Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Chúa Ba Ngôi Có Ý Nghĩa Gì?

Chúa Ba Ngôi Có Ý Nghĩa Gì?

Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh tập trung vào Đức Chúa Trời. Quan điểm này  được ghi trong 1 Sử-ký 29:11, “Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.” Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng cai trị vũ trụ, hướng mọi vật đến mục đích cuối cùng của chúng vì sự vinh hiển của Ngài.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời là Đấng hoàn toàn thánh khiết, và sự thánh khiết của Ngài đã tôn cao Ngài lên xa khỏi con người tội lỗi. Sau khi hình dung về Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết đáng kinh ngạc, Ê-sai đáp: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi!” (Ê-sai 6:5). Cùng với tội lỗi, chúng ta không thể tồn tại trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cùng với sự thánh khiết của Ngài, Ngài có lòng nhân từ, tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn. “Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người,” Đa-vít tuyên bố, “sự từ bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên” (Thi. 145: 9). Trong sự thánh khiết, yêu thương và công bình, Đức Chúa Trời đã vạch ra một kế hoạch cứu rỗi cho những con người tội lỗi chúng ta.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong sự thánh khiết của Ngài, trái ngược với con người tội lỗi là lẽ tự nhiên; do đó Ngài không phải là một phát minh của con người, như nhiều người đã khẳng định. Nhà biện giáo Cơ đốc Cohn Chapman đã nói, “Điều khó chịu về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là Ngài thường xuyên cắt ngang những ước muốn và khao khát cá nhân của chúng ta. Ngài không cho phép chúng ta ích kỷ và luôn đối đầu với chúng ta bằng một tiêu chuẩn cao không thể thỏa hiệp. Đây không phải là kiểu Đức Chúa Trời mà con người làm ra khi con người đặt mục tiêu làm ra một vị thần theo ảnh tượng của chính mình.”

Bản chất của Đức Chúa Trời là mầu nhiệm mà không một con người nào có thể hiểu hết được. Trong suốt lịch sử, con người đã tin vào nhiều vị thần (đa thần) hoặc một vị thần Nhất thể duy nhất. Chỉ riêng Kinh Thánh trình bày về Đức Chúa Trời duy nhất, đồng thời cũng là một Đức Chúa Trời Ba ngôi — Cha, Con và Thánh Linh. Khái niệm Ba Ngôi này về Đức Chúa Trời không mâu thuẫn với lý trí của con người, như một số người suy nghĩ. Ba Ngôi không có nghĩa là có ba Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là một Đấng Thánh tồn tại đời đời trong ba thân vị. Mặc dù không phải là một sự trái ngược phi lý, nhưng khái niệm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một không hoàn toàn dễ hiểu đối với tâm trí con người, cũng như không được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào khác. Tất cả những điều này lập luận rằng Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh  không phải là một sự trình bày, diễn đạt từ con người mà là một sự mặc khải thiên thượng.

Hơn nữa, về bản chất ba ngôi, Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh trả lời cho sự tìm kiếm của con người về sự hiểu biết Đức Chúa Trời và mối quan hệ với Ngài sâu sắc hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Niềm tin vào một vị thần tối cao được tìm thấy trong nhiều tôn giáo, thậm chí một số tôn giáo có nhiều vị thần thấp hơn. Nhưng các vị thần trong các hệ thống tín ngưỡng đó siêu phàm và xa vời đến mức không thể biết được. Giống như một trong những vị thần của người A-thên lập ra vào thời của sứ đồ Phao-lô là một “thần không biết” (Công vụ 17:23). Người Hindu, khi mô tả bản chất của một vị thần, đã sử dụng những cách diễn đạt như “Bóng tối thánh” hoặc “Đấng mà không ai có thể nói lên được.” Đối với người theo đạo Phật, bất cứ thực tại nào cũng không thể được định nghĩa hoặc mô tả. Họ nói rằng chúng tôi chỉ có thể giữ một “sự im lặng kính phục” khi đối mặt với những điều không thể biết được. Tương tự như vậy, các tôn giáo Phi châu cổ xưa chỉ nói về một “chủ thể không biết”. Sự nhấn mạnh của Hồi giáo về quyền năng siêu đẳng nơi thần của họ là thánh Allah. Họ cũng xem Allah như là một vị thần, về cơ bản nằm ngoài tầm hiểu biết với ít sự liên kết với con người và không có đặc tính tình yêu thương!

Sự hiểu biết của Do Thái giáo về Đức Chúa Trời, dựa trên Cựu Ước, có nhiều điểm tương đồng với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo. Nhưng sự bác bỏ của Do Thái giáo về bản chất Ba Ngôi của Đức Chúa Trời cũng dẫn đến một Đức Chúa Trời khác xa, khi so sánh với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo gồm ba ngôi vị là Cha, Con và Thánh Linh. Môi-se chỉ được phép nhìn lướt qua phía sau vinh quang của Đức Chúa Trời, nhưng trong Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã đích thân bước vào dòng lịch sử nhân loại. Phi-líp đã nói, “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi” (Giăng 14: 8, xem thêm 1:14, 18). Chỉ khi Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời chứ không phải là một tạo vật, thì nhờ Ngài chúng ta mới có thể có mối tương giao mật thiết với chính Đức Chúa Trời. Herman Bavinck viết trong sách Giáo Lý về Đức Chúa Trời: “Niềm tin tôn giáo không thể hài lòng với bất kỳ điều gì kém hơn Đức Chúa Trời. Trong Đấng Christ, chính Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và qua Đức Thánh Linh, Ngài truyền đạt chính Ngài cho chúng ta.”

Đức Chúa Trời duy nhất trong Kinh Thánh đáp ứng nhu cầu của chúng ta không chỉ về sự mặc khải mà còn cả về sự cứu chuộc. Nhà cải chánh vĩ đại Martin Luther đã nói rất đúng, “Không có cách nào khác hơn là thông qua một thân vị đời đời, chúng ta có thể được cứu khỏi sự sa ngã khủng khiếp của tội lỗi và sự chết đời đời; chỉ một thân vị như vậy mới có thể có quyền trên tội lỗi và sự chết, để bôi xóa tội lỗi của chúng ta và thay vào đó ban cho chúng ta sự công bình và sự sống đời đời; không một thiên sứ hay tạo vật nào có thể làm điều này, nhưng phải do chính Đức Chúa Trời làm.” Chỉ có Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mới ban sự cứu chuộc và đó chính là Đức Chúa Trời mà chúng ta phải thờ phượng.

Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, là Cha, Con và Thánh Linh, cũng là lời giải thích duy nhất về một Đức Chúa Trời yêu thương đời đời. Một Đức Chúa Trời duy nhất không thể bày tỏ tình yêu thương trong mối quan hệ cá nhân nếu không tạo ra một đối tượng cho tình yêu thương của Ngài. Chỉ khi có những mối quan hệ cá nhân với chính Đức Chúa Trời thì Ngài mới có thể là Đức Chúa Trời – Ngài là “tình yêu thương” với bản chất từ ​​muôn thuở. Chỉ khi Đức Chúa Trời có sự liên kết trong bản thể của Ngài thì Ngài mới có thể cung cấp một mô hình cho sự hiệp nhất trong mối liên hệ giữa chúng ta với nhau (xem Giăng 17:21-22).

Helmut Thielicke viết trong sách Niềm Tin Của Người Giảng Tin Lành:

“Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cũng đáp ứng nhu cầu về một Đấng siêu việt — tể trị trên tạo vật và lịch sử như là một Đấng có toàn quyền — và về một Đấng đang hiện diện với chúng ta. Con người luôn có xu hướng đánh mất Đức Chúa Trời bởi một trong hai tà thuyết. Thứ nhất, Ngài có thể bị lạc trong một sự trừu tượng đến nỗi Ngài hầu như không thể được biết đến, điều này đúng trong nhiều tôn giáo của con người. Thứ hai, Ngài có thể được coi là nội tại bên trong sự sáng tạo đến mức về cơ bản Ngài bị lu mờ bởi chính các tiến trình của tự nhiên và lịch sử, như trong thuyết phiếm thần và thần học tiến trình (process theology). Chỉ có Đức Chúa Trời Ba Ngôi bước vào lịch sử để bày tỏ chính Ngài, đồng thời vẫn ở bên ngoài lịch sử với tư cách là một Đức Chúa Trời siêu việt.”

Bởi vì Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh nằm ngoài lý trí của con người, do đó Ngài không thể là sản phẩm của con người. Như tác giả W. G. T. Shedd  đã cảnh báo cách đây nhiều năm, “khi một người phủ nhận giáo lý cơ bản của Cơ đốc giáo (Đức Chúa Trời Ba Ngôi), người đó có thể đánh mất linh hồn của mình, nhưng khi cố gắng để hiểu thấu đáo giáo lý này, người đó có thể sẽ mất trí khôn.” Là những người tin Chúa, chúng ta vui mừng được thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng tối cao, vĩ đại và bản chất của Ngài chúng ta không thể hiểu hết được bằng trí óc hữu hạn của mình. Vì chính trong bản chất ba ngôi của Ngài, Ngài làm thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong lòng chúng ta vì một mối quan hệ với Ngài là Đức Chúa Trời ở trên chúng ta, vì chúng ta và ở trong chúng ta.

 

 

admin

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn