gianggiaithanhkinh.net
Sự thật về Ma-la-chi 3:8-10
Trần Đình Tâm
Sự thật về Ma-la-chi 3:8-10
Trần Đình Tâm
Ngày nay, còn rất nhiều vị giữ chức vụ giảng dạy trong Hội Thánh tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại đã dùng Ma-la-chi 3:8-10 để răn dạy các tín hữu phải dâng một phần mười nguồn thu của mình vào ngân quỹ của Hội Thánh:
“Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời sao? Mà các ngươi ăn trộm Ta. Các ngươi nói rằng: Chúng tôi ăn trộm
Chúa ở đâu? Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng. Các ngươi bị rủa sả, vì các
ngươi, thảy cả nước, đều ăn trộm Ta. Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực
trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem Ta có mở
các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng? (Ma-la-chi
3:8-10)
Các lãnh đạo Hội Thánh căn cứ vào Ma-la-chi 3:8-10 để nhấn mạnh 3 điểm sau đây:
+ Con cái Chúa không dâng một phần mười sẽ bị kể như người ăn trộm của Đức Chúa Trời.
+ Con cái Chúa không tuân thủ dâng phần mười là bị Đức Chúa Trời rủa sả.
+ Con cái Chúa được mời gọi hãy thử Chúa qua việc dâng phần mười, để xem Chúa có ban phước lại bội phần hay không.
Sự giảng dạy như thế đã làm cho nhiều tín hữu phải hoang mang và bị mặc cảm nếu họ không dâng đủ một phần mười! Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa thật sự của Ma-la-chi 3:8-10 để biết sự giảng dạy trên có thích hợp không.
1. Bối cảnh lịch sử và văn mạch của Ma-la-chi 3:8-10.
Mặc dầu sách Ma-la-chi chỉ có 4 đoạn ngắn ngủi, thế nhưng những người thi hành công tác giảng dạy trong Hội Thánh hầu như không bao giờ giảng dạy trọn cả sách Ma-la-chi, nhưng lại cắt Ma-la-chi 3:8-10 ra khỏi văn mạch của cả sách Ma-la-chi, điều nầy khiến cho ý nghĩa thật sự của Ma-la-chi 3:8-10 đã không được trình bày cách trung thực. Điều đáng tiếc hơn nữa là hầu hết các tín hữu ngày nay đã tin vào sự giảng dạy như thế!
Việc nghiên cứu bối cảnh của Ma-la-chi 3:8-10 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa thật sự của phần Kinh Thánh vốn đã được đem ra giảng dạy để buộc mọi Cơ-đốc nhân phải dâng một phần mười vào ngân quỹ của Hội Thánh.
Sách Ma-la-chi được viết trong khoảng 445 BC – 400 BC, là khoảng thời gian dân Y-sơ-ra-ên đã hoàn tất việc xây lại đền thờ, và sau khoảng thời gian Nê-hê-mi từ Ba-by-lôn trở về lần thứ hai để tái thiết vách thành.
2. Sách Ma-la-chi được viết cho ai và với mục đích gì?
Câu hỏi rất quan trọng cần được giải đáp đầu tiên: Sách Ma-la-chi viết cho ai? Ai (cá nhân) hay một nhóm người nào mà Đức Chúa Trời muốn ban sứ điệp của Ngài cho họ? Không khó để trả lời cho câu hỏi nầy, nếu chúng ta đọc trọn cả sách cẩn thận, sẽ thấy ngay câu trả lời: Sách Ma-la-chi chủ yếu viết cho các thầy tế lễ, là những người giữ công tác phục vụ trong đền thờ và dạy dỗ luật pháp cho dân sự.
Nội dung sách Ma-la-chi được trình bày qua hình thức là cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời với các thầy tế lễ. Chúng ta có thể kể ra ít nhất 6 cuộc đối thoại như sau: (xin chú ý: cụm từ “các ngươi” hay “chúng tôi” là chỉ về thầy tế lễ)
1) “Hỡi các thầy tế lễ khinh dễ danh ta! – Các ngươi lại nói rằng: Chúng tôi có khi dễ danh Ngài ở đâu? – Các ngươi dâng bánh
ô uế nơi bàn thờ.” (1:6)
Trong phần đối thoại nầy, Đức Chúa Trời kết tội các thầy tế lễ đã khinh dễ danh Thánh của Ngài, qua hành động dâng các con sinh tế đui mù, què quặt cho Ngài.
2) “Rồi các ngươi nói rằng: Chúng tôi có làm ô uế Ngài ở đâu? – Ấy là ở điều các ngươi nói rằng: Bàn thờ của Đức
Giê-hô-va đáng khing dễ.” (1:7)
Đức Chúa Trời kết tội các thầy tế lễ dâng các con sinh tàn tật trên bàn thờ là làm ô uế bàn thờ của Ngài (xin đọc câu 8-14).
3) “Hỡi các thầy tế lễ, bây giờ ta truyền lệnh nầy về các ngươi … Các ngươi đã làm phiền Đức Giê-hô-va bởi những
lời nói mình. – Các ngươi lại nói rằng: Chúng tôi có làm phiền Ngài ở đâu? – Ấy là khi các ngươi nói: Ai làm điều
dữ thì đẹp mắt Đức Giê-hô-va, và Ngài ưa thích những người như vậy.” (2:1,17)
Trong phần nầy, Đức Chúa Trời lên án các thầy tế lễ đã bỏ vợ mình mà đi cưới các người nữ ngoại bang thờ hình tượng, làm cho nhiều người khác vấp ngã trong luật pháp (xin đọc câu 1-17)
4) “Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi. – Bởi đâu chúng tôi sẽ trở lại?” (3:7,8)
Trong phần nầy Đức Chúa Trời chỉ ra một loạt các tội của thầy tế lễ: đồng bóng, tà dâm, thề dối, gạt tiền công người làm thuê, hiếp đáp người góa bụa… và Chúa kêu gọi họ ăn năn (xin đọc 3:1-7)
5) “Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời sao? Mà các ngươi ăn trộm ta. – các ngươi nói rằng: Chúng tôi ăn trộm
Chúa ở đâu? – Các ngươi ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng.” (3:8)
Trong phần nầy, Đức Chúa Trời lên án các thầy tế lễ ăn trộm các phần mười mà người dân Y-sơ-ra-ên đã dâng.
6) “Các ngươi đã lấy lời ngang trái nghịch cùng ta. – Nhưng các ngươi nói rằng: Chúng tôi có nói gì nghịch cùng
Ngài? – Các ngươi có nói: Người ta hầu việc Đức Chúa Trời là vô ích; chúng ta giữ điều Ngài dạy phải giữ, và
bước đi cách buồn rầu trước mặt Đức Giê-hô-va vạn quân, thì có ích lợi gì?” (3:13,14)
Trong phần nầy, chúng ta biết Đức Chúa Trời lựa chọn các thầy tế lễ để hầu việc Ngài, nhưng họ lại nói rằng “hầu việc Đức Chúa Trời là vô ích”! (xin đọc câu 13-18)
Như vậy, sách Ma-la-chi được trình bày qua dạng cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và các thầy tế lễ, là những người Ngài chọn để phục vụ trong đền thờ. Qua cuộc đối thoại, Chúa chỉ ra cho các thầy tế lễ biết các tội mà họ đã phạm. Để hiểu đúng Ma-la-chi 3:8-10, chúng ta phải đặt phân đoạn đó trong văn mạch của toàn sách, nghĩa là Đức Chúa Trời đang phán dạy trực tiếp với giới lãnh đạo Y-sơ-ra-ên, họ cũng chính là những người dạy luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên!!
3. Ma-la-chi 3:8.
“Người ta có thể ăn trộm Đức Chúa Trời sao? Mà các ngươi ăn trộm Ta.” (Ma-la-chi 3:8a)
Ai ăn trộm Đức Chúa Trời?
Chúng ta biết Đức Chúa Trời đang đối thoại với các thầy tế lễ, do đó, cụm từ “các ngươi” phải chỉ về … thầy tế lễ! Như vậy, Đức Chúa Trời quy tội ăn trộm cho các thầy tế lễ.
Các thầy tế lễ ăn trộm cái gì?
“Các ngươi đã ăn trộm trong các phần mười và trong các của dâng” (Ma-la-chi 3:8b)
Lời phán của Đức Chúa Trời thật bất ngờ: Các thầy tế lễ ăn trộm các phần mười và các của dâng.
Có người cho là vô lý khi cho rằng các thầy tế lễ ăn trộm của Đức Chúa Trời, vì các thầy tế lễ chỉ nhận lấy phần mười của một phần mười, họ không phải dâng phần mười nên không thể quy tội ăn trộm cho họ. Tuy nhiên, vì chính Đức Chúa Trời tuyên bố họ ăn trộm các phần mười và của dâng nên chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa “ăn trộm” mà Đức Chúa Trời gán cho họ.
Các thầy tế lễ ăn trộm như thế nào?
Nê-hê-mi 13:4-13 là bối cảnh của Ma-la-chi 3:8-10 nêu trên. Chúng ta cần hiểu bối cảnh lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên trong thời điểm đó để biết tại sao Đức Chúa Trời kết tội thầy tế lễ ăn trộm. Chính vì không hiểu rõ bối cảnh của câu chuyện nên người giảng Kinh Thánh và con cái Chúa đã hiểu không đúng về ý nghĩa của Ma-la-chi 3:8-10, và vì hiểu không đúng nên việc đem áp dụng cho sự dâng hiến ngày nay đã trở nên sai lệch với ý nghĩa thật sự.
Năm 445 BC, khi chiếu chỉ của vua Ạt-ta-xét-xe cho phép dân Y-sơ-ra-ên xây lại các vách thành Giê-ru-sa-lem được ban hành, Nê-hê-mi đến Giê-ru-sa-lem để lãnh đạo công tác xây vách thành. Ngoài ra, Nê-hê-mi cũng thực hiện những cuộc cải cách quan trọng: Kêu gọi dân sự ăn năn tội, chỉnh đốn sự thờ phượng, đọc luật pháp v.v… nhằm đem dân sự của ông đến sự kính sợ Đức Chúa Trời và vâng giữ luật pháp của Ngài. Một trong những công tác mà Nê-hê-mi thực hiện rất tốt là kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên dâng phần mười (tithe) cũng như các của dâng tình nguyện (offering) theo luật pháp dạy.
Chúng ta ghi nhận dân Y-sơ-ra-ên đáp ứng lời kêu gọi của Nê-hê-mi rất nhiệt thành, họ vui lòng dâng hiến theo đúng quy định:
“Chúng tôi cũng hứa đem của đầu mùa về bột nhồi của chúng tôi, về của lễ giơ lên, bông trái của các thứ cây,
rượu mới, và dầu, mà giao cho những thầy tế lễ, trong các kho của đền Đức Chúa Trời chúng tôi; còn một
phần mười huê lợi đất của chúng tôi thì đem nộp cho người Lê-vi; vì người Lê-vi thâu lấy một phần mười trong
thổ sản của ruộng đất về các thành chúng tôi. Thầy tế lễ, con cháu của A-rôn, sẽ đi với người Lê-vi, khi họ thâu
lấy thuế một phần mười; rồi họ sẽ đem một phần mười của trong thuế một phần mười ấy đến đền của Đức
Chúa Trời chúng tôi, để tại nơi phòng của kho tàng. Vì dân Y-sơ-ra-ên và người Lê-vi sẽ đem các của lễ giơ
lên bằng lúa mì, rượu, và dầu mới vào trong những phòng ấy, là nơi có các khí dụng của đền thánh, những
thầy tế lễ hầu việc, kẻ canh cửa và những người ca hát. Vậy, chúng tôi sẽ chẳng lìa bỏ đền của Đức Chúa Trời
chúng tôi đâu.” (Nê-hê-mi 10:36-39)
“Trong đời Xô-rô-ba-bên và Nê-hê-mi, cả Y-sơ-ra-ên đều cấp phần cho kẻ ca hát và người canh giữ cửa, ngày
nào cần dùng theo ngày nấy; cũng để riêng phần của người Lê-vi, và người Lê-vi để riêng phần của con cháu
A-rôn” (Nê-hê-mi 12:47)
Sau khi chỉnh đốn sự thờ phượng thành công, Nê-hê-mi quay lại Ba-by-lôn vào năm 432 BC (Nê-hê-mi 13:6). Trong khoảng thời gian Nê-hê-mi vắng mặt tại Giê-ru-sa-lem, có một sự việc sau đây xảy ra:
“Vả, trước việc đó, thầy tế lễ Ê-li-a-síp, mà đã được lập coi sóc các phòng của đền Đức Chúa Trời chúng
tôi, và là bà con với Tô-bi-gia, có sắm sửa cho người ấy một cái phòng lớn, là nơi trước người ta dùng để
những của lễ chay,hương liệu, khí dụng, thuế một phần mười về lúa mì, rượu mới, và dầu, tức những vật theo lệ
đã định cho người Lê-vi, kẻ ca hát, và người canh giữ cửa, luôn với của lễ dâng giơ lên của thầy tế lễ. Khi các
điều đó xảy đến thì không có tôi (Nê-hê-mi) ở tại Giê-ru-sa-lem; vì nhằm năm thứ ba mươi hai đời Ạt-ta-xét-
xe, vua Ba-by-lôn, tôi bận phải trở về cùng vua; cuối một ít lâu, tôi có xin phép vua đặng đi. Tôi đến Giê-ru-
sa-lem, bèn hiểu điều ác (evil) mà Ê-li-a-síp vì Tô-bi-gia đã làm ra, vì có sắm sửa cho người một cái phòng
trong hành lang của đền Đức Chúa Trời. Tôi thấy điều đó lấy làm cực tệ, nên quăng ra khỏi phòng ấy các vật
dụng của nhà Tô-bi-gia. Đoạn, tôi biểu người ta dọn cái phòng ấy cho sạch sẽ; kế ấy tôi đem vào lại các khí
dụng của đền Đức Chúa Trời, của lễ chay và hương liệu.” (Nê-hê-mi 13:4-9)
Trong khi Nê-hê-mi vắng mặt, có một thầy tế lễ tên là Ê-li-a-síp, giữ nhiệm vụ quản lý phòng (hay kho) lưu trữ các thứ của dâng phần mười và lo việc cung cấp lương thực cho những người Lê-vi phục vụ trong đền thờ. Tuy nhiên, Ê-li-a-síp đã làm một việc quáy gở, là lấy đi hết tất cả phần mười được chứa trong kho của đền thờ, và cho phép người bà con của mình là Tô-bi-gia chiếm hữu kho đó. Khi Nê-hê-mi trở lại Giê-ru-sa-lem, thấy việc làm sai trái của Ê-li-a-síp, ông quăng hết tất cả đồ đạt của Tô-bi-gia ra khỏi kho và dọn dẹp sạch sẽ nhà kho.
“Tôi cũng hay rằng người ta không có cấp các phần của người Lê-vi cho họ; vì vậy, những kẻ ca hát và người
Lê-vi hầu việc, ai nấy đều đã trốn về đồng ruộng mình. Tôi bèn quở trách các quan trưởng, mà rằng: Cớ sao
đền của Đức Chúa Trời bị bỏ như vậy? Đoạn, tôi hiệp lại chúng mà đặt họ trong chức cũ mình.” (Nê-hê-mi
13:10,11)
Chính vì thầy tế lễ Ê-li-a-síp đã lấy đi của dâng phần mười và các của dâng khác trong kho, là phần mà dân Y-sơ-ra-ên đã dâng để cung cấp cho người Lê-vi, nên Đức Chúa Tời phán với thầy tế lễ “các ngươi ăn trộm trong các phần mười”.
Người Lê-vi đã không được cung cấp lương thực tại đền thờ trong phiên trực của họ, nên họ buộc phải quay lại đồng ruộng của mình để sinh sống.
Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Có thể nào dân Y-sơ-ra-ên không dâng phần mười, và họ bị Đức Chúa Trời kết tội ăn trộm? Chúng ta không có câu trả lời trực tiếp từ văn mạch của Kinh Thánh, nhưng qua văn mạch, chúng ta có thể rát ra các nhận định sau:
1/ Như đã trình bày, Đức Chúa Trời đang đối thoại với thầy tế lễ, cụm từ “các ngươi” cho thấy Đức Chúa Trời đang nói với các thầy tế lễ; cụm từ “chúng tôi” chỉ ra các thầy tế lễ đang đối đáp với Đức Chúa Trời, như vậy thầy tế lễ phạm tội ăn trộm.
2/ Nếu dân Y-sơ-ra-ên không dâng phần mười theo luật định, thì họ phạm tội không dâng phần mười, chứ họ không phạm tội ăn trộm phần mười. Tội ăn trộm phần mười thích hợp để chỉ những người lấy riêng cho mình phần mười dành cho người khác, như vậy, chính thầy tế lễ Ê-li-a-síp phạm tội ăn trộm phần mười, vì đã lấy đi các phần mười của dân Y-sơ-ra-ên dâng cho người Lê-vi chứa trong nhà kho, rồi cho Tô-bi-gia vào ở, khiến cho người Lê-vi phải quay về đồng ruộng mình.
3/ Làm sao dân Y-sơ-ra-ên có thể đem phần mười vào kho của đền thờ khi mà nhà kho đã bị thầy tế lễ để cho người khác chiếm giữ dùng vào việc riêng?
4/ Nếu dân Y-sơ-ra-ên không dâng phần mười, chắc chắn Nê-hê-mi sẽ khiển trách họ, tuy nhiên, trong văn mạch, chúng ta không thấy Nê-hê-mi khiển trách dân Y-sơ-ra-ên nhưng lại quở trách các quan trưởng về việc nhà kho không có chứa lương thực.
4. Ma-la-chi 3:9.
“Các ngươi bị rủa sả (curse), vì các ngươi, thảy cả nước, đều ăn trộm Ta.”
Ai bị Đức Chúa Trời rủa sả?
Hãy đặt câu nầy vào trong văn mạch của cả sách, chúng ta thấy ngay các thầy tế lễ bị Đức Chúa Trời rủa sả, cũng như trước đó, chính họ cũng đã bị Chúa rủa sả vì tội dâng cho Chúa các con sinh què quặt: “Đáng rủa (curse) thay là kẻ hay lừa dối, trong bầy nó có con đực, mà nó hứa nguyện và dâng con tàn tật làm của lễ cho Chúa!” (Ma-la-chi 1:14); “Hỡi các thầy tế lễ, bây giờ ta truyền lịnh nầy về các ngươi. Nếu các ngươi chẳng nghe, và không để lòng dâng sự vinh hiển cho danh ta, thì, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, ta sẽ giáng sự rủa sả trên các ngươi, và sẽ rủa sả những phước lành của các ngươi; và ta đã rủa sả rồi, vì các ngươi không để điều đó vào lòng.” (Ma-la-chi 2:1,2)
Thật rất sai lầm nếu gán sự “rủa sả” trong Ma-la-chi 3:9 trên các con cái Chúa ngày nay nếu con cái Chúa không dâng một phần mười! Sự “rủa sả” chỉ có thể được áp dụng cho dân Y-sơ-ra-ên ở dưới luật pháp mà thôi, chúng ta đã biết Chúa Jesus Christ đã chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ.” (Ga-la-ti 3:13). Đem sự “rủa sả” trên dân Y-sơ-ra-ên trong luật pháp để ứng dụng trên những người đã được Chúa Jesus mua chuộc bởi chính huyết Ngài là sự giảng dạy không thích hợp trong thời đại Giao Ước Mới.
Chúng ta đọc Nê-hê-mi 13:12 “Bấy giờ, cả Giu-đa đều đem đến trong kho thuế một phần mười về lúa mì, rượu mới, và dầu.” Căn cứ theo diễn tiến của câu chuyện trong Nê-hê-mi 13:4-13, Kinh Thánh không nói rõ dân Y-sơ-ra-ên phạm tội không dâng phần mười, nhưng chỉ nói họ đem nộp vào kho thuế phần mười sau khi Nê-hê-mi dọn dẹp nhà kho. Như vậy, có thể tình huống sau đây xảy ra: Dân Y-sơ-ra-ên có dâng phần mười tại các thành của người Lê-vi nhưng không đem nộp trong kho đền thờ vì nhà kho đã bị Tô-bi-gia chiếm dụng.
Hãy giả định rằng Đức Chúa Trời có kết tội dân Y-sơ-ra-ên ăn trộm trong các phần mười đi nữa, thì những vị giảng dạy Hội Thánh ngày nay không có quyền để buộc tội Cơ-đốc nhân ăn trộm của Chúa nếu họ không dâng phần mười, lý do thật dễ hiểu: Cơ-đốc nhân không ở dưới luật pháp của Môi-se nhưng ở dưới giao ước mới: “Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.” (Ga-la-ti 5:1). Không có chỗ nào trong Tân Ước gọi những người không dâng phần mười là ăn trộm của Chúa! Hình động “ăn trộm” không thích hợp để gán cho những người đã được chuộc bởi huyết của Chúa Jesus dưới bất cứ lý do gì. Hơn nữa, không có chỗ nào trong Tân Ước truyền dạy Cơ-đốc nhân phải dân phần mười (xin đọc bài “Sự dâng phần mười trong thời Cựu Ước và thời Tân Ước”)
5. Ma-la-chi 3:10a.
“Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta.”
Trong câu trên, “kho” (chamber, hoặc storehouse) là một chỗ trong đền thờ, để chứa “lương thực” (food). “Lương thực” là các của dâng phần mười của phần mười bao gồm: thổ sản, rượu, dầu … chứ không phải hiện kim.
Tại sao Đức Chúa Trời phán với các thầy tế lễ “các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta.”? Vì cái kho là nơi dành chứa các của dâng phần mười đã bị thầy tế lễ Ê-li-a-síp cướp sạch rồi đem cho người khác vào ở là Tô-bi-gia, chúng ta cũng biết Tô-bi-gia chính một trong bọn người chuyên khuấy rối và cản trở công tác xây dựng vách thành Giê-ru-sa-lem, (Nê-hê-mi 2:10; 6:17,18).
Sau khi Nê-hê-mi dọn dẹp nhà kho, sắp xếp lại công tác của các quan trưởng trong dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta đọc thấy dân Y-sơ-ra-ên đem vào kho các của dâng phần mười:
“Bấy giờ, cả Giu-đa đều đem đến trong kho thuế một phần mười về lúa mì, rượu mới, và dầu.” (Nê-hê-mi
13:12)
Một lần nữa, chúng ta thấy rõ cách giảng dạy đem mệnh lệnh của Đức Chúa Trời phán với thầy tế lễ (hoặc ngay cả với dân Y-sơ-ra-ên đi nữa) “hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta” áp dụng vào Hội Thánh ngày nay là không hợp lý, nếu không nói là vô lý, vì ngân quỹ của Hội Thánh không phải là nhà kho; phần mười được quy định bởi thổ sản chứ không phải tiền; lương thực trong nhà kho được phân phát cho các người Lê-vi (một phần mười) và thầy tế lễ (một phần mười của phần mười)… Hội Thánh hôm nay không thể nào thực hiện đúng theo quy định của Luật Pháp Cựu Ước, đơn giản là vì quy định đó áp dụng cho dân Y-sơ-ra-ên chứ không phải cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày nay!
6. Ma-la-chi 3:10b.
“và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán”
Tín hữu trong các Hội Thánh ngày nay thường được nghe giảng dạy từ tòa giảng như sau: Chúng ta không được phép thử Chúa như dân Y-sơ-ra-ên, nhưng việc dâng phần mười là điều duy nhất mà Đức Chúa Trời cho phép chúng ta thử Ngài ( “thử” theo Anh ngữ là “test” theo bản NIV, NASB, ESV, NRSV; “prove” theo bản KJV, có nghĩa là kiểm tra hay sát hạch để biết được bản chất hay phẩm chất của một đối tượng). Con cái Chúa được khuyên dạy hãy dâng phần mười vào ngân quỹ Hội Thánh để thử xem Chúa có ban phước lại cho dư dật không.
Theo Ma-la-chi 3:10, đúng là Chúa có cho phép thử Ngài, nhưng đó là lời thách thức cho dân Y-sơ-ra-ên ở dưới luật pháp chứ không phải cho Cơ-đốc nhân ngày nay! Cơ-đốc nhân khác hẳn dân Y-sơ-ra-ên! Tất cả những ai tiếp nhận Chúa Jesus ngày nay đều có Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng (I Giăng 3:24; Ga-la-ti 3:2), đây là điều mà người Y-sơ-ra-ên không có! Con cái Chúa được Đức Thánh Linh soi dẫn để hiểu biết Lời Chúa (Kinh Thánh), bổn phận của chúng ta là vâng giữ Lời Chúa vì đó là lẽ thật mà không có phép nghi ngờ, con cái Chúa ngày nay không cần phải thử Chúa bằng cách làm theo Lời Chúa dạy để xem Chúa có giữ lời hứa hay không. Chúng ta làm theo điều Chúa dạy vì chúng ta được Chúa mua chuộc bằng huyết Ngài, được tái sanh bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, được làm con cái của Ngài. Không có chỗ nào trong Tân Ước dạy chúng ta thử Chúa về bất cứ phương diện nào. Cho nên, thử Chúa là một hành động sai trái với sự dạy dỗ của Tân Ước (hoặc sai về mặt Thần Học Tân Ước).
7. Ma-la-chi 3:10c.
“xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa
chăng?”
Cũng trong Ma-la-chi 3:10, Đức Chúa Trời hứa sẽ đổ phước xuống đến nỗi không chỗ chứa. Xin lưu ý về sự khác nhau giữa PHƯỚC trong thời luật pháp với PHƯỚC trong thời ân điển sau đây:
PHƯỚC mà Đức Chúa Trời hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu ước là phước thuộc thể (physical blessing), Ma-la-chi 3:10 cho biết “Ta sẽ vì các ngươi ngăn cấm kẻ cắn nuốt, nó sẽ không phá hại bông trái của đất các ngươi; và những cây nho các ngươi trong đồng ruộng cũng sẽ không rụng trái trước khi đến mùa, Đức Giê-hô-va phán vậy.” Xin đọc Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:1-14 để thấy rõ các phước mà Chúa ban cho dân Y-sơ-ra-ên nếu họ vâng giữ luật pháp đều là phước thuộc thể. Phước thuộc thể thích hợp với hiện trạng của dân Y-sơ-ra-ên.
PHƯỚC trong thời ân điển, hay thời đại Đức Thánh Linh, là các phước thuộc linh (spiritual blessing). Xin đọc Ê-phê-sô 1:3,8,9; 3:16-19; 6:23; Phi-lip 4:4; Cô-lô-se 1:9; I Phi-e-rơ 3:14 v.v… để thấy các phước thuộc linh trong thời ân điển vượt trội hơn các phước thuộc thể trong thời luật pháp. Phước thuộc linh cao quý hơn phước thuộc thể bội phần.
Các vị lãnh đạo các Hệ phái Tin Lành ngày nay dùng Ma-la-chi 3:10 dạy con cái Chúa rằng: Nếu dâng phần mười vào ngân quỹ Hội Thánh, Chúa sẽ đổ phước xuống bội phần hơn về mặt tài chánh như Lời Chúa hứa. Chúng ta đã biết PHƯỚC trong Ma-la-chi 3:10 là phước thuộc thể, nhưng lại được rao giảng áp đặt trên Cơ-đốc nhân thuộc giao ước mới, hậu quả là sẽ đưa đến một niềm tin lệch lạc như sau: Dâng Cho Chúa một phần mười tiền bạc (hiện kim) để được Chúa ban cho lại nhiều hơn về tiền bạc (hiện kim). Như vậy, dâng phần mười để có được nhiều hơn!! Đây là một ý niệm hoàn toàn không có trong sự dạy dỗ của Tân Ước. Dâng để được lại nhiều hơn không phải là động cơ chính đáng của sự dâng hiến ở người Cơ-đốc nhân, đó chỉ là hành động “đổi chác” với Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng không thể nào pha trộn (mix) giữa sự dâng hiến theo Cựu Ước (dâng phần mười) với sự dâng hiến theo Tân Ước (dâng theo tấm lòng và theo khả năng). Hoặc là chúng ta dâng hiến theo tinh thần Cựu Ước, hoặc là dâng hiến theo tinh thần Tân Ước. Hai điều nầy không thể xảy ra cùng một lúc trong tâm trí của chúng ta.
8. Kết luận.
Dùng Ma-la-chi 3:8-10 để giảng dạy về sự dâng hiến trong Hội Thánh ngày nay là không thích hợp, nếu không nói là lệch lạc, vì Cơ-đốc nhân không phải là dân Y-sơ-ra-ên; Hội Thánh không phải là cộng đồng Y-sơ-ra-ên nhưng là Thân Thể của Đấng Christ; con cái Chúa dâng hiến theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh chứ không dâng hiến theo văn tự như người Y-sơ-ra-ên; con cái Chúa dâng hiến với tấm lòng biết ơn Chúa và yêu thương người khác vì tấm lòng mình đã được Chúa tha thứ và đổi mới chứ không phải dâng để thử Chúa như dân Y-sơ-ra-ên; phước mà người tín đồ dâng hiến cách tự do và vui lòng thì cao quý hơn phước mà người Y-sơ-ra-ên dâng phần mười.
Tháng 1, 2013. Hiệu chỉnh: tháng 11, 2015.
Tài liệu tham khảo:
- – Frank Viola & George Barna. Pagan Christianity.
- – Russell Earl Kelly, Ph.D. Should The Church Teach Tithing.