúng với mục đích mà Chúa đã định sẵn cho chúng ta trong nước đời đời của Ngài.

Cầu xin Chúa giúp cho chúng ta có đủ hết 8 đức tánh nầy để kinh nghiệm được cách trọn vẹn những phước hạnh mà Chúa hứa ban, nhưng trên hết để có đời sống mang đến vinh hiển cho Ngài.

Mục sư Nguyễn Duy Tân
TinLanhLibrary.com © 2011

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn