Chủ Nhật , 29 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Tin Mừng Nước Trời

Tin Mừng Nước Trời

TIN MỪNG NƯỚC TRỜI.

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…” Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết những lời này. Nước tôi là nước nào? Việt Nam, Hoa Kỳ hay còn một quốc gia nào khác? Bạn là công dân của quốc gia nào?

Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta là những Cơ đốc nhân có thể nói rằng: 

NƯỚC TRỜI LÀ NƯỚC TÔI.

Nước Trời Là Nước Tôi được hiểu: Nước Đức Chúa Trời là nước của tôi hay tôi là công dân của nước Trời.

“NƯỚC TRỜI” là một chủ đề chính trong sứ mạng của Chúa Cứu Thế Giê-su khi Ngài đến thế gian. Chúng ta có thể trưng dẫn các phần Kinh Thánh sau để minh chứng cho điều này.

Mác 1:14-15, “Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Giê-su đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin lành của Đức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin lành.”

Lu-ca 4:43, “Đức Chúa Giê-su phán cùng họ rằng: Ta cũng phải rao Tin lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến.”

Lu-ca 8:1, “Đức Chúa Giê-su đi thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng dạy và rao truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời.”

Như vậy “nước Đức Chúa Trời” hay “nước Trời” là trọng tâm sứ điệp rao giảng của Chúa Giê-su. Còn trọng tâm rao giảng của chúng ta hôm nay là gì? Tin Lành thịnh vượng, Tin Lành chữa bệnh hay Tin Lành của nước Đức Chúa Trời?

Ngày nay nhiều người trên thế giới muốn đến Mỹ để tìm kiếm các cơ hội làm việc và vui hưởng những lợi ích của đất nước này. Nhiều người muốn có quốc tịch Mỹ, muốn trở thành công dân Mỹ.     

Trong tác phẩm One Nation Under God, tác giả Rus Walton đã trich dẫn lời của Charles Malik, một cựu đại sứ của Liên Hiệp Quốc ở Lebanon, đã nói như thế này:

“Điều tốt lành ở Hoa Kỳ sẽ không bao giờ xuất hiện nếu không có phước lành và quyền năng của Chúa Giê-su Christ. Bất cứ ai cố gắng để hiểu tại sao nước Mỹ vượt trổi hơn các quốc gia khác mà không nói đến sự chịu khổ, tình yêu và sự cứu rỗi của Đấng Christ thì chỉ là mơ mộng.”

Nước Mỹ có thể vượt trổi hơn các quốc gia khác về nhiều mặt. Nhưng không thể so sánh nó với nước trời là nơi Vua công bình ngự trị và mọi công dân ở đó được gọi là thánh đồ. Họ cùng cai trị với Chúa.    

CÁC MÔ TẢ VỀ NƯỚC TRỜI

Chúa Giê-su dạy về nướcTrời:

Lu-ca 13:28, “Khi ấy, các ngươi thấy Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, cùng hết thảy các đấng tiên tri đều ở trong nước Đức Chúa Trời, còn các ngươi sẽ bị quăng ra ngoài, là nơi có khóc lóc và nghiến răng.”

Ma-thi-ơ 8:11, “Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng.” Đối chiếu câu này với Lu-ca 13:28 ở trên, chúng ta sẽ thấy rằng “nước Đức Chúa Trời” hay “nước thiên đàng” được Chúa Giê-su đề cập đến chỉ về cùng một nơi chốn.

Danh từ “nước Đức Chúa Trời” xuất hiện 68 lần ở 10 sách khác nhau trong Tân Ước, trong khi đó danh từ “nước thiên đàng” xuất hiện 32 lần ở trong sách Phúc âm Ma-thi-ơ.

Một số người cho rằng có sự khác nhau giữa nước Đức Chúa Trời và nước thiên đàng. Nhưng khi chúng ta nhìn vào lời dạy và cách sử dụng từ ngữ của Chúa Giê-su trong các câu sau, thì Chúa chúng ta đang nói về một địa chỉ mà thôi:

“Đức Chúa Giê-su bèn phán cùng môn đồ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm. Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 19:23-24)

Chúng ta thử so sánh Ma-thi-ơ 11:11 với Lu-ca 7:28.

Ma-thi-ơ 11:11, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.”

“Ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai lớn hơn Giăng Báp-tít đâu; nhưng trong nước Đức Chúa Trời, kẻ rất nhỏ còn lớn hơn Giăng vậy.” (Lu-ca 7:28)

Ma-thi-ơ nói đến nước thiên đàng, còn Lu-ca đề cập đến nước Đức Chúa Trời trong cùng một câu chuyện. Điều này dẫn chúng ta đến một kết luận – có thể xem hai danh từ này là tương đương với nhau.

Chúng ta xem các khía cạnh khác của nước Trời.

Lu-ca 17:20-21, “Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Giê-su nước Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.”

Còn đây là điều Chúa dạy các môn đồ trong bài cầu nguyện chung:

Ma-thi-ơ 6:9-10, “Vậy, các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến.”

Một trong những nguyên tắc giải Kinh là dùng Kinh Thánh để giải thích Kinh Thánh. Lời Chúa trở nên dễ hiểu khi câu này bổ túc hay giải thích cho câu kia. Khi Chúa dạy, “nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.” Điều này có nghĩa nước Trời là một vương quốc thực hữu trong hiện tại. Còn trong bài cầu nguyện chung, Chúa dạy các môn đồ hãy cầu xin để “nước Cha được đến” – hàm ý rằng nước Trời vẫn chưa đến. Làm sao một vương quốc vừa thực hữu trong hiện tại lại vừa sẽ xuất hiện trong tương lai? Khi đối chiếu lời cầu xin “nước Cha được đến” với lời cầu xin “Ý Cha được nên ở đất như trời” chúng ta chỉ có thể suy ra một kết luận ở đây: Nước Đức Chúa Trời là một cộng đồng dân cư trên đất mà ý chỉ Đức Chúa Trời được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời. Tuy nhiên điều này cũng chỉ là một trong những sự mô tả về nước Trời.

CÁC PHƯƠNG DIỆN KHÁC CỦA NƯỚC TRỜI

Chúa Giê-su cũng dạy, “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy” (Giăng 18:36), và Ngài rao giảng rằng sự ăn năn và đức tin vào Ngài là điều kiện cần thiết để vào nước Đức Chúa Trời (Mác 1:15). Nước Đức Chúa Trời có thể tương đồng với lĩnh vực của sự cứu chuộc được đề cập rõ ràng trong Giăng 3:5-7, khi Chúa Giê-su phán dạy Ni-cô-đem rằng một người chỉ có thể vào nước Trời khi được sinh lại: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.” Như vậy nước Trời mà Chúa phán dạy ở đây là tập hợp của tất cả những ai được tái sanh trong suốt mọi thời đại. Hiển nhiên là nước Trời được Vua công bình cai trị, Ngài làm Chủ trên tấm lòng của tất cả con cái của Ngài. Công việc của Ngài bắt đầu trên đất sẽ hoàn tất trong ngày của Chúa Giê-su. Phao-lô viết, “tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giê-su Christ.” (Phi-líp 1:6).

Chúa Giê-su dạy rằng Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và nhiều tiên tri khác (là những người thuộc về quá khứ) đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì ở trong nước Trời. Người nào hiện tại đi theo ý muốn của Chúa, nhờ nước (chỉ về Lời Chúa) và Thánh Linh để được sanh lại cũng ở trong nước Trời. Còn thế giới mà chúng ta đang sống chưa phải là nơi mà ý muốn Chúa được thực hiện một cách phổ quát, nên chúng ta phải cầu nguyện “nước Cha được đến.” Lời cầu nguyện này cũng mang ý nghĩa là nước Trời được đến/ được rao giảng cho tất cả mọi người/ được trải nghiệm cho những ai ăn năn và tin.

Một mục sư của Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam đưa ra một đề nghị: Chúng ta hãy cầu nguyện cho nước Cha/nước Trời được đến với ít nhất là 50 % số người trên tổng dân số của Việt Nam. Bạn có sẵn sàng tham gia vào đội hình cầu nguyện này?

Chỉ khi nào mỗi người chúng ta sẵn lòng vâng phục ý muốn Chúa thì nước Trời đến. Cầu nguyện cho nước Cha được đến, cũng là cầu nguyện cho ý muốn của chúng ta hoàn toàn thuận phục ý chỉ của Chúa.

Sách cuối cùng của Kinh Thánh là Khải huyền xác nhận những người thuộc về Chúa tập hợp lại thành nước Trời:

“Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài” (Khải 1:8).

SỨ MẠNG CỦA CHÚNG TA

Chúa Cứu Thế Giê-su đã bắt đầu chức vụ với một sứ điệp quan trọng: “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin lành.” (Mác 1:15). “Ăn năn” và “Tin” là hai việc mà con người chúng ta cần làm, sẽ được giải thích sáng tỏ trong một bài học khác.

Chúng ta có thể học tập theo tấm gương của sứ đồ Phao-lô:

“Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê. Người tiếp rước mọi người đến thăm mình, giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy dỗ về Đức Chúa Giê-su Christ.” (Công Vụ 28:30-31).

Trong sứ điệp của Phao-lô có hai điều quan trọng ông rao giảng, đó là sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Chúa Giê-su Christ:

“Phao-lô giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Giê-su là Chúa chúng ta.” (Công vụ 20:21). Lưu ý ở đây có hai bài học quan trọng: Ăn Năn và Tin.

Giảng Tin lành nước Trời là sứ mạng của hội thánh ngày nay trong khi chờ đợi Chúa Giê-su tái lâm. Là những mục sư, chúng ta sẽ không xây dựng ốc đảo cho riêng mình – chỉ biết xây dựng và củng cố nhà thờ của mình, sứ mạng của chúng ta phải là “đi khắp thế gian giảng Tin Lành nước trời.”    

“Tin lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24:14). Bạn có sẵn sàng tham gia vào chiến dịch truyền giảng này? Hãy sẵn sàng cho công tác truyền giáo, gieo trồng hội thánh mới để chuẩn bị đón Chúa trở lại.

KẾT LUẬN

Khi nhận thức rõ ràng về chức phận của chúng ta là những khâm sai của Đấng Christ (2 Côr. 5:20), là công dân trên trời (Phi-líp 3:20), điều này sẽ dẫn chúng ta đến một tuyên ngôn:

“Nước Trời là nước tôi, hay nước Trời là nước của chúng tôi.”

Chúng ta sẽ tiếp tục rao giảng Tin lành về nước Trời, mà trọng tâm của điều này là: sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Chúa Giê-su Christ (Công. 20:21).

Cầu xin Vua cao cả, anh minh của nước Trời là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật ban phước cho bạn.

Mục sư Phạm Hơn

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn