Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Thần Học Cơ Đốc

Thần Học Cơ Đốc

  1. Kế Hoạch Thần Thượng Cho Số mệnh Con Người

CHƯA CÓ THẾ KỶ NÀO trong lịch sử thế giới phát triển nhanh chóng như thế kỷ hai mươi. Mỗi năm có nhiều tiến bộ khoa học hơn so với các thế kỷ trước đây. Điều tự nhiên là những câu hỏi cổ xưa giờ đây lại được lặp lại với cường độ cao hơn bao giờ hết. Có Đức Chúa Trời không? Ngài có kế hoạch cho tương lai không? Có ý nghĩa cho đời sống không? Chúng ta nên công nhận những giá trị nào của con người là quan trọng?

Hai cuộc chiến tranh thế giới đã xé nát thế kỷ của chúng ta và mang đến những bước phát triển mới đầy ấn tượng. Những thay đổi nhanh chóng trong việc truyền tải kiến thức bằng phương tiện điện tử có tầm ảnh hưởng lớn trên cuộc sống—với sự xuất hiện của điện thoại, radio, TV và máy tính đã chiếm vị trí trung tâm. Giao thông vận tải đã nhanh chóng biến đổi thế giới chúng ta và thay đổi hoàn toàn tính chất của chiến tranh. Sự phát triển của vũ khí hạt nhân hiện đang giam giữ toàn bộ thế giới làm con tin, với viễn cảnh hàng triệu người sẽ bị giết nếu những vũ khí đó được tung ra. Những thay đổi mạnh mẽ này của thế giới đã đặt ra những câu hỏi mới về vận mệnh các sự kiện của nhân loại.

Nhiều câu hỏi về cuộc sống hiện đại xuất hiện với chúng ta khi Iraq, dưới thời Saddam Hussein, xâm lược Kuwait vào tháng tám năm 1990. Nhiều người hỏi liệu cuộc xâm lược này có gây ra ngày tận thế hay không.

Ít người chú ý nhiều đến Kinh Thánh; họ sống như thể Đức Chúa Trời không hiện hữu và như thể không có trách nhiệm giải trình trong tương lai về đời sống họ. Tuy nhiên, bất cứ khi nào có khủng hoảng thế giới, thì họ đều tìm đến Kinh Thánh để xem Kinh Thánh có nói gì về các sự kiện hiện tại hay không.

Trong thần học Cơ Đốc giáo, tiêu chuẩn của bài tín điều khẳng định rằng Chúa Giê-su Christ sẽ tái lâm để phán xét thế giới, cho dù những bài tín điều đó là của Công giáo La Mã, Chính Thống giáo Hy Lạp hay Tin Lành. Mọi tín điều Cơ Đốc đều cho rằng đây là một sự thật theo nghĩa đen. Báo chí thế tục, mặc dù đặt câu hỏi liệu điều này có đúng không, tuy nhiên trong Cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh, các tờ báo dẫn đầu đã đăng các bài viết liên quan đến nó, và đặt câu hỏi liệu nó có phải là dấu hiệu của sự kết thúc thời đại, sự tiến đến gần của trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, và sự tái lâm của Đấng Christ hay không.

Từ Ha-ma-ghê-đôn dùng để chỉ một địa điểm ở miền bắc Y-sơ-ra-ên, trong tiếng Anh có nghĩa là “Núi Mê-ghi-đô.” Nó được hình dung theo lời tiên tri là nơi đặc biệt tập trung của một đội quân lớn vào thời kỳ cuối cùng chống lại Đấng Christ ngay trước khi Ngài tái lâm. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu Cuộc Chiến Vùng Vịnh có phải là sự khởi đầu của trận chiến Ha-ma-ghê-đôn hay không.

Hầu hết các nhà nghiên cứu thông thái sớm nhận ra cuộc chiến này không chính xác như những gì Kinh Thánh báo trước, bởi vì trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ xảy ra ở Y-sơ-ra-ên và Cuộc Chiến Vùng Vịnh lại liên quan đến quốc gia Kuwait. Tuy nhiên, trên toàn thế giới có cảm giác như một cao trào đang xảy đến, nhưng điều này sớm tan biến khi Cuộc Chiến Vùng Vịnh kết thúc.

Tuy nhiên, các sự kiện sau Cuộc Chiến Vùng Vịnh đã khiến thế giới rơi vào tình trạng bất ổn, với việc Syria có được vũ khí đủ khả năng để tiêu diệt hoàn toàn Y-sơ-ra-ên. Iran và Iraq cũng có vũ khí hủy diệt. Chỉ cần xảy ra một cuộc tấn công là có thể đẩy thế giới vào sự hỗn loạn và xung đột nghiêm trọng. Tuy nhiên Y-sơ-ra-ên ở vị thế đối đầu cũng được trang bị vũ khí hạt nhân loại tốt và có thể đáp trả tương đương.

Hoa Kỳ đã hỗ trợ Y-sơ-ra-ên bằng tiền bạc và vũ khí, do đó giúp cho Y-sơ-ra-ên đạt được sự sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự ở mức độ cao. Các nước Trung Đông biết rõ ràng nếu Y-sơ-ra-ên bị tấn công, thì Hoa Kỳ có thể sẽ đến giúp Y-sơ-ra-ên, và hầu hết họ không muốn mạo hiểm đối đầu với một siêu cường lớn. Họ cũng nhận ra rằng một cuộc chiến như vậy sẽ đưa toàn bộ thế giới văn minh đến bờ vực của sự hủy diệt cuối cùng. Những yếu tố này đóng vai trò là những yếu tố răn đe quan trọng, cho dù kho vũ khí ở Trung Đông đủ sức tiêu diệt Y-sơ-ra-ên. Nhưng điều này vẫn làm nổi lên tình trạng căng thẳng của thế giới ngày nay, với nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân với sức mạnh hủy diệt hàng loạt. Vì vậy không dễ dàng gì để dự báo tương lai cho thế giới hiện tại của chúng ta.

Mặc dù một số người đã cố gắng xác định niên đại các sự kiện trong tương lai, nhưng hầu hết những người thông hiểu đều cảm thấy rằng các sự kiện tiên tri, mặc dù có thể sắp xảy ra, nhưng không thể xác định được ngày chính xác. Tuy nhiên, các sự kiện sắp xảy ra sẽ tạo ra căng thẳng và không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra ngay cả trong tương lai gần.

Mặc dù nhiều người dạy về tiên tri đưa ra những dự báo thảm khốc về sự hủy diệt của thế giới, nhưng thực tế là lời tiên tri trong Kinh Thánh không nói rằng thế giới sẽ bị vũ khí hạt nhân hủy diệt hoàn toàn. Sự tàn phá được mô tả trong sách Khải Huyền phần lớn là do siêu nhiên, thông qua động đất, sự hủy hoại của các tầng khí quyển, nạn đói, dịch bệnh, v.v. Rõ ràng Đức Chúa Trời sẽ kiểm soát điều ác trên thế giới cách thích hợp để thế giới không tự hủy diệt trước khi đỉnh điểm của các lời tiên tri được hoạch định trở nên ứng nghiệm.

Mối quan tâm trên toàn thế giới này một lần nữa làm dấy lên câu hỏi thường được đặt ra, Đức Chúa Trời là ai? Và Ngài có kiểm soát thế giới được không? Xét cho cùng, Kinh Thánh là cuốn sách duy nhất thuật lại chi tiết về các sự kiện trong tương lai. Sự mặc khải tiên tri trong Kinh Thánh đã chứng minh khả năng của Đức Chúa Trời trong việc tiên báo hàng trăm sự kiện mà sau này đã được ứng nghiệm theo nghĩa đen. Tất cả điều này dẫn đến kết luận rằng những lời tiên tri khác về các sự kiện trong tương lai sẽ có sự ứng nghiệm theo nghĩa đen tương tự khi chúng diễn ra.

 ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA KINH THÁNH

Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời là đời đời và vô hạn là những thuộc tính trong tất cả các thuộc tính của Ngài. Là Đức Chúa Trời toàn năng thông sáng, Ngài đã tạo ra vũ trụ bao gồm tất cả sự phức tạp của nó. Khi tạo ra thế giới, Ngài đã đặt ra tiền đề cho các hoạt động của con người. Nhưng làm sao Đức Chúa Trời có thể báo trước được điều gì sẽ xảy ra khi sự lựa chọn được phó mặc cho các tạo vật của Ngài? Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời hiểu biết mọi thứ. Sự hiểu biết của Ngài về tất cả các sự kiện là không thể dò thấu được (Êsai. 40:28). Đấng Christ sở hữu “mọi kho báu của sự khôn ngoan và tri thức” (Côl. 2:3). Với hiểu biết về tất cả mọi thứ đối với thực tế hoặc có khả năng thực hiện, Đức Chúa Trời khi tạo ra thế giới biết hết tất cả những gì sẽ xảy ra từ khi Ngài sáng tạo.

Kinh Thánh cũng bày tỏ rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch trong đó Ngài đã xác định tương lai những gì sẽ diễn ra. Với sự hiểu biết về tất cả những gì có thể xảy ra cũng như tất cả sự kiện có thực trong tương lai, Đức Chúa Trời biết trước bất kỳ kế hoạch nào, bất kể chúng chi tiết đến mức nào, và Ngài có thể tiên báo với độ chính xác tuyệt đối không chỉ những gì chính Ngài sẽ làm mà còn những gì sẽ xảy ra theo luật tự nhiên và những lựa chọn của con người. Nhưng làm sao Đức Chúa Trời có thể biết trước được tương lai nếu không kiểm soát nó? Ngài có thể báo trước những lựa chọn mà con người sẽ thực hiện bởi vì Ngài có sự hiểu biết trọn vẹn về những gì mỗi cá nhân sẽ nhận biết và trải nghiệm.

Ví dụ quan trọng nhất về điều này là sự chết của Đấng Christ mà toàn bộ kế hoạch cứu chuộc rất ăn khớp với nhau. Đức Chúa Trời không cần phải đứng bên ngoài và lo lắng liệu Phi-lát có ra lệnh xử tử Đấng Christ hay quân lính có thực hiện mệnh lệnh đóng đinh Ngài hay không. Với sự toàn tri của Ngài Đức Chúa Trời chắc chắn tuyệt đối rằng sự việc này sẽ phải xảy ra. Đồng thời Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về những hành vi trái đạo đức của con người, bởi vì họ tự do lựa chọn mà không bị cảm giác ép buộc từ một đấng cao hơn. Theo đó, mỗi từng lời trong số hàng trăm lời tiên tri đã được ứng nghiệm chính xác như lời Kinh Thánh tiên báo đều minh họa cho thực tế là Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy tất cả các sự kiện trong tương lai chắc chắn được định đoạt bởi loài người.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giải thích những tình huống và hành vi bi thảm trong cuộc sống? Vì Đức Chúa Trời là trọn vẹn, nên Ngài sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch nào nếu trong đó có một kế hoạch tốt hơn. Về mặt con người mà nói, Đức Chúa Trời có thể đã xác định bất kỳ một kế hoạch nào trong số các kế hoạch tốt như nhau. Trong kế hoạch này, thì ông Black được cứu, và trong kế hoạch khác, thì ông Brown được cứu. Vì sự trọn vẹn của Ngài, Đức Chúa Trời luôn phù hợp với bản tính của Ngài là chọn kế hoạch tốt nhất—không thể có kế hoạch nào tốt hơn. Mặc dù trong giới hạn của con người không thể hiểu biết được những bi kịch và sự kiện trong lịch sử là điều có vẻ trái ngược với những gì Đức Chúa Trời mong muốn, nhưng chúng ta chỉ có thể kết luận rằng nếu chúng ta có bức tranh đầy đủ về sự hiểu biết mọi thứ, thì chúng ta sẽ chọn cách thực hiện chính xác những gì Chúa đã hoạch định.

Điều phối viên trưởng của một trạm xe lửa có thể công bố thời gian biểu. Anh ta có thể xác định lịch trình cho thời gian vận chuyển hàng hóa; anh ta cũng có thể xác định lịch trình cho các chuyến tàu chở khách. Lịch trình được công bố và các chuyến tàu chạy như đã định. Nếu người điều phối là người biết mọi sự, có thể biết trước có bao nhiêu hành khách đi mỗi chuyến tàu. Vậy liệu anh ta có biết các chuyến tàu có chạy theo lịch trình hay không. Tuy nhiên, anh ta sẽ không ép buộc bất cứ ai lên tàu. Sẽ có sự chắc chắn mà không có sự ép buộc. Theo cách tương tự, sự lựa chọn của con người theo quan điểm của Đức Chúa Trời có thể được xác định mà không bắt buộc ai phải làm bất cứ điều gì.

Đây là lập luận của Rô-ma 8:28–39. Câu 28 thường được trích dẫn, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ðức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” Sau đó, Phao-lô nói thêm, “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em; còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển” (8:29-30). Sự biết trước của Ngài, cũng như các tín lý về sự lựa chọn và tiền định, đều là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, trong đó bao gồm tất cả các khía cạnh quyết định của con người. Rô-ma 8 kết thúc một cách đắc thắng với tuyên bố rằng không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Ðức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Ðức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta” (8:38-39).

THẨM QUYỀN VÀ SỰ CHÍNH XÁC CỦA SỰ MẶC KHẢI KINH THÁNH

Tuy nhiên, khái niệm về lời tiên tri được ứng nghiệm phụ thuộc vào việc chấp nhận Kinh Thánh như một cuốn sách được soi dẫn siêu nhiên, trong đó Đức Chúa Trời bày tỏ một cách trọn vẹn những gì Ngài muốn loài người hiểu biết. Là sản phẩm của Đức Chúa Trời, nên Kinh Thánh không có sai sót và tuyên bố về lẽ thật có ý nghĩa tuyệt đối và đời đời. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng là một cuốn sách cho con người, được viết bởi con người nên dĩ nhiên là có hạn chế về kiến thức và sự hiểu biết. Đôi khi ngay cả những người viết, được Đức Chúa Trời hướng dẫn, thì chính họ cũng không hiểu những gì mình đã viết. Nói chung, Kinh Thánh không phải là việc đọc cho viết. Nhưng Đức Chúa Trời đã hướng dẫn các trước giả con người để những gì họ viết ra là hoàn toàn đúng sự thật và thể hiện những gì Ngài muốn truyền đạt. Khi viết Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã kết hợp ý muốn thiên thượng và sự biết trước.

(còn nữa)

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn