Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Ngục Luyện Tội?

Ngục Luyện Tội?

Theo Bách Khoa Thư Công giáo, Ngục luyện tội là “một nơi hay là tình trạng của sự trừng phạt tạm thời của những người lìa bỏ đời này trong ân sủng của Đức Chúa Trời, mà không hoàn toàn được tự do khỏi những tội lỗi có thể tha thứ được, hoặc không hoàn trả đầy đủ sự thỏa mãn các sự vi phạm của họ”. Tóm lại, theo thần học Công giáo, Ngục luyện tội là một nơi mà linh hồn Cơ Đốc nhân đến sau khi chết, để được thanh tẩy mọi tội lỗi, mà đã không được hoàn toàn thỏa mãn (trả đầy đủ) trong lúc còn sống. Liệu giáo lý về Ngục luyện tội này có được Kinh Thánh đồng ý? Tuyệt đối là không!

Đức Chúa Jesus đã chết đền tội thay cho tất cả mọi tội lỗi của chúng ta (Rô-ma 5:8). Ê-sai 53:5 tuyên bố, “Nhưng Ngài đã bị vết vì tội lỗi của chúng ta, Ngài đã vì sự gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu mà chúng ta được bình an, bởi lằn đòn người mà chúng ta được chữa lành”. Đức Chúa Jesus đã chịu khổ vì tội lỗi của chúng ta, để cho chúng ta có thể được giải cứu ra khỏi sự khổ hình. Nếu nói rằng, chúng ta cũng phải chịu khổ vì tội của mình, tức là nói rằng sự chịu khổ của Chúa Jesus là chưa đủ. Nếu nói rằng chúng ta phải đền tội của mình bằng việc thanh tẩy trong Ngục luyện tội, tức là chối bỏ sự đầy đủ về của lễ chuộc tội của Đức Chúa Jesus (I Giăng 2:2). Khái niệm rằng chúng ta phải chịu khổ vì tội lỗi của mình sau sự chết là mâu thuẫn với mọi điều mà Kinh Thánh dạy về sự cứu rỗi.

Đoạn Kinh Thánh chủ yếu mà người Công giáo chọn là bằng chứng về Ngục luyện tội là I Cô-rinh-tô 3:15, nói rằng, “Nếu nó bị thiêu hủy, người ấy sẽ chịu mất mát, chính người ấy sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa”. Đoạn Kinh Thánh (I Cô-rinh-tô 3:12-15) sử dụng một minh họa về những vật đi qua lửa để mô tả về những công việc của người tin Chúa sẽ bị đoán xét. Nếu công việc của chúng ta có chất lượng tốt như “vàng, bạc, bửu thạch,” chúng sẽ qua lửa mà không hề tổn hại, thì chúng ta sẽ được phần thưởng. Nếu công việc của chúng ta có chất lượng kém như: “gỗ, rơm, rạ,” chúng sẽ bị lửa thiêu đốt, và chúng ta sẽ không có phần thưởng. Phân đoạn này không nói rằng người tin Chúa sẽ phải bị đốt qua lửa, nhưng nói rằng công việc của người tin Chúa sẽ bị đốt qua lửa. I Cô-rinh-tô 3:15, muốn nói người tin Chúa “sẽ được cứu dường như qua lửa” không nói được thanh tẩy bằng lửa”.

Ngục luyện tội, cũng giống như nhiều niềm tin khác của người Công giáo, dựa cơ sở vào sự hiểu lầm về bản chất sự hy sinh của Đấng Christ. Người Công giáo xem Thánh lễ/ Bí tích thánh thể là tái thể hiện sự hy sinh của Đấng Christ, bởi vì họ đã không hiểu rằng sự hy sinh một lần đủ cả là tuyệt đối và hoàn toàn đầy đủ (Hê-bơ-rơ 7:27; 9:12; 10:10,14). Người Công giáo xem những việc làm xứng đáng góp phần vào sự cứu rỗi, họ đã không nhận biết rằng sự hy sinh đền tội của Chúa Jesus không cần phải cộng thêm “sự đóng góp” nào (Ê-phê-sô 2:8-9). Tương tự, Ngục luyện tội được người Công giáo La Mã hiểu đó là một nơi được thanh tẩy để chuẩn bị về thiên đàng, bởi vì họ đã không nhận biết rằng bởi sự hy sinh của Đức Chúa Jesus, chúng ta đã được thanh tẩy (Tít 3:5), được xưng công bình (Rô-ma 8:1), được tha thứ (Cô-lô-se 2:13; 1 Giang 2:12), được cứu chuộc (Ga-la-ti 3:13; Tít 2:14), được hòa giải (Rô-ma 5:10; 2 Cô-rinh-tô 5:18), và được nên thánh (I Cô-rinh-tô 6:11; Hê-bơ-rơ 10:10).

Chính khái niệm về Ngục luyện tội và những giáo lý thường gắn liền với nó như (cầu nguyện cho người chết, xá tội, công đức thay cho người đã chết, v.v…) họ không nhận biết rằng sự chết của Đức Chúa Jesus là đầy đủ để trả mọi hình phạt cho TẤT CẢ mọi tội lỗi của chúng ta. Chúa Jesus, là Đức Chúa Trời trong xác thịt (Giăng 1:1,14), đã trả một giá không giới hạn cho tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Jesus đã chết vì tội lỗi của chúng ta (I Cô-rinh-tô 15:3). Đức Chúa Jesus là của lễ chuộc tội cho chúng ta (I Giăng 2:2). Hạn chế sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus đối với nguyên tội hoặc những tội lỗi đã phạm trước sự cứu rỗi là tấn công vào Con người và Công việc của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chúng ta phải làm gì đó để cho được cứu, được trả cho, được chuộc tội cho, hoặc phải chịu khổ vì tội lỗi của mình, thì sự chết của Đức Chúa Jesus không phải là một của lễ hoàn hảo, trọn vẹn và đầy đủ.

Với người tin Chúa, sau sự chết là “lìa bỏ thân thể và ở cùng với Chúa” (II Cô-rinh-tô 5:6-8; Phi-líp 1:23). Chú ý ở đây không nói là “lìa bỏ thân thể, để ở trong Ngục luyện tội với lửa thanh tẩy”. Không hề, bởi sự toàn hảo trọn vẹn và đầy đủ của sự hy sinh của Đức Chúa Jesus. Sau khi chết, chúng ta lập tức vào nơi hiện diện của Chúa, được tẩy sạch hoàn toàn, tự do khỏi tội lỗi, được xưng vinh hiển, được trọn vẹn và cuối cùng được thánh hóa.

English


Nguồn: gotquestions.org

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn