Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Niềm Tin Minh Họa

Niềm Tin Minh Họa

Nhấp chuột máy tính vào nút tam giác ở trên để nghe Đài nguồn sống.

Lịch sử hình thành Kinh điển Cựu ước

 

Kinh Thánh  không cung cấp cho chúng ta một lịch sử đầy đủ về việc chấp nhận từng sách trong Cựu ước và một danh sách gồm các sách tạo thành kinh điển Kinh Thánh. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì các tác phẩm đã được con dân Chúa công nhận khi chúng được thu nhận. Không cần người lãnh đạo hoặc hội đồng nào làm cho chúng thành kinh điển. Như Dunbar nói, “Không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho quy chuẩn kinh điển của các sách trong Kinh Thánh (tức là quy chuẩn sách đó thuộc về Kinh Thánh).13 Tuy nhiên, chúng ta cần tìm những ví dụ về việc tiếp nhận các tác phẩm kinh điển để minh họa  về sự hình thành kinh điển.

Việc hình thành kinh điển bắt đầu từ các sách của Môi-se, được chứng minh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 24: 3-4: “Môi-se bèn đến thuật lại cho dân sự mọi lời phán của Đức Giê-hô-va và các luật lệ, thì chúng đồng thinh đáp rằng: Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Giê-hô-va phán dạy. Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va.” Sau đó, chúng ta được cho biết rằng “Khi Môi-se chép những lời luật pháp nầy trong một cuốn sách xong rồi, thì ra lịnh cho người Lê-vi khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va mà rằng: Hãy lấy cuốn sách luật pháp nầy, để bên hòm giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Nó sẽ ở đó làm chứng nghịch cùng ngươi” (Phục truyền 31: 24-26).

Sách của Môi-se được xem là quy chuẩn của đức tin và thực hành dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Nó phải được đọc cho họ vào những thời điểm đã định để họ “cẩn thận làm theo các lời của luật pháp này” (31:10-12). Giô-suê được bảo, “hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1:8; xem thêm 11:15). Vua Y-sơ-ra-ên phải có một bản sao Luật pháp riêng để “bản ấy phải ở bên vua trọn đời, vua phải đọc ở trong, để tập biết kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, cẩn thận làm theo các lời của luật pháp nầy, và hết thảy điều răn nầy” (Phục-truyền 17:18-19). Trong suốt lịch sử của Y-sơ-ra-ên, vận mệnh của các vị vua và quốc gia được quyết định bằng chính  thái độ của họ đối với sự mặc khải về ý muốn của Đức Chúa Trời được viết trong sách Luật pháp (ví dụ, 1 Các Vua 2:3; 3:14; 2 Các Vua 17:7 -13; 21: 7-9; 23: 2-3; 2 Sử ký 33: 8; Đa-ni-ên 9:11).

Môi-se nói rằng trong tương lai sẽ có các đấng tiên tri dấy lên để nói Lời Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự (Phục truyền 18: 15-22). Việc những người trong Cựu ước công nhận một danh sách các tác giả tiên tri như vậy được thấy trong việc họ chấp nhận các bản văn thánh. Những lời của Giô-suê đã được viết “trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời” (Giô-suê 24:26). Sa-mu-ên cũng “tuyên giảng luật pháp của nước tại trước mặt dân sự, chép trong một cuốn sách mà người để trước mặt Đức Giê-hô-va”, hành động thứ hai (chép vào trong sách) cho thấy quyền hạn của các trước giả đối với dân sự Đức Chúa Trời. Những trước giả của sách Các Vua và Sử Ký đã biết nhiều tác phẩm tiên tri bao gồm toàn bộ lịch sử của Y-sơ-ra-ên từ Đa-vít đến thời lưu đày (1 Sử-ký 29:29; 2 Sử-ký 9; 29). Hết tiên tri này đến tiên tri khác đã đem lời Đức Chúa Trời đến với dân Y-sơ-ra-ên, và phần lớn những gì họ viết dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh đã được thêm vào các tác phẩm kinh điển. Ê-sai gọi những lời của mình là “lời chứng” và “luật lệ” có thẩm quyền về sự mặc khải của Đức Chúa Trời (Ê-sai 8:16).14 Tương tự như vậy, Giê-rê-mi hướng dẫn việc chép lại mọi lời Đức Chúa Trời phán với ông (Giê-rê-mi 36). Đa-ni-ên, một người trẻ tuổi cùng thời với Giê-rê-mi, không chỉ công nhận lời của Giê-rê-mi là “lời của Đức Chúa Trời”, mà còn tìm thấy lời của ông “trong các sách tiên tri” và “sách luật pháp của Môi-se” (Đa-ni-ên 9:2, 6, 11). Tham chiếu về “các sách” thường được xem là tham chiếu đầu tiên về bộ kinh điển gồm các sách thánh.

Bằng chứng về một kinh điển được công nhận cũng được thấy trong việc một số trước giả sử dụng các tác phẩm trước đó. Các sách của Môi-se được đề cập trong suốt Cựu Ước (Giô-suê 1: 7; 1 Các Vua 2: 3; Mal. 4: 4). Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên từ Sáng thế ký đến Các Vua được ghi lại trong Sử ký (1 Sử 1: 1-2: 15). Những câu châm ngôn và bài hát của Sa-lô-môn được đề cập trong 1 Các Vua 4:32, và Đa-ni-ên đề cập đến Giê-rê-mi (Đa-ni-ên 9: 2). Đã nhiều hơn một lần, các nhà tiên tri đã cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên bằng cách ám chỉ tổ phụ của họ, là những người đã không nghe lời của các tiên tri trước đó (Ô-sê 6:5; Xa-cha-ri, 1:4-5: 7:12).

Khi chức vụ các tiên tri trong Cựu Ước kết thúc, thì các tác phẩm kinh điển cũng dừng lại.

 

Tiêu chuẩn cho tính Kinh điển của Cựu ước

Câu hỏi tại sao một số sách nhất định được công nhận là kinh điển trong khi những sách khác thì không đã nhận được những câu trả lời khác nhau, phần lớn tùy thuộc vào những gì người ta tin về bản chất của Kinh Thánh. Như đã đề cập trước đó, một số người nói rằng việc hình thành qui ước kinh điển là một nỗ lực của con người, dựa trên ý tưởng rằng Kinh Thánh chỉ là sự thể hiện đức tin của con người.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, các tác phẩm trong Kinh Thánh được con dân Đức Chúa Trời chấp nhận là có thẩm quyền với niềm tin rằng các tác phẩm này được Ngài soi dẫn và là lời của Đức Chúa Trời. Những người đồng tình với quan điểm này lưu ý bốn yếu tố sau trong việc xác định những sách nào thuộc về Cựu Ước.20

Trước giả tiên tri. Nhiều sách trong Cựu Ước tuyên bố rõ ràng về các trước giả là tiên tri. Nhiều trước giả sau này được xác định là nhà tiên tri (ví dụ, A-ghê 1: 3; Xa-cha-ri 1: 1). Mặc dù không phải tất cả các sách được cho là được viết bởi các nhà tiên tri, nhưng những tiên tri sau này đã đề cập đến Đức Chúa Trời Đấng phán với dân sự của Ngài thông qua các đấng tiên tri trước đó (Xa-cha-ri 1: 4; 7:12). Điều này có thể nói lên rằng tất cả các tác phẩm được công nhận trước đó được xem là đến từ các đấng tiên tri.

Quan trọng hơn, ở một số chỗ, Tân Ước đã đề cập đến một phần hoặc tất cả các sách trong Cựu Ước là lời tiên tri. Sách Hê-bơ-rơ tuyên bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách” (Hê. 1:1). Phi-e-rơ đề cập đến “lời của các đấng tiên tri” (2 Phi. 1:19) là nói về các đấng tiên tri trong Cựu Ước. Khi Chúa Giê-su bị bắt, Ngài đã nói, “Nhưng mọi điều ấy phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm” (Mat. 26:56). Sau khi Ngài sống lại, Ngài đã quở trách các môn đồ vì không tin “lời các đấng tiên tri đã nói” (Lu-ca 24:25). Sự đề cập của Phi-e-rơ về “lời tiên tri trong Kinh Thánh” là “bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi. 1: 20-21), cho biết rằng cả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn (2 Ti. 3:16) cũng có thể được gọi là lời tiên tri.

 

Lời chứng của Đức Thánh Linh. Ngoài bản chất vốn có của một tác phẩm kinh điển là lời được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, còn có sự công nhận của dân sự Đức Chúa Trời về một tác phẩm được cho là kinh điển. Nói cách khác, sự hình thành kinh điển liên quan đến cả sự mặc khải thiên thượng và sự công nhận của con người. Làm thế nào mà con người có thể nhận ra rằng một người nào đó là tiên tri thực sự của Đức Chúa Trời để tác phẩm của họ được cho là Lời có thẩm quyền từ Đức Chúa Trời? Mặc dù một số người, giống như Môi-se, đã được ban cho năng quyền thiên thượng để thực hiện các việc siêu nhiên, câu trả lời cuối cùng là Đức Thánh Linh đã làm chứng cho lẽ thật của sự mặc khải bởi chính Ngài trong lòng của những người sẵn lòng tiếp nhận nó. Như đã nói trước đó, Chúa Giê-su đã phán trong lời dạy của mình, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).

Sự chăm sóc thiên thượng. Một yếu tố khác trong sự hình thành kinh điển là sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Việc bảo tồn các tác phẩm Kinh Thánh trong suốt nhiều thế kỷ giữa một quốc gia thường không vâng lời và bị lưu đày cũng như bị kẻ thù bức hại là lời chứng cho sự bảo vệ thành tín của Đức Chúa Trời. Ngoài ra còn có sự bảo tồn các lời tiên tri nhất định trong số những lời được thần cảm khác đã được nói ra và có thể được viết xuống. Giống như chúng ta không có tất cả những lời mà Chúa Giê-su đã nói, cũng vậy các tiên tri chắc chắn cũng đã từng nói những thông điệp được thần cảm mà không được viết xuống hoặc, nếu được viết xuống, cũng không được bao gồm trong số các tác phẩm kinh điển. Nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn chính xác những gì Ngài xem là hữu ích cho con dân Ngài mà không cần thêm bất kỳ điều gì khác vào.

Sự xác nhận của Đấng Christ. Việc xác nhận cuối cùng về tính kinh điển của các tác phẩm trong Cựu Ước là lời chứng của Đấng Christ. Như đã lưu ý trong Chương 8, Chúa Giê-su liên tục làm chứng về thẩm quyền của Kinh Thánh (ví dụ: Giăng 10:35) và trích dẫn chúng trong lời dạy của Ngài (Mat. 21:42; 26:54; Giăng 5:39). Khi nói về Kinh Thánh hoặc “luật pháp và các lời tiên tri” hoặc “luật pháp”, chắc chắn là Chúa Giê-su đang đề cập đến bộ sưu tập các tác phẩm thánh nổi tiếng được công nhận là kinh điển giữa vòng những người Do Thái trong thời đó. Các sứ đồ trong thời Tân Ước, là những người được Chúa Giê-su giao phó sứ mệnh đem lời mặc khải có thẩm quyền đến nhiều nơi, cũng đã công nhận Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.

trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn