Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Tôi Và Gia Đình Đã Được Cứu?

Tôi Và Gia Đình Đã Được Cứu?

Ấy là lời Ngài đã phán cùng con cái Y-sơ-ra-ên, khi rao giảng tin lành về sự bình an bởi Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa của loài người.

Công vụ 10:36

Là những Cơ Đốc Nhân, chúng ta cần trung tín học biết những lẽ thật thuộc linh và áp dụng những lẽ thật ấy vào trong đời sống, bởi vì điều chúng ta tin sẽ xác định hành vi của mình. Những lời cuối cùng của Phi-e-rơ trong thư tín thứ hai của ông nêu rõ quan điểm này: “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Phi-e-rơ 3:18). Đức Chúa Giê-su đã ban cho Phi-e-rơ chìa khóa của nước trời (Ma-thi-ơ 16:19) và ông đã mở ra cánh cổng đức tin cho người Do Thái và người Sa-ma-ri (Công vụ 2: 8). Giờ đây, đã đến lúc ông mở cánh cửa cho người ngoại quốc, một bước đi đầy quyết liệt đối với một người Do Thái chính thống. Đức Chúa Giê-su đã chuẩn bị Phi-e-rơ cho mục vụ này và cũng đã chuẩn bị những người ngoại quốc để tiếp nhận mục vụ của ông.

Phi-e-rơ đã học được từ một khải tượng (10:9-16). Khoảng giữa trưa, trong khi Phi-e-rơ đang chờ dùng bữa, Đức Chúa Trời đã tận dụng cơn đói bụng để cho ông thấy mọi loài động vật, bò sát và chim chóc, Ngài phán cùng ông rằng: “Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.” Phản ứng của Phi-e-rơ khiến chúng ta ngạc nhiên: “Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ” (c. 14). Sau khi cải đạo, Phi-e-rơ tiếp tục giữ luật Do Thái và tuân theo những quy định về thức ăn trong Luật Môi-se, mặc dù Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ rằng mọi thức ăn đều tinh sạch (Mác 7:14-23). Chúa cũng phán cùng các môn đồ rằng Ngài còn có “chiên khác” mà Ngài cần phải đem về với bầy (Giăng 10:16). Khải tượng và tiếng nói lặp lại ba lần, nhưng Phi-e-rơ rất cứng nhắc trong niềm tin của mình và từ chối không vâng lời Đức Chúa Giê-su sau khi xưng Ngài “Lạy Chúa.” Chúng ta có thể nói rằng “Không” hoặc chúng ta cũng có thể nói “Lạy Chúa,” nhưng chúng ta không thể nói rằng “Không thưa Chúa.” Trong khải tượng này, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Phi-e-rơ rằng người ngoại quốc không phải là không tinh sạch trước mặt Đức Chúa Trời và người ngoại quốc cũng không cần phải trở nên như người Do Thái trước khi họ trở nên Cơ Đốc Nhân.

Phi-e-rơ đã học từ một chuyến thăm (Công vụ 10:17-48). Chúa đã giới thiệu cho Phi-e-rơ một cộng đồng những người ngoại quốc, và Phi-e-rơ đã có một sứ điệp: “Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng sạch” (c.28). Đức Chúa Trời không phán cho những người ngoại quốc rằng họ phải “leo cao hơn” và trở nên những người Do Thái. Nhưng Ngài phán cùng những người Do Thái rằng họ là tội nhân cũng giống như những người ngoại quốc! “Vì mọi ngưi đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Đức Chúa Trời không phải là Đấng coi trọng con người (Phục 10:17; 1 Phi 1:17). Vậy nếu những người ngoại quốc này không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa thì Phi-e-rơ cũng không thể nào hoàn thành bài giảng của ông! Khi ông nói rằng: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài [Đức Chúa Giê-su] rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài” (Công vụ 10:43), thì họ đã tin và được cứu. Bài giảng kết thúc!

Chúng ta học được gì từ Phi-e-rơ? Đức Chúa Trời đầy ân điển, một người lính cầu nguyện, một nhóm người được chuẩn bị, và một người giảng đạo được chuẩn bị – và cả một nhóm người được cải đạo. Đức Chúa Giê-su là Chúa của tất cả! Thoạt tiên, Phi-e-rơ đã ngần ngại trước việc viếng thăm nhà của một người ngoại quốc, nhưng Đức Chúa Trời đã bỏ đi những thành kiến trong ông và bày tỏ cho ông thấy điều ông có thể thực hiện nếu đầy tớ của Ngài vâng lời. Đức Chúa Giê-su là “Chúa của tất cả” và Ngài “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phi-e-rơ 3:9). Đức Thánh Linh giáng trên mỗi một tân tín hữu trong nhà của Cọt-nây và cảm động họ để ngợi khen Đức Chúa Trời về công việc của Ngài. Nhờ công tác của Đức Chúa Giê-su trên thập giá, bức tường ngăn cách người Do Thái và người ngoại quốc đã bị phá đổ, và luật pháp cựu ước được dỡ bỏ (Ê-phê-sô 2:14-15). Nhờ Phi-e-rơ vâng theo ý muốn Chúa, cánh cổng được mở ra cho Phao-lô để ông trở nên sứ đồ truyền giáo cho người ngoại quốc.

Tại sao Chúa không khiến Phi-e-rơ đem phúc âm đến cho người ngoại quốc sớm hơn? Bởi vì Chúa có thời điểm, thời kỳ và công tác theo như kế hoạch hoàn hảo của Ngài. Đức Chúa Giê-su là Chúa của cả thiên đàng và trái đất, chúng ta là những đầy tớ của Ngài. Chúng ta phải nói: “Vâng, thưa Chúa” và làm theo ý muốn của Ngài.

Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.

Ga-la-ti 3:28

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn