Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Có Sai Lầm Trong Sáng Thế Ký Chương 3?

Có Sai Lầm Trong Sáng Thế Ký Chương 3?

Có Sai Lầm Nào Trong Sáng-thế-ký Chương 3 Không?

 

Một sinh viên đã bị lung lay đức tin Cơ đốc khi đang học thần học. Anh nói với bạn bè rằng, anh sẽ quyết định mối quan hệ của mình với Chúa có nên tiếp tục nữa hay không. Đêm hôm đó, các sinh viên nghe thấy cửa phòng của anh mở ra, sau đó là một tiếng kêu lớn, “Tạm biệt, Chúa ơi!” Dư âm của tiếng kêu đó ngày nay còn vang xa ở nhiều nơi.  Cơ đốc nhân có thể nhìn thấy sự thù hận đang ở trong: trường học, chính phủ, phim ảnh Hollywood và xã hội. Một người nói, “Tôi không thể tin rằng Kinh Thánh là tốt ở bất kỳ khía cạnh nào. Cho dù người ta gán cho nó các giá trị về khoa học, địa lý hay đạo đức, nhưng nó không có bất cứ giá trị nào.” Sách Sáng thế ký được nhắm đến cho sự phê bình. Chương ba của sách mang đến những hoài nghi cho một số người. Họ có 4 luận điểm phê bình, chỉ trích sau:

Phê bình 1: Con người không chết khi ăn trái cây.

Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời đi kèm với một hình phạt khủng khiếp: “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (2:17; 3:3). A-đam không có kiến ​​thức thực tế về tình trạng thể chất được gọi là cái chết, vì vậy Đức Chúa Trời đã cho ông biết điều đó có nghĩa là gì. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là sau khi A-đam và Ê-va ăn trái cây, họ không chết. Thay vào đó, họ bị trục xuất khỏi Vườn Ê-đen (3: 22-23). Những người hoài nghi nói rằng điều này mâu thuẫn với những gì Chúa đã tuyên bố trước đó. Hai câu trả lời sau đây có thể lý giải điều này.

(1) Con người bắt đầu chết vào ngày ăn trái cây cấm. Kể từ thời điểm đó, A-đam là người phàm trần. Giờ đây cái chết là điều chắc chắn (Hê-bơ-rơ 9:27). Sáng thế ký 2:17 trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa đen là: “ăn trái cây đó chắc chắn sẽ chết.” Nó chỉ ra sự bắt đầu của cái chết, mà cuối cùng lên đến đỉnh điểm là chết.

Sa-lô-môn sử dụng cách tương tự để nói với Si-mê-i: “Vì khá biết rằng ngày nào ngươi ra khỏi đó, và đi qua khe Xết-rôn, thì chắc ngươi sẽ chết: Huyết ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi” (1 Các Vua 2:37). Si-mê-i không chết vào ngày anh ta đi ra khỏi thành phố, nhưng ông bắt đầu quá trình chết bằng sự kết thúc của mình.

(2) A-đam chết thuộc linh vào ngày ông phạm tội. Kinh Thánh sử dụng cùng một thuật ngữ ở những nơi khác, chết ở đây không có nghĩa là chết thể xác:

  • “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).
  • “Chăm về xác thịt sanh ra sự chết” (Rô-ma 8:6).
  • “Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết” (2 Ti-mô-thê 1:10).

Những ảnh hưởng tức thời của tội lỗi liên quan đến cái chết thuộc linh. Sự vô tội của A-đam đã chết/đã chấm hết. Ông đã trải qua sự xấu hổ, sợ hãi và tội lỗi. Ông mất mối tương giao với Đức Chúa Trời. Ông đã đánh mất thiên đường. Nếu một người phục vụ tội lỗi, theo một cách nào đó, điều đó sẽ làm tổn thương anh ta; tội lỗi của anh ta sẽ tìm ra anh ta (Dân số ký 32:23); Con đường của người ấy sẽ khó khăn (Châm ngôn 13:15). Ảnh hưởng lâu dài của tội lỗi liên quan đến cái chết thể xác, bao gồm bệnh tật và tử vong.

Phê bình 2: A-đam và Ê-va được gọi là lõa lồ sau khi lấy lá cây vả che thân.

A-đam và Ê-va làm quần áo từ lá cây vả. “Mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng thế ký 3:7), nhưng khi Đức Chúa Trời đến tìm A-đam, A-đam nói ông phải đi ẩn mình vì lõa lồ. “A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình (3:10). Đây có phải là “một mâu thuẫn rõ ràng”?

 

Trả lời: A-đam vẫn cảm thấy lõa lồ trong bộ quần áo ngắn cũn cỡn. Chúng ta đọc Giăng 21:7, “Môn đồ mà ức Chúa Jêsus yêu bèn nói với Phi-e-rơ rằng: Ấy là Chúa! Khi Si-môn Phi-e-rơ đã nghe rằng ấy là Chúa, bèn lấy áo dài quấn mình (vì đương ở trần) và nhảy xuống nước.”  Rõ ràng là quần áo của A-đam và Phi-e-rơ trong văn cảnh chỉ che các bộ phận kín đáo của mình. Nếu một người bước vào phòng khách của mình trong bộ quần áo lót và phát hiện ra một vị khách đang ở đó, anh ta sẽ có cảm giác lõa lồ mặc dù không phải là khỏa thân 100%. Vợ chồng A-đam không tự hào khi khoe ra những bộ trang phục bằng lá cây vả; họ biết y phục của họ là không đủ, và cảm thấy xấu hổ trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã chấp thuận cảm giác xấu hổ của họ và cung cấp một chiếc áo khác cho họ. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” (Sáng thế ký 3:21). Lá cây vả có nhiều gai, có thể gây khó chịu cho da. Giờ đây A-đam trở nên dễ chịu hơn.

Phê bình 3: Nếu Đức Chúa Trời biết tất cả, tại sao Ngài lại hỏi A-đam đang trốn ở đâu?

Đức Chúa Trời biết A-đam đang ở đâu và Ngài muốn nghe A-đam nói gì. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu?” (3:9; xem 1 Các Vua 19: 9, 13). Đức Chúa Trời biết hai vợ chồng đã tạo ra một hố sâu trong mối quan hệ của họ với Ngài – một hố sâu mà Ngài sẽ phải bắc cầu – nhưng họ cần phải tìm hiểu về điều đó. Vấn đề của A-đam và Ê-va chủ yếu không liên quan đến quần áo, nỗi sợ hãi hay lòng tự trọng của họ. Đó là một vấn đề tội lỗi. Đánh đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời để nhận lấy lời nói dối của Sa-tan là tội lỗi (Rô-ma 1:25). Đó là tội lỗi khi làm điều mà Đức Chúa Trời đã nói rõ ràng là không được làm. Giống như hầu hết những người phạm tội trong bất kỳ thế hệ nào, dễ dàng để che giấu tội của mình hơn là nói: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa” (2 Sa-mu-ên 12:13).

Phê bình 4: Hình phạt không phù hợp với tội lỗi.

Một người không tin Chúa nói: “Tôi thấy những hình phạt này là quá lớn. Điều mà Đức Chúa Trời đã kỷ luật cho tội lỗi của Ê-va là trừng phạt tất cả mọi người phụ nữ khác phải chịu đựng những nỗi đau lớn này trong khi sinh nở.  Lẽ ra cô ấy không nên bị ném ra khỏi Vườn Ê-đen vì một điều gì đó mà cô ấy muốn thử để biết.”

Trả lời: Ê-va biết điều đúng và sai (Sáng thế ký 3: 3). Không ai có thể biết hình phạt thích đáng cho bất kỳ tội lỗi nào (Sáng thế ký 50:19; Ma-thi-ơ 18:24). Tội phạm không quyết định được hình phạt của mình (điều này chỉ dành cho tòa án).

Đức Chúa Trời ấn định giá trị cho tội lỗi; Ngài đã sai Con Ngài đến chết vì tội lỗi (Giăng 3:16). Điều này sẽ khiến chúng ta tràn đầy lòng biết ơn Chúa. Hãy nhìn vào các hình phạt. Đức Chúa Trời trừng phạt con rắn (Sáng thế ký 3:14-15), Ê-va (3:16); và A-đam (3:17-19). Đầu tiên, Chúa trừng phạt Sa-tan. A-đam và Ê-va hẳn đã rất kinh hãi khi con rắn trở thành một sinh vật bò trườn. “Mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời” (Sáng. 3:14-15)

Thứ hai, Chúa đã sửa phạt người phụ nữ. Ê-va phải chịu:

  • Tăng gấp bội nỗi buồn khi thụ thai và đau đớn khi sinh nở. Hậu tự của Ê-va sinh con với nhiều đau đớn. “Người đàn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian” (Giăng 16:21). Ý tưởng là phụ nữ sẽ phải chịu đựng nỗi đau liên quan đến con cái của họ nói chung, không chỉ là khi sinh con.
  • A-đam là chồng của Ê-va sẽ cai trị nàng (xem Sáng thế ký 2:18, 22; 1 Ti-mô-thê 2: 8-13).

Thứ ba, Chúa trừng phạt người đàn ông. Trước khi kỷ luật A-đam, Đức Chúa Trời giải thích lý do của Ngài: “Bởi vì ngươi đã nghe theo tiếng nói của vợ mình.” A-đam không chỉ nghe theo lời khuyên của Ê-va, mà còn chọn đứng về phía với Ê-va thay vì vâng lời Chúa. Sự rủa sả mà A-đam gánh chịu liên quan đến hai điều: sự lao tác trên đất và cái chết.

  • “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn” (Sáng. 3:17). Và “Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng, ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (câu 18-19). Trước đó A-đam đã làm việc trong tư cách người quản trị. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn” (Sáng thế ký 2:15). Đó là niềm vui, nhưng bây giờ công việc trở nên đau đớn và mệt mỏi. Trước sự sửa phạt, mặt đất đã mang lại những mùa màng tươi tốt. Sau đó nó vẫn cho mùa màng tươi tốt, nhưng gai và cây tật lê mọc nhanh hơn và dễ dàng hơn các bông trái, rau quả.
  • “Cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” Những hình phạt này được truyền cho con cháu của A-đam. Các con gái của Ê-va sẽ phải chịu đựng cơn đau khi sinh nở (Sáng thế ký 35: 15-18; Giăng 16:21) và ở dưới sự lãnh đạo của người chồng (1 Ti-mô-thê 2: 8-13). Tất cả các thế hệ tương lai của A-đam phải lao tác kiếm bánh ăn bằng mồ hôi (Truyền đạo 1:3). Và cái chết đã truyền sang tất cả mọi hậu tự của A-đam.
  • Từ A-đam, tội lỗi đã vào thế gian (Rô-ma 5:12); sự chết đã đến với toàn thể nhân loại (5:15; 1 Cô-rinh-tô 15:22); sự chết cai trị (Rô-ma 5: 17-19). Để sự cứu rỗi được hoàn tất, Chúa Giê-su cuối cùng đã xóa bỏ tất cả các hình phạt cho những ai tiếp nhận ơn cứu chuộc. Đối với chúng ta, Ngài gánh chịu từng khía cạnh của lời rủa sả trên A-đam và Ê-va:
  • “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:13).
  • Tội lỗi mang lại đau đớn, và không ai trải qua đau đớn hơn Chúa Giê-su. Qua sự đau khổ của Ngài, Ngài đã đưa nhiều con cái đến sự vinh hiển. “Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm” (Hê-bơ-rơ 2:10).
  • Chú Giê-su đã chấp nhận thập tự giá với bao sỉ nhục vì chúng ta. “Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng” (Hê-bơ-rơ 12:2-3).
  • Chúa Giê-su phải mang một vương miện đầy gai. “Phi-lát bắt Đức Chúa Jêsus và sai đánh đòn Ngài. Bọn lính đan một cái mão triều bằng gai, đội trên đầu Ngài, và mặc cho Ngài một cái áo điều” (Giăng 19:1- 2).
  • Chúa Giê-su cầu nguyện và mồ hôi của Ngài rơi xuống giống như những giọt máu lớn. “Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44).
  • Chúa Giê-su trải qua sự buồn bực vì chúng ta. “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem” (Ê-sai 53:3).
  • Tội lỗi mang đến sự chết, và Chúa Giê-su đã nếm trải sự chết cho mọi người để chúng ta có thể được cứu (Hê-bơ-rơ 2:9).

    KẾT LUẬN
    Không có sai lầm nào trong Sáng-thế-ký chương 3. Nó chỉ sai cho những ai có một tâm trí đóng lại với lẽ thật của Đức Chúa Trời.

 

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn