Nếu Đức Chúa Trời là tốt lành, tại sao Ngài cho phép điều ác xâm nhập vào thế gian?
Câu hỏi này có liên quan đến câu hỏi về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của cái ác. Đối với những người đã khẳng định đức tin của họ vào Đức Chúa Trời, vẫn còn câu hỏi tại sao Ngài lại để cho những tệ nạn như chiến tranh, nạn đói và giết người hàng loạt xảy ra trên trái đất này. Chương 12 chú trọng vấn đề này một cách sâu xa, nhưng một bản tóm tắt sẽ được cung cấp ở đây.
Trước tiên, Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời là tốt lành (Na-hum 1:7) và Ngài chống lại điều ác (Giê-rê-mi 44: 4; Xa-cha-ri 8:17; Gia-cơ 1:13). Điều ác đến thế gian do tội lỗi và sự sa ngã của A-đam (Rô-ma 5:12). Tệ nạn giết người, lạm dụng ma túy và sự khiêu dâm tồn tại bởi vì con người đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời và theo đuổi những thú vui ích kỷ thay vì những phước lành được ban tặng qua đức tin nơi Đấng Christ. Chúng ta không nên đổ lỗi những điều này cho Đức Chúa Trời mà lỗi này là do chính chúng ta và nhân loại sa ngã (Rô-ma 3:10-18).
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời tể trị điều ác cũng như Ngài tể trị điều thiện. Chúa có thể can thiệp để ngăn chặn những thảm kịch của con người. Nhiều lần Ngài làm như vậy. Tất cả chúng ta đều có thể nghĩ đến những trường hợp có thể dẫn đến sự chết nếu Đức Chúa Trời không quan phòng và nhân từ giải cứu chúng ta. Nhưng khi Ngài chọn cho phép chúng ta gặp điều ác hơn là điều lành, thì Ngài không đáng bị oán trách. Đức Chúa Trời không bao giờ được gán cho sự ác. Ngay cả trong kế hoạch thần hựu của Đức Chúa Trời, có thể bao gồm các hành động tội lỗi, nhưng con người phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình (Công vụ 2:23; Gia-cơ 1:13).
Nếu Đức Chúa Trời có thể ngăn chặn sự đau khổ, tại sao Ngài cho phép điều đó xảy ra?
Kinh thánh dạy rằng “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). Thật yên tâm biết rằng khi Đức Chúa Trời cho phép đau khổ, Ngài đang hoàn thành một điều gì đó tốt đẹp. Những điều tốt này bao gồm xây dựng sự bền bỉ và kiên trì trong cuộc sống của chúng ta (Rô-ma 5:3; Gia-cơ 1:3), giúp chúng ta trưởng thành khi bước theo Đấng Christ (1:4), chứng tỏ tính cách tin kính của chúng ta (Rô-ma 5:4), phát triển tánh hạnh giống Đấng Christ (8:28-29), giúp chúng ta trưởng thành trong sự thánh khiết cá nhân (Hê-bơ-rơ 12:10), và đem lại cho chúng ta sự bảo đảm rằng chúng ta là con cái của Ngài (12:7-8). Chúng ta có thể không thấy điều tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đang hoàn thành, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng các mục đích đời đời của Ngài đang được hoàn thành qua những thử thách chúng ta trải qua. Đôi khi những sợi chỉ đen tối cũng cần thiết như những sợi vàng và bạc theo khuôn mẫu mà Đức Chúa Trời đã định sẵn. Nhưng một ngày nào đó Ngài sẽ vén tấm thảm của cuộc đời chúng ta ra, và chúng ta sẽ thấy công việc tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã hoàn thành thông qua sự đau khổ. Điều quan trọng là phải hướng đến cõi đời đời khi trải qua các sự đau đớn. Phao-lô đã viết, “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (2 Cô-rinh-tô 4:17-18).
Đức Chúa Trời nhận thấy rằng đôi khi sự vinh hiển lớn hơn sẽ đến cho danh Ngài bằng cách cho phép điều ác xảy ra hơn là không cho phép gì cả. Từ góc độ con người và thế gian, thật khó hiểu tại sao đôi khi Đức Chúa Trời để cho con người đau khổ vì mục đích mang lại vinh hiển lớn hơn cho chính Ngài. Nhưng nếu mục đích của cuộc đời chúng ta là tôn vinh Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 10:31), lúc đó chúng ta sẽ vui lòng chấp nhận đau khổ để bày tỏ cách đầy đủ hơn sự vĩ đại của Đức Chúa Trời chúng ta.
Translated by Vy Vo