Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Tương Giao Với Chúa

Tương Giao Với Chúa

TƯƠNG GIAO VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

MỘT MỐI QUAN HỆ không thể duy trì trong một thời gian dài nếu không có sự giao tiếp. Việc cách xa mà không giao tiếp có xu hướng để lại một tình bạn khá lạnh nhạt và nghèo nàn. Khi bạn bè không duy trì được việc trao đổi tin tức và thông tin thường xuyên, thì sự quan tâm và yêu mến trở nên phai nhạt. Đáng buồn thay, một số người tôi gần gũi nhất trong thời sinh viên đã trở nên xa cách. Tất nhiên, đó là điều dễ hiểu. Chúng tôi đều bận rộn và cách xa nhau hàng ngàn dặm. Gia đình và chức vụ của chúng tôi đã chiếm quá nhiều thời gian, khiến tình bạn của những năm tháng trước đây trở thành một danh sách các thiệp Giáng sinh được gửi đi.

Ngay cả việc xa cách con cái hoặc vợ/ chồng cũng làm giảm thân mật trong mối quan hệ theo thời gian nếu mối quan hệ không được nuôi dưỡng bằng cách giao tiếp thường xuyên. Vài năm trước, tôi đã tham gia một mục vụ ở nước ngoài, và phải xa gia đình trong sáu tuần. Mặc dù tôi đã viết bưu thiếp và thư cho gia đình, nhưng tôi không nhận được một hồi âm nào. Trong sự cô đơn và mệt mỏi vì chức vụ, tôi hơi bực bội vì gia đình đã không liên lạc với tôi. Mối quan hệ gia đình của chúng tôi đã bị suy yếu do thiếu giao tiếp. Khi tôi trở về nhà, tôi biết rằng gia đình tôi thực sự đã viết thư cho tôi. Nhưng những lá thư đó không đến được vì tôi di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng những lá thư đó cũng đã đến tay tôi — khi chúng được trả lại nhà tôi!

Nếu giao tiếp là quan trọng đối với việc duy trì tình bạn và mối quan hệ gia đình, thì điều đó cũng phải quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời rõ hơn nếu chúng ta không nói chuyện với Ngài và lắng nghe khi Ngài nói với chúng ta? Giao tiếp với Đức Chúa Trời là chìa khoá quan trọng để duy trì mối quan hệ lành mạnh và sống còn với Đức Chúa Trời.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI GIAO TIẾP THÔNG QUA LỜI CỦA NGÀI

 

Kinh Thánh là một cuốn sách độc đáo. Nó được viết trong khoảng thời gian 1500 năm bởi khoảng bốn mươi tác giả. Thể loại văn học của Kinh Thánh bao gồm lịch sử, luật pháp, tiên tri, châm ngôn, dụ ngôn, bài hát, lời tôn vinh và thư tín. Kinh Thánh cho biết lịch sử của nhân loại và kế hoạch tương lai của Đức Chúa Trời đối với cõi sáng tạo của Ngài. Nó cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời và tiết lộ cách chúng ta có thể biết Ngài rõ hơn. Kinh Thánh tiết lộ kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời, chương trình vương quốc của Ngài,  sự phán xét tội lỗi và Sa-tan trong tương lai. Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã giao tiếp với con người, tiết lộ những điều chúng ta cần biết để nhận được một đời sống sung mãn mãi mãi.

Ai đó đã ví Kinh Thánh như một bức thư tình. Khi tôi và Nancy đã đính hôn, cô ấy phải đi công tác xa với tư cách là người đại diện cho hội nữ sinh của mình. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải cách xa nhau trong chín tháng và đồng thời chuẩn bị cho đám cưới của chúng tôi. Trong thời gian đó, chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi tuần một lần qua điện thoại và viết thư cho nhau. Vâng, đó là những bức thư tình. Tôi đã nói với Nancy về những gì đã diễn ra trong cuộc đời tôi khi còn là một sinh viên tại chủng viện. Tôi cũng nói với cô ấy về tình yêu của tôi dành cho cô ấy và về những dự định trong tương lai của chúng tôi. Bất cứ khi nào tôi nhận được thư từ Nancy, tôi mang nó đến phòng ở ký túc xá và dành thời gian đọc bức thư đó một mình.

Tôi đã không đọc thư của Nancy và sau đó ném nó vào thùng rác. Nhưng tôi đã đọc đi đọc lại bức thư đó. Sau đó tôi cất nó vào ngăn bàn để có thể đọc lại. Tôi muốn ngẫm nghĩ về mọi lời nói, biểu hiện, và sắc thái. Khi tôi đọc đi đọc lại những bức thư của Nancy, tôi cảm thấy mình được gần bên cô ấy mặc dù cô ấy ở rất xa. Những kỷ niệm của tôi về cô ấy đã được khơi dậy và làm mới lại qua những bức thư đó.

Chúng ta nên đọc Kinh Thánh như bức thư của Đức Chúa Trời, bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm và kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta. Nếu bạn muốn biết Chúa rõ hơn, bạn không thể để lá thư của Ngài trong hộp thư chưa mở và chưa đọc. Bạn phải đọc đi đọc lại và nghiên cứu nó.

 

ĐỨC CHÚA TRỜI GIAO TIẾP NHƯ THẾ NÀO

 

Một số điều chúng ta biết về bức thư tình của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh là gì? Đầu tiên, nó là lẽ thật. Chúa Giê-su phán, “lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). “Lẽ thật” mà Chúa Giê-su đề cập chính là “lời” hoặc sự mặc khải mà Ngài đã nhận được từ Cha và được bày tỏ cho các môn đồ (17:8, 14). Mặc dù Chúa Giê-su không đề cập đến chính Kinh Thánh, nhưng lời tuyên bố của Ngài, “lời Cha tức là lẽ thật,” phản ánh sự nhìn nhận của Ngài về tính toàn vẹn của sự mặc khải từ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh được ban cho chúng ta từ Đức Chúa Trời “Đấng không thể nói dối” (Tít 1:2; xem thêm Hê-bơ-rơ 6:18). Lời Đức Chúa Trời mang bản chất của lẽ thật thần thượng.

Thứ hai, Kinh Thánh được thần cảm. Phao-lô viết cho Ti-mô-thê rằng: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (2 Ti 3:16). Thuật ngữ “Đức Chúa Trời soi dẫn” trong tiếng Hy-lạp là theopneustos gồm hai từ, theos (“Đức Chúa Trời”) và pneo (“soi dẫn”). Điều này có nghĩa là Kinh Thánh là nguồn thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Thuật ngữ này được áp dụng cho tất cả Kinh Thánh, không chỉ một phần của Kinh Thánh. Tất cả Kinh Thánh, trong các bản viết tay gốc, đều có chung phẩm chất siêu nhiên này là được thần cảm.

Thứ ba, bởi vì Lời Đức Chúa Trời được thần cảm, nên Lời ấy là không sai lạc và vô ngộ. Thuật ngữ không sai lạc đề cập đến tính chính xác của việc ghi chép Kinh Thánh. Là một quyển sách được thần cảm, nó không thể sai hay nhầm lẫn. Trong nhiều năm là một giáo viên dạy Kinh Thánh, tôi rất thích nghiên cứu những đoạn Kinh Thánh mà các nhà phê bình đã trích dẫn làm ví dụ liên quan đến “những sai sót” trong Kinh Thánh. Và hầu hết những “sai sót” hoặc “mâu thuẫn rõ ràng” đã được giải quyết thông qua việc nghiên cứu cẩn thận. Những sai sót khác thì đang được giải quyết trong việc chờ đợi kết quả từ việc khám phá khảo cổ học trong tương lai và nghiên cứu Kinh Thánh. Thuật ngữ vô ngộ ám chỉ sự đáng tin cậy của Kinh Thánh như một hướng dẫn. Bức thư tình của Đức Chúa Trời gửi cho nhân loại sẽ không lừa dối chúng ta hay dẫn chúng ta đi sai lạc. Nếu chúng ta làm theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, chúng ta sẽ bước đi với Đức Chúa Trời và được Đấng Christ tiếp đón tại cổng thiên đàng.

Thứ tư, Kinh Thánh là một cuốn sách sống động. Tác giả sách Hê-bơ-rơ đã viết, “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Mặc dù đã hơn hai nghìn năm, nhưng Lời Đức Chúa Trời không hề chứa đựng những lời “chết chóc” của quá khứ. Kinh Thánh chứa đựng những lời “sự sống” (Công vụ 7:38). Đó là “lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:23) bởi vì khi gieo vào lòng người, Kinh Thánh sinh ra sự sống đời đời! Kinh Thánh linh nghiệm ở chỗ nó hoàn thành mục đích mà nó đã được nói đến (Ê-sai 55:11). Những lời tiên tri của Đức Chúa Trời luôn được hiện thực hóa. Lời của Ngài không bao giờ bị lãng quên.

Thứ năm, Lời Đức Chúa Trời là đầy đủ. Sau khi mô tả Kinh Thánh là “Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn,” Phao-lô nói rằng Kinh Thánh “có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn [theo nghĩa đen, ‘thông thạo’ và ‘đầy đủ’] để làm mọi việc lành” (2 Ti 3:16-17). Khi được áp dụng cẩn thận, Lời Đức Chúa Trời làm cho chúng ta trở nên thông thạo trong cuộc sống và được trang bị cho chức vụ. Kinh Thánh tiết lộ tất cả những gì chúng ta cần để biết Đức Chúa Trời và sống đời sống Cơ Đốc. Trong thời xưa, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài “nhiều lần và theo nhiều cách” (Hêb 1:1). Nhưng trái ngược với sự mặc khải trước đây, vốn là từng phần và từng chút một, “những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài” (1:2). Sự mặc khải cuối cùng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là qua Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, như đã được ghi lại trong Tân Ước.

Mặc dù Kinh Thánh vẫn là cuốn sách bán chạy nhất trong số các sách tôn giáo, nhưng nó thường là cuốn trên kệ bám nhiều bụi nhất. Nhưng đối với những ai muốn biết Đức Chúa Trời rõ hơn, thì Kinh Thánh là một cuốn sách được nâng niu và yêu thích. Đây là một cuốn sách được đọc và nghiên cứu, bởi vì nó là thông điệp riêng của Đức Chúa Trời nói với chúng ta những gì Ngài muốn chúng ta biết và làm.

 

SỰ TRUYỀN ĐẠT MÀ KHÔNG ĐẾN TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI 

Có hai lĩnh vực tôi quan tâm liên quan đến chủ đề giao tiếp của Đức Chúa Trời. Đầu tiên, tôi quan tâm đến những người nói, “Chúa đã nói với tôi điều này” hoặc “Chúa bảo tôi làm điều kia,” khi những “sự mặc khải” này không được tìm thấy trong Kinh Thánh. Tôi đọc một bài làm chứng của một mục sư lỗi lạc viết rằng Chúa đã nói với ông rằng một cuộc phục hưng thuộc linh lớn sẽ diễn ra ở Mỹ, và ông đã tiến hành các cuộc họp đêm trên khắp đất nước để bắt đầu cuộc phục hưng này. Chúa thậm chí còn cho ông biết tên cụ thể sẽ được sử dụng cho chiến dịch này. Bây giờ tôi tin rằng người mục sư này là chân thành và có ý định tốt. Nhưng làm sao tôi biết được ông ấy có tưởng tượng ra những điều này hoặc mong ước chúng thành sự thật không?

Lịch sử Giáo hội đầy những minh họa về những người từng tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã nói với họ những điều nào đó. Vào năm 1981, Bill Maupin, người sáng lập một nhóm Cơ Đốc giáo theo trào lưu chính thống, tin chắc rằng Chúa đã tiết lộ cho ông rằng Hội Thánh sẽ được cất lên vào Chủ nhật ngày 28 tháng 6 năm 1981.2 Bill và một nhóm nhỏ những người theo ông đã bán tất cả tài sản của mình, nghỉ việc, chào tạm biệt bạn bè của họ, và tập trung tại nhà thờ để chờ đợi Chúa cất họ lên thiên đàng. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với Bill và những người theo ông kể từ ngày 28 tháng 6 năm 1981, nhưng Hội Thánh của Chúa vẫn đang chờ đợi để được cất lên vào một ngày nào đó. Rõ ràng là Chúa không nói với Bill như những gì ông nghĩ là Ngài đã nói.

Một sự kiện tương tự đã xảy ra ở Portland, Oregon, vài năm trước. John Gunter, một tín đồ Cơ Đốc tự xưng, đã tin rằng một trận động đất thảm khốc sẽ xảy ra ở Portland vào ngày 3 tháng 5 năm 1993. Theo lời chứng của chính ông, Chúa đã ban cho ông một “dấu hiệu” rằng một trận động đất sắp xảy ra.3 Vì thế mà ông đã cảnh báo những người khác, John đã viết một bức thư dự đoán một “trận động đất thảm khốc và kinh hoàng” sẽ hủy phá toàn bộ trung tâm thành phố Portland. Nhưng ngày 3 tháng 5 đến và đi không có điều gì xảy ra ngoài một cơn chấn động nhẹ ở thành phố Portland.

Có rất nhiều tiên tri giả trong dân Y-sơ-ra-ên thời cổ đại, tuyên xưng mình là người nói thay cho Đức Chúa Trời. Nhiều người có thiện ý và thật thà đã bị lừa dối và bị dẫn dụ bởi những tưởng tượng viển vông của các tiên tri giả. Hầu hết dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay cũng hãy cẩn thận. Nếu ai đó nói, “Đức Chúa Trời đã nói với tôi” điều này hoặc điều kia, tôi hỏi, “Bạn tìm thấy điều đó ở đâu trong Lời của Ngài?”

Một lĩnh vực mà tôi quan tâm thứ hai là về những người sử dụng Kinh Thánh như một cuốn sách ảo thuật để nhận được những tiết lộ hoặc chỉ dẫn được cá nhân hóa từ Đức Chúa Trời. Điều này thường là kết quả của việc áp dụng sai các câu chuyện và nguyên tắc trong Kinh Thánh. Gần đây, tôi đọc được lời chứng của một nhà lãnh đạo Cơ Đốc có con gái bị bệnh ung thư. Trong khi đau khổ trước tình cảnh khó khăn này, ông đã đọc lời của Chúa Giê-su trong Giăng 11:4, “Bệnh này không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Trên nền tảng của câu Kinh Thánh này, ông kết luận rằng Chúa sẽ chữa lành bệnh ung thư cho con gái ông.4 Tất nhiên, qua việc tra xem ngắn gọn Giăng 11 cho thấy Chúa Giê-su đang ám chỉ trong câu 4 là về La-xa-rơ người đã chết, nhưng cái chết không phải là kết quả cuối cùng của bệnh tật đối với người đó. Câu này áp dụng cho một hoàn cảnh lịch sử rất cụ thể. Thật là một sự lạm dụng Kinh Thánh khi áp dụng một câu như vậy cho một trường hợp bệnh tật cá nhân ngày nay. Mặc dù Kinh Thánh là dành cho chúng ta, nhưng không phải tất cả Kinh Thánh đều được dùng để giải quyết mọi điều theo cách áp dụng trực tiếp hoặc lời hứa. Nguyên tắc của Giăng 11:4, được áp dụng xuyên thời gian cho mọi tình huống, đó là thử thách, giống như bệnh tật, có thể mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời khi chúng ta đáp ứng lại bằng đức tin và sự tin cậy nơi Ngài trước những khó khăn trong cuộc sống của mình.

 

trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

translated by VMI

 

 

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn