Clindy Hess Kasper đã viết trong mục vụ Lời Sống Hằng Ngày:
“Trong hơn năm mươi năm, bố tôi đã nỗ lực để làm xuất sắc công việc biên tập. Niềm đam mê của bố không chỉ là tìm lỗi sai mà còn giúp cho bài viết hoàn thiện hơn về chính tả, độ rõ ràng, tính lô-gic, tính trôi chảy và ngữ pháp. Bố dùng bút xanh lá để sửa thay vì bút đỏ. Bút xanh lá khiến bố cảm thấy “thân thiện hơn”, trong khi những đường gạch màu đỏ có thể gây khó chịu với những người viết mới hoặc kém tự tin. Mục tiêu của bố là nhẹ nhàng chỉ ra cách tốt hơn.”
–
Chúng ta biết rằng công việc của một biên tập viên cho một tờ báo hay trang web không dễ dàng gì. Nó đòi hỏi niềm đam mê và sự chịu khó để có thể sửa lỗi trong cách viết văn của người khác mà họ vẫn có thể cảm thấy dễ chịu.
–
Thỉnh thoảng tôi sửa lỗi chính tả của một ai đó bằng cách nhắn tin cho tác giả trên messenger – điều này làm cho tác giả cảm thấy dễ chịu, vì lỗi ấy được góp ý “sau một bức rèm.” Tuy nhiên cũng có người sau khi tôi góp ý thì họ không được dễ chịu như tôi tưởng.
Thưa anh chị em, sách Châm ngôn 27:17 viết, “Giống như sắt mài nhọn sắt. Cũng vậy, con người mài giũa diện mạo bạn mình.” Câu này được hiểu trong một phương diện: khi hai cây bút cùng mài giũa lẫn nhau thì ngòi bút của họ trở nên sắc bén hơn.
Một người bạn tốt, không phải là người luôn luôn tâng bốc, tán thưởng hay bấm like những bài chúng ta viết. Người bạn tốt thực sự phải là người giúp đỡ người khác tăng trưởng, phát triển ân tứ của họ. Và công việc này là một nghệ thuật – nghệ thuật của sự góp ý trong tinh thần xây dựng và tình yêu thương.
Nếu sau khi chúng ta góp ý hay sửa lỗi về cách viết văn, hay viết status cho một ai đó, và rồi người ấy rời xa chúng ta, thì điều này có nghĩa gì? Thỉnh thoảng điều này vẫn xảy ra!
Tôi luôn cảm ơn những người bạn tốt – là những người đã chỉ ra những lỗi sai của tôi trong các bài viết hay bài biên dịch. Thực ra không ai trong chúng ta là người viết văn hoàn hảo – không bao giờ phạm sai lầm.
_
“Người nào lắng nghe lời quở trách của sự sống sẽ được ở giữa những người khôn ngoan.” Châm ngôn 15:31
–
Và bây giờ mời bạn đọc: http://huongdi.today
Một Người Làm Báo Cần Những Tố Chất Nào?
“Trước hết bạn phải là một người viết dồi dào, có thể xây dựng các lập luận thuyết phục và thứ hai là bạn phải quản lý được những “dấu vết” của mình trên mạng Internet, cần phải tồn tại trong thế giới đó, nhưng đừng quá nhạt nhẽo, cũng tránh “huênh hoang”.
Khả năng viết lách dĩ nhiên là một điểm cộng rất lớn, nhưng nhà báo ở thời đại này cần phải có khả năng kể chuyện bằng cách vận dụng những công cụ đa phương tiện: ảnh minh họa, video và cả đồ họa. Bạn nên làm quen với quá trình sản xuất hậu kỳ bởi vì nó sẽ giúp bài viết của bạn có giá trị hơn nhiều. Ai cũng có thể quay phim từ Iphone, kể cả bà ngoại của bạn. Nhưng điều quan trọng là bạn phải biết cách đặt chúng vào trong ngữ cảnh của câu chuyện.”
Trên đây là lời khuyên của một người tham gia giảng dạy ở Khoa Báo Chí của một Trường Đại học.
Chúng ta trình bày điều gì trên nguyệt san Hướng Đi?
Bạn biết bản thân có khả năng nào. Hãy viết theo ân tứ Chúa ban cho bạn. Hãy tôn trọng người đọc bằng cách đưa ra những thông tin đúng và viết đúng chính tả. Muốn viết về một chủ đề nào đó, trước hết bạn phải là người đọc rất nhiều và quen thuộc với chủ đề đó. Nguyệt san Hướng Đi không chỉ có truyện ngắn và thơ. Nó là một tờ báo thể hiện ĐỨC TIN, VĂN HÓA và ĐỜI SỐNG.
–
“Hãy viết điều gì đó xứng đáng để đọc, nếu bạn không muốn bị lãng quên sau khi chết.” Benjamin Franklin
Chú thích các tấm hình: Nguyệt san Hướng Đi số 2 lan tỏa mọi miền đất nước.