CÓ THỂ HÌNH DUNG Đức Thánh Linh là một con người mà không phải là Đức Chúa Trời. Thiên sứ và loài người là những cá thể mà không phải là chủ thể thần thượng. Tuy nhiên, nếu Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời, thì Ngài cũng là một Con người, bởi vì Đức Chúa Trời cũng là một cá thể. Đức Thánh Linh có thần tánh hàm ý luôn cả việc sở hữu nhân cách.
Những người tin lành thuần tuý liên hệ thần tánh của Đức Thánh Linh với thần tánh của Đức Chúa Cha và thần tánh của Đức Chúa Con. Khi chúng ta biện luận cho sự duy nhất của thể thiêng liêng (Luận nhất thần) chúng ta cũng nắm giữ Ba Ngôi của bản tánh Đức Chúa Trời (Tam vị thuyết). Chúng ta bảo lưu ý niệm rằng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là ba thân vị riêng biệt, nhưng là Đấng tam vị nhất thể, là Đức Chúa Trời duy nhất.
Chúng ta chỉ có thể biết bản chất thật của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh, trong đó Ngài đã chọn để bày tỏ chính mình Ngài. Theo Miller Erickson đã quan sát, “Thần tánh của Đức Thánh Linh không dễ dàng được thiết lập giống như của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Có thể nói rằng, thần tánh của Đức Chúa Cha đơn giản được giả định trong Kinh Thánh, còn của Đức Chúa Con thì được xác nhận nhưng cũng gây tranh cãi, trong khi đó thần tánh của Đức Thánh Linh lại được suy ra từ các câu Kinh Thánh công bố gián tiếp.”
Khảo sát tất cả những câu Kinh Thánh đề cập Đức Thánh Linh cho thấy rằng Ngài quả thực là Đức Chúa Trời, bình đẳng với Đức Chúa Cha và với Đức Chúa Con trong thần tánh.
DANH XƯNG CỦA NGÀI
Danh xưng của chúng ta thường bày tỏ chúng ta là ai, và nó cũng thể hiện hành vi và tính cách của chúng ta. Đôi khi, chúng biểu lộ cách người khác nhận thức về chúng ta. Bạn có nhớ tên gọi của bảy chú lùn không? Doc, Sleepy, Dopey, Grumpy, Sneezy, Happy, Bashful. Những tên gọi đó phản ánh tính cách của họ.
Kinh Thánh dùng rất nhiều danh xưng để mô tả Đức Thánh Linh. Mỗi danh xưng bày tỏ một số điều về bản chất của Ngài
Những Danh Xưng Liên Hệ Ngài với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con
Đức Thánh Linh liên hệ với Đức Chúa Cha trong những chức danh này. Thần của Đức Chúa Trời (Sáng. 1:2; 1. Cô-rinh-tô 3:16); Thần của Chúa Giê-hô-va (Ê-sai 61:1); Thánh Linh của Chúa (Lu-ca 4:18); Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta (1 Cô-rinh-tô 6:11); Thần của Chúa Giê-hô-va (Các quan xét 3:10); Thánh Linh Ngài (Dân số ký 11:29); Thần của Đức Chúa Trời hằng sống (2 Cô-rinh-tô 3:3); Thần Chúa (Thi thiên 139:7); Thánh Linh của Cha các ngươi (Ma-thi-ơ 10:20); Thần ta (Sáng 6:3); và Thánh Linh của Đấng làm cho Chúa Giê-su từ kẻ chết sống lại (Rô-ma 8:11).
Đức Thánh Linh liên hệ với Đức Chúa Con qua những danh này: Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su Christ (Phi-líp 1:19); Thánh Linh của Đấng Christ (Phi-líp 1:11); Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su (Công vụ 16:7); Thánh Linh của Con Ngài (Ga-la-ti 4:6); Thánh Linh của Chúa (Công vụ 8:39)
Những danh xưng này chắc chắn bày tỏ mối quan hệ giữa hai thân vị riêng biệt này. Chúng cũng ám chỉ sự sở hữu thần tánh của Đức Thánh Linh trong những mối liên hệ đặc biệt đó.
Những Danh Xưng Liên Hệ Ngài với Các Thuộc Tánh của Đức Chúa Trời
Thánh. Một trong những danh xưng quen thuộc nhất của Ngài là Đức Thánh Linh. Chức danh này không thể loại bỏ trong nghi thức lễ báp tem của Cơ đốc giáo; “hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19). Những gì Đức Thánh Linh làm thì bày tỏ Ngài là ai. Bởi vì Đức Chúa Trời là thánh (Lê-vi-ký 11:44; 1 Phi-e-rơ 1:16), Ngài là tiêu chuẩn khách quan vĩnh cửu của sự thánh khiết cá nhân. Vì thế, tội lỗi là sự thiếu hụt tiêu chuẩn của ý muốn và bản chất của Đức Chúa Trời thánh khiết. Danh xưng – Đức Thánh Linh cho thân vị thánh, chắc chắn biểu lộ thần tánh của Ngài. Ngài cũng được gọi là Đấng Thánh (Giăng 2:20) và Thần Linh của thánh đức (Rô-ma 1:4).
Vĩnh cửu. Là Đấng vĩnh cữu, Ngài không có khởi đầu và kết thúc. Đức Thánh Linh được gọi là Đức Thánh Linh đời đời, bày tỏ thuộc tánh thiêng liêng đó (Hê-bơ-rơ 9:14)
Vinh hiển. Vinh hiển của Đức Chúa Trời bày tỏ tất cả mọi điều về Ngài là ai. Duy một mình Đức Chúa Trời có sự vinh hiển trong bản chất đó. Đức Thánh Linh mang danh xưng Đức Thánh Linh vinh hiển (1 Phi-e-rơ 4:14).
Sự sống. Đức Chúa Trời tự có sự sống đầy trọn. Ngài không bị lệ thuộc bởi bất cứ ai và điều gì bên ngoài Ngài để có lương thực nuôi Ngài. Ngài đã, đang và sẽ như vậy. Ngài tồn tại, và luôn luôn bất biến. Đức Thánh Linh được gọi là Thần Linh sự sống (Rô-ma 8:2). Đấng Christ là sự sống (Giăng 14:6), và Đức Thánh Linh cũng vậy. Cả hai đều có thể duy trì và ban sự sống trong người khác mà không giảm sút chính mình.
Lẽ thật. Đức Chúa Trời là lẽ thật, luôn luôn nói và hành động trong lẽ thật (Giăng 17:17). Không có sự lừa dối trong Ngài. Cũng vậy, Đức Thánh Linh được gọi là Thần lẽ thật (Giăng 14:17; 16:13). Trong đời sống của mỗi con cái Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh dạy lẽ thật và bày tỏ Lời lẽ thật là Kinh Thánh, và dẫn dắt tín hữu vào mọi lẽ thật.
Ân điển. Đức Chúa Trời giàu ơn (ân điển) trong và bởi chính Ngài. Ngài ban ân điển trên những tội nhân không xứng đáng. Chúa Giê-su Christ đầy ân điển (Giăng 1:14), và Đức Thánh Linh cũng vậy, vì Ngài được nhìn nhận là “Đức Thánh Linh ban ơn” (Hê-bơ-rơ 10:29). Ngài ban phát ơn của Đức Chúa Trời khi Ngài thực hiện mục đích cứu chuộc trong mỗi tội nhân qui đạo.
Khôn ngoan. Chỉ duy Đức Chúa Trời là khôn ngoan (1 Ti-mô-thê 1:17). Phao lô ca ngợi Đức Chúa Trời về sự khôn ngoan: “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33). Đức Chúa Trời có khả năng biết mọi sự, và Ngài không cần học bất cứ điều gì. Ngài biết mọi sự một cách vô hạn. Với sự hiểu biết này về bản chất của Đức Chúa Trời, Phao lô nói về Đức Thánh Linh là “thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài” (Ê-phê-sô 1:17)
Trong lễ báp-tem của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời xức dầu cho Đức Chúa Con với Đức Thánh Linh. Sau đó Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ rao giảng, dạy dỗ và chữa lành công khai. Ê-sai tiên đoán trước về sự kiện cứu chuộc trọng đại này: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:2). Vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống của Đấng Christ không thể tách biệt khỏi những khái niệm khôn ngoan và tri thức.
Những Danh xưng ý nghĩa khác. Trong ngày Ngài thăng thiên, Đấng Christ đồng hóa lời hứa của Đức Chúa Cha với Đức Thánh Linh (Công vụ 1:4). Cứu Chúa trước đó đã dạy rằng Đức Chúa Cha sẽ sai Đức Thánh Linh đến khi Ngài thăng thiên trở về với Đức Chúa Cha (Giăng 14:16-17, 26).
Đấng Christ cũng gọi Đức Thánh Linh với danh xưng parakletos (“Đấng yên ủi” hay “Giúp đỡ”, Giăng 14:16, 26). Đấng Christ yên ủi, giúp đỡ và khích lệ các sứ đồ khi Ngài còn trên đất với họ, và Đức Thánh Linh sẽ thực thi chức vụ này cho các sứ đồ sau khi Chúa Giê-su về trời. Trong ý nghĩa đó Thánh Linh sẽ là Đấng yên ủi “khác” (Tiếng Hy lạp allos: khác nhưng cùng một loại). Là một Đấng khác nhưng cùng một nhóm, Thánh Linh cũng là Thần như Chúa Giê-su Christ.
Mỗi tín hữu đã nhận Đức Thánh Linh, được gọi là đã nhận “Thần trí của sự làm con nuôi” (Rô-ma 8:15). Sự hiện diện hay ngự trị của Đức Thánh Linh bên trong tín nhân, có thể thực hiện được qua sự tái sinh thuộc linh, làm cho tín nhân gọi Đức Chúa Trời là Cha.