Thứ Bảy , 21 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Người Không Có Tôn Giáo Tin Gì?

Người Không Có Tôn Giáo Tin Gì?

Thời nay bạn không thể tin vào Chúa!
Chúa đã lỗi thời?
Mặc dù kết quả từ những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người ở các nước Phương Tây tin vào Đức Chúa Trời (trội hơn ở các nước Phương Đông), thì điều đáng kinh ngạc là không thể biết được có bao nhiêu lần bạn nghe người khác chối bỏ Đấng Toàn Năng với câu nói: “Thời nay bạn không thể tin vào Chúa.”
Theo một ý nghĩa nào đó thì điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất bận rộn, và nhiều người trong chúng ta không có thời gian lẫn sở thích để tìm hiểu những chủ đề sâu sắc mà dường như không liên quan trực tiếp đến chúng ta. Nhưng sẽ ra sao nếu tồn tại một Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên chúng ta, yêu thương chúng ta, và sẽ xét đoán chúng ta? Nếu đó là sự thật, như Tiến sĩ Jowett, hiệu trưởng của một trường Đại học thuộc Đại học Oxford đã từng nói: “Không phải tôi nghĩ gì về Chúa, nhưng Chúa nghĩ gì về tôi đó mới là điều quan trọng.”
Một lần nữa, ý niệm về Chúa đã bị lạm dụng rất nhiều trong quá khứ khiến chúng ta có xu hướng tránh né nó. Đức Chúa Trời được khắc họa như một người trên bầu trời với một cây gậy lớn. Chúng ta được dạy phải sống tốt và làm điều đúng bởi vì Đức Chúa Trời sẽ xét đoán nếu chúng ta phạm tội. Ý muốn của Đức Chúa Trời trở nên một công cụ rất hữu ích để khiến người ta an phận thủ thường theo cách:
Người giàu sống trong lâu đài,
Kẻ nghèo gác ngoài cổng;
Chúa dựng nên người cao sang cùng người thấp hèn,
Và chỉ định phần đất của họ.
Toàn bộ chế độ xã hội và áp bức chủng tộc đều đặt nền móng trên quan niệm này về Chúa (Một lời trong bài Thánh ca “Vạn vật tươi sáng đẹp đẽ,” giờ đây đều bị bỏ quên). Thật vậy, ý muốn Chúa là một điều nào đó mà con người trong mọi thời đại có thể khẳng định chắc chắn khi họ gia nhập vào cuộc chiến tôn giáo, như là Thập Tự Chinh, hay là đàn áp tôn giáo, hoặc Tòa án dị giáo, để gán cho quan điểm của họ. Hơn thế nữa, Chúa được sử dụng như chiếc nút để lấp đầy những khe hở của kiến thức khoa học. Thậm chí Newton đã đặt ra định đề: Đức Chúa Trời giữ cho vũ trụ và các quy luật của nó hoạt động. Nhưng khi kiến thức khoa học gia tăng, các khoảng trống bị thu hẹp thì Chúa cũng bị thu hẹp.
Tất cả những lý do trên khiến Chúa trở nên lỗi thời. Tạp chí Thời đại từng đặt đầu đề trên trang bìa của họ số ra tháng Tư năm 1966: “Chúa đã chết!” Nhưng thật khó để biết chắc những việc như vậy. Có một xu hướng cũng quan trọng không kém, lý do mà trong số ra tháng Mười hai năm 1969, đầu đề Tạp chí Thời đại lại đặt ra câu hỏi: “Phải chăng Chúa sống lại một lần nữa?” Cuối cùng thì bạn chẳng tìm thấy trong Kinh Thánh sự biện hộ nào cho các cuộc chiến tôn giáo hoặc các tòa án dị giáo. Bạn sẽ không thấy cuốn sách cẩm nang Cơ đốc này xác nhận rằng bạn nên làm điều tốt nếu không Đức Chúa Trời sẽ hình phạt vì lỗi lầm bạn gây ra. Không nơi nào trong Kinh Thánh dùng Chúa để lấp đầy sự thiếu sót tri thức của con người: thay vào đó, Ngài là nguồn, là Đấng duy trì và là mục đích của cả hoàn vũ, trong đó có con người và sự hiểu biết của họ. Có lẽ chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn về lời tuyên bố: “ngày nay bạn không thể tin Chúa.” Điều gì thật đặc biệt trong thời hiện đại khiến chúng ta khó tin Chúa hơn thời của cha ông chúng ta?

Vấn đề khoa học.
Đầu tiên, đó là sự thành công đáng kinh ngạc của khoa học. Toàn bộ khuôn mặt của thế giới đã thay đổi trong vòng năm mươi năm qua. Khi cha tôi còn trẻ lúc đó chưa có xe ô tô, máy bay, và hầu hết người ta không bao giờ đi quá xa ngôi làng của họ. Sự phát triển của du hành vũ trụ, công nghệ hạt nhân, và mạng công nghệ thông tin thế giới đều xảy ra trong thời của ông. Không có gì lạ khi con người trở nên bối rối. Khoa học dường như đã chiến thắng. Không có gì lạ khi người ta đặt hết hy vọng của họ vào khoa học và vứt bỏ quan niệm về Chúa. Bá tước Richard Gregory đã viết trên văn bia của mình:
Ông tôi giảng niềm tin của Đấng Christ.
Cha tôi giảng niềm tin của chủ nghĩa xã hội.
Tôi giảng niềm tin của khoa học.
Trên thực tế, không có một cuộc chiến nào giữa niềm tin đúng đắn trong Chúa với những kết quả đảm bảo của khoa học. Cha đẻ của khoa học hiện đại như Kepler, Galileo, Copernicus và Bacon đều là những Cơ đốc Nhân sốt sắng trong Chúa. Họ nhận thấy sự bày tỏ của Chúa qua Kinh Thánh và trong thế giới tự nhiên như là phần bổ sung. Chẳng hạn như Kepler đã khẳng định: “Cái lưỡi của Chúa và ngón tay của Chúa không thể xung đột với nhau.” Phòng thí nghiệm Cavendish ở Cambridge đã khắc lên lối vào của họ: “Công việc Chúa thật tuyệt vời, được tìm thấy bởi những ai vui thích tại đó.” Và ngược lại với niềm tin của nhiều người, có một số lượng lớn những Cơ đốc Nhân tin kính giữa vòng những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
Nhưng chẳng phải thuyết tiến hóa đã bác bỏ khả năng của một Đấng Tạo Hóa hay sao? Không chút nào. Thuyết tiến hóa nhằm giải thích những hình thái đa dạng của sự sống đã phát triển như thế nào qua hàng triệu năm từ những hình thái đơn giản. Niềm tin một Đấng Tạo Hóa nhằm giải thích ý thức vĩ đại đằng sau vật chất. Không có sự mâu thuẫn nào giữa hai điều trên cả. Điều đáng chú ý là ký thuật Kinh Thánh về câu chuyện Chúa sáng tạo cho chúng ta biết đôi điều về Đấng đã sáng tạo, và lý do Ngài làm như vậy. Nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta biết việc đó diễn ra như thế nào. Điều mà Kinh Thánh nói đó là đằng sau tạo vật đó là Đấng Tạo Hóa, và chúng ta chỉ là “bụi đất,” và là một phần của thế giới vật lý, nhưng theo một nghĩa khác chúng ta được truyền “hơi sống” và được tạo dựng theo ảnh tượng của Đấng Tạo Hóa. Không một phát hiện nào trong lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển của sự sống có thể bác bỏ tuyên bố trên. Nếu con người khám phá ra cách tạo dựng sự sống trong phòng thí nghiệm thì điều đó cũng không khiến Chúa bị phá sản. Đơn giản nó sẽ chỉ chứng minh rằng những bộ óc thông minh sử dụng vật chất (với vật chất sống thật để sao chép, một cách ngẫu nhiên) và sắp xếp chúng theo một cách đặc biệt, một tế bào nhỏ sự sống có thể được tồn tại. Nói cách khác, vật chất được sắp xếp bởi những khối óc thông minh có thể tạo ra sự sống. Đó chính là điều Cơ đốc Nhân luôn luôn tuyên bố về Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta tìm ra bí mật của sự sống, chúng ta sẽ chỉ nghĩ về những suy tư của Đấng Tạo Hóa mà thôi.
Không một phương pháp khoa học nào có thể chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của Chúa. Không gì đảm bảo, nhưng sự phỏng đoán căn bản của phương pháp khoa học xác nhận rõ ràng sự tồn tại của ý thức đằng sau vật chất. Hoàn toàn hiển nhiên đối với mọi câu hỏi khoa học rằng có sự trật tự và mục đích trong thế giới vật lý. Nếu thế giới nảy sinh từ sự tình cờ và hỗn loạn, vậy mục đích của nó là gì? Ngày nay có rất ít những người theo chủ nghĩa duy vật thuần khiết, bởi hoàn toàn hiển nhiên các quy luật phân tích vật lý và các nguyên tố hóa học không thể lý giải cho hành vi, lý lẽ, cảm xúc, sự ngạc nhiên, lời nói, đạo đức và hành vi thờ phượng của con người. “Có nhiều điều trên trời và dưới đất hơn triết học của chúng ta có thể tưởng tượng đến”. Những lời này của Shakespeare có thể thích hợp cho những ai cố gắng biến khoa học chủ nghĩa duy vật thành thẩm phán duy nhất của chân lý. Không gì trong tiến trình khoa học cần phải làm bối rối bất kỳ ai tin vào Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Thuyết tiến hóa lại càng không.

Vấn đề đau khổ bất hạnh
Thứ hai – sự đau khổ bất hạnh – vấn đề rất đỗi khiếp kinh. Không phải vấn đề này lớn hơn bao giờ hết, nhưng nó đang ngày càng lớn hơn. Những điều như vậy xuất hiện trong phòng khách mỗi tối trên TV. Có thể nào có Đức Chúa Trời nếu Ngài cho phép mọi sự đau đớn khốn khổ xảy ra trên trái đất này?
Trong lúc này tôi không muốn thu nhỏ vấn đề này lại. Nó thậm chí còn vượt xa hơn những tranh luận gay gắt nhất phản đối sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy cứ cho rằng vấn đề về sự đau khổ khiến bạn chối bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Trời để tưởng tượng rằng những quái vật đang thống trị số mệnh của chúng ta hoặc rằng những ngôi sao định đoạt sự may mắn của chúng ta, điều đó sẽ giúp ta như thế nào? Có thể bạn sẽ bỏ qua vấn đề cái ác cùng nỗi đau khổ (dù bạn vẫn phải sống với nó) nhưng bạn đã thay thế điều đó với một vấn đề còn lớn hơn nữa – làm thế nào bạn có được sự tử tế và lòng nhân đạo, tình yêu và sự vô vị kỷ, tính hòa nhã và hào hiệp trong một thế giới bị cai trị bởi một quái vật đáng khiếp sợ hoặc những ngôi sao hững hờ. Không, cách đó không giúp được gì.
Trên thực tế, hơn bất kỳ ai, Cơ đốc Nhân có một cái nhìn thấu đáo vào sự đau khổ bất hạnh, là vấn đề vẫn không thể giải quyết được (và nó vẫn còn chưa giải quyết được, bất kể bạn theo đuổi triết lý sống nào đi chăng nữa). Bởi Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời không lạ gì trước các nỗi đau. Ngài không khởi đầu thế giới này để rồi nhẫn tâm bỏ mặc chúng. Ngài không vui lòng làm chúng ta đau đớn và ham thích tra tấn chúng ta. Ngược lại. Ngài rất quan tâm đến sự đau đớn trong thể xác và tinh thần của con người trong thế giới, cái mà chính Ngài cũng bước vào một cách cá nhân. Ngài đã đến như một người ở giữa những con người. Ngài sống trong sự nghèo khổ và khó nhọc; Ngài biết đói và khát, từng trải đòn vọt và nỗi đau buồn, sợ hãi và thất vọng. Ngài kết thúc cuộc sống theo cách đau đớn nhất mà con người từng biết đến. Vậy đừng ai nói với tôi rằng Chúa không quan tâm đến con người! Xin đừng ai nói rằng ông chủ thì không quan tâm đến cuộc sống ở nhà xưởng như thế nào!
Xin hãy nhìn kỹ lên thập tự giá. Qua thập giá Đức Chúa Trời đã nói với con người rằng Ngài quan tâm đến nỗi đau. Ngài quan tâm một cách mạnh mẽ và không vị kỷ. Sự quan tâm đó lớn đến mức Ngài đã đến để chia sẻ nỗi đau. Ngài muôn đời là Đức Chúa Trời chịu đau khổ. Thập giá chỉ cho tôi biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương tôi dù giữa cảnh đau khổ; dù mọi thứ trở nên đen tối vô vọng, Chúa Giê-su vẫn luôn là tình yêu thương lớn lao nhất từ Cha Thiên Thượng. Hơn thế nữa, qua cây thập tự tôi có thể mơ hồ nhận thấy một lẽ thật khác: Đức Chúa Trời sử dụng sự đau đớn. Ngài biến cái ác thành tốt lành. Bởi chính cái ác đã đóng đinh Chúa Giê-su. Song bởi cách Ngài tiếp nhận nó, Ngài đã chiến thắng cái ác; Chúa đã biến hận thù thành yêu thương cho ít nhất là những người đã bắt bớ Ngài. Ngài là mẫu mực của sự vô tội, tiếp nhận đau khổ không lời oán than. Mẫu mực ấy mãi từ đó đến nay đã truyền cảm hứng cho nhiều người và đã giúp cho những người như Giám mục Wilson. Với lòng dũng cảm, ông đã cảm hóa được tấm lòng của những người từng tra tấn ông tại một trại giam ở Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai.
Điều gì khiến cho sự chiến thắng đau khổ như vậy có thể xảy ra? Thập giá của Chúa Giê-su đơn thuần không phải là một khuôn mẫu để làm theo. Giữa nỗi đau đớn tột cùng, một người cần nhiều hơn một khuôn mẫu. Có một điều gì đó từ thập tự giá đã thanh tẩy Cơ đốc Nhân khỏi những hận thù, đau đớn. Ấy là sự chiến thắng. Vào ngày Thương khó đầu tiên Đức Chúa Giê-su đã chết với tiếng la của sự chiến thắng: chiến thắng sự đau đớn, hận thù, đau khổ, sự chết. Nhưng đó không phải là sự kết thúc. Ngài sống lại từ sự giam cầm lạnh lùng của mộ phần vào ngày thứ ba. Từ thời khắc đó trở đi, lịch sử đã sang trang. Cơ đốc Nhân là những người đã đặt niềm tin nơi Chúa, nhận biết Ngài, và đã bắt đầu nếm trải năng quyền Chúa phục sinh cùng sự sống đời đời.
Làm thế nào những Cơ đốc Nhân đầu tiên có thể vui mừng đương đầu với cái chết tại đấu trường trước những con thú hoang và đấu sĩ hoặc bị nướng trên giàn hỏa? Đơn giản bởi vì họ tin chắc rằng cái ác và sự đau đớn đã chịu một thất bại mang tính quyết định qua việc Chúa đã làm trên cây thập tự tại đồi Gô-gô-tha và sự sống lại. Thậm chí sự chết cũng là kẻ thù bị đánh bại. Vậy nên các tín hữu ấy đã đối diện với sự đau đớn không phải như là một điều xấu hoàn toàn, nhưng là một điều xấu đã bị chế ngự bởi Đức Chúa Trời, Đấng chịu đau khổ và đã chiến thắng; một điều xấu mà Chúa có thể sử dụng để kỷ luật các tín hữu, để rèn luyện họ, và để trang bị họ trở nên hữu ích, giống Chúa càng hơn. Đức Chúa Trời chịu đau khổ nhưng đã đắc thắng. Đấng vô tội nhưng mang lấy tội lỗi. Tại cây thập tự của Đấng Christ, Ngài đã tiết lộ về bộ phim tương lai của Ngài. Những Cơ đốc Nhân đầu tiên này có thể an tâm để Chúa bày tỏ trọn vẹn ý nghĩa của tất cả sự đau khổ mà họ chịu đựng trong đời sau, biết rằng đó sẽ là một sự giải thích sâu hơn về điều bí ẩn của thập tự giá: chính giữa dòng lịch sử, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng Ngài quan tâm đến sự đau khổ, Ngài chia sẻ nó, và chiến thắng nó. Để chắc chắn, Cơ đốc Nhân không cần phải lo lắng rằng sự đau khổ trong thế giới này khiến cho niềm tin vào Đức Chúa Trời trở nên không thể trong thời nay. Chỉ duy niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng chịu khổ mới ngăn chặn chúng ta khỏi trở nên hoàn toàn nhẫn tâm hoặc bị mất trí vì tất cả những đau khổ đang đè nặng trên thế giới này.

Cuộc sống vô nghĩa
Thứ ba đó là vấn đề vô nghĩa. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại giống như ngày nay khi có nhiều người tin rằng vào lúc cuối cùng thì sẽ không còn gì là quan trọng; chúng ta đến từ bụi đất thì cũng sẽ trở về với bụi đất. Không có Đức Chúa Trời, chẳng có ý nghĩa nào được gieo trong chúng ta; không có cõi vĩnh hằng, con người không thể chống cự với sự chết. Ý nghĩa biến mất khỏi cuộc sống. Nhiều tiền, nhiều lạc thú, vâng: nhưng xin đừng nói với tôi về ý nghĩa cuộc sống, bởi vì chẳng có ý nghĩa nào cả. Một họa sĩ nổi tiếng, Francis Bacon, đã viết:
Con người ngày nay nhận ra rằng họ là một sự tình cờ, rằng họ chỉ là một thực thể hoàn toàn vô dụng, rằng họ buộc phải gia nhập cuộc chơi nhưng không vì lý do nào cả. Các nghệ sĩ trước đây vẫn chịu tác động bởi những loại tôn giáo nào đó, điều mà bạn có thể nói rằng con người ngày nay đã thoát khỏi vì chính họ. Họ chỉ cố gắng đánh lừa chính mình trong chốc lát bằng cách kéo dài cuộc sống của mình – bằng cách mua một sự đồi bại nào đó từ các bác sĩ… Nghệ sĩ phải là người thực sự hiểu rõ cuộc chơi, như vậy họ mới có thể khiến cuộc sống thú vị hơn được.
Trong thực tế những gì nghệ sĩ đã làm đó là đem sự vô nghĩa nầy đến từng nhà, với mỗi tầng lớp trong xã hội. Nó thể hiện qua các bộ phim và nhạc Pop. Nó có mặt ở khắp nơi. Ví dụ như, hãy xem bài hát của David Crosby: “Giá mà tôi nhớ tên tôi” (If only I could remember my name):
Tôi tưởng đã gặp một người, người ấy biết một người có thể biết được chuyện gì đang xảy ra;
Tôi đã nhầm – đó chỉ là một người lạ mặt mà tôi biết.
Tôi tưởng đã tìm được ánh sáng dẫn lối tôi qua bóng đêm và màn tối;
Tôi đã nhầm – đó chỉ là những phản chiếu của một cái bóng mà tôi biết.
Tôi tưởng đã gặp được một người có vẻ như cuối cùng anh ấy biết được sự thật;
Tôi đã nhầm – đó chỉ là một cậu bé tươi cười dưới ánh nắng.
Chạy đến với tình dục dường như là một lối thoát khỏi sự vô nghĩa: nhưng không. Trích đoạn này từ một tiểu thuyết tình dục Trần như gió từ biển (Naked as the Wind from the Sea) là một điển hình:
Mọi người bối rối sau thảm họa giáng trên chúng ta. Chúng ta như những chú kiến bị lấy đi đống rơm: chúng ta chạy loạn lên như ong vỡ tổ với cọng rơm của mình và muốn xây lại một đống rơm mới. Nhưng họ đã cướp mất ý nghĩa của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là xoay sở với cọng rơm của mình theo cùng một cách…
Nếu bạn tiếp thu hết toàn bộ triết lý của sự vô nghĩa này, tất nhiên bạn sẽ không tìm thấy được ý nghĩa trong lời Chúa. Nhưng nó giống như trường hợp xem con gà và cái trứng, cái nào ra trước. Triết lý của sự vô nghĩa là nỗ lực của những người theo thuyết hiện sinh cố gắng xóa bỏ những hậu quả từ chủ nghĩa vô thần. Chối bỏ Đức Chúa Trời, và chờ xem liệu bạn có tìm thấy được ý nghĩa ở bất kỳ mọi điều nào khác không. Sự thật là bạn không thể.
Nhưng hãy thử cách khác. Sẽ ra sao nếu có Đức Chúa Trời? Vậy thế giới sẽ không chỉ đơn thuần là sự may mắn; nhưng đó là kết quả từ công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời. Con người không phải là rác rưởi, nhưng là đại diện của Đức Chúa Trời trên trái đất này. Lịch sử không phải là chuyện vớ vẩn, nhưng là câu chuyện của Đức Chúa Trời chiến đấu để bày tỏ qua tất cả những sự ngu ngốc rồ dại của con người. Cuộc sống không phải để hiểu đơn giản theo nghĩa “sáu mươi năm cuộc đời” nhưng là một nơi huấn luyện để ở với Đức Chúa Trời mãi mãi. Chúng ta không cần phải bị giằng xé giữa sự trật tự và mục đích rõ ràng trong tự nhiên với cảm giác thiếu mục đích, thiếu ý nghĩa, và lạc lõng mà con người hiện đại cảm thấy trong lòng. Chừng nào con người hiện đại quay về với Đấng Tạo Hóa của sự trật tự và mục đích trong tự nhiên, khi đó họ sẽ bắt đầu thấy sự trật tự trong chính cuộc sống mình, và cảm thấy mục đích trong mối liên kết với Đấng Tạo Hóa khi Ngài điều khiển thế giới.

Vấn đề chứng minh
Thứ tư đó là vấn đề chứng minh. “Bạn không thể chứng minh có Chúa.” Hoàn toàn đúng. Bạn không thể. Nhưng bạn cũng không thể chứng minh mẹ bạn yêu thương bạn. Thực ra, có rất ít điều mà bạn có thể chứng minh được, và chúng hoàn toàn không phải là điều thú vị trong cuộc sống. Chứng minh một điều nào đó có nghĩa là chỉ ra rằng điều đó không phải là điều nào khác, một dạng thức khẳng định chắc chắc. Bạn không thể chứng minh rằng mặt trời sẽ mọc vào ngày mai. Bạn không thể chứng minh rằng bạn đang sống. Bạn không thể chứng minh mối liên hệ nhân quả trong mỗi hành động của chúng ta. Bạn không thể chứng minh chính bạn của mười năm trước và bạn bây giờ là cùng một người. Triết gia David Hume đã cố chứng minh mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả, và chính mình ông trong thời điểm hiện tại là ông của mười năm về trước. Ông đã thất bại. Thất bại hoàn toàn.
Chứng minh chỉ sử dụng cho một số rất ít lĩnh vực triết học và toán học. Thậm chí cũng có những tranh cãi về các bằng chứng trong những lĩnh vực này. Phần lớn chúng ta có xu hướng dựa trên những bằng chứng có giá trị, nhưng lại không chứng minh. Mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả có bằng chứng rất giá trị. Có bằng chứng cho thấy mặt trời sẽ mọc vào ngày mai. Có lý do tốt để tôi tin rằng tôi trong hiện tại và mười năm về trước là cùng một người. Nhưng không có lý do nào để khẳng định mẹ tôi thực sự yêu tôi và bà ấy không vỗ béo tôi trước khi làm thịt tôi bằng một cốc trà có độc. Và có lý do rất tốt để tin vào Đức Chúa Trời. Lý do rất thuyết phục. Không phải là minh chứng mang tính quyết định, nhưng là lý do rất thuyết phục. Tôi xin chỉ ra những lý do chính vì sao chối bỏ sự tồn tại của một Đấng Tối Cao lại khó hơn là chấp nhận điều đó.
Sự tồn tại của trái đất. Hãy xem sự tồn tại của trái đất. Theo như hiểu biết của chúng ta hiện nay, trái đất là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có sự sống. Điều gì giải thích cho thế giới của chúng ta? Dù đó là thuyết “Vụ nổ lớn – big bang” hoặc thuyết “Vạn Vật Bất Biến”, chúng ta có xu hướng hỏi tại sao nó lại như vậy? Trái đất này phải đến từ một nơi nào đó. Không có ích gì khi trả lời: “Nó chỉ là một trong những điều như vậy thôi.” Cũng không có ích gì khi gán mọi thứ cho sự ngẫu nhiên. Nếu thế giới này dựa vào sự ngẫu nhiên thì làm thế nào quy luật nhân quả có thể tồn tại trong từng ngóc ngách của cuộc sống? Ý tưởng cho rằng sự ngẫu nhiên tạo ra quy luật nhân quả thật không hợp lý chút nào! Và cũng thật vô lý khi biện luận thế giới được xây dựng trên luật nhân quả chính nó lại không có nguyên nhân. Huxley đã từng nói: “Mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả là điều quan trọng nhất trong bản tín điều của các nhà khoa học.” Nếu bạn suy nghĩ thấu đáo, chính khoa học dẫn bạn quay trở về niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa.
Sự tồn tại của ý định (design). Hãy xem sự tồn tại của ý định. Thế giới tự nhiên ở mọi cấp độ đều minh chứng sự tồn tại của ý định. Hãy nghĩ đến cấu tạo giúp hội tụ hình ảnh của mắt, hệ thống ra-đa của dơi, bộ phận giữ thăng bằng của một con chim nhạn, cách một con chim trĩ ngụy trang tổ của nó. Hoặc hãy nghĩ đến sự hài hòa tuyệt đối của các quy luật vật lý. Hãy suy nghĩ đến sự thụ thai và sinh nở, thật tuyệt diệu! Bằng chứng về một Đấng Tạo Dựng Vĩ Đại hiện diện ở khắp mọi nơi. Thậm chí John Stuart Mill, một người mạnh mẽ chống đối Cơ Đốc Giáo, cuối đời cũng đã kết luận: “Lý lẽ ủng hộ sự tồn tại của ý định là không thể chối cãi. Thiên nhiên chứng thực cho Đấng Sáng Tạo của nó.” Chính Einstein cũng đã kể về “sự ngưỡng mộ khiêm cung của ông dành cho Vị Thần tối thượng vô biên, Đấng bày tỏ chính mình qua những chi tiết nhẹ nhàng để những khối óc mong manh của chúng ta có thể hiểu được.” Sau khi Einstein đề ra thuyết tương đối và được chấp nhận rộng rãi sau thí nghiệm của Michelson-Morley, cuộc thí nghiệm trên đã được thực hiện lại nhiều lần với những kết quả khác nhau. Dẫu vậy chẳng ai nghi ngờ gì về thuyết tương đối cả! (Ngay khi có kết quả sai số) mọi người đều cho rằng đó là lỗi khi thực hiện thí nghiệm, bởi vì thuyết này đã quá tốt, quá có lý, không thể sai được. Nói cách khác, chính các nhà vật lý cũng đang làm việc dựa trên giả định về sự tồn tại của ý định trong vũ trụ, bất kể bao nhiêu trong số những điều họ công bố là hoàn toàn dựa trên kết quả thực nghiệm.
Vậy nếu có ý định trong thế giới thì ý định đó đến từ đâu? Không phải từ chúng ta: chúng ta không đặt ra những quy luật trong tự nhiên hoặc phác thảo sự phát triển của phôi thai trong tử cung. Nó như thể có một Nhà Thiết Kế vô cùng khôn ngoan đang làm việc vậy.
Từ lâu Paley đã phát triển lý lẽ này qua câu chuyện chiếc đồng hồ. Lý lẽ của ông như vầy. “Bạn thấy chiếc đồng hồ này không? Từ xa xưa người ta từng tin rằng thợ làm đồng hồ làm nên nó. Vấu, bánh răng, mặt kính, và các con số đều mang lấy dấu vết của một thiết kế thông minh. Nhưng ngày nay chúng ta đã “vượt lên trên” những điều đó. Chúng ta biết rằng chiếc đồng hồ đã tiến hóa dần dần nên. Không hề có một ý định nào cho việc làm ra đồng hồ cả. Chọn lọc tự nhiên đã dần loại bỏ những chi tiết không liên quan đến một chiếc đồng hồ. Kim loại kết hợp thành một khối, mặt kính mọc lên che lại, các vấu phát triển dần dần, và cuối cùng là dây đeo mọc ra.” Không khó để ta nhận ra ý tưởng này thật lố bịch; người phát triển nó sẽ bị phớt lờ, nếu không thì cũng sẽ bị đưa ngay đến bệnh viện tâm thần!
Song cũng chính lý lẽ này những con người mất trí đã đặt cho thế giới của họ. Với lý lẽ đó họ cho rằng họ là người tiên phong và biết lẽ phải. Cũng vậy, giống như trường hợp chiếc đồng hồ, những bằng chứng của ý định trong thế giới bị gán cho tiến hóa mù cũng chẳng đem lại ý nghĩa nào hơn. Lý lẽ của Paley bị dân chúng công kích rằng Đức Chúa Trời không phải là thợ làm đồng hồ. Đúng, nhưng Paley chưa bao giờ nói Đức Chúa Trời là thợ làm đồng hồ. Đức Chúa Trời vĩ đại hơn cả một người thợ, nếu Ngài hoàn toàn là Đức Chúa Trời. Ngài chắc chắn không kém! Lý lẽ từ ý định là cực kỳ thuyết phục. Nói như Jean-Paul Sartre: “Thế giới này không phải là sản phẩm của Trí Thông Minh. Trong cái nhìn chăm chú của chúng ta, nó như một tờ giấy bất động… Con người là gì, chỉ là một vũng nước, sự tự do của họ đã chết?” Đồng ý với ý kiến trên cũng giống như bạn nhắm mắt lại trước một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất bày tỏ Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, Đấng luôn bày tỏ chính mình với những bằng chứng. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” câu Kinh Thánh này vẫn luôn đúng: cũng như khẳng định của Kinh Thánh: Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: ‘Chẳng có Đức Chúa Trời.’
(Thi Thiên 19:1; 14:1)
Sự tồn tại của tính cách (personality). Hãy xem sự tồn tại của tính cách. Đây là một trong số những hiện tượng đáng chú ý nhất trên thế giới. Đó là sự khác biệt giữa một người và một đồ vật, giữa một người còn sống và một người đã chết, đó là một điều cơ bản trong cuộc sống. Trong trích dẫn của Sartre, khi phủ nhận thế giới được tạo dựng từ Trí Thông Minh, Sartre không chỉ lăng mạ Đấng tạo dựng nên ông mà còn lăng mạ chính năng lực suy luận của mình. Trong thực tế, điều ông nói có nghĩa là không có lý do gì để tin lời ông nói! Sự thật là chúng ta không phải đơn thuần là những con rô-bốt; chúng ta có điều hơn cả rô-bốt, đó là tính cách con người. Khi tóm gọn mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống thành những điều có thể đo lường được bằng khoa học, một số nhà lý luận bất đắc dĩ tin rằng họ đã đề ra một tín điều không chắc có thật cho chủ nghĩa duy vật.
Nói cách khác, những người khác chỉ đơn thuần là những giọt chất nguyên sinh: tôi cũng vậy. Tôi không có tương lai, không thực sự tồn tại. Tôi nghĩ rằng tôi là một thực thể có ý thức, có lý trí, một người có thể giao thiệp với những người khác giống như tôi. Nhưng không phải vậy. Khoa học không hề biết gì về lý trí và ý thức, tính cách và tính giao thiệp xã hội. Khoa học chỉ liên quan đến phân tử và từ tính, nguyên tố và dòng điện, những điều có thể đếm và đo lường được. Tôi không có chỗ đứng trong thứ ngôn ngữ như vậy, và nếu đó là thứ ngôn ngữ cơ bản của thế giới thực thì tôi không thể mô tả chính mình và sẽ đi đến kết luận rằng tôi không tồn tại. Không hợp lý cho lắm. Nhưng khả năng này thật đáng lo ngại. Nó gợi lên rằng tính cách của tôi không thể giải thích đơn giản dựa trên các thành tố vật lý được. Tôi giá trị hơn cả vật chất. Tôi cao quí hơn, nhưng làm sao có thể được điều đó nếu như không có Đức Chúa Trời? Sông có chảy cao hơn nguồn của nó không? Dĩ nhiên là không. Vậy theo quan điểm vô thần, làm sao chúng ta có được tính cách con người từ những chất vô cơ, những vật vô tri mà toàn cõi hoàn vũ được hợp thành? Không, sự tồn tại của tính cách con người lại là một điểm ấn tượng khác minh chứng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người theo ảnh tượng của Ngài. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời bị giới hạn trong những tính cách như chúng ta, nhưng nó có nghĩa là nguồn lực tối thượng cho sự tồn tại của chúng ta không thể kém hơn con người.
Sự tồn tại của giá trị. Hãy xem xét sự tồn tại của giá trị. Tất cả chúng ta đều có giá trị, nhưng thật khó để hiểu nó nếu không có Đức Chúa Trời. Xét cho cùng, bạn sẽ không kỳ vọng tìm được giá trị trong những phân tử! Vật chất không phải là nguồn gốc của đạo đức. Vậy nên con người vô thần thời hiện đại bối rối bởi vì giá trị của họ đặt ở nơi đâu. Điều đó thể hiện rõ trong bài hát The Seeker (Người đi tìm) của nhóm The Who: “Tôi có những giá trị, nhưng tôi không biết bằng cách nào hay là tại sao.” Chúng ta coi trọng sự sống – nhưng tại sao lại coi trọng nếu nó chỉ bắt nguồn sự sự ngẫu nhiên? Chúng ta coi trọng sự thật – nhưng tại sao lại coi trọng nếu không có một năng lực tối thượng? Chúng ta coi trọng lòng tốt – nhưng điều đó có ích gì trong một thế giới khởi nguồn từ sinh vật phù du? Chúng ta mê đắm cái đẹp – nhưng chẳng có điều gì đẹp cả, bởi mọi điều trong thế giới đều khởi nguyên từ hỗn tạp. Chúng ta coi trọng truyền thông – nhưng hoàn vũ thì lại im lặng. Vâng, chúng ta có những giá trị, nhưng những giá trị ấy không thích hợp với bức tranh về thế giới của những người vô thần, một thế giới khởi nguồn đơn thuần từ sự ngẫu nhiên, từ vật chất, và tốn hàng triệu năm để phát triển rộng lớn. Tại đây tôi không tìm được những kiến thức cơ bản để đánh giá cho giá trị.
Nhưng sẽ ra sao nếu có một Đức Chúa Trời Sáng Tạo? Sự sống sẽ có giá trị bởi đó là món quà tuyệt vời nhất của Ngài, kéo theo giá trị vô hạn của mỗi cá nhân. Sự thật trở nên quan trọng bởi vì đó là một khía cạnh của Đức Chúa Trời – năng quyền tối thượng. Cũng vậy, cái đẹp và lòng tốt là những “mặt” của Đức Chúa Trời, và mỗi hành động tốt hoặc mỗi cảnh tượng đẹp là một sự ám chỉ về nguồn cội tốt lành và đẹp đẽ phát ra chúng. Trên hết, chúng ta không sống trong một hành tinh tĩnh lặng: Đức Chúa Trời phán và bày tỏ chính Ngài, ít nhất ở một chừng mực nào đó, Ngài bày tỏ trong thế giới, trong thiết kế của nó, trong những giá trị, và trong con người. Khi chúng ta giao tiếp, những lời nói của chúng ta không phải là lời huyên thuyên vô giá trị, nhưng là một khả năng thiên phú, được ban cho chúng ta bởi chính Đấng Giao Tiếp Vĩ Đại. Đó là hai thái độ cơ bản đối với giá trị. Tôi biết điều nào ý nghĩa đối với tôi hơn. Triết gia tại Đại Học Oxford, John Lucas, đã phát triển lập luận của mình một cách đơn giản và rõ ràng:
Tôi muốn làm việc tốt. Nhưng tôi không thể làm việc tốt nếu như không có những giá trị bên ngoài không phụ thuộc vào tôi để đánh giá hành động của tôi. Tôi không thể muốn chỉ làm điều tôi muốn, hay là tôi đang phủ nhận bản chất lý trí trong tôi. Tôi phải muốn làm điều đáng làm, và điều đáng làm không phải là bởi vì tôi muốn làm, nhưng bởi vì (nó tồn tại) không phụ thuộc vào mong ước của tôi, dù tôi có muốn hay không.
Sự tồn tại của giá trị là một dấu hiệu chứng minh cho Đức Chúa Trời, điều khó có thể tránh né được.
Sự tồn tại của lương tâm. Hãy xem sự tồn tại của lương tâm. Đó là một dấu hiệu chứng minh cho Đức Chúa Trời. Lương tâm của bạn không biện luận. Nó như là một người ban phát luật pháp bên trong bạn, tha bổng cho bạn hoặc kết án bạn. Nó không nói rằng: “Hãy làm điều này vì bạn sẽ thoát khỏi khó khăn theo cách đó.” Nó chỉ nói rằng: “Hãy làm.” Lương tâm là dấu hiệu nổi bật nhất cho Đức Chúa Trời là Đấng làm nên nó. Dĩ nhiên nó không phải là tiếng nói trực tiếp và đơn giản của Chúa. Nó đã bị làm cho méo mó bởi rất nhiều điều: môi trường sống, sự hợp lý hóa của số đông, sự không vâng lời. Nhưng chắc chắn lương tâm không phải là áp lực xã hội. Xưa kia Newton và Wilberforce đã chiến đấu một cách hết mình để giành lấy sự tự do cho các nô lệ, và Martin Luther King bênh vực cho quyền lợi của người da đen, tất cả đều không đến từ bất kỳ áp lực xã hội nào. Họ hành động dưới nanh vuốt chống đối của xã hội, và như vậy điều đó luôn luôn xảy ra để đạo đức được tiến bộ.
Dù văn hóa nhân loại có đa dạng đến đâu thì vẫn có những điểm chung đáng chú ý về những giá trị thiết yếu mà lương tâm chỉ ra: giết người, trộm cắp, ngoại tình, dâm dục, khủng bố, ghen ghét, tất cả đều bị kết tội. Toàn thế giới đều đồng ý rằng hòa bình là đúng và chiến tranh là sai – dù ít người thực hiện điều đó. Và cũng chính lương tâm chỉ cho chúng ta phân biệt đúng sai, và chúng là người công bố điều đúng. C.S. Lewis đã tóm lại như thế này:
Nếu không có hệ đạo đức nào tốt hơn hệ đạo đức nào thì việc chọn giữa đạo đức văn minh và đạo đức của Đức Quốc Xã cũng không có khác biệt gì. Khi bạn nói hệ đạo đức này là tốt hơn hệ đạo đức khác, khi đó bạn đang đo lường chúng bằng một chuẩn mực nền tảng nhất.
Thậm chí Bertrand Russell khi còn trẻ đã từng đấu tranh quyết liệt chống lại sự khác biệt cơ bản giữa đúng và sai, vào lúc cuối đời đã nói: “yêu thương là đúng, ghen ghét là sai,” Nhưng bằng cách nào ông có được những chân lý đạo đức như vậy trong một thế giới không thờ trời? Nó không phải được thêm vào. Nếu loại bỏ khả năng có một Đấng sáng tạo, bạn không thể xác định những nguyên tắc của lương tâm trong một số các nguyên tử ngẫu nhiên, điều mà cả thế giới này đều có. Đạo đức, lương tâm, sự khác biệt giữa đúng và sai là dấu chỉ quan trọng cho một Đức Chúa Trời Đấng quan tâm đến điều gì là đúng, là tốt lành và chân thật. Ngài không phải là một thế lực mù lòa, không phải là một nhà thiết kế khó hiểu, nhưng Ngài là Đức Chúa Trời của con người, vì quan tâm đến điều gì là đúng nên Ngài đã tạo dựng nên một thước đo đạo đức trong mỗi tạo vật của Ngài.
Sự tồn tại của tôn giáo. Hãy xem sự tồn tại của tôn giáo. Con người là loại động vật biết thờ phượng. Thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, các triết gia Hy Lạp chế giễu tôn giáo và mời gọi mọi người hãy bỏ nó đi. Nhưng tôn giáo vẫn tiếp tục. Khắp mọi nơi trên thế giới đều như vậy. Người Nga đã chiến đấu chống lại tôn giáo sau Cách Mạng năm 1917. Họ đã thất bại. Một lần nữa họ đã cố gắng đàn áp bằng bạo lực dưới thời Stalin. Họ lại thất bại. Trung Quốc cũng cùng một hoàn cảnh. Người Trung Quốc theo tôn giáo của họ một cách dai dẳng. Họ không thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng họ thờ phượng điều họ muốn, thậm chí đó là điều thuộc về vật chất như sự giàu có về của cải vật chất hoặc một điều gì đó rất trừu tượng như ý tưởng phát triển.
Có một sự thật giúp phân biệt con người hiện tại với con người thuở ban sơ mới xuất hiện. Nó phân biệt con người với những sinh vật khác. Đó chính là con người là động vật biết thờ phượng. Bất cứ nơi đâu con người từng sinh sống đều để lại dấu tích về sự thờ phượng, trong nhiều hình thức khác nhau. Đây không phải là kết luận của một người ngoan đạo, nhưng đó là một sự thật quan sát được. Và xuyên suốt lịch sử kể cả thời tiền sử, khi con người tự lấy đi hành động thờ phượng thì họ trở nên suy sụp không tự chủ được. Rất nhiều người này nay suy sụp không tự chủ được, hoặc họ sẽ tìm được một trụ cột dễ dàng đạt được nhất để neo bản năng của họ vào đó. Đó là nguyên nhân của sự tang bốc các thần tượng. Đó là nguyên nhân của những đám đông chạy đến những ngôi sao truyền hình. Nếu một bản năng không được thể hiện ra bên ngoài, hoặc bạn phải chế ngự nó, bạn có thể sẽ điên cuồng và mất trí.
Kết luận trên không phải của một triết gia hay một tu sĩ, nhưng là của một nhà văn, Winston Graham, trong tác phẩm Người Cộng Sự Đang Ngủ (The Sleeping Partner). Ý kiến của ông là đúng phải không?
Khi kết hợp lại với nhau, có những sự thật không chỉ khiến việc tin Chúa là một điều hợp lý, mà quả thực còn khiến cho những lý lẽ rất khó để bác bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Những sự thật đó bày tỏ một Đức Chúa Trời tài giỏi, đủ tài giỏi để thiết kế nên những chòm sao và quy định sự phát triển của phôi thai. Những sự thật đó bày tỏ Chúa là nguồn của tính cách con người, và vì vậy Ngài hơn cả một con người và vượt quá những gì chúng ta có thể nghĩ về con người. Ngài là nguồn gốc đích thực của giá trị: sự sống, ngôn ngữ, sự thật, cái đẹp, lòng tốt, tất cả đều tìm thấy trong một mái nhà chung đó chính là Ngài. Ngài quan tâm đến điều nào là đúng đắn hay sai trái, đến nỗi Ngài đã ban cho mỗi người có một lương tâm. Ngài muốn chúng ta biết Ngài và thỏa vui trong Ngài, Ngài muốn chúng ta thờ phượng và sống trong mối tương giao với Ngài – đo đó mà bản năng tôn giáo có trong con người trên toàn thế giới từ cổ chí kim.
Mặc dầu vậy, Ngài vẫn là Đức Chúa Trời không được biết đến. Làm thế nào chúng ta có thể phám phá về Ngài? Có lẽ mọi tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời. Hãy chứng thực điều đó trong chương tiếp theo.

Michael Green

Translated by Vinh Hien

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn