Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Tính Vô Ngộ Của Kinh Thánh

Tính Vô Ngộ Của Kinh Thánh

Lời Chứng của Kinh Thánh về Lẽ Thật

Kinh Thánh thường xuyên làm chứng cho tính trung thực của nó. Việc xác định Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời rõ ràng là một lời khẳng định về tính trung thực, vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của lẽ thật. Tuyên bố của Phao-lô về sự soi dẫn của Kinh Thánh (2 Ti-mô-thê 3:16)—và lời tuyên bố của Chúa Giê-su rằng “không một chấm hay một nét nhỏ nhất nào (của Luật pháp hoặc Kinh Thánh) sẽ qua đi” (Mat 5:18) và “Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ được” (Giăng 10:35)—ngụ ý rõ ràng về lời vĩnh cửu của Đức Chúa Trời.

Ngoài ra, một số tuyên bố trong Kinh Thánh đề cập rõ ràng đến tính trung thực của nó. Chẳng hạn, tác giả Thi thiên khi suy ngẫm sâu sắc về giá trị và sự thú vị của Kinh Thánh đã tuyên bố: “Luật pháp của Ngài là chân thật” (119:142), “tất cả các điều răn của Ngài đều là chân thật” (119:151), và “sự tổng cộng của Lời Ngài là chân thật” (119:160). Từ “tổng cộng” trong câu cuối cùng chỉ ra rằng “lẽ thật” là một đặc điểm của toàn bộ Kinh Thánh. Như Derek Kidner nói, việc sử dụng cùng một từ cho việc tổng điều tra dân số (ví dụ, Xuất. 30:12; Dân số 1:2) “cho thấy rằng ‘tổng của’ không phải là một cách nói ‘chung chung’, nhưng đúng hơn, ‘mỗi phần của’ lời Đức Chúa Trời đều là lẽ thật.” Chắc chắn, người viết Thi thiên vui hưởng Lời Đức Chúa Trời trong Thi thiên 119:16, 24, 47, 70, 77, 143, 174 cho thấy rằng “sự chân thật” có một ý nghĩa cá nhân hoặc hiện sinh đối với tác giả.  Anthony Thiselton lưu ý, “Trước giả Thi thiên coi luật pháp của Đức Chúa Trời như ngọn đèn và ánh sáng (câu 105) giúp cho tín nhân nhận biết vị trí thực sự của luật pháp, và do đó không thể loại bỏ ý nghĩa của lẽ thật phù hợp với thực tế từ những tuyên bố này. Những tín đồ nhận thấy Kinh Thánh đáng tin cậy về mặt cá nhân trong đời sống bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật trên thực tế. Khi chống lại các tiên tri giả vào thời Giê-rê-mi, vấn đề ở đây là sự thật đối nghịch với sự giả dối. Các tiên tri giả “nhân danh Ta mà nói tiên tri giả dối” (Giê 23:25), “nhưng hãy để kẻ có lời Ta nói lời Ta trong lẽ thật” (23:28; xem thêm 1 Vua. 17:24).

Trong Tân Ước, phúc âm được cho là có đặc điểm của lẽ thật. Đó là “lời lẽ thật” (Ê-phê-sô 1:13; Cô-lô-se 1:5). Kinh Thánh Cựu Ước là “hiện thân của sự tri thức và lẽ thật” (Rô-ma 2:20). Quan trọng nhất là Chúa Giê-su khẳng định rằng “Lời của Ngài là lẽ thật” (Giăng 17:17) Theo  Thiselton, “Lời của Đức Chúa Trời có giá trị, có hiệu quả, không hề sai, thực sự phù hợp với thực tế. Tất cả những điều này là chính xác vì nó là lời mặc khải của Đức Chúa Trời.”

Ngoài những tuyên bố rõ ràng về tính trung thực của Kinh Thánh, thì những tuyên bố khác trong Kinh Thánh đề cập đến sự hoàn hảo của Kinh Thánh. Như trước giả Thi thiên đã tuyên bố, “Lời của CHÚA là lời trong sạch, Dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần” (Thi 12:6). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “trong sạch” được dùng ở nơi khác để mô tả một kim loại, chẳng hạn như vàng, không lẫn tạp chất (Xuất 25:11, 17, 24, 29). Nó cũng được dùng để chỉ tấm lòng trong sạch (Thi 51:10; Ê-xê-chi-ên 36:25) hoặc sự trong sạch theo nghi lễ (Lê. 10:10, 14; 13:13, 17; Phục. 14:11, 20; Mal. 1:11). Để nhấn mạnh sự trong sạch của Lời Đức Chúa Trời, Đa-vít viết rằng nó giống như bạc được “tinh luyện bảy lần” (Thi 12:6). Số bảy có lẽ để bày tỏ “một cách mạnh mẽ của khái niệm về sự trong sạch tuyệt đối, hoàn toàn không bị tạp chất lẫn vào. Nó là một con số hoàn hảo.”

Đa-vít cũng viết, “Ðức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; Lời của Ðức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch; Ngài là cái khiên cho những kẻ nào nương náu mình nơi Ngài.” (18:30). Tiếng Hê-bơ-rơ dịch là “thử luyện” thường được sử dụng để tinh luyện, nấu chảy, thử nghiệm để chứng minh là kim loại. Lời Đức Chúa Trời đã được thử nghiệm và cho thấy là hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn đáng tin cậy. Như câu gợi ý, Lời Đức Chúa Trời phù hợp với hành động của Ngài. “Đường lối” của Ngài là “không chỗ trách được” nghĩa là “hoàn hảo”. Lời của Ngài đã được “thử luyện” nghĩa là “không có tì vết.” Châm ngôn 30:5 nói, “Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được thét luyện – nghĩa là, hoàn hảo.” Trước sự tinh sạch của Lời Đức Chúa Trời, A-gu-rơ cảnh báo, “Chớ thêm chi vào các lời Ngài. E Ngài quở trách ngươi, và ngươi bị cầm nói dối chăng” (Châm. 30:6). Sự tương phản với lời nói dối cho thấy rằng sự trong sạch của Lời đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và thử luyện không chỉ đề cập đến việc người tin Chúa thấy Lời ấy đáng tin cậy trong cuộc sống, mà còn nói rằng đó là lời sự thật trái ngược với sự giả dối.

Trong Châm-ngôn 8:8, sự khôn ngoan được nhân cách hóa, “Mọi lời nói của miệng tôi đều ở trong sự công chính; chẳng có điều gì quanh co hay gian trá trong đó.” Trong Châm. 12:17, “Kẻ nào nói thật, rao truyền sự công bình; Song kẻ làm chứng gian, phô sự giả dối” và Thi Thiên 52:3, “Ngươi chuộng điều dữ hơn là điều lành. Thích sự nói dối hơn là nói sự công bình.” Những câu này cho thấy rằng lời nói “công bình” là bao gồm lời nói thật (trung thực).

Điều thú vị là Kinh Thánh không bao giờ giới hạn tuyên bố về tính trung thực của Kinh Thánh đối với một số giáo lý (chẳng hạn như những giáo lý liên quan trực tiếp đến sự cứu rỗi).  Khái niệm về lẽ thật được đặt nền tảng ở trong Đức Chúa Trời, nên ý nghĩa của “lẽ thật” không bao hàm sự bất toàn. Những gì không đáng tin cậy hoặc không phù hợp với thực tế thì không bao giờ là một phần của lẽ thật. Bởi vì Đức Chúa Trời là chân thật, sự trung thực trong sự mặc khải của Ngài trong các hành động và lời nói thì không bao giờ là giả dối. Đức Thánh Linh trở nên hiện hữu, cũng được gọi là Thần lẽ thật (Giăng 14:17; 15:26; 16:13; 1 Giăng 4:6). Vì Kinh Thánh được viết bởi những người được “Đức Thánh Linh cảm động” (2 Phi-e-rơ 1:21) nên những gì họ viết là Lời của Đức Chúa Trời, nên khó có thể kết luận điều gì khác ngoài việc Kinh Thánh là vô ngộ trong mỗi trang sách.

 

Ý NGHĨA CỦA SỰ VÔ NGỘ TRONG KINH THÁNH

Trong quá khứ, thuật ngữ truyền thống được sử dụng để mô tả tính trung thực của Kinh Thánh là vô ngộ (không có sai lầm). Hầu hết những ai đề cập đến tính trung thực của Kinh Thánh đều đề cập đến đặc điểm vô ngộ của quyển sách này.

Định Nghĩa về Sự Vô Ngộ

Theo ngôn ngữ riêng của Kinh Thánh, sự vô ngộ được định nghĩa tốt nhất là “tính trung thực”. Có nghĩa là các nguyên bản của Kinh Thánh đều đúng trong mọi điều đã trình bày. David Dockery định nghĩa sự vô ngộ theo cách này: “Kinh Thánh (trong các nguyên bản) được giải nghĩa một cách chính xác theo cách mà nền văn hóa và phương tiện giao tiếp đã được phát triển vào thời điểm được viết ra của nó là hoàn toàn đúng (và do đó không thể sai lầm) trong tất cả những gì nó khẳng định, ở mức độ chính xác mà người viết mong đợi, trong mọi vấn đề liên quan đến Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của Ngài.”

Bởi vì Kinh Thánh là lẽ thật, không chỉ đáng tin cậy, nhưng cũng phù hợp với thực tế.   Ví dụ, lời khuyến khích “Ngợi khen Chúa” ngụ ý sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, Ngài xứng đáng được ngợi khen, và mối quan hệ nhất định giữa Ngài và dân sự khiến cho việc ngợi khen là điều đúng đắn. Bởi vì tất cả Kinh Thánh đều là Lời của Đức Chúa Trời, các lời của Ngài đều vô ngộ, bao gồm các mạng lịnh, những lời hứa, các điều cảnh báo, và nhiều điều khác có thể được tìm thấy.

Một Số Tiêu Chuẩn Cần Thiết của Sự Vô Ngộ

Để tránh hiểu lầm về tính vô ngộ, chúng ta cần đặt ra một số câu hỏi khi xem xét các câu trong Kinh Thánh. Đầu tiên, trước giả đã mô tả câu nói đó là thật, nghĩa là trước giả chỉ đơn giản là thuật lại những gì ai đó đã nói nhưng có thể đó là một lời nói không đúng sự thật.  Sa-tan tuyên bố với Ê-va, “Hai ngươi chẳng chết đâu” (Sáng 3:4) là một lời nói dối – nói không đúng sự thật. Và Kinh Thánh ghi lại chính xác những lời phát biểu của những người bạn của Gióp, mặc dù họ đã sai khi buộc tội Gióp về một số tội nghiêm trọng. Kinh Thánh vô ngộ ở chỗ là thuật lại cách trung thực và chính xác những gì đã được nói hoặc những gì đã xảy ra.

Thứ hai, trước giả dự định nói bằng ngôn ngữ bình dân hay bằng ngôn ngữ khoa học? Chúng ta nói về mặt trời mọc và lặn, nhưng về mặt khoa học chúng ta biết rằng trái đất chuyển động chứ không phải mặt trời.

Thứ ba, có phải trước giả đã nói tròn con số không? Nếu con số là một ước lượng hợp lý, thì không có sự sai sự thật nào liên quan. Trong nhiều tình huống—dân số của các thành phố, quy mô đám đông, khoảng cách hàng dặm—người ta sử dụng số tròn, nhưng chúng tôi không nói rằng những tuyên bố đó là sai. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho trích dẫn cho các trường hợp khác. Chúng có thể là những câu trích dẫn chính xác từng từ, hoặc chúng có thể là những câu diễn giải cung cấp ý chính của ý nghĩa ban đầu mà không bao gồm sai sót.

Thứ tư, trước giả có ý định nói theo nghĩa đen hay thông qua nghĩa minh họa? Một số người nói rằng các trước giả Kinh Thánh đã sai lầm khi nói về “bốn góc đất” (Ê-sai 11:12) hoặc “các đập trên trời” (Sáng 7:11). Nói như thế là sai về mặt khoa học. Tuy nhiên, khi từ ngữ như vậy mà được hiểu theo nghĩa bóng, thì không có sai sót nào liên quan.

Một số người phản đối tín lý về sự vô ngộ bằng cách kêu gọi sự chú ý đến một số cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp không tuân theo các mẫu câu thông thường. Tuy nhiên, ngữ pháp không phải là vấn đề của lẽ thật mà là sự phù hợp với quy ước ngôn ngữ của con người, vốn có thể thay đổi và dao động theo thời gian. Trong mọi trường hợp, cho dù người đó nói và viết với khả năng văn phạm tốt thì không liên quan gì đến tính trung thực của một tuyên bố. Hơn nữa, những lý do chính đáng thường có thể được tìm thấy trong những trường hợp mà trước giả thay đổi cách diễn đạt theo ngữ pháp thông thường. Trong một số trường hợp, nó là kết quả của việc chuyển các cấu trúc ngữ pháp Do Thái sang ngôn ngữ Hy Lạp, thì những cấu trúc đó không phù hợp với ngữ pháp Hy Lạp chuẩn.

Do đó, sự vô ngộ có nghĩa là khi xem xét đầy đủ các tuyên bố của Kinh Thánh theo ý nghĩa và mục đích sử dụng của chúng, thì Kinh Thánh hoàn toàn đáng tin cậy trong tất cả những gì được trình bày.  Sự dạy dỗ chính yếu của Kinh Thánh liên quan đến chương trình cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su Christ. Nhưng khi cung ứng sự cứu rỗi này, thì Đức Chúa Trời đã đi vào thế giới để đối phó với con người trong bối cảnh lịch sử và địa lý. Do đó, sự ghi chép về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chạm đến các lĩnh vực kiến thức khác cũng như các lẽ thật thuộc linh. Toàn bộ Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời được soi dẫn, nên không thể sai lầm. Điều này không có nghĩa là các trước giả biết nhiều về lịch sử và khoa học hơn những người ngày nay, cũng không có nghĩa là họ là những chuyên gia trong mọi lĩnh vực kiến thức. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đã bảo vệ những điều đó để không gây hiểu lầm cho chúng ta trong bất kỳ tuyên bố nào.

 

admin

sách tham khảo UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn