Sáng nay nhận được tin nhắn trong messenger từ một người trưởng thành – nội dung tin nhắn có nhiều điều được trao đổi khá thú vị. Vậy là nhớ đến ý tưởng này của một tiền bối:
“Hãy nhìn quanh thế giới mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng và bạn sẽ tin rằng Ngài yêu thích sự đa dạng. Những cộng đồng đức tin tuân thủ luật lệ một cách tuyệt đối đã sản sinh ra những Cơ Đốc Nhân giống hệt nhau, tuy nhiên nơi nào có Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động thông qua Lời Chúa thì nơi đó có sự hiệp một giữa những sự khác biệt.” Warren W. Wiersbe.
Chúng ta nên đọc bài chia sẻ của ông sau đây:
Phao-lô viết cho Hội Thánh Phi-líp rằng: “hãy càng hơn nữa mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình,” Phao-lô nài khuyên Hội Thánh Phi-líp hãy làm công tác mục vụ như thể Đức Chúa Trời đã truyền cho họ chứ không phải bắt chước các Hội Thánh khác. Tuy nhiên, vì Hội Thánh được hình thành từ những cá nhân nên lời khuyên răn của Phao-lô cũng được áp dụng cho từng người một, đồng thời lời khuyên dạy này cũng mô tả một cách tuyệt vời về đời sống và chức vụ của Ê-li-sê. Việc tiếp nối vị trí của một tiên tri lớn như Ê-li không hề dễ dàng, nhưng Ê-li-sê đã làm được. Không phải người kế nhiệm nào cũng thành công, chính vì thế chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Ê-li-sê và khám phá những điều thiết yếu để thành công trong cuộc sống và mục vụ.
CHÚNG TA CẦN CAN ĐẢM ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH
Người thầy của Ê-li-sê, tiên tri Ê-li, là một người có tính cách mạnh mẽ, và bởi vì Ê-li-sê đã cùng sống và phục vụ thầy mình trong khoảng mười năm nên dù cố tình hay vô ý Ê-li-sê rất dễ trở nên một tiên tri nóng cháy. Tuy nhiên ông chọn là chính mình. George W. Truett viết rằng: “Ê-li-sê có một tính cách khác biệt. Ông không phải một người bắt chước. Ông không phải là một tiếng vọng. Ông giữ vững cá tính không thay đổi của mình.”[1]
Một điều rất đáng khích lệ đó là những tính cách trong Kinh Thánh rất đa dạng. Chúa là “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp” (Xuất 3:6) – ba người với những tính cách khác nhau nhưng đều là người tin Chúa và hầu việc Ngài. Khi Đức Chúa Giê-su chọn mười hai môn đồ, Ngài cố ý lựa chọn những con người khác nhau: Giăng với một tâm hồn nhạy cảm, Phi-e-rơ bốc đồng, Thô-ma nghi ngờ, và thậm chí là Giu-đa bất trung. Hãy nhìn quanh thế giới mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng và bạn sẽ tin rằng Ngài yêu thích sự đa dạng.
Những cộng đồng đức tin tuân thủ luật lệ một cách tuyệt đối đã sản sinh ra những Cơ Đốc Nhân giống hệt nhau, tuy nhiên nơi nào có Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động thông qua Lời Chúa thì nơi đó có sự hiệp một giữa những sự khác biệt. Ê-li là một người thích ở riêng một mình, nhưng Ê-li-sê là một người cần được ở cùng những người khác. Để lắng nghe tiếng Chúa, Ê-li đi vào một cái hang, còn Ê-li-sê thì gọi một người hát rong và chờ đợi Chúa phán cùng ông. Ê-li từ giã trần gian một cách đầy ấn tượng trong cơn gió lốc, nhưng Ê-li-sê đơn giản chỉ qua đời và được chôn cất (Về sau, người ta quăng một người chết vào mộ của Ê-li-sê và xác chết đã sống lại.) Cả Ê-li lẫn Ê-li-sê đều độc đáo, cá biệt, và cả hai đều hoàn thành công tác Chúa. Mục vụ của Ê-li gắn liền với bão tố, lửa từ trời và động đất, nhưng công tác của Ê-li-sê thì giống như tiếng nói nhỏ nhẹ.
Nếu chúng ta cùng bước đi với Đức Chúa Giê-su trong đức tin, chúng ta sẽ trở nên giống Ngài càng hơn, tuy nhiên chúng ta vẫn là chính mình và hoàn thành mọi công tác mà Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện. Tại sao phải trở thành một bản sao trong khi chúng ta đều có thể là một bản gốc? Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi một người đều khác biệt (Thi 139:13-16), Ngài đã cứu mỗi một người trong chúng ta, và Ngài vẽ cho mỗi chúng ta một hành trình đức tin riêng (Ê-phê-sô 2:10). Hãy can đảm để trở thành chính mình, và cùng nhau chúng ta sẽ dâng vinh quang cho Đức Chúa Cha. Vâng, có những nguyên tắc, quy tắc thuộc linh áp dụng cho tất cả mọi người và chúng ta không muốn trở thành người nổi loạn kỳ dị, nhưng công tác mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong và qua chúng ta đó là một công tác độc nhất cho mỗi một cá nhân.
CHÚNG TA CẦN VÂNG THEO SỰ KÊU GỌI CỦA CHÚA (1 Các vua 19:19-21)
Cũng như bao nhân vật khác trong Kinh Thánh chẳng hạn như: Môi-se, Ghê-đê-ôn, Đa-vít, Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng; Ê-li-sê được Đức Chúa Trời kêu gọi khi ông đang làm việc. Ê-li-sê là người cuối cùng của một nhóm gồm mười hai người đang cày ruộng của cha mình. Điều này cho chúng ta thấy cha của Ê-li-sê là một người khá giả và ông đã dạy con mình biết tầm quan trọng của việc chăm chỉ lao động. Các Ra-bi từng nói rằng: “Người nào không dạy con mình làm việc thì dạy cho chúng biết trộm cướp.” Các Ra-bi có được lời dạy trên là từ Châm ngôn 18:9: “Kẻ thả trôi trong công việc mình, cũng là anh em của kẻ phá hại.” Kinh Thánh không dành một lời tốt nào cho những kẻ lười biếng.
Khi được Đức Chúa Trời kêu gọi một cách đầy bất ngờ và đột ngột, Ê-li-sê đã hoàn toàn dừng lại những công việc trong quá khứ để đi theo Ê-li mà không hề có ý định thoái lui. Ngày nay chúng ta gọi hành động này là “qua sông đốt cầu,” Ê-li-sê đã đốt chiếc cày của mình, ta cũng thấy hình ảnh tương tự khi các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Giê-su đã bỏ thuyền và lưới cá của họ lại để đi theo tiếng gọi của Chúa. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:62).
Từ sự kêu gọi của Ê-li-sê trong 1 Các vua 19 đến sự rời đi đột ngột của Ê-li trong 2 Các vua 2, tên Ê-li-sê không được Kinh Thánh nhắc đến! Từ địa vị là con của một địa chủ giàu có, Ê-li-sê trở thành đầy tớ của một tiên tri kỳ quặc, còn tên của ông thì vắng bóng trong sách sử. Ê-li-sê khởi đầu là một đầy tớ nhưng kết thúc là một lãnh đạo (Ma-thi-ơ 25:21), đây là một khuôn mẫu mà Chúa thường dùng để huấn luyện những tôi tớ của Ngài. Tuy nhiên điều quan trọng đầu tiên đó là vâng theo tiếng gọi của Chúa.
Translated by Vinh Tuong
Nhiều năm qua, tôi có cơ hội dạy Kinh Thánh cho nhiều người trên khắp thế giới. Bởi chỉ có thể nói tiếng Anh nên tôi thường làm việc với thông dịch viên, người có thể nắm bắt những lời từ tấm lòng tôi và dịch chúng thành ngôn ngữ của người nghe. Việc truyền đạt hiệu quả phụ thuộc trực tiếp vào kĩ năng của những thông dịch viên này. Dù đó là Inawaty ở Indonesia, Annie ở Malaysia hay Jean ở Brasil, họ đều bảo đảm rằng ý nghĩa những lời tôi nói được diễn đạt rõ ràng.
Việc dịch thuật này tựa như một khía cạnh trong công việc của Chúa Thánh Linh trên đời sống của con cái Đức Chúa Trời. Trong khi cầu nguyện, chúng ta thường không biết nên cầu nguyện như thế nào (Rô. 8:26) và câu 27 khích lệ chúng ra rằng: “Đấng dò xét lòng người, biết rõ ý tưởng của Thánh Linh, vì Thánh Linh theo ý muốn Đức Chúa Trời mà cầu thay cho các thánh đồ”. Khi chúng ta đến với Cha Thiên Thượng trong sự cầu nguyện, Chúa Thánh Linh giúp đỡ chúng ta bằng cách truyền đạt lời cầu nguyện của chúng ta theo ý muốn tốt lành mà Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời chúng ta.
Một sự dự bị tuyệt vời! Chúa không chỉ muốn chúng ta chia sẻ lòng mình với Ngài, Ngài thậm chí còn cung cấp cho chúng ta một thông dịch viên vĩ đại nhất để giúp chúng ta cầu nguyện. Chúng ta được bảo đảm rằng những lời cầu nguyện của mình sẽ không bao giờ bị sai lạc qua quá trình truyền đạt. –
Bill Crowder
Cảm ơn Cha về sự ban cho Thánh Linh Ngài. Con biết ơn vì khi con cầu nguyện, con có thể yên nghỉ trong sự giúp đỡ của Ngài để biến những lời cầu nguyện của con trở nên phải lẽ. Xin dạy con nương cậy nơi sự hiểu biết trọn vẹn của ý tưởng Ngài.
Sự dự phần của Chúa Thánh Linh đảm bảo rằng lời cầu nguyện của tôi đúng với mục đích của Đức Chúa Trời.
THI VỊ HÓA LỜI CẦU NGUYỆN. TẠI SAO KHÔNG?
🙂
TÔI CẦU CHO ANH (III Giăng 2)
–
TÔI chúc cho anh những ngày sẽ tới
TÔI chúc cho anh những ngày sẽ tới
CẦU nguyện kiên trì không bỏ cuộc đua (Hê-bơ-rơ 12:1)
NGUYỆN xin Thiên Chúa gia ân
CHO anh sung mãn mọi ơn trong Ngài (Giăng 10:10b)
ANH ơi dù có thế nào
ĐƯỢC thua hay mất vững vàng bước đi
THẠNH suy có lúc có thì (Truyền 3:2)
VƯỢNG hưng cũng thế không gì khác đâu
TRONG Christ hẳn có khó khăn (Công vụ 14:22)
MỌI sự cam chịu yêu thương làm đầu (1 Cô-rin-tô 13:13)
SỰ đời còn lắm nhiêu khê
VÀ anh phải nhớ thập hình ai mang
ĐƯỢC rồi thôi khỏi lo toan
KHỎE vui nhờ Chúa dẫn đưa mọi đường (Thi 37:5)
MẠNH lên đừng có yếu hèn (Ê-phê-sô 6:10)
PHẦN anh cơ nghiệp hiển vinh muôn đời (1 Phi-e-rơ 1:4)
XÁC thân rồi cũng mỏi mòn
ANH hùng có lúc không qua ải này (2 Sa-mu-ên 11:3)
CŨNG thì một kiếp rong chơi
NHƯ người lữ khách đêm đông không nhà (Hê-bơ-rơ 11:13)
ĐÃ về tới bến còn xa?
ĐƯỢC như Hê-nóc thì ai sánh bằng? (Sáng thế ký 5:24)
THẠNH suy chỉ tại lòng ta
VƯỢNG hưng chợt tắt mấy ai dám ngờ (Ê-sai 19:5)
VỀ kia thành phố trên trời (Khải 21:2)
PHẦN đường trải thảm toàn vàng pha lê (Khải 21:21)
LINH ân Chúa đã ban rồi
HỒN ai nấy giữ coi chừng trượt chân (Ê-xê-chi-ên 18:4)
ANH ơi nhớ mấy câu này
VẬY là vui hưởng bình an mỗi ngày
tường vi