Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Mục đích hôn nhân

Mục đích hôn nhân

“Ai giao nhiệm vụ cho em phải làm vừa lòng người khác? Không ai giao nhiệm vụ đó cả! Ai giao cho mình cái nhiệm vụ phải sinh con đẻ cái? Chúng ta được sinh ra để hạnh phúc, để cống hiến, để giúp cho nhiều người hơn trong cõi đời này chứ ai lại được sinh ra để sinh ra một đứa con để nối dõi tông đường.”
Người nói câu này có quan điểm đối kháng với Kinh Thánh. Thật không may, một số thanh niên hôm nay giữ quan niệm này.

Mục đích hôn nhân theo Kinh Thánh là gì?
Một Cơ đốc nhân có cần thiết phải kết hôn không? Mục đích của hôn nhân là gì? Kinh Thánh nói rất nhiều về chủ đề này. Vì cuộc hôn nhân đầu tiên là giữa người nam đầu tiên và người nữ đầu tiên, nên hầu hết mọi người đều cho rằng hôn nhân là ý muốn của Đức Chúa Trời. Hôn nhân được thiết lập trong thời kỳ vô tội và đó là một khởi đầu thánh. Lý do đầu tiên Kinh Thánh đưa ra cho sự tồn tại của hôn nhân rất đơn giản: A-đam cô đơn và cần một người giúp đỡ (Sáng Thế Ký 2:18). Đây là mục đích chính của hôn nhân — tương giao, đồng hành, giúp đỡ và an ủi lẫn nhau.

Mục đích của hôn nhân là tạo ra một gia đình vững chắc, trong đó con cái có thể lớn lên và phát triển. Cuộc hôn nhân tốt nhất là giữa hai người tin Chúa (2 Cô-rinh-tô 6:14), những người có thể sinh ra con cái tin kính (Ma-la-chi 2:13–15). Trong Ma-la-chi, Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng Ngài sẽ không nhận lễ vật của họ vì họ đã không chung thủy với những người vợ thời trẻ của mình. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến việc hôn nhân được giữ nguyên vẹn như thế nào. Không chỉ vậy, nhưng Ngài nói với họ rằng Ngài đang tìm kiếm “con cái của Đức Chúa Trời”. Đây là một phân đoạn khó hiểu, và được giải thích có nghĩa là:

a) Con cái tin kính là mục đích của hôn nhân.

b) Một cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa hai người tin kính sẽ có nghĩa là bất kỳ đứa con nào họ có cũng sẽ có khuynh hướng tin kính.

c) Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên chung thủy với vợ thay vì bỏ họ chạy đến với những người nữ ngoại bang, những người sẽ sinh ra những đứa con không tin kính vì sự thờ hình tượng của các dân tộc đó.

d) Chính Đức Chúa Trời đang tìm kiếm con cái của Ngài (dân sự) để thể hiện sự tin kính bằng tấm lòng chung thủy của họ. Trong bất kỳ cách giải thích nào trong số này, chúng ta đều thấy một chủ đề chung: con cái của những người trung tín cũng sẽ có xu hướng trung tín.

Hôn nhân không chỉ dạy con cái cách sống chung thủy và tạo cho chúng một môi trường ổn định để học hỏi và trưởng thành, mà còn có tác dụng thánh hóa đối với cả hai người khi họ vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5). Cuộc hôn nhân nào cũng có những thời điểm khó khăn hoặc những tình trạng khó khăn. Khi hai tội nhân đang cố gắng tạo dựng một cuộc đời với nhau, họ phải tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời là yêu thương nhau như Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta một cách vô vị lợi (1 Giăng 3:16). Những nỗ lực của chúng ta để làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời bằng sức riêng của mình có xu hướng thất bại và sự thất bại đó có xu hướng làm cho người tin Chúa nhận thức rõ hơn về sự phụ thuộc của mình vào Đức Chúa Trời và cởi mở hơn với công việc của Thánh Linh hành động trên người đó, điều này có xu hướng dẫn đến sự tin kính. Và sự tin kính giúp chúng ta làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Vì vậy, hôn nhân rất hữu ích cho người đang cố gắng sống một cuộc sống tin kính; nó giúp làm sạch tấm lòng khỏi sự ích kỷ và những sự ô uế khác.

Hôn nhân cũng bảo vệ các cá nhân khỏi sự vô luân về tình dục (1 Cô-rinh-tô 7:2). Thế giới chúng ta đang sống đầy dẫy những hình ảnh nhục dục, những lời ám chỉ và cám dỗ. Ngay cả khi một người không theo đuổi tội lỗi tình dục, nó vẫn theo đuổi người đó và rất khó thoát khỏi nó. Hôn nhân cung cấp một nơi lành mạnh để bày tỏ bản năng tình dục, mà không phải mở lòng trước những tổn thương nặng nề về tình cảm (và nhiều lần về thể chất) do các mối quan hệ tình dục ngẫu nhiên, không cam kết gây ra. Rõ ràng là Đức Chúa Trời đã tạo dựng hôn nhân vì lợi ích của chúng ta (Châm-ngôn 18:22), để làm cho chúng ta hạnh phúc, thúc đẩy một xã hội lành mạnh hơn và tạo ra sự thánh khiết trong cuộc sống của chúng ta.

Cuối cùng, hôn nhân là một bức tranh tuyệt đẹp về mối quan hệ giữa Đấng Christ và Hội thánh của Ngài. Thân thể của các tín hữu tạo nên Hội Thánh được gọi chung là cô dâu của Đấng Christ. Là Chàng Rể, Chúa Giê-su đã hy sinh chính mạng sống của mình cho nàng dâu của Ngài, “để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch” (Ê-phê-sô 5: 25–26), và hành động quên mình của Ngài là tấm gương cho tất cả những người chồng. Trong ngày tái lâm của Đấng Christ, Hội Thánh sẽ được kết hợp với Chàng Rể, “lễ cưới” chính thức sẽ diễn ra, và cùng với đó, sự kết hợp vĩnh viễn của Đấng Christ và cô dâu của Ngài sẽ được trở thành hiện thực (Khải Huyền 19:7–9; 21:1–2).

English

gotquestions.org

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn