Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Trồng Và Tưới Cây

Trồng Và Tưới Cây

Chúa hỏi con là ai, không hiểu biết gì, sao dám nghi ngờ ý định Chúa.
Thật con đã nói những điều con không hiểu.

Gióp 42:3

Có hơn mười ngàn từ trong sách của Gióp, hầu hết là lời phán của Đức Chúa Trời, sau đó là của Gióp và của bốn bạn hữu viếng thăm. Gióp là một con người tin kính Chúa, nhưng Satan cáo buộc rằng Gióp được như vậy là vì Đức Chúa Trời ban phước, nếu Chúa không ban phước, Gióp sẽ khác đi. Trước lời kiện cáo đó, Đức Chúa Trời cho phép Satan tấn công Gióp trên nhiều lĩnh vực. Nó gây cho Gióp bị ung nhọt nhức nhối từ bàn chân đến đỉnh đầu.  Bấy giờ Gióp phải ngồi giữa đống tro. Ông lượm một miếng sành để gãi.  Vợ Gióp nói: “Ông vẫn giữ được sự trọn lành sao? Sao ông không nguyền rủa Đức Chúa Trời rồi chết đi?”  Nhưng Gióp đáp: “Bà nói như một người đàn bà ngu muội. Ơn phước Đức Chúa Trời ban, chúng ta nhận; còn tai họa, lẽ nào chúng ta không nhận?” (Gióp 2:8-10). Trong nhiều ngày sau đó Gióp và các bạn hữu đã tranh luận với nhau, cố gắng giải thích tại sao sự đau khổ lại bủa vây Gióp tứ bề như vậy? Và rồi mỗi người đi tới một kết luận khác nhau. Chúng ta nghĩ thế nào về các kết luận đó?

Có ba sự yên lặng trong sách Gióp có thể giúp đỡ chúng ta ngày hôm nay.

Sự im lặng của sự cảm thông (Gióp 2:11-13). Các bạn hữu của Gióp vượt qua những chặng đường xa đến thăm Gióp, và họ “thấy Gióp, nhưng họ không nhận ra ông. Họ liền khóc lớn tiếng, mỗi người xé áo mình, hất bụi đất lên trời, và rải trên đầu mình.  Họ ngồi bệt xuống đất với Gióp suốt bảy ngày bảy đêm; không ai nói với ông một lời nào, vì họ thấy ông đau đớn quá nhiều.” Những người này biết rằng để bày tỏ sự cảm thông đối với khổ nạn của Gióp vào lúc này là không nói gì cả trong suốt một tuần. Họ chỉ ngồi bên cạnh ông để cùng chia sẻ nỗi đau với Gióp. Gióp không có gì để nói với họ, và họ cũng không có lời nào để an ủi ông. Có những lời mang đến sự chữa lành, nhưng có lúc sự im lặng cũng mang đến sự chữa lành. Và trong tình huống này của Gióp, sự yên lặng của các bạn hữu là tốt hơn những lời nói.

 

Sự im lặng của uy quyền thiên thượng (chương 3-37). Khi đọc các lời phát biểu từ bốn vị khách viếng thăm, chúng ta tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời không lên tiếng? Thay vì vậy Ngài giữ yên lặng. Có 329 câu hỏi được nêu ra trong sách của Gióp. Tuy nhiên không có nhiều câu trả lời. Mỗi người nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng, nhưng tất cả họ đều lẫn lộn. Sô-pha nói với Gióp, “Có thể nào anh dò thấu sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Hoặc khám phá được tận cùng sự hiểu biết của Đấng Toàn Năng?  Sự khôn ngoan của Ngài cao hơn các tầng trời, anh làm gì được? Sâu hơn âm phủ, anh hiểu sao thấu?” (Gióp 11:7-8). Phao-lô làm sáng tỏ điều này khi ông viết, “Vì chúng ta chỉ mới hiểu biết một phần.” (1 Cô-rinh-tô 13:9). Đức Chúa Trời im lặng trong suốt cuộc tranh luận mặc cho các nhân vật trong câu chuyện đưa ra quan điểm của mình. Có một thực tế là các diễn giả và chính khách có những bài phát biểu sinh động, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ giải quyết vấn đề theo những gì họ nói. Đôi khi họ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nhà văn Joseph Conrad viết, “lời nói là kẻ thù lớn của thực tế.”  Bạn nghĩ sao?

Sự im lặng của sự khám phá (Gióp 42:1-6). Gióp lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời và học biết nhiều hơn về chính mình, nhiều hơn những gì Gióp đã từng biết trước đây. “Sau đó, giữa cơn bão tố, Chúa phán với Gióp:  Con là ai mà dám nghi ngờ ý định ta. Nói ra những lời thiếu hiểu biết?” (38:1-2). Bấy giờ Gióp thưa với Chúa, “Con không ra chi, biết thưa lại cùng Chúa thể nào? Con lấy tay che miệng, không dám nói.  Con đã lỡ phát biểu một hai lần rồi. Nay xin thôi, không dám nói thêm.” (40:3-5) Khi Đức Chúa Trời kết thúc cuộc thẩm vấn, Gióp thừa nhận là ông đã nói ra những lời thiếu hiểu biết. Khi Gióp nhìn thấy Chúa và thấy chính mình, điều duy nhất mà ông có thể làm là ăn năn. “Trước kia con chỉ nghe đồn về Chúa. Nhưng bây giờ, chính mắt con đã thấy Ngài.  Vì vậy, con xấu hổ về mọi điều con nói. Và xin ăn năn giữa đống tro bụi.” (Gióp 42:5-6)

Và cuối cùng Đức Chúa Trời đã bác bỏ các luận đề của các vị khách viếng thăm, minh oan cho Gióp. Gióp đã nhận ra bài học cho mình. Vua Đa-vít cũng đã có một kinh nghiệm tỉnh thức tương tự như của Gióp (Thi. 131).

 

Giữa những bận rộn và âm thanh xô bồ của cuộc sống hiện đại, chúng ta phải dành thời gian ở với Đức Chúa Trời để nghe được tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ của Ngài. Chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo về thái độ của mình. Còn phương cách nào khác để chúng ta có thể biết được ý Chúa và nhận ra con người thật của mình?

 

Đức Chúa Trời phán với người rằng: Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đức Giê-hô-va. Nầy Đức Giê-hô-va đi ngang qua, có một ngọn gió mạnh thổi dữ-tợn trước mặt Ngài, xé núi ra, và làm tan-nát các hòn đá; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong trận gió. Sau trận gió có cơn động-đất; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong cơn động-đất.  Sau cơn động-đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ.

1 Các vua 19:11-12

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

Cùng chủ đề:
https://huongdionline.com/2015/05/19/dau-kho-tan-cung/

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn