Thứ Tư , 30 Tháng Mười 2024
Home / Thưa mục sư / Ân Tứ Khác Với Tài Năng?

Ân Tứ Khác Với Tài Năng?

5 câu hỏi liên quan đến ân tứ

Trần Đình Tâm

Sau đây là những thắc mắc liên quan đến ân tứ có kèm theo phần giải thích.

1. Ân tứ là gì?

I Cô-rinh-tô 12:1,8-11 xác định rõ ân tứ có ý nghĩa gì, từ đâu đến và với mục đích gì?

“Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng (spiritual gifts).” (I Cô-rinh-tô 12:1)

     “Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. Mọi điều đó là công việc của cùng một Đức Thánh Linh mà thôi, Ngài phân phát ân tứ cho từng người tùy theo ý muốn của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 12:8-11)

Như vây, ân tứ (gift) là những món quà thuộc linh (spiritual gifts) hay năng lực thuộc linh do Đức Thánh Linh ban cho các con cái Chúa nhằm mục đích gây dựng Hội Thánh.

2. Làm thế nào phân biệt giữa ân tứ và ân điển?

Ân điển (grace) và ân tứ (gift) đều đến từ Đức Chúa Trời nên dễ bị hiểu lẫn lộn nhau. Thậy ra ân tứ và ân điển có ý nghĩa khác nhau.

Hai câu Kinh Thánh sau đây giúp chúng ta phân biệt sự khác nhau giữa ân tứ và ân điển vì cả hai cùng xuất hiện trong cùng một câu:

Rô-ma 12:6: “Vì chúng ta có các ân tứ (gift) khác nhau, tùy theo ân điển (grace) đã ban cho chúng ta.” (We have different gifts, according to the grace given to each of us.)

I Phi-e-rơ 4:10: “Mỗi người trong anh em hãy dùng ân tứ (gift) mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các ân điển (grace) của Đức Chúa Trời.”

Ân điển (grace) là tất cả mọi điều Đức Chúa Trời ban cho con người bởi tình yêu của Ngài mà không đòi giá (Chúa ban cho miễn phí). Gọi là ân điển vì đối tượng nhận sự ban cho không xứng đáng. Ê-phê-sô 2:8,9 cho thấy điều đó: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời.”

Ân điển nhấn mạnh về sự ban cho của Chúa một cách tổng quátân tứ chỉ rõ sự ban cho đó là điều gì. Chúng biết các ân tứ được liệt kê trong I Cô-rinh-tô 12:8-10;28; Rô-ma 12:6-8; Ê-phê-sô 4:11,12; I Phi-e-rơ 4:10,11. Ân điển nhấn mạnh đến tình yêu của Chúa qua sự ban cho món quà; ân tứ là những gì chứa đựng bên trong món quà đó.

3. Ân tứ và tài năng khác nhau như thế nào?

Trong lãnh vực sinh hoạt phục vụ Chúa trong Hội Thánh địa phương. Chúng ta thường đề cập đến ân tứ và tài năng Chúa ban cho mỗi người để phục vụ Chúa. Tuy nhiên, chúng ta hay lẫn lộn giữa ân tứ và tài năng và nhiều người cho rằng chúng không có gì khác nhau, vì tất cả do Chúa ban cho, cùng mục đích phục vụ Chúa. Thật ra, ân tứ và tài năng khác nhau, trên thực tế trong công tác phục vụ Chúa, chúng ta cần phân biệt giữa ân tứ và tài năng. Sự phân biệt ân tứ và tài năng nhằm mục đích góp phần gây dựng Hội Thánh một cách hiệu quả.

Chúng ta cần phân biệt ân tứ với khả năng (ability) và tài năng (talent)

Khả năng là năng lực để hoàn tất một công việc nào đó. Tài năng là khả năng đặc biệt để hoàn thành xuất sắc một việc nào đó.

Ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho theo ý muốn của Ngài (I Cô-rinh-tô 12:11). Do đó, con người không thể học tập hay được huấn luyện để có được ân tứ. Không có trường lớp nào đào tạo để một người có được ân tứ.

Vì mục đích của ân tứ là để gây dựng thân thể của Chúa Jesus là Hội Thánh, do dó, ân tứ chỉ được Chúa ban cho những người đã tin nhận Chúa Jesus, là những chi thể trong một thân. Những người không tin Chúa sẽ không nhận được ân tứ.

Khác với ân tứ, khả năng hay tài năng được Chúa ban cho tất cả mọi người: người không tin cũng như người tin nhằm mục đích chung là phục vụ cho tổ quốc, cho xã hội, cho cộng đồng chung quanh chúng ta.

Khác với ân tứ, khả năng (ability) là do được huấn luyện từ trường lớp, hoặc do tự nghiên cứu học hỏi và rèn luyện mà có được. Tài năng (talent) có được do di truyền. Trong đa số trường hợp, chúng ta thấy rõ tài năng của một người thể hiện rất sớm mà không cần kinh qua quá trình học tập và rèn luyện gian khổ như những người bình thường khác, người ta hay nói là do bẩm sinh, đúng hơn là do thừa hưởng yếu tố di truyền (gene) từ thế hệ trước.

Ví dụ 1: Một người trước khi tin Chúa từng là một giáo sư, có khả năng giảng dạy trong lớp; tuy nhiên, sau khi người đó tin Chúa, không có nghĩa là người đó đương nhiên có ân tứ giảng dạy. Vì giảng dạy Lời Chúa (Kinh Thánh) là ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho (Ê-phê-sô 4:11), chứ không phải bởi được huấn luyện hay bởi đào tạo mà có. Điều nầy giải thích tại sao có những mục sư dù đã được đào tạo tại trường lớp nhưng không có ân tứ giảng dạy (dù có thể ông có ân tứ khác như chăm sóc, thăm viếng, an ủi con cái Chúa). Có những mục sư có được ân tứ giảng dạy không phải vì học được từ trường lớp nhưng do Chúa ban cho, còn việc học hỏi nghiên cứu tại trường là cơ hội để trau dồi và phát triển ân tứ đã có nhằm mục đích nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Ví dụ 2: Nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng ca hát hay chơi đàn giỏi trong Hội Thánh là ân tứ Chúa ban, nhưng thật ra ca hát hay chơi đàn là khả năng hay tài năng (Chúa ban cho thông qua việc rèn luyện) chứ không phải là ân tứ thuộc linh, vì có rất nhiều người không tin Chúa, thậm chí chống nghịch Chúa, họ có khả năng hoặc có tài năng ca hát thật xuất sắc, chơi nhạc khí hoàn hảo, nhưng chúng ta không thể nói rằng những người đó có ân tứ ca hát hay ân tứ chơi đàn. Tuy nhiên, những người tin Chúa có thể phục vụ trong Hội Thánh với khả năng ca hát, chơi đàn, âm nhạc v.v… Theo Rô-ma 12:7, một trong các ân tứ Chúa cho là ân tứ “phục vụ” (service). Vậy, Đức Thánh Linh có thể ban cho những người có những khả năng (hay tài năng) về âm nhạc, ca hát ân tứ phục vụ để hầu việc Chúa trong Hội Thánh, nếu họ là con cái Chúa. Chúng ta nên xác định rõ: Không có ân tứ ca hát, không có ân tứ đánh đàn, không có ân tứ đánh trống, nhưng có ân tứ phục vụ. Nên nhớ rằng ân tứ thuộc linh (spiritual gifts), đúng như tên gọi, phải là những ân tứ liên quan đến gây dựng đời sống thuộc linh cho người tín đồ.

4. Làm thế nào để biết ân tứ nào Chúa ban cho mình?

Có nhiều con cái Chúa bối rối, không biết Chúa cho mình ân tứ gì, làm thế nào xác định ân tứ Chúa ban cho?

Trước hết, chúng ta cần biết một số điều căn bản sau đây:

+ Bất cứ người nào tin Chúa cũng được Chúa ban cho ít nhất một ân tứ nào đó, đa số con cái Chúa đều có 2 đến 3 ân tứ. Có thể con số tối đa là 3 ân tứ, như Phao-lô được Chúa cho 3 ân tứ quan trọng: Giảng Tin Lành; sứ đồ và giáo sư (I Ti-mô-thê 2:7). Chắc chắn Chúa không cho người nào quá nhiều ân tứ, vì như thế người đó sẽ không cần đến anh em của mình, người đó sẽ nuôi dưỡng tinh thần kiêu ngạo.

+ Mục đích của ân tứ Chúa cho là để giúp đỡ anh em mình trong cùng đức tin, để gây dựng thân thể Đấng Christ là Hội Thánh, chứ không phải để đánh bóng bản thân mình.

+ Mỗi người Chúa cho ân tứ khác nhau theo ý của Chúa nên đừng cố ý đòi hỏi phải có ân tứ giống như người kia hay người nọ.

Sau đây là những gợi ý để giúp con cái Chúa tự khám phá ân tứ Chúa ban cho mình là ân tứ gì.

1. Trước hết, đọc cẩn thận các phân đoạn Kinh Thánh sau đây để biết rõ một số các ân tứ thuộc linh và mục đích sự ban cho của Chúa: I Cô-rinh-tô chương 12; Rô-ma 12:1-8; Ê-phê-sô 4:11-16; I Phi-e-rơ 4:10-11.

2. Nếu chưa biết rõ ân tứ nào, hãy tích cực tham gia những hoạt động trong Hội Thánh một cách chuyên cần trong nhiều tháng. Đồng thời cầu xin Chúa bày tỏ cho biết ân tứ nào Chúa ban cho. Đây là lời cầu xin đẹp lòng Chúa, chắc chắc Chúa sẽ nghe và bày tỏ cho bạn biết.

3. Sau đây là 3 câu hỏi giúp xác định ân tứ Chúa ban:

a) Hãy xem xét kết quả của việc mình làm: Công tác bạn làm có kết quả tốt không? Kết quả tốt khi anh em được gây dựng, được ích lợi cho công việc Chúa v.v… đó là dấu hiệu thuận lợi.

b) Để ý đến sự nhận xét của người chung quanh về những gì mình đã làm: Anh em cùng đức tin có nhận xét tốt về việc làm của bạn không? Nếu được đa số anh em hưởng ứng, khích lệ, nhấp nhận v.v… đó là dấu hiệu rất tốt.

c) Chú ý đến tinh thần làm việc của chính mình: Bạn có ham thích dấn thân vào công việc đó không? Bạn có sẵn sàng dành nhiều thời gian để học hỏi, tìm hiểu thêm để công việc đó được tốt hơn không? Bạn có thấy mình hoàn thành công việc đó một cách dễ dàng hơn những người khác không?

Nếu bạn trả lời là  cho cả 3 câu hỏi nêu trên, thì không còn nghi ngờ gì nữa, công việc bạn đã hoàn thành đó chính là ân tứ Chúa ban cho bạn. Vì các lý lẽ sau đây:

Đối với câu a: Nếu ân tứ đó thật sự là ân tứ Chúa ban cho, thì kết quả tốt là lẽ đương nhiên. Đó là kết quả bạn làm bởi ân tứ Chúa cho.

Đối với câu c: Vì Chúa biết rõ tâm tánh của bạn, nên Chúa sẽ ban cho bạn ân tứ thích hợp với tâm tính của bạn, do đó bạn sẽ cảm thấy vui lòng phục vụ với niềm đam mê trong bạn, bạn không quản ngại khó khăn và sẵn sàng dành thời gian cho công việc đó. Chúa không bao giờ cho bạn ân tứ mà bạn phải phải cố làm cho xong như để trả nợ, hay bạn phải thực hiện một cách nặng lòng và chán nản.

Đối với câu b: Để xác định chắc chắn mình có ân nào đó, anh em chung quanh cùng đức tin cũng nhìn thấy điều đó, và họ sẽ có lời nói khích lệ và ủng hộ bạn. Bạn có thể khéo léo yêu cầu anh em mình thành thật cho biết nhận xét của họ. Yếu tố nầy giúp loại trừ trường hợp bạn ngộ nhận về chính mình, tức là bạn tưởng rằng việc bạn làm có kết quả, nhưng thật sự thì không; bạn nghĩ rằng bạn ham thích công việc đó, nhưng đó có thể chỉ là cảm xúc cá nhân vì bạn muốn lấy tiếng khen của người chung quanh, đó không phải là ân tứ Chúa cho.

Ngược lại, bạn trả lời là KHÔNG cho cả 3 câu hỏi trên, thì đó không phải là ân tứ Chúa cho. Nhưng đừng lo, Chúa sẽ cho bạn ân tứ khác chứ không phải ân tứ đó.

5. Ân tứ có cần được trau dồi không?

Dù ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho con cái Chúa, nhưng người tín hữu phải dùng ân tứ theo đúng ý muốn Chúa để làm vinh hiển danh Chúa, chứ không theo ý riêng của mình. Như trong Ma-thi-ơ 25:14-30, người chủ giao các ta-lâng cho các người đầy tớ thế nào, thì các ân tứ cũng được Đức Thánh Linh giao cho người tín đồ thể ấy. Người tín đồ phải sự dụng ân tứ như một người quản trị của Đức Chúa Trời, vì các ân tứ không tự mình có được nhưng do Chúa ban cho.

Mặc dù ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho tín đồ, nhưng người tín đồ cần trau phải dồi ân tứ Chúa ban cho để sự hầu việc Chúa đạt hiệu quả tốt nhất. Sau đây là những gợi ý:

1. Trung tín sử dụng ân tứ Chúa ban cho để gây dựng Hội Thánh địa phương.

[Những người lãnh đạo trong Hội Thánh cần có trách nhiệm giao phó những công việc cho những ai có ân tứ liên quan đến phần việc đó. Đó là cách giúp cho các thành viên trong Hội Thánh có cơ hội trau dồi ân tứ mà họ có.]

2. Không ngừng học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện để biết sử dụng ân tứ ấy như thế nào cho đẹp lòng Chúa.

3. Học hỏi kinh nghiệm của những anh em khác có cùng ân tứ như mình.

Tháng 11, 2017

[email protected]

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn