Thứ Hai , 27 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Vẽ Lại Chân Dung Chàng

Vẽ Lại Chân Dung Chàng

Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó.

Thế thì tôi không phải là một ngoại lệ. Có điều tôi đã làm việc này hơi chậm chạp, đúng ra tôi đã phải làm từ lâu. Tôi đã tự nói, tự hứa, nhiều lần, nhưng cho đến hôm nay mới làm được. Chàng của tôi, người tôi yêu, yêu rất yêu, hầu như ai cũng biết, vì chàng khá nổi tiếng, nhưng cách mọi người biết chàng đôi khi không rõ lắm, có vài nét mờ, vì thời gian làm hoen ố bức tranh, hơn hai ngàn năm rồi còn gì. Tôi sẽ cố gắng vẽ lại chân dung chàng trong đôi mắt của tôi. Bức tranh này chỉ là bản vẽ phớt, vì chẳng làm sao để vẽ chàng tận tường thấu đáo qua ngần ấy thời gian (chẳng có ai vẽ nổi đâu)

Chàng là ai, chẳng phải là một tài tử Holywood đẹp trai, có khi còn hơi xấu trai và già trước tuổi, đây là những chi tiết tổng quát về ngoại hình của chàng mà tôi biết: chàng chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ, khi chúng ta thấy chàng, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Tôi hơi lấy làm lạ khi đọc những lời giới thiệu này, vì theo chỗ tôi biết, phần lớn những người đàn ông Do Thái thường cao lớn đẹp trai (ngoại trừ ông cựu thủ tướng thước mốt (!!!) qua đời năm ngoái là một ngoại lệ, những ông già trên 50 cỡ tôi thì xấu là đúng rồi, nhưng chàng chỉ mới ba mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, như trái cây đã chín đủ, dưới ba mươi trông còn hơi… nông nổi một tí, trên ba mươi thì hơi mang vẻ luộm thuộm của một gã… lỡ thời J) – với bộ mặt xương xẩu manly và bộ râu thì ít có chàng nào của quốc gia nào so bì được, tôi nói đây là những đám ria mép rất gợi cảm của các chàng sexiest man of the world chứ không phải đám râu dài thậm thượt trông rất… dơ của quý đạo sĩ – Tôi cũng khá ngạc nhiên khi nhìn những bức tranh người ta vẽ chàng, thật ra thì có ai đã từng nhìn thấy chàng đâu, những người thấy chàng hồi xa xưa đó đều đã biến mất vĩnh viễn trên trái đất, mà hồi đó mọi thứ còn quá thô sơ, ai đã chụp được hình chàng trong một ngày lộng gió bơ vơ nào đó, để rồi từ đó mà vẽ lại? Phần lớn người ta đã hình dung ra một chàng Do Thái đẹp trai nhất để vẽ, một số khác vẽ chàng như mẫu số chung những người đàn ông xứ sở họ, chàng da đen tóc quắn ở Phi Châu hay chàng có đôi mắt mầu xanh biếc tại một số vùng ven biển Địa Trung Hải- thì cũng chẳng sao. Nếu chàng không có cái hình thức đẹp như người ta vẽ, thì bù lại, vẻ đẹp trong tâm hồn chàng cũng đủ khuất lấp và trùm lấp lên vẻ bên ngoài. Người ta bảo rằng cái nết đánh chết cái đẹp mà.

Đã vậy, trong một lần đối chất với người Do Thái, chàng nói rằng chàng đã thấy Áp ra ham là tổ phụ của họ. Họ lấy làm giận mà bảo: thầy chưa đầy năm mươi tuổi mà đã thấy Áp ra ham. Chắc chỉ còn thiếu chữ thầy nói láo nếu không kìm nén được sự bực mình. Tôi nghĩ rằng chàng có lẽ hoặc (buồn) cười hoặc (cười) buồn vì một chàng trai ba mươi bị nhìn ra một trung niên gần năm mươi tuổi. Tôi nói điều này theo lối suy diễn suy bụng ta ra bụng người. Trong một kỳ đại hội khoảng vài năm trước, khi ấy chàng đán trung niên mới năm mươi bốn, như ly cà phê còn một nửa vẫn còn ngon chán (theo kiểu nhận định của ông Từ) Buổi sáng sớm, tôi đang ngồi trong phòng với nhiều người, toàn là những người ái mộ và ngưỡng vọng chàng, chuẩn bị để gặp chàng một mình. Một trung niên trông già hơn tuổi từ phía sau tiến lại lễ phép: thưa ông, con có thể cùng cầu nguyện với ông được không ạ? Nhìn vẻ mặt nghiêm trang và giọng nói kính cẩn, tôi hiểu chữ ông, con mà ông ta xưng hô là lời xưng hô của một đứa cháu với ông (nội hay ngoại) của nó. Tôi nín cười hỏi: con năm nay bao nhiêu tuổi rồi. Ông ta kính cẩn đáp: dạ thưa ông, con năm mươi hai. Dù đang ở trong phòng cầu nguyện tôi chẳng thể nào nghiêm trang được, tôi bật lên cười và nói: con ơi, ông chỉ hơn con có hai tuổi thôi.

Vì vậy, tôi hiểu nỗi buồn gượng gạo của chàng khi bị người ta thêm vào hai mươi tuổi. Nhưng nói cho cùng, chàng vẫn còn được an ủi hơn tôi, vì làm ông (nội) của một người năm mươi hai thì có chém chết cũng khoảng chín… bó. Thì chẳng làm sao, vì vậy mà tôi với chàng có thể cảm thông nhau.

Không đẹp trai, lại già trước tuổi. Vì sao vậy? Có lẽ vì chàng sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nghèo nàn của một đất nước vốn chẳng giàu có gì, như điều đã định trước cho chàng. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những làng quê nghèo thường còi cọc, già nua. Cũng có thể vì chàng phải cực nhọc từ nhỏ, cha chết sớm, nhà đông anh em, mẹ ốm yếu, chàng đã phải thay cha trông coi xưởng mộc nhỏ ông để lại để nuôi đàn em nên người. Nhưng cũng có lẽ vì cuộc đời lý tưởng của chàng được mô tả trong nguyên tắc và triết lý sống này vào khoảng 3 năm sau cùng của cuộc đời: con cáo (còn) có hang, chim trời (còn) có tổ, nhưng ta không (có) một chỗ gối đầu. Chẳng phải vì chàng không có một cái gối để nằm, nhưng không có chỗ nào chàng gối đầu thường xuyên trong cuộc đời, nhiều nơi chàng đi qua một lần mà không bao giờ trở lại, có khi về lại đôi lần nhưng chẳng cùng một giường chiếu ấy. Người ta sau này nhận định rằng cuộc đời của chàng bắt đầu từ một đầu đường, tiếp tục trên đường và chấm dứt ở cuối đường. Chàng đã sống một đời cho người khác, không cho mình. Chẳng có nơi nào nói rằng chàng quá lo nghĩ đến việc tìm kiếm sinh kế cho mình khiến phải trằn trọc thâu đêm, và điều ấy khiến chàng già hơn tuổi. Chàng còn là một… lãng tử lang thang, bụi đường có lẽ khiến chàng thêm nét phong trần. Chàng sống nghèo để đến với người nghèo (chẳng bao giờ Starbucks hậu hĩnh như kiểu đán bây giờ), có khi chàng phải ngồi nghỉ bên một bờ giếng vì mệt và khát nước, gặp một người phụ nữ tránh nguời vì đời sống đạo đức bất xứng, đến múc nước vào giữa trưa vắng vẻ, để từ đó giúp bà ta vượt qua sự tủi hổ, mà trở lại cuộc sống bình thường của một con người.

Chàng đã có mặt trên trái đất rất lâu nhưng tôi không hề biết. Thậm chí tôi chẳng biết gì nhiều về chàng cho đến những năm sau 1975. Chàng trước đó thì hầu như quá nhạt nhòa, có một người quen của chàng học chung lớp với tôi, thỉnh thoảng có nói về chàng cho tôi nghe (không phải, cho cả một đám chúng tôi), nhưng thú thật là không có chút ấn tượng nào, hoặc giả là không ấn tượng cho một tâm hồn vốn đã nhạy cảm (hơn người khác) Tôi lúc đó còn mênh mang đi tìm những cái như là vàng rơi vàng rơi thu mênh mông kia, hay chí ít cũng là nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu, chứ một khuôn mặt nghiêm nghị luật pháp và những lời nói toàn nguyên tắc thật sự là không quyến rũ chút nào. Tôi thỉnh thoảng thấy chàng đâu đó, có thể là trên cây thánh giá trên nóc một thánh đường mà tôi thỉnh thoảng đi qua, nhưng chàng là của một đám đông nhỏ trong một đám đông lớn, không của tôi.

Người ta nói là chàng từ trên trời rơi xuống, nơi chàng rơi xuống là một thị trấn nhỏ của Do Thái, một xứ Trung Đông nhỏ bé như một con chuột nhưng có sức mạnh của một con sư tử, vào một đêm mà bây giờ người ta còn bàn cãi là mùa nào, vì chẳng có một chi tiết nào trong quyển sách nói rằng đêm đó là một đêm mùa đông phủ đầy tuyết trắng, nếu là một đêm đông tuyết trắng thì làm sao mà những người chăn chiên có thể ngủ ngoài đồng không mông quạnh, và ánh sáng của thiên thần làm sao chói sáng trong một bầu trời toàn trắng, nghe có vẻ như một chuyện cổ tích. Nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng, nó như một cái background làm nổi bật tấm hình chính là đứa bé nằm trong một máng cỏ của một chuồng chiên. Đứa bé lớn lên thành một thiếu niên trong một ngôi làng nhỏ, phụ cha làm nghề thợ mộc nuôi mẹ và các em, rồi năm ba mươi chàng từ giã ngôi làng nghèo để làm một cuộc viễn du theo ý nguyện đã định trước. Điều ấy là có thật.

Những năm ở trong một quận lỵ xa xôi của một miền cao nguyên đìu hiu, như là cuối năm nằm trong rừng núi thẳm, xa lắc rồi em những mộng xưa, lòng ta tan nát như chai vỡ, quận lỵ tàn đông khói mịt mù (thơ của Vũ) Có đôi lúc tôi muốn đi tìm cái gì đó để thoát ra cái ủ dột u buồn của một thanh niên trót sinh nhằm thời chiến, sinh nhầm thế kỷ (Vũ Hoàng Chương) Thật ra thì thi nhân nói… quá lời đấy thôi, vì vốn dĩ tâm hồn nhạy cảm hơn người khác, lúc nào cũng than than trách phận, chẳng bao giờ vừa lòng… Đôi lúc tôi nghĩ đến chàng, như một giấc mộng toàn hảo, tôi chỉ đoán thế chứ chưa hề biết. Đó là một lần đi theo người bạn gái (bạn là con gái) đến nhà thờ Công giáo giữa thành phố sương mù nghe người ta hát Cao Cung Lên từ bên trong, cảm giác một cái gì đó siêu phàm. Nhưng rõ ràng là tôi chưa thật sự muốn thoát, tôi vẫn thấy mình thích ngồi trong bóng khói mịt mù của chinh chiến, những đám sương mờ của không gian nguyên sơ, mầu vàng cháy của hoa dã quỳ tháng mười một, và làm thơ để dìm mình vào trong bóng khói thuốc mờ ảo, mầu nâu đậm đặc của cà phê. Và nhìn mưa bay. Đấng Tạo Hóa, tạo dựng mỗi con người sự khác biệt chi tiết, đã tạo nên tôi như vậy, thì tôi chịu vậy. Nhưng cũng chính là điều ấy, đã mở cho tôi một con đường đi vào cái thế giới bát ngát của lý tưởng sau này. Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến hay ngờ đến việc mình sẽ là ai, làm gì sau này. Một người với dòng máu văn nghệ viễn du thường mơ mộng, những mơ mộng quá sức, vượt qua tất cả những rào cản của nền nếp, chẳng ai cầm giữ được.

Tôi có thoáng nghĩ tới chàng, vào những ngày đầu tháng tư 1975, khi quê hương chinh chiến đang đi đến giai đoạn kết thúc một cách đột ngột. Chúng tôi đã nghe rằng thành phố Ban Mê Thuột đã mất vào tay những người lính Bắc Việt, và thành phố Pleiku nơi tôi đang dạy học đã trở thành một ốc đảo bị cô lập hoàn toàn, không một con đường nào có thể đi ra hay đi vào thành phố sương mù này, ngoại trừ đường bay. Sự việc nó trở thành một Ban Mê Thuột tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian. Thời gian đó đã đến sau một tuần lễ, khi cơn bão đã nổi lên với tốc độ dữ dằn, thì nó càn quét hết tất cả những thứ gì làm vướng chân nó trên con đường mà nó đi qua. Buổi sáng hôm ấy, sương khói không mịt mù nơi quận lỵ tàn đông, nhưng là lửa khói mịt mù ngay trong thành phố. Tôi cùng vài người bạn cùng dạy học chạy theo đoàn người di tản, người và lính, và xe tăng mở đường. Khi bám mình đu đưa toòng teng trên chiếc xe tải, trong cái không gian vẫn còn se lạnh những ngày đầu xuân, và hoa dã quỳ hai bên đường ám đầy khói bụi, tôi thoáng nghĩ đến chàng, mà lúc ấy, giống như là một lá bùa hộ mạng, như hầu hết mọi người, khi trong cơn nguy khốn thường kêu cầu một Đấng tối cao, tôi cũng lầm thầm nơi cửa miệng. Xin Trời cho con về với gia đình bình an. Tôi đã chạy 13 ngày trong rừng, trên sông, qua núi, và cho đến bây giờ, bắt buộc phải tin rằng – vì nó quá rõ ràng – tôi đã về với gia đình bình an, để rồi sau đó tiếp nối những ngày tháng địa ngục, để rồi sau đó nữa, trở lại một thiên đàng đúng nghĩa, vì một sự chở che vô hình của người mà tôi đã kêu cầu trong lúc tuyệt vọng, đó là chàng. Tôi đã chạy trên những xác người, chạy bên cạnh những người cùng đang chạy với mình mà chỉ vài phút sau họ đã trở thành những xác người. Bây giờ khi ngồi đọc lại những trang sách của chàng, thì tôi chẳng hồ nghi gì nữa: Chàng đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở. Chàng đã có một chương trình dành sẵn cho tôi, nên cho tôi vượt qua những sự chết cận kề bên mình trên đoạn đường máu lửa ngày ấy, mà ngày ấy tôi nào biết.

Sau năm 1975 tôi thực sự chìm vào trong một đám khói mù dầy đặc. Từ một thư sinh, từ một thầy giáo, tôi trở thành một nông dân. Bút viết quăng hết, cầm cuốc thay thế. Điều đó tôi còn khả dĩ chịu đựng được. Nhưng điều khó hơn là bị hạ nhục bởi những người không đáng làm nhục mình (đó là hồi đó tôi suy nghĩ thế) Điều này thì tôi chưa hề chuẩn bị. Thế nên tôi bị trầm cảm. Tôi đã nhiều lần nghĩ đến sự chết, người ta nói rằng mọi hành động đều bắt đầu từ một suy nghĩ, và nuôi cho ý nghĩ ấy lớn dần thêm. Nó lớn đủ thì nó nổ. Trong hoàn cảnh ấy, tôi lại nghe tin những người bạn thân thiết đã tự hủy diệt mình bằng nhiều cách để không sống với những người mà họ không muốn sống với, một người đã treo cổ. Khi tôi nghe đến tin ấy thì đi ra biển, nhà gần biển, gần như sát biển, nhưng là một biển ngoại ô, xa và nghèo, không phải là một bãi biển đẹp đẽ. Tôi đã đứng trước biển một lúc rất lâu, sóng đánh những đám rác tấp vào chân tôi, nhìn ra xa khơi, lần đầu tiên tôi nghĩ về chàng cách khác hơn. Phải chăng chàng có thật như nhiều người nói. Tôi còn nhớ trong lòng tôi lúc ấy gợn lên một xúc cảm đau buồn, và nói rằng: nếu có thật, xin Ngài cho con sống mạnh mẽ hơn. Con không muốn chết. Con muốn sống. Chàng đã đến bên tôi, trên bãi biển đầy rác và mùi hôi của những con cá chết. Tôi không thấy, nhưng cảm giác một sự an ủi dịu dàng. Một lần nữa vào buổi trưa trên đồng hoang vắng người, tôi đứng chống cái cuốc trên sườn đồi ngó xuống dòng sông đang chảy và có cái khát khao mãnh liệt muốn nhảy xuống. Bây giờ nghĩ lại tôi tin là chàng đã đến bên tôi và nắm… chân tôi giữ lại khi để cho hình ảnh người vợ trẻ và đứa con thơ dại hiện lên trong trí. Chàng có lẽ đã nói với tôi câu này:

đán, bạn chẳng có thể chết được đâu, bạn còn có nhiều việc phải làm.

Tôi nghe tiếng nói ấy như từ trong một giấc mộng. Giấc mộng tan biến rất nhanh, tôi cũng mơ hồ chưa nhận ra tiếng nói ấy của ai, từ đâu. Nhưng suy nghĩ về một sự tự hủy không còn nữa. Tôi tập sống trở lại dù nhiều lần bị quăng vào lòng biển, nhưng hết sức ngoi lên, vùng dậy, chen ra. Mà sức lực con người cũng kỳ diệu lắm, dù chỉ là một cây sậy, nhưng rõ là một cây sậy có tư duy, và trong sâu thẳm tâm hồn, có một sức mạnh tâm linh tiềm ẩn, nằm đấy, nhưng khi cần có thể ngoi dậy, chồm ra, chiến đấu, rồi chiến thắng. Tôi trải qua nhiều giai đoạn lên xuống như vậy cho đến lúc gặp chàng. Tôi thật ra có nhiều cơ hội để gặp chàng, nhưng cuộc sống buồn tẻ, nghèo khổ làm tôi thu mình lại, rút mình thêm, vào trong cái vỏ ốc chết, không mong muốn, mong ước gì cả ngoài việc hai bữa ăn hàng ngày để tồn tại và hết sức dành dụm chút chút để có thêm một ly cà phê buổi sáng, thứ đam mê nẩy sinh từ những nỗi buồn, và thuốc lá.

Không chờ tôi nữa, chàng đến với tôi, một buổi sáng mùa hè. Nơi chàng đến là một căn phòng kho cuối dãy nhà bị bể vỡ hai phía và người ta dùng làm bếp tạm, ám đầy khói. Tôi đang ngồi trong bếp, tay cầm que khều than trong lò, tay kia cầm gói thuốc. Thình lình tôi nghe chàng nói: Quăng gói thuốc đi. Tôi quay nhìn chẳng thấy ai, nhưng tôi quăng gói thuốc lá vào trong bếp, đi lên nhà trên, quên rằng mình đi xuống bếp khều than ra để mồi điếu thuốc.

Ngày hôm đó trôi qua như mọi ngày bình thường. Chỉ có một điều bất bình thường là tôi không hút thuốc mà cũng không nhớ. Nhiều ngày như thế trôi qua mà tôi không còn cầm lại điếu thuốc nữa. Sau đó có khi tôi nghĩ đến nó nhưng sự suy nghĩ không làm ray rứt nữa. Bây giờ tôi chuyển sang một sự ray rứt mới. Ray rứt vì một cái gì mới mẻ hình như là tình yêu. Tôi đã thấy chàng, và tình yêu ấy bắt đầu như một phím đàn buông, rơi nhẹ trên nền gạch hoa.

Tôi bắt đầu đọc chàng, nghĩ rằng phải thật sự có một cái gì đó mà mình chưa biết. Tôi thấy chàng đẹp trai như cách mà tôi suy nghĩ, một vẻ đẹp thơm mùi hoa tường vi hay huệ trắng bên trong tâm hồn. Tôi cũng bắt đầu nói chuyện với chàng. Thưở ban đầu chưa định nghĩa được, mà cũng chưa xác nhận được tình yêu, thì chỉ là những câu nói như thế này.

Đây là chàng nói, như chân lý: chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình…Bạn là bạn của tôi, và tôi sẵn sàng hy sinh mình cho bạn

Và tôi trả lời: đán hoàn toàn đồng ý với bạn, chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. Cám ơn bạn đã nói với tôi một lời tuyệt đối kỳ diệu như vậy, điều mà không phải ai cũng có thể nói được.

Ngày qua ngày, khi đã thân nhau hơn, tôi thầm nghĩ rằng cái đoạn người ta mô tả về dung nhan chàng thật sự là không phải. Đúng là dung nhan chàng nhưng đó là cái dung nhan của một bông hoa tan nát trong gió đông, mô tả chàng trong thời gian chàng đang bày tỏ tình yêu mình trước tòa án, trước những lời kết án vô căn cứ, và sự tấn công hèn nhát vào một người không thể tự vệ. Chàng bị bầm dập vì chính những điều chàng bày tỏ: phó sự sống mình. Chàng bị tàn phá bởi những lời rủa sả tàn nhẫn và những dụng cụ tra khảo. Và ngay cả những lời nói phản bội của những người bạn luôn miệng nói yêu chàng. Điều này có nghĩa gì đâu. Chàng chẳng cần là một người đàn ông đẹp trai, vì một vẻ đẹp trai hào nhoáng bên ngoài chẳng nói được gì so với vẻ đẹp bên trong tâm hồn, nhất là với một trái tim đầy ắp yêu thương. Vào một buổi sáng mùa xuân, tôi nhớ thế, vì khí trời ấm áp dịu dàng khi hai người đàn ông đạp xe đạp ra biển, tôi nghe tiếng nói: tôi yêu bạn, bên vành tai còn nóng. Lời tỏ tình đột ngột kinh hoàng. Tôi quay lại, chỉ nghe tiếng gió, người đàn ông bên cạnh không có vẻ gì đã nói câu nói ấy, vẫn lẳng lặng đạp xe, mắt nhìn về phía trước. Tình yêu là một cái gì muôn đời, mà muôn đời bất cứ ai nghe cũng cảm thấy rung động.

Tôi hỏi: ai đã nói yêu tôi vậy?

Tiếng trả lời: tôi đây, người đã biết bạn từ trong lòng mẹ và có sẵn một kế hoạch cho đời sống bạn.

Tôi lại ngớ ngẩn: ai mà ghê gớm vậy?

Người đã bị đóng đinh trên thánh giá, tiếng thở dài khuất vào tiếng sóng trên bờ biển trước mặt.

Người đã yêu tôi thật chăng, điều gì minh chứng điều ấy?

Hãy tin tôi, rồi bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi của bạn.

Tôi đã đi đến cái ngõ hẹp cuối cùng của con đường không còn lối ra nữa, trước mặt tôi là một bức tường, bên kia là biển. Chàng đứng giữa khoảng ngăn cách của tường và biển. Tôi còn chọn lựa nào khác? Tôi biết là mình không thể lao vào bức tường. Khi tôi thả mình ra rơi vào vòng tay chàng, tôi nghe tiếng sóng biển. Tiếng sóng biển ấy theo mãi những bước đường tôi đi, nhất là vào những đêm khuya khi không còn ai nữa, thì tiếng sóng biển vẫn vọng về. Dường như chàng đang ở trong sóng biển, đứng trên đầu những ngọn sóng, mắt chàng nhìn tôi xuyên qua tiếng sóng.

Từ ấy, tôi khám phá ra rằng người bạn tôi, chàng, có nhiều điều kỳ thú hơn tôi nghĩ. Trước đây tôi chỉ đi tìm một cái gì đó để thoát ra, nhưng bây giờ tôi được nhận thêm vào. Nghĩa là tôi có gấp hai lần điều tôi ước ao. Chàng nói: theo tôi đi, tôi sẽ chỉ cho bạn một việc làm mà có lẽ bạn chưa từng nghĩ ra trong đời, nhưng tôi tin là thích hợp với bạn, là tất cả con người của bạn, bạn chẳng những là đi, bạn sẽ chạy, thậm chí bạn sẽ bay.

Trong vòng tay bằng hữu, tôi cảm thấy mình được che chắn bởi một con đê dày gấp nhiều lần những con đê chắn sóng ở Hòa Lan, nơi mặt đất thấp hơn mặt biển, và người ta cần những con đê che chở.

Cuộc tình chúng tôi chẳng phải lúc nào cũng êm đềm. Chàng êm đềm nhưng cũng có khi dữ dội. Chàng chẳng phải lúc nào cũng chìu theo những cái ngang ngạnh dị hợm của tôi. Chàng nói rằng yêu tôi nhưng chàng cũng cảnh cáo tôi. Tôi lại vốn là một đứa trẻ đã già, hay như một lão già mà vẫn còn trẻ, người rất mực nghiêm chỉnh đôi khi, nhưng đôi khi cũng… táo tợn như một người còn trẻ, vốn không muốn yên thân trong những hàng rào gỗ, lại muốn vượt rào để tìm chút cảm giác của một cuộc vượt rào. Tôi giống như là một đứa trẻ ham chơi, mà chàng là bạn, nhưng đôi khi cũng như một người cha nhân từ nghiêm nghị. Chàng nói:  tôi yêu nên tôi trách phạt, như tình yêu chân thật của một người cha đối với con mình. Ngày kia, trong lúc vui chơi quá đà, tôi đi vào môt khu rừng thưa mà sau lưng là biển, trước khi đi tôi đã nghe chàng cảnh cáo: đừng đi, tôi vẫn đi, rơi chân vào một vũng bùn, không có ai ở bên cạnh tôi hết, một mình tôi chiến đấu với một chân lún sâu trong bùn, chân kia sắp gãy. Chiều buông rơi những tia nắng cuối le lói trên mặt biển xa, thậm chí tôi chẳng hề nhớ tới người bạn yêu dấu của mình, tôi chẳng gọi chàng, tôi thật sự không dám gọi chàng, vì tôi đã làm ngược lại lời chàng. Tôi lặng lẽ tự chiến đấu với mình trong tuyệt vọng, đau khổ, tôi không dám nhớ những câu nói của chàng khi chúng tôi bên nhau: đừng bao giờ tuyệt vọng, bạn luôn luôn có hy vọng, khi biết mình không thể chống lại, tôi tự hỏi sự hy vọng đó ở đâu, có đến cho tôi bây giờ không.

Chỉ còn giây phút nữa thôi, chiều sẽ tắt. Đêm sẽ tới, và đêm sẽ phủ kín đời tôi. Tôi sẽ chết, hay ít nữa cũng sẽ sống như người đã chết. Trong giây phút đó, trong trí óc đã cạn nhẵn của tôi le lói chút ánh sáng tàn, tôi muốn thử nghiệm tình yêu chàng, người đã hứa một lời như đinh đóng cột rằng: tôi đã yêu bạn thì sẽ yêu cho đến cuối cuộc đời, tôi nhắm mắt,

xuôi chân, tôi gọi: bạn ơi. Và trong đôi mắt nhắm tôi lại thấy chàng, đứng đó từ khi nào, với đôi mắt Do Thái buồn bã đậm mầu, đó chính là niềm hy vọng mà tôi vừa nhớ ra trong lúc tuyệt vọng. Chàng nói: tôi đây, rút chân ra đi bạn, và trở lại. Tôi bứt rứt: tôi không thể. Chàng nói: bạn có thể. Tôi thở dài: tôi không… Chàng nói: bạn không tin là tôi yêu bạn sao. Tôi ngước nhìn lên bầu trời sắp chuyển sang màn đêm: còn một tình yêu như thế cho tôi sao. Chàng nói: nó đã, nó đang, và nó sẽ, cho đến chừng nào trái đất này không còn. Tôi khó nhọc rút chân ra khỏi vũng bùn, lạ thay không bởi sức lực tôi, mà bằng chính những lời yêu của chàng. Tình yêu ấy cho tôi sức mạnh để rút chân ra khỏi vũng bùn. Tôi khóc: bạn vẫn còn yêu ngay cả khi tôi không nghe lời bạn. Chàng nói: sao lại không. Miễn là bạn đã nhìn ra điều đó. Khi tôi nhớ lại điều này, thì trước mắt tôi hiện lên hình ảnh một người đàn ông Do Thái khoảng trên ba mươi, nụ cười hiếm hoi thường nhếch trên đôi môi bạc phếch cát bụi Trung Đông, vạt áo dài lếch thếch trên cỏ úa, nhưng đôi mắt nhân từ và yêu dấu không xiết kể.

Tôi sẽ không nói nhiều về việc chàng đã đưa tôi đến Hoa Kỳ, không bằng cách vượt biển như bao người, mà bằng máy bay. Câu chuyện đó là cả một chuyện dài mà tôi đang tập tễnh viết lại. Trải qua bao nhiêu năm, chàng đã đưa tôi đi từ nơi này đến nơi khác, có những nơi ở lâu dài, những nơi ở thoáng qua, có nơi chỉ đặt chân đến, chỉ vừa kịp thoáng nhìn chiều, những nơi mà tôi không bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ đặt chân đến. Chàng cũng đi theo tôi trên những đoạn đường ấy, khi vui lúc buồn, nhưng trong những nỗi buồn mênh mang của người có tâm hồn ủy mị sầu não, chàng ôm tôi trong vòng tay chàng và hôn tôi bằng cái hôn của miệng chàng

và trải qua ngần ấy thời gian, tình yêu giữa chúng tôi vẫn chắc chắn như sợi dây thừng thắt ba tao khó đứt. Làm sao mà tình yêu ấy có thể phai nhạt được? Tôi vẫn còn nhớ lời chàng nói ngày nào trên bãi biển hoang vu: đán, bạn chẳng có thể chết được đâu, bạn còn có nhiều việc phải làm… Tôi có nhiều việc phải làm thật, và nhờ chàng, tôi làm được vài điều ra hồn. Những buổi sáng thức dậy một mình trên giường, khi còn mở miệng được tôi vẫn quen thói gọi: bạn ơi, bạn còn đó không, cho dù đã như một ly cà phê gần cạn. Và bao giờ tôi cũng nghe lại đúng một lời nói ấy: tôi đây. Tất cả mọi thứ mà bạn thấy ngày hôm nay đều sẽ qua đi hết, nhưng tình yêu này sẽ luôn còn. Chàng luôn luôn là một hiện hữu ân cần cho tôi, còn tôi nguyện làm một chiếc bóng lẽo đẽo theo chàng.

Sáng nay tôi đã định ngưng viết. Cuối thu làm lòng tôi se lạnh. Tôi muốn đi nghỉ. Đi nghỉ một chút để chuẩn bị cho những ngày tới. Tôi đang ở trong một chiếc thuyền, một du thuyền, với đủ tiện nghi vật chất và cả hạnh phúc tâm hồn. Nhưng thình lình tôi nghe tiếng chàng nói: Hãy ra khỏi du thuyền. Ra khỏi, rồi đi đâu, sống thế nào, tôi ngơ ngác hỏi. Bạn đã nghĩ đến việc ra khỏi chiếc du thuyền để bắt đầu dấn thân vào những vùng biển bao la hoang dại của văn chương chỉ với một con thuyền, đầy thách thức nhưng đầy thú vị chưa? Đây có phải là điều bạn ao ước, rất thầm kín, từ bao năm? Đi đi, tôi sẽ đi cùng bạn.

Ly cà phê chỉ còn vài giọt ở dưới đáy, nhưng là những giọt đậm đặc. Tôi chỉ là vài giọt cà phê, nhưng đã cô đặc lại qua thời gian, và những giọt cà phê cô đặc cũng có thể pha chế thêm nhiều ly cà phê khác. Tôi tin và yêu chàng, như đã tin và yêu nhiều chục năm, yêu trong cả nụ cười và nước mắt. Tôi nói: được rồi, tôi sẽ bước ra khỏi chiếc du thuyền.

Đi theo tôi, chàng ơi.

trần nguyên đán

 

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn