Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Ta muốn, hãy sạch đi

Ta muốn, hãy sạch đi

“Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi.”
(Mác 1:41)

Có một người phong hủi đến với Đức Chúa Jêsus, quỳ xuống và khẩn xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến con được sạch.” Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, đưa tay chạm vào người ấy và phán: “Ta muốn, hãy sạch đi.” (Bản dịch 2010)

Đức Chúa Jesus dành thời gian để tiếp xúc với từng cá nhân. Ngài đã nói chuyện với Ni-cô đem, người phụ nữ tại giếng Gia-cốp, người trai trẻ giàu có, tên cướp trên thập tự giá… Và trong câu chuyện này Ngài gặp một người phung.
Đức Chúa Jêsus đương ở trong thành kia, có một người mắc bịnh phung đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch! (Lu-ca 5:12).
Trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, người bệnh phung bị xếp vào loại thấp kém nhất. Những người này bị xem là ô uế và họ không được phép đến gần những người khác. Khi ra đường họ phải giữ khoảng cách với những người khác ít nhất là 6 feet (tương đương 1,82 met), và từ đằng xa họ phải la lớn lên: “Tránh ra, tôi bị ô uế.” Tuy nhiên Chúa Jesus đã dừng lại trước lời thỉnh cầu của một người phung. Chúa “động lòng thương xót” (Mác 6:34; 8:32). Ngài đụng chạm và chữa lành người này. Bài học nào cho chúng ta ở đây? Hãy dành thời gian bận rộn của mình cho người khác – tiếp xúc, lắng nghe và giúp đỡ họ. Điều này sẽ làm cho chúng ta giống với Chúa Jesus nhiều hơn.

Chúa Jesus đã đáp ứng cho người có nhu cầu về vật lý cũng như người có nhu cầu thuộc linh. Ngài chữa lành người bệnh, ban bánh cho người đói…và thậm chí gọi kẻ chết sống lại. Người bệnh phung “thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch!” Chúa Jesus đã không để cho người này thất vọng.
Chúa Jesus đã đến trần gian đáp ứng cho mọi nhu cầu của con người. Và đây là điều mà Hội thánh của Chúa trong suốt mọi thời đại tiếp tục với các mục vụ của Chúa Jesus trong mọi nơi chốn. Dù bạn làm việc trong trường học, bệnh viện hay bất kỳ một tổ chức, hội đoàn Cơ đốc nào, bạn cũng phải đi theo gương mẫu của Chúa Jesus.

Chúa Jesus không chỉ trả lời sự khẩn cầu của người bị phung, mà Ngài còn trả lời sự thỉnh cầu cho những ai có đức tin. Người phung biết rằng Chúa Jesus có thể chữa lành cho ông. Lý lẽ mà ông đưa ra là: “nếu Chúa khứng (muốn), chắc có thể làm cho tôi được sạch!” (Lord, if you are willing, you can make me clean.) Người phung đã không cầu nguyện theo cách mà người cha có đứa con trai bị quỉ ám trong Mác 9:22 khẩn cầu, “nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho!”. Và Chúa Jesus đã trả lời, “Sao ngươi nói: Nếu thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.”

Cầu nguyện liên quan đến đến ý muốn và quyền năng của Đức Chúa Trời. “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.” (1 Giăng 5:14-15). Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể biết được ý muốn của Chúa? Chính là nhờ Lời Chúa và Đức Thánh Linh. Điều này không có nghĩa là mở ra bất kỳ một trang Kinh Thánh nào, rồi chỉ vào đó một câu để tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa, nhưng là đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày và để Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta qua Lời. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải dành thời gian cầu nguyện và chờ đợi để lắng nghe tiếng Chúa. Đôi khi Chúa cũng dùng những Cơ đốc nhân khác để đưa ra lời tư vấn cho chúng ta. Rất nhiều lần Chúa Thánh Linh ban cho tôi sự hướng dẫn để giải quyết một tình huống qua một câu Kinh Thánh từ trong bài giảng. Chúng ta phải cầu nguyện cho những người khác, vì ý chỉ của Chúa là muốn họ được cứu. (1 Tim. 2:4; 2 Phi. 3:9).

Chúa Jesus truyền dạy người bệnh phung: “cấm người đó học chuyện lại với ai” (Lu-ca 5:14) sau khi được chữa lành, nhưng người này đã đi ra làm chứng tin tức tốt lành về trường hợp của anh ta. Anh ta đã không vâng lời Chúa? Tôi nghĩ rằng Chúa tha thứ cho anh ta về sự không vâng lời này. Giám mục Handley Moule đã nói: “Tôi thà làm một người nhiệt thành bày tỏ niềm vui hơn là cố gắng chôn giấu cảm xúc thật của mình.”

Hội thánh ngày nay đang làm điều trái ngược với người bệnh phung trong câu chuyện trên đây. Chúa truyền bảo anh ta im lặng với công chúng, nhưng anh ta đã nói ra điều Chúa làm. Còn Hội thánh được truyền bảo công bố tin tức tốt lành, nhưng chúng ta giữ im lặng? Hội thánh hay người bệnh phung phạm nhiều lỗi hơn trong câu chuyện này? Nếu Chúa Jesus đã làm một vài điều đặc biệt trong cuộc đời bạn, hãy nói điều đó cho người khác biết.

“Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe.”
(Công vụ 4:20)

admin

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn