Thứ Tư , 4 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Các Bài Học Về Nê-hê-mi

Các Bài Học Về Nê-hê-mi

Tôi sai sứ giả đến nói cùng chúng rằng: Ta mắc làm công việc lớn, xuống không đặng. Nê-hê-mi 6:3

1 Đương năm thứ hai mươi đời vua Ạt-ta-xét-xe, tháng Ni-san, rượu sẵn ở trước mặt người, tôi lấy rượu dâng cho vua; trước tôi không hề có bộ buồn rầu tại trước mặt người. 2 Vua nói với tôi rằng: Nhân sao ngươi mặt mày buồn, dầu mà ngươi không có bịnh? Điều đó chỉ là sự buồn rầu trong lòng mà thôi. Bấy giờ tôi lấy làm sợ hãi lắm, 3 bèn nói với vua rằng: Nguyện vua vạn tuế! Lẽ nào mặt tôi không buồn, khi cái thành, là nơi có mồ mả của tổ phụ tôi, bị phá hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu đốt?(c) 4 Vua hỏi tôi rằng: Ngươi cầu xin cái gì? Tôi bèn cầu nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời, 5 rồi tâu với vua rằng: Nếu vua thấy điều đó là tốt lành, nếu kẻ tôi tớ vua được ơn trước mặt vua, xin vua hãy sai tôi về Giu-đa, đến thành có mồ mả của tổ phụ tôi, để tôi xây cất thành ấy lại.”

Nê-hê-mi không phải là một thầy tế lễ hàn lâm giống như E-xơ-ra. Ông cũng không phải là một tiên tri tài năng như Ê-xê-chi-ên hay Đa-ni-ên. Ngày hôm nay chúng ta có thể gọi ông là một “giáo dân” bình thường trong cộng đồng hội thánh. Là một viên quan nhỏ dâng rượu cho vua (quan tửu chánh) Artaxerxes, ông có trách nhiệm trong công việc và vui hưởng sự thân mật với nhà vua. Nê-hê-mi phải bảo đảm các thức ăn và đồ uống của vua thật sự an toàn, và ông cũng có trách nhiệm liên quan đến việc quản lý cung điện. Ông là con người chính trực và có độ tin cậy cao. Nê-hê-mi được xem là một trong những người có năng lực được vua sử dụng. Ở rất gần nhà vua, Nê-hê-mi có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để trục lợi cá nhân, nhưng ông không làm như thế. Là người của Đức Chúa Trời, ông lánh xa các mưu đồ chính trị thường thấy ở các cung điện và sống để phục vụ Đức Chúa Trời của mình.

Đức Chúa Trời kêu gọi Nê-hê-mi rời bỏ nếp sống dễ chịu trong cung để trở về quê hương xây dựng lại các tường thành và các cổng của Giê-ru-sa-lem. Sách của Nê-hê-mi là một cẩm nang huấn luyện cho những người lãnh đạo tin kính. Trong năm mươi hai ngày, Nê-hê-mi và những người bạn đồng công đã vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành các bức tường và làm mới lại giao ước của Chúa với dân sự.

Một trong những điều khiến Nê-hê-mi tiếp tục mục vụ của mình là nhận ra rằng cá nhân ông đã tham gia vào một công trình lớn. Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc ông trở thành quan tửu chánh cho nhà vua là một công việc lớn hơn nhiều so với việc xây lắp các viên đá vào tường thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng Nê-hê-mi đã có một suy nghĩ khác biệt. Ông đi theo ý muốn của Chúa.

Nếu không nhận lãnh trách nhiệm từ sự ủy thác của Chúa như là một cơ hội để làm vinh hiển danh Ngài, cuối cùng chúng ta sẽ nản lòng và bỏ cuộc. Bất kỳ công việc nào Chúa giao cho chúng ta làm, thì đó là một công việc lớn. Cho dù công việc đó có thể là giữ nhà, chăm sóc trẻ, vận hành máy móc, lái xe tải hay xây dựng lại một thành phố bị chiến tranh tàn phá. Khi nhận thức rõ ràng điều này, chúng ta sẽ kiên định trong công việc của mình. Phao-lô viết cho những Cơ đốc nhân đang ở địa vị tôi tớ phục vụ chủ nhân, “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).
Minh họa: TÔI ĐANG XÂY MỘT ĐẠI GIÁO ĐƯỜNG

Vào thời Trung cổ, một tín hữu lên đường đi hành hương đến một nhà thờ được xem là cổ kính nhất trong nước mình. Sau vài ngày đi đường, ông lạc vào một vùng núi đá nắng cháy khô cằn và hiểm trở. Ông thấy có những người thợ đục đá đang đổ mồ hôi đục đẽo và vác trên vai từng viên đá vuông vắn xếp lại từng khối.

Ông đi mon men đến gần một người thợ. Mồ hôi chảy đầm đìa trên tấm thân gầy người thợ làm ông cảm động. Nhưng khi hỏi chuyện đục đá để làm gì, người thợ trả lời có vẻ bực mình. “Ông không thấy tôi đang cực nhọc vất vả hay sao mà còn hỏi?”

Ông đến với người thứ hai. Người nầy nói: “Người ta thuê tôi làm việc. Tôi cố gắng làm để có cơm ăn áo mặc cho vợ con tôi, còn đục đá để làm gì thì tôi không cần biết.”

Ông khách tiếp tục lên đến đỉnh đồi và gặp một người thợ đục đá khác. Người nầy cũng rất mệt nhọc nhưng vẻ mặt có vẻ thanh thản nhẹ nhàng pha chút vui tươi. Tiến đến gần, ông khách hỏi: “Ông đang làm gì đó?” Người thợ mỉm cười dừng tay chào khách và nói: “Tôi đang dự phần xây cất ngôi đại thánh đường.” Người thợ vừa nói vừa chỉ tay xuống vùng thung lũng đang tiến hành công trình xây cất ngôi đại thánh đường. Bạn đang làm gì trên thế giới nầy?

gr

Từ “lớn” được sử dụng ít nhất hai mươi lần trong sách Nê-hê-mi, và nó là chìa khóa để chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để xác định là chúng ta đang làm “những việc lớn” cho Đức Chúa Trời? Chúng ta cần lập một bảng kiểm tra theo những câu hỏi sau đây trong sự thành thật với chính mình:

1/CHÚNG TA CÓ MỘT GÁNH NẶNG LỚN?

Nê-hê-mi không được chọn để đi đến thành phố đổ nát Giê-ru-sa-lem; ông tình nguyện để làm việc này. Nê-hê-mi tường thuật, “khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ,  có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến, tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem.” (1:1-2). Có thể Nê-hê-mi đã đọc sách tiên tri Giê-rê-mi trước đó, “Hỡi Giê-ru-sa-lem, ai sẽ thương xót ngươi được sao? Ai sẽ than tiếc ngươi? Ai sẽ xây lại mà hỏi thăm ngươi?” (Giê-rê-mi 15:5). Ha-na-ni đưa ra một câu trả lời khiến cho Nê-hê-mi ngỡ ngàng: “Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy” (1:3).

Tuyển dân đang ở trong một vấn nạn nghiêm trọng. Họ xấu hổ trước các dân ngoại bang khi thành thánh bị hư nát, các cửa thành bị thiêu rụi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời không được vinh hiển trong tình trạng này. Còn đâu nữa thành phố của Vua lớn? Tin xấu này ảnh hưởng đến quan tửu chánh của nhà vua? Điều này làm tấm lòng của Nê-hê-mi tan vỡ. Kinh Thánh ghi lại: “Khi Nê-hê-mi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa Trời của các từng trời…” (1:4). Nê-hê-mi đã có một sự chọn lựa, ông quyết định đứng về phía tuyển dân, khóc than cho sự đổ nát của thành thánh và chuẩn bị cho những hành động tiếp theo. Nê-hê-mi có thể tiếp tục hưởng thụ nếp sống dễ chịu trong cung vua, và gởi tiền hay các nhu yếu phẩm về Giê-ru-sa-lem để trợ giúp tuyển dân. Ông có thể lý luận: từ kinh đô Su-sơ về Giê-ru-sa-lem xa quá, cả hàng ngàn dặm đường, tôi không thể làm được gì. Nhưng không như vậy, Nê-hê-mi là một người có gánh nặng cho nhà của Chúa.

Khi Đức Chúa Trời muốn ban phước và làm chúng ta trở nên một nguồn phước cho người khác, Ngài thường đặt một gánh nặng bên trong chúng ta. Tôi cho rằng Nê-hê-mi đã suy nghĩ về tình trạng của Giê-ru-sa-lem và cầu nguyện cho thành thánh nhiều lần trước khi ông dò hỏi các tin tức về nó. Mặc dù đang hưởng thụ cuộc sống thoải mái trong cung điện của vua Ba-tư, nhưng tấm lòng của ông hòa hiệp với những người Do Thái tin kính khác, “có lòng hướng về đường dẫn đến Si-ôn!” (Thi thiên 84:5). D. L. Moody đã nói về Nê-hê-mi, “nếu bạn có thể khoan một cái lỗ trên đầu ông, bạn sẽ tìm thấy dấu ấn Giê-ru-sa-lem trên não của ông. Nếu bạn có thể nhìn vào tấm lòng của ông, bạn sẽ tìm thấy Giê-ru-sa-lem ở đó.” Nê-hê-mi là một người gương mẫu trong Cựu Ước được Tân Ước mô tả, “ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:2). Ông đứng chung với sứ đồ Phao-lô trong trải nghiệm, “Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn.  Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác,  tức là dân Y-sơ-ra-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa” (Rô-ma 9:2-3)

Chúng ta có sẵn sàng làm việc cho Đức Chúa Trời vì gánh nặng Ngài đặt vào lòng chúng ta? Chúng ta sẵn sàng vâng lời Chúa và nhìn thấy gánh nặng đó được biến đổi thành nguồn phước?

2/CHÚNG TA NHÌN THẤY NHỮNG VIỆC LỚN?

Nê-hê-mi ngồi xuống và khóc, và rồi ông quì xuống cầu nguyện (Nê-hê-mi 1:4-11). Những gánh nặng và trận chiến được hoán đổi thành nguồn phước xuyên qua đức tin trong sự cầu nguyện. Khi Nê-hê-mi nhìn thấy tình cảnh của tuyển dân, ông không thấy đó là một thảm họa – ông nhìn thấy đó một cơ hội. Những điều đang xảy ra là những tin tức xấu cho tuyển dân, nhưng họ sẽ không cứ ở mãi trong tình trạng đó. Người Israel có một giao ước vĩnh cửu với Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ hoàn thành lời hứa của Ngài trên họ (Nê-hê-mi 1:8-9; Phục truyền. 30:1-5). Nhờ vào sự nhơn từ lớn lao của Chúa (Nê-hê-mi 9:25, 35) những dân sót trở về sẽ trở thành những công nhân xây dựng và những chiến binh. Các bức tường và cổng của Giê-ru-sa-lem sẽ được phục hồi.

Từ ngữ mô tả cho kinh nghiệm này của Nê-hê-mi là “khải tượng.” Nê-hê-mi không phải là người ở trên mây sống với những giấc mơ hão huyền. Ông là một con người của đức tin và khải tượng. Là người mà “nhìn thấy những điều không thấy được, chọn lựa điều bất tử, và làm điều bất khả thi.” (nói theo cách của Vance Havner). Ông đánh giá vấn đề theo lăng kính và sự vĩ đại của Đức Chúa Trời – không phải bằng cái nhìn yếu đuối của con người. Khi nhìn thấy những khả năng và cơ hội được mở ra trong những tình huống khó khăn, chúng ta đang đứng trong đức tin cùng với Nê-hê-mi, Môi-se, Giô-suê, Đa-vít, Phao-lô và cả một đạo quân hùng hậu là những anh hùng đức tin trong lịch sử hội thánh đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời để góp phần thay đổi thế giới này.

3/TÔI CÓ TIN CẬY VÀO MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI VĨ ĐẠI?
Nê-hê-mi là một người cầu nguyện2 và ông cầu nguyện với một Đức Chúa Trời vĩ đại. “Ôi! Giê-hô-va Đức Chúa của các từng trời, tức Đức Chúa Trời cực đại và đáng kinh, hay giữ lời giao ước và lòng nhân từ cùng kẻ nào kính mến Ngài và vâng giữ các điều răn của Ngài!” (Nê-hê-mi 1:5). Có mười hai lời thảnh cầu trong sách của Nê-hê-mi, bao gồm lời cầu nguyện xưng tội và ăn năn trong chương chín đề cập đến sự thương xót (lòng nhơn từ) lớn lao của Chúa (câu 19, 27. Nê-hê-mi và những người lãnh đạo khác đã gọi Đức Chúa Trời là: “Đức Chúa Trời rất lớn rất quyền năng và đáng sợ, hằng giữ giao ước và sự nhân từ, xin chớ coi nhỏ mọn trước mặt Chúa các việc đau đớn cực nhọc đã giáng trên chúng tôi…” (Câu 32). Lưu ý rằng những lời cầu nguyện trong chương chín của các sách E-xơ-ra, Nê-hê-mi và Đa-ni-ên là những lời cầu nguyện xưng tội và khẩn xin sự thương xót của Chúa trên dân sự Ngài rất xứng đáng cho chúng ta áp dụng ngày hôm nay. 

DÂN SỰ KIÊNG ĂN, NGƯỜI LÊ-VI CẦU NGUYỆN

“Khi ấy những người Lê-vi, là Giê-sua, Cát-mi-ên, Ba-ni, Ha-sáp-nia,Sê-rê-bia, Hô-đia, Sê-ba-nia, và Phê-ta-hia nói rằng: Hãy đứng dậy, ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, là Đấng hằng có đời đời kiếp kiếp! Đáng khen ngợi danh vinh hiển của Ngài, vẫn trổi cao hơn các sự chúc tụng và các lời khen ngợi. 6 Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng nên các từng trời, và trời của các từng trời, cùng toàn cơ binh của nó, trái đất và các vật ở trên nó, biển và muôn vật ở dưới nó; Chúa bảo tồn những vật ấy, và cơ binh của các từng trời đều thờ lạy Chúa.”  (Nê-hê-mi 9)

Điều đầu tiên trong lời cầu nguyện của Nê-hê-mi, ông xưng nhận tội lỗi của mình và tuyển dân. Sau đó ông nhắc Đức Chúa Trời nhớ lại giao ước của Ngài với Israel. Ông biết rằng ông không chỉ cầu xin sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời (Nê-hê-mi 1:11). Ông khép lại lời cầu nguyện xin Chúa ban cho ông thành công trong việc trình bày với nhà vua, vì ông muốn xin nghỉ phép để ông có thể đi đến Giê-ru-sa-lem. Sau đó ông đã chờ đợi bốn tháng trước khi tấu trình lên nhà vua. Khi tin cậy vào một Đức Chúa Trời vĩ đại, chúng ta có thể yên lặng chờ đợi sự hướng dẫn của Ngài và không bối rối. Vì là một viên quan tửu chánh, nên Nê-hê-mi sẽ gặp vua vào mỗi bữa ăn. Nhưng vào thời điểm ấy nhà vua có lẽ không ở trong kinh đô Su-sa, nên Nê-hê-mi phải chờ đợi vua trở về. Ông không thất vọng hay dao động đức tin vào Đức Chúa Trời của mình. Vì “kỳ mạng tôi ở trong tay Chúa” (Thi thiên 31:15)

Không ai được biểu lộ nỗi buồn hay sầu khổ trong hiện diện với vua Ba-tư (Persian), việc đó có thể phải trả giá cho sinh mạng của họ. Nhưng nỗi u buồn của Nê-hê-mi về tình cảnh của Giê-ru-sa-lem đã phản ánh trên khuôn mặt ông, và rồi nhà vua đã hỏi về điều đó. Nê-hê-mi đã “cầu nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời, rồi tâu với vua rằng…” (2:4-5). Ông đã nhanh chóng thưa chuyện với Chúa trước (lời cầu nguyện ngắn gọn), rồi sau đó trình bày với vua. Và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của Nê-hê-mi. Dân sự của Chúa phải bước đi trong ánh sáng của lẽ thật và có thể dâng lời cầu nguyện vào bất cứ thời điểm nào – đặc biệt là trước những tình huống quan trọng. Hãy nhớ rằng bốn tháng cầu nguyện riêng tư của Nê-hê-mi chuẩn bị cho lời cầu nguyện ngắn gọn này được bắn ra như một mũi tên.

Là một người lãnh đạo khôn ngoan, Nê-hê-mi và những người đồng công luôn cảnh giác trước các sự tấn công từ phía kẻ thù. “Khi San-ba-lát, Tô-bi-gia, những người A-rạp, dân Am-môn, và dân Ách-đốt hay rằng việc tu bổ vách thành Giê-ru-sa-lem tấn tới, và các nơi hư lủng hầu lấp lành, thì chúng nó lấy làm giận dữ,  bèn lập mưu với nhau hết thảy đặng đến hãm đánh Giê-ru-sa-lem và làm cho nó bị rối loạn.Nhưng chúng tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi, và lập kẻ ngày và đêm canh giữ họ” (Nê-hê-mi 4:7-9). Đôi khi chúng ta phải cầu nguyện với đôi mắt mở ra! (Mác 13:33; 14:38; Ê-phê-sô 6:18; Cô-lô-se 4:2-14)

Hội đồng Tây Bắc Hoa Kỳ- Canada ngày 2 tháng 9 năm 2023. Chủ đề THẾ HỆ TIẾP NỐI

4/TÔI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG NAN ĐỀ VÀ SỰ NGĂN TRỞ LỚN?

Bất kỳ ai muốn hoàn thành một mục vụ nào đó cho Đức Chúa Trời sẽ phải vượt qua các nan đề và những trở ngại. Một ai đó đã định nghĩa “nan đề” là “những điều khó chịu mà bạn nhìn thấy khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.” Nê-hê-mi đã tập chú đôi mắt của ông vào mục tiêu: xây dựng lại các tường thành và cổng Giê-ru-sa-lem để danh Chúa được vinh hiển và thành thánh được vững chắc. Ông biết cách làm thế nào đối mặt với những trở lực, tin cậy sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời và vượt qua chúng.

Thử thách đầu tiên của ông là vượt qua sự thờ ơ của mọi người. Nê-bu-cát-nết-sa đã hủy diệt Giê-ru-sa-lem vào năm 586 trước Công nguyên, và những người Do Thái lưu đày đầu tiên trở về vào năm 538. Họ hoàn thành việc xây dựng đền thờ vào năm 516 và sau đó sửa chữa lại thành phố để có thể ở được. Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 444, điều đó có nghĩa là cư dân đã sống bên trong thành mà không có cổng và tường gần như trong 150 năm! Họ đã quen với tình cảnh này, và nếu có ai đề nghị một dự án xây dựng, họ sẽ không phản hồi tích cực. Nhưng Đức Chúa Trời đã sử dụng Nê-hê-mi đặt gánh nặng của ông vào lòng tuyển dân và họ đồng ý chung tay xây dựng lại tường thành (Nê-hê-mi 2:11-20).

Bất cứ khi nào dân sự của Chúa khởi sự hầu việc Ngài, kẻ thù sẽ tấn công và cố gắng ngăn trở công việc. “San-ba-lát, người Hô-rôn, Tô-bi-gia, kẻ tôi tớ Am-môn, và Ghê-Sa-mu-ên, người A-rạp, được hay việc đó, bèn nhạo báng và khinh bỉ chúng tôi. Chúng nó nói rằng: Các ngươi làm chi đó? Các ngươi có ý phản nghịch vua sao?  Tôi bèn đáp với chúng nó rằng: Đức Chúa của các từng trời sẽ ban cho chúng ta sự hanh thông; vì vậy, chúng ta, là tôi tớ Ngài, sẽ chỗi dậy và xây sửa lại; nhưng các ngươi không có phần, hoặc phép, hoặc kỷ niệm trong Giê-ru-sa-lem.” (Nê-hê-mi 2:19-20). Và khi tiến trình công việc không bị đình trệ, kẻ thù lại chế giễu và cười nhạo về  điều đó (Nê-hê-mi 4:1-3). Những người Israel cầu nguyện và tiếp tục phần việc của mình, đây là một khuôn mẫu tốt để chúng ta bước theo. Nhưng ba kẻ đối nghịch là San-ba-lát, Tô-bi-gia, Ghê-Sa-mu-ên không dễ dàng dừng lại, vì họ kêu gọi các đồng minh đe dọa tấn công Giê-ru-sa-lem. Nê-hê-mi kêu gọi trang bị vũ khí cho người Israel trong khi làm việc tái thiết tường thành. Mọi người cầu nguyện và quân thù thối lui. C. H. Supergeon đã từng nói, “nỗi sợ hãi có thể đánh thức chúng ta, nhưng không bao giờ được phép làm suy yếu chúng ta.”

Nếu kẻ thù không thể ngăn cản chúng ta bằng cách tấn công từ bên ngoài, chúng sẽ tấn công từ bên trong. Đầu tiên một số công nhân sẽ cảm thấy thất vọng và đưa ra quyết định sai lầm: “Người Giu-đa nói: Còn nhiều đồ hư nát, và sức lực của kẻ khiêng gánh đã yếu mỏi; chúng ta không thể xây cất vách thành được” (Nê-hê-mi 4:10). Sau đó những người Do Thái nghèo hơn đã kêu cứu. Tình hình kinh tế khó khăn và một số người Do Thái giàu có đã khai thác đồng bào của mình bằng cách cho vay tiền với lãi suất rất cao. Cây trồng đã không sai trái và nạn đói đang đến. Những người Do Thái nghèo hơn kêu cứu và Nê-hê-mi phải đứng ra giải quyết vấn đề này (Nê-hê-mi 5)

Nếu kẻ thù không tấn công cách trực diện, chúng sẽ tấn công nhiều phía khác. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài những người lãnh đạo tốt để nhìn thấy vấn đề, và kẻ thù luôn luôn tấn công những người lãnh đạo. San-ba-lát và Ghê-sem tìm cách làm hại Nê-hê-mi sau khi các vách thành đã được xây sửa xong, nhưng Nê-hê-mi biết âm mưu của chúng (Nê-hê-mi 6:1-4). Khi ấy kẻ thù phao vu tin đồn rằng sinh mạng của Nê-hê-mi đang ở trong sự nguy hiểm  và họ đề nghị ông gặp họ tại đền thờ để họ có thể bảo vệ ông, nhưng Nê-hê-mi trả lời: “một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư?” (Nê-hê-mi 6:10). Trong tình huống này Nê-hê-mi chứng tỏ ông là một người chăn tốt, không phải là một kẻ chăn thuê (Giăng 10:12-13)

Vấn đề tồi tệ nhất bên trong những người nam của tuyển dân là họ lấy vợ ngoại bang (trong đó có các thầy tế lễ và người Lê-vi). Điều này vi phạm luật của Chúa (Nê-hê-mi 13; E-xơ-ra 9-10). Giải quyết vấn đề này cần kiên nhẫn và thời gian. Chỉ những người lãnh đạo đúng đắn theo Lời Chúa mới có thể giải quyết vấn đề này. Hãy nhớ rằng, nếu không có nan đề, sẽ không có sự phát triển. Không ma sát, sẽ không không chuyển động. Sa-tan sẽ không bao giờ tấn công một xác chết. 

5/TÔI CÓ DÁM HY SINH?

Những kẻ chăn thuê làm việc cho các lợi ích cá nhân, và sau đó chạy trốn thay vì đối mặt với kẻ thù để bảo vệ đàn chiên. Nhưng những người lãnh đạo tốt hy sinh và trả giá cho dân sự của Đức Chúa Trời. Tinh thần làm việc của Nê-hê-mi được mô tả: “Chúng tôi làm công việc là như vậy; phân nửa họ cầm cây giáo từ lúc rạng đông cho đến khi sao mọc.  Trong lúc ấy, tôi cũng nói với dân sự rằng: Mỗi người hãy cùng tôi tớ mình ngủ đêm tại trong Giê-ru-sa-lem, để ban đêm chúng phòng giữ, và ban ngày làm công việc.  Nào tôi, nào anh em tôi, nào các người đầy tớ tôi, nào những lính canh theo tôi, chẳng có ai cởi áo mình ra, mỗi người đều đeo binh khí nơi bên hữu mình.” (4:21-23). Ông không có bất kỳ đặc quyền điều hành nào. Sự thanh liêm và chính trực của Nê-hê-mi còn được thể hiện khi ông được lập làm tổng trấn trong xứ Giu-đa, ông đã không giống như những quan chức đương thời – là những người chỉ biết trục lợi cá nhân. Ông đã có cách hành xử khác biệt (Nê-hê-mi 5:14-19). Ông là một viên quan gương mẫu trong cung.

Trong một buổi nhóm cầu nguyện đêm khuya tại Trung Hoa vào những năm 1950, một thánh đồ cầu nguyện, “Lạy Chúa, điều duy nhất chúng con biết về sự hy sinh là sẵn sàng chết vì Phúc âm mà không cần quan tâm là có ai biết chuyện đó không.” Người này đã có một lời cầu nguyện đúng. Người anh trai và chị dâu của ông đã bị những kẻ thù của Cơ đốc giáo giết vào năm 1934 tại Trung Hoa. Theo khuynh hướng tự nhiên, nếu thỉnh thoảng cống hiến, chúng ta sẽ nói cho mọi người biết về điều đó, nhưng Nê-hê-mi thì không, ông biết Đức Chúa Trời “chấm điểm” cho mỗi người.  Những người lãnh đạo chân thật không đòi hỏi người khác phải tôn cao mình. Họ lấy chính mình làm gương mẫu cho hành động hy sinh và không cần nói cho ai biết về điều đó.

Chúa Giê-su đã nêu một tấm gương mẫu mực cho tất cả các nhà lãnh đạo, khi Ngài từ bỏ chính mình và chết trên thập tự giá. Đám đông tại đồi Calvary nhìn thấy sự khổ nạn của Chúa Giê-su và thách thức Ngài, “Hãy xuống khỏi thập tự giá đi thì chúng ta sẽ tin.” Chúa Cứu thế đáp lại trong tinh thần của Nê-hê-mi 6:3, “Ta mắc làm công việc lớn, xuống không đặng.”

Sách của Nê-hê-mi khởi đầu với những khó khăn lớn (1:3), nhưng đóng lại trong sự vui mừng lớn, bởi vì Đức Chúa Trời đã ban năng lực để Israel hoàn thành công việc của họ trong năm mươi hai ngày. “Trong ngày đó, chúng dâng những của lễ trọng thể và vui vẻ; vì Đức Chúa Trời đã khiến cho chúng vui mừng khấp khởi; các người đàn bà và con trẻ cũng vui mừng nữa; sự vui mừng của thành Giê-ru-sa-lem vang ra rất xa” (12:43). Tất cả những điều này khởi phát từ một người có gánh nặng để làm một điều gì đó cho Giê-ru-sa-lem.

Một người nam có thể làm được điều gì? Hãy đọc sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi.

Một người nữ có thể làm được điều gì? Hãy đọc về Đê-bô-ra, Ê-xơ-tê, Ru-tơ.

Một đứa trẻ có thể làm được gì? Hãy đọc 2 Các vua 5:1-6 và Giăng 6:8-13

Trong những ngày sắp tới bạn có một gánh nặng, hãy thưa với Chúa về nó. Đức Chúa Trời có thể biến đổi gánh nặng của bạn thành một nguồn phước trong đời sống bạn và người khác.

admin

HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

Nê-hê-mi 1
Năm thứ hai mươi, nhằm tháng Kít-lơ, xảy khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ, có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem. Các người ấy nói với tôi rằng: Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy.
Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời, mà rằng: Ôi! Giê-hô-va Đức Chúa của các từng trời, tức Đức Chúa Trời cực đại và đáng kinh, hay giữ lời giao ước và lòng nhân từ cùng kẻ nào kính mến Ngài và vâng giữ các điều răn của Ngài! Tôi xin mắt Chúa hãy đoái đến và lỗ tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ đầy tớ Chúa, mà tôi hiện lúc nầy hằng ngày và đêm cầu nguyện vì dân Y-sơ-ra-ên, là các tôi tớ Chúa, ở tại trước mặt Chúa và xưng những tội của dân Y-sơ-ra-ên mà chúng tôi đã phạm với Ngài. Và lại tôi và nhà của tổ phụ tôi cũng có phạm tội. Chúng tôi có làm rất ác tệ nghịch cùng Chúa, không vâng giữ điều răn giới mạng và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se, là kẻ tôi tớ Chúa. Xin Chúa hãy nhớ lại lời Chúa đã phán dạy Môi-se, kẻ tôi tớ Chúa, rằng: Nếu các ngươi phạm tội, ta sẽ tan rải các ngươi giữa các dân tộc; còn nếu các ngươi trở lại cùng ta, gìn giữ làm theo các điều răn của ta, dầu khi kẻ bị tan lạc của các ngươi ở cuối tận trời, ta cũng sẽ từ đó chiêu tập chúng nó về, và dẫn chúng nó đến nơi ta đã chọn đặng cho danh ta ngự tại đó. 10 Vả, chúng là các tôi tớ và dân sự của Chúa, mà Chúa đã cậy quyền năng và tay mạnh mẽ mà chuộc lại. 11 Chúa ôi! Tôi nài xin Chúa hãy lắng tai nghe lời cầu nguyện của kẻ tôi tớ Ngài và lời cầu nguyện của các tôi tớ Ngài vẫn vui lòng kính sợ danh Ngài; ngày nay xin Chúa hãy làm cho tôi tớ Chúa được may mắn, và ban cho nó tìm được sự nhân từ trước mặt người nầy …

Thưa Quý Vị!

Buổi sáng hôm nay như thường lệ tôi đọc lời Chúa để nuôi dưỡng linh hồn mình! Khi tôi suy gẫm phân đoạn Thánh Kinh này tự dưng nước mắt của tôi tuôn tràn, chẳng phải vì cảm động nhất thời như bao nhiêu người khác khi đọc Lời Chúa.  Nhưng tôi khóc cho quê hương đất nước mình, khóc cho 85 triệu linh hồn đang bị đùa đến hồ lửa đời đời!

Thưa Quý Vị!

Qua phần Kinh Thánh này tôi thấy được tình yêu đồng bào, yêu dân tộc, yêu quê hương, đất nước, một tấm lòng luôn hướng về quê cha, đất tổ cuả Nê-hê-mi.  Đang giữ chức vụ lớn lao ở hải ngoại “quan tửu chánh”, người nếm rượu cho vua trước khi vua dùng (câu 11b), chắc chắn Nê-hê-mi được thụ hưởng mọi quyền lợi, cuộc sống sung túc, thoải mái với quyền cao chức trọng của mình.  Tuy nhiên không vì thế mà Nê-hê-mi dễ dàng quên được dân tộc ông.

Sau khi nghe tin cửa thành Giê-ru-sa-lem bị đổ nát, nhà cửa bị tàn phá, dân chúng bị loạn lạc, người thì bị bắt  làm phu tù, kẻ bị sỉ nhục, một số khác bị bắt bớ, giam cầm, một số khác còn bị kẹt lại quê nhà (câu 2,3), điều đấu tiên Nê-hê-mi làm là đến với Chúa Quyền Năng.  Ông đã than khóc với Chúa (câu 4).  Ông đã đau với cái đau của đồng bào mình.  Không những ông khóc than mà còn cư tang, kiêng ăn cầu nguyện.  Hành động này cho thấy thái độ và tấm lòng thiết tha với dân tộc và lòng tin cậy của ông vào Chúa Quyền Năng.  Ông biết chắc rằng chỉ có Chúa mới giải cứu dân tộc của ông ra khỏi cơn khốn khổ này.  Quý vị ơi, quý vị  cảm nhận thế nào khi nhìn thấy sự khốn khổ của đồng bào dân tộc mình về vật chất, tinh thần, tâm linh? Qua thời gian hơn hai tháng tôi ở Hoa Kỳ, mỗi lần đi ăn là một lần tôi nghẹn lại, tôi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt, có lẽ nhiều tôi tớ Chúa không thể hiểu được tâm trạng của tôi lúc bấy giờ, nhìn những “cao lương mỹ vị” tôi thương vợ con, thương các con cái Chúa và dân tộc mình vô cùng.  Biết bao giờ họ được ăn những món ăn ngon như vậy?

Nê-hê-mi đã cho chúng ta một tấm gương để noi theo. Nê-hê-mi đã mạnh dạn thú nhận những tội ác, lỗi lầm của dân Y-sơ-ra-ên, của gia đình, và chính bản thân ông nghịch lại Chúa, không vâng phục Chúa (câu 6,7).  Nê-hê-mi đứng với dân tộc ông trong những tội nghịch với Chúa để ăn năn, xin Chúa tha thứ, cứu chuộc họ.

Quả thật “nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay”!  Quý vị là những người ở hải ngoại cũng giống như Nê-hê-mi, quý vị sống trong dòng ân sủng của Chúa, quý vị sẽ làm gì khi nghĩ đến 90 triệu đồng bào chưa biết đến sự cứu rỗi? Để cứu lấy dân sự của Chúa qua cơn đói kém Đức Chúa Trời đã đưa Giô-sép qua sứ Ai-cập.  Cũng vậy chẳng phải vô cớ mà quý vị được sống ở Hoa Kỳ, tôi tin rằng quý vị đang là những Giô-sép mà Chúa dùng để cứu lấy quê hương!  Dù sống ở bất cứ nơi nào, chúng ta hãy noi gương Nê-hê-mi, noi gương Giô-sép!

Lạy Cha hỡi, xin thứ tha cho dân tộc con.”

một người phục vụ Chúa

Mục sư Phạm Hơn biên soạn

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn