Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Bày Tỏ Tình Yêu Thương

Bày Tỏ Tình Yêu Thương

John Powell, một giáo sư dạy thần học của trường đại học Loyola ở Chicago đã viết về một học sinh của ông tên là Tommy. “Khoảng mười hai năm trước, tôi đứng nhìn các sinh viên của mình xếp hàng vào lớp học môn “Thần đạo”. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi gặp Tommy.
Tôi không tin được vào mắt mình. Anh ta đang đứng chải đầu, mái tóc vàng hoe, dài đến ngang lưng. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một đứa con trai để tóc dài đến như vậy. Tôi nghĩ chắc kiểu tóc này là một mốt mới cũng nên. Tôi biết trong suy nghĩ của tôi, điều quan trọng không phải là cách bạn để tóc thế nào, mà là nó có ý nghĩa thế nào; nhưng lúc đó tôi chưa chuẩn bị tinh thần đón nhận những tư tưởng mới mẻ kiểu này nên cảm xúc của tôi cứ thể hiện ra. Tôi lập tức đánh chữ “Cá biệt” vào tên Tommy vì thật sự anh ta quả là rất cá biệt.
Tommy trở nên người “vô thần” tạm trú trong lớp thần đạo của tôi. Anh khăng khăng phản đối, cười nhạo và không chấp nhận khả năng rằng “có một Đấng, một Chúa yêu thương con người vô điều kiện”. Chúng tôi sống với nhau suốt một học kỳ trong hoà bình, mặc dù tôi phải công nhận anh ta là một nổi phiền muộn thật sự cho tôi.
Khi anh ta trở lại vào cuối khóa học và nộp bài thi cuối khoá, anh ta hỏi tôi bằng giọng pha chút giễu cợt, “Giáo sư có nghĩ rằng một ngày nào đó, em sẽ tìm thấy Chúa không?”
Tôi quyết định dùng một liệu pháp hơi sốc một chút. “Không”, tôi nói giọng chắc nịch.
“Ồ, em lại nghĩ rằng đó phải mục đích mà giáo sư muốn đạt được chứ.” Tôi để anh ta đi ra gần tới cửa lớp rồi nói giật lại, “Tommy! Tôi không nghĩ rằng anh sẽ tìm được Chúa, nhưng tôi tin chắc rằng Chúa sẽ tìm anh!”
Anh ta nhún vai rồi bước ra khỏi lớp, và cũng bước ra khỏi cuộc đời tôi.
Tôi cảm thấy một chút thất vọng mỗi khi nghĩ rằng anh ta đã không nhận ra được câu nói “thông minh” của tôi, “Chúa sẽ tìm anh!” (Ít ra là tôi tự nghĩ đó là câu nói thông minh.) Sau đó tôi nghe nói Tommy đã tốt nghiệp và điều đó cũng đủ làm cho tôi thấy dễ chịu.
Rồi có một tin buồn, tôi nghe rằng Tommy đã bị ung thư thời kỳ cuối. Trước khi tôi kiếm ra anh ta, anh đến tìm tôi. Khi anh bước vào văn phòng tôi, thân thể anh tiều tụy hẳn ra, mái tóc dài bây giờ rụng hết vì kết quả của những cuộc hóa trị. Nhưng đôi mắt anh sáng ngời, và giọng nói anh mạnh mẽ, tôi tin đây là lần đầu tiên anh như thế.
Tôi thốt lên, “Tommy, tôi vẫn thường nhắc đến anh. Tôi nghe anh bị bệnh phải không?”
“Ồ vâng, thưa giáo sư, em bệnh rất nặng. Em bị ung thư cả hai phổi. Chuyện này là chủ đề để mọi người bàn cả mấy tuần nay.”
Tôi hỏi, “Em có thể nói cho tôi nghe được không, Tommy?”
“Chắc chắn rồi, giáo sư muốn biết điều gì nào?” anh trả lời tôi.
“Em nghĩ thế nào về cuộc đời mới được hai mươi bốn tuổi và đang phải chết dần chết mòn?”
“Vâng thưa giáo sư, nhưng cũng có nhiều điều còn tệ hại hơn thế nữa.”
“Ví dụ?”
“Như là đang ở tuổi năm mươi và chẳng có một giá trị đích thực nào hay chẳng có một lý tưởng cho cuộc sống; chẳng hạn như ở tuổi năm mươi và suốt ngày nghĩ đến rượu chè, tán gái và chuyện kiếm tiền là mục đích “to nhất” của cuộc đời.”
Tôi bắt đầu dò tìm lại trong bộ nhớ của mình, tìm kiếm cái chữ “cá biệt” mà ngày nào tôi đã tặng cho Tommy. (Dường như người nào mà tôi đánh giá phẩm chất là “tệ”, rồi cố gắng loại bỏ ra, thì Chúa lại đem họ trở lại để dạy dỗ tôi.)
Tommy nói tiếp, “Nhưng điều khiến em đến gặp giáo sư là câu nói mà giáo sư nói với em vào bữa học cuối cùng.” (Anh ta đã nhớ điều đó!) “Em đã hỏi rằng giáo sư có nghĩ em sẽ tìm gặp được Chúa không, và câu trả lời “không” của giáo sư đã làm em thật sự rất ngạc nhiên. Rồi giáo sư nói, “Nhưng Chúa sẽ tìm anh!” Em nghĩ về điều đó rất nhiều, em cũng bỏ công sức nghiên cứu, tìm kiếm Chúa trong thời gian đó. (Ồ, câu nói “thông minh” của tôi. Anh ta đã nghĩ về nó rất nhiều!) Nhưng đến khi các bác sĩ cắt một khối u trong người em và bảo em đó là khối u ác tính, lúc đó em suy nghĩ thật sự nghiêm túc về vị trí của Chúa.
Rồi khi mầm ác tính lan ra các bộ phận khác của cơ thể, em đã thật sự đập gọi cửa thiên đàng. Nhưng Chúa không chịu bước ra. Thật ra, chẳng có gì xảy ra cả. Giáo sư có bao giờ cố hết sức để làm gì đó trong thời gian dài mà cuối cùng vẫn chẳng được gì không? Lúc đó mình sẽ mang tâm lý chán nản, chẳng muốn cố gắng nữa, rồi một ngày mình sẽ bỏ cuộc.
Thế là, một ngày nọ em thức dậy, em quyết định bỏ cuộc, thay vì quẳng thêm vài lời thỉnh cầu vô ích qua bức tường cao kia cho Chúa, Đấng mà chả biết chắc có thật hay không, em quyết định chẳng thèm quan tâm tới chuyện Thượng đế, chuyện đời sau, hay những chuyện giống vậy nữa… Em nghĩ thà để chút thời gian ít ỏi còn lại của đời mình để làm việc gì ích lợi hơn.
Em nhớ về giáo sư và lớp thần đạo, em nhớ một điều nữa mà giáo sư đã nói: “Nỗi buồn sâu sắc nhất là đi qua cuộc đời mà không có tình yêu thương. Nhưng còn có một nỗi buồn cũng ngang ngửa như vậy: đó là mình đi qua và rời thế giới này mà chưa kịp nói cho người mình thương rằng mình thương yêu họ”. Vì vậy, em bắt đầu thực hành việc đó với người khó nhất, đó chính là ba em.
Ba em đang đọc báo khi em tiến đến và mở lời, “Ba ơi…”
“Có chuyện gì thế?” ba vẫn chăm chú đọc báo trong lúc trả lời em.
“Ba ơi, con muốn nói chuyện với ba.”
“Được rồi, nói đi.”
“Con muốn nói là…nó rất quan trọng.”
Ông hạ tờ báo thấp xuống một chút, “Chuyện gì thế?”
“Ba ơi, con rất thương ba. Con chỉ muốn ba biết rằng con thương ba.”
Tom mỉm cười với tôi và kể với một vẻ mãn nguyện trên mặt, như thể có một niềm vui đang lan chảy, sưởi ấm trong lòng anh ta.
“Tờ báo trên tay ba rơi xuống sàn nhà. Ông đã làm hai điều mà em chưa từng thấy trước đây bao giờ. Ông khóc và ôm chầm lấy em. Hai cha con đã nói chuyện suốt đêm hôm đó cho đến tận sáng hôm sau, dù rằng sáng hôm sau ông phải đi làm. Cảm giác được gần gũi với ba thật tuyệt dịu làm sao, được nhìn thấy những giọt nước mắt yêu thương của ông, được ở trong vòng tay của ông, và được nghe ông nói rằng “ba thương con.”
Đối với mẹ và đứa em trai thì có phần dễ dàng hơn. Cả nhà đều khóc, ôm lấy nhau, và bắt đầu nói cho nhau nghe những tình cảm thật của mình. Cả nhà đã chia sẻ cho nhau tất cả những điều bí mật mà mình giữ kín bao năm qua. Em chỉ hối tiếc một điều là đã giữ kín tình cảm của mình quá lâu.
Và bây giờ em bắt đầu cởi mở với mọi người. Và cho đến một ngày, em nhìn lại và thấy rằng Chúa ở đó. Ngài đã không đến với em khi em cầu xin. Hình như Chúa làm mọi việc theo cách của Ngài và vào thời điểm mà Ngài đã định. Nhưng điều quan trọng là Ngài vẫn ở đó. Ngài đã tìm đến em. Giáo sư nói đúng, Ngài tìm đến em ngay cả khi em không còn tìm Ngài nữa.
Tôi thật sự kinh ngạc, “Tommy, tôi nghĩ em đang nói một điều rất quan trọng, quan trọng hơn cả điều em nhận ra. Đối với tôi, ít nhất là em đã công nhận rằng để tìm gặp Chúa, không phải xem Ngài như một tài sản của cá nhân mình, hay một người chuyên giải quyết những nan đề, hoặc là một Đấng an ủi nhất thời khi mình cần, mà bằng cách chính mình phải sống đời sống yêu thương. Phao lô có nói rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.”
Tom, em có thể giúp tôi một việc không? Em biết không, khi em học trong lớp thầy năm đó, em là một gánh nặng cho thầy. Nhưng bây giờ, chính em đã làm cho thầy cảm thấy nhẹ nhàng. Em có thể đến lớp thần đạo mà thầy đang dạy và kể cho các sinh viên nghe hết thảy mọi điều mà em vừa kể cho thầy nghe không? Nếu như thầy kể cho họ nghe thì hiệu quả chỉ bằng một nửa so với chính em kể cho họ.
“Ồ….Em sẳn sàng kể cho giáo sư nghe, nhưng em không biết là em có sẵn sàng để kể cho lớp của giáo sư hay không?”
“Tom, hãy suy nghĩ về việc này. Khi nào em sẵn sàng, hãy báo cho thầy biết.”
Một vài ngày sau Tom gọi cho tôi và báo rằng anh đã sẵn sàng đến với các các sinh viên của tôi, rằng anh muốn làm việc đó cho Chúa và cho tôi. Chúng tôi đã lên lịch cho Tom. Tuy nhiên, cuối cùng Tom đã không kịp làm điều đó. Tom có một cuộc hẹn còn quan trọng hơn cả buổi nói chuyện trong lớp học của tôi.
Tất nhiên, cuộc đời của Tom không thật sự kết thúc bởi sự qua đời của cậu ta, nó chỉ là một thay đổi. Tom đã bước một bước dài từ niềm tin sang một khải tượng. Cậu ta đã tìm được cuộc sống đẹp hơn những gì mà mắt con người từng thấy, tai con người đã từng nghe và xa hơn cả sự hiểu biết của con người.
Trước khi Tom qua đời, chúng tôi nói chuyện với nhau lần cuối. “Em không thể làm chứng cho các sinh viên trong lớp của giáo sư,” Tom nói.
“Tôi hiểu, Tom.”
“Giáo sư có thể kể với họ giùm em được không? Hãy kể cho cả thế giới nghe giùm em, được không?”
“Tôi sẽ kể cho họ, Tom. Tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất những gì có thể làm.”
Vì vậy, tôi xin cảm ơn tất cả các bạn đã kiên nhẫn nghe tôi làm chứng về câu chuyện này. Và đối với em, Tommy, dù em đang ở đâu trên thiên đàng thì hãy biết rằng “Tôi đã kể cho họ, Tommy… tôi đã làm tốt nhất những gì có thể làm.”
Câu hỏi suy gẫm
+ Bạn có cảm nhận được tình yêu thương mà Chúa dành cho bạn không? Bạn có bày tỏ tình yêu thương đó qua cách sống của bạn với mọi người không?
Mỗi tuần một câu Kinh Thánh
I Giăng 4:16
“… Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy”
Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn