Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Chúa Hóa Nước Thành Rượu

Chúa Hóa Nước Thành Rượu

BÀI HỌC VỀ A-RÔN

 

Trong trại quân họ ganh ghét Môi-se
A-rôn, là người thánh của Đức Giê-hô-va.

Thi thiên 106:16

A-rôn được ghi nhớ là một người anh em của Môi-se, giống như Anh-rê được nhớ là anh em với Si-môn Phi-e-rơ. Trong các sách Ngũ kinh, Đức Chúa Trời phán, “A-rôn người anh em của Môi-se” mười một lần. A-rôn lớn hơn Môi-se ba tuổi, vì vậy đáng lẽ phải là người nổi bật hơn so với MôI-se, nhưng cũng như Gia-cốp và Ê-sau, Thiên Chúa đã ra chỉ ra rằng người lớn tuổi phải ở dưới uy quyền người trẻ hơn. Chúng ta không biết làm thế nào A-rôn chấp nhận với sự sắp xếp này. Trong hầu hết các trường hợp, A-rôn dường như chấp nhận điều đó là ý muốn của Đức Chúa Trời.

Nhưng có một vài lần A-rôn phải đối diện với vấn đề sử dụng uy quyền. Bởi vì thực hành điều này trong đời sống và chức vụ rất quan trọng. Chúng ta sẽ học bài này từ chức vụ của A-rôn.

SỬ DỤNG UY QUYỀN

A-rôn vẫn ở lại A-cập trong suốt thời gian bốn mươi năm Môi-se chăn bầy gia súc cho người cha vợ tại Midian.

Sau đó ông tham gia cùng với Môi-se trong sự lãnh đạo tuyển dân, và với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời họ trở thành người giải cứu tuyển dân ra khỏi A-cập.  Môi-se nhận một mục vụ khó khăn ở phía trước và cần một người trợ giúp. “Hai người hơn một.” (Truyền đạo 4:9). Điều này giải thích tại sao Đức Chúa Giê-su sai các môn đồ đi từng đôi thực hành rao giảng Phúc âm (Mác 6:7). Khi hai anh em đi cùng nhau, A-rôn có thể giúp cho cho Môi-se là em trai của mình cập nhật về tình hình tuyển dân và các sự kiện tại Ai-cập.

Một số sinh viên trường Kinh thánh cho rằng A-rôn đã làm cho chức vụ của Môi-se gặp rắc rối nhiều hơn là trợ giúp. Nhưng chúng ta phải cẩn thận để đánh giá vấn đề này thật khách quan. Đức Chúa Trời đã kêu gọi A-rôn giống như Ngài kêu gọi Môi-se, và dĩ nhiên họ có uy quyền thần thượng từ sự kêu gọi này. Có một sự thực là trước khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se, Ngài đã nhắc nhở A-rôn phải rời Ai-cập và đến gặp người em của mình trong đồng vắng (Xuất. 4:14, 27). Đức Chúa Trời không sai phái Môi-se độc hành tới Ai-cập. Ngài sai phái “Môi-se và A-rôn đi cùng nhau” (Giô-suê 24:5; Thi. 77:20; 105:26; Mi-chê 6:4). Môi-se là người lãnh đạo chính, ông và A-rôn chia sẻ uy quyền thần thượng để dẫn dắt tuyển dân Israel.

A-rôn cũng được ủy quyền để nói thay cho Đức Chúa Trời. Môi-se đã thưa với Chúa rằng ông không phải là một người có tài ăn nói, và Chúa đã dự bị A-rôn trở thành người phát ngôn của Môi-se (Xuất. 4:16; 6:12; 7:1). A-rôn và Môi-se nói chuyện với các trưởng lão Israel (Xuất. 4:29), và rồi họ cùng nói chuyện  nhiều lần với Pha-ra-ôn. Bên cạnh Môi-se, A-rôn cũng bày tỏ các quyền năng dấu lạ để chứng minh rằng cả hai người đều là sứ giả của Đức Giê-hô-va. Cuối cùng Môi-se khám phá rằng ông có thể công bố sứ điệp của Chúa một cách thông suốt, vì vậy A-rôn đã đứng sang một bên. A-rôn có lẽ không cảm thấy bị xúc phạm hay bị “giáng chức” khi điều này xảy ra. Với tư cách là thầy tế lễ hàng đầu của tuyển dân, ông vẫn là người quan trọng trong hội chúng Israel.

A-rôn cũng có uy quyền chung với Môi-se để can thiệp cho dân sự. Khi tuyển dân hỏi xin lương thực, A-rôn và Môi-se đã đến trước mặt Chúa cầu xin sự trợ giúp (Xuất. 16). Trong khi Giô-suê chiến đấu chống lại kẻ thù A-ma-léc, A-rôn và U-rơ đã nâng đỡ cánh tay cầu nguyện của Môi-se để bảo đảm cho sự chiến thắng của Giô-suê (Xuất. 17:8-16). Môi-se và A-rôn cùng phối hợp với nhau cầu thay và làm lễ chuộc tội cho tuyển dân, để tránh sự trừng phạt của Đức Giê-hô-va (Dân số ký 16:41-50). A-rôn đã “đứng giữa kẻ chết và kẻ sống”. Điều này đòi hỏi đức tin và sự can đảm. Trong Dân số ký chương 14, trước khi Giô-suê và Ca-lép chinh phục miền đất hứa, tuyển dân dấy loạn cùng Môi-se và A-rôn. Trước những lời càm ràm vô tín từ phía tuyển dân, Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời bày tỏ sự thương xót (Dân số ký 14:1-19).

Khi ở bên cạnh Môi-se, A-rôn thực hành uy quyền theo một cách khôn ngoan, nhưng khi không có Môi-se ở bên, ông đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Bi kịch đúc tượng và thờ lạy bò con vàng (Xuất. 32) là hành động thiếu hiểu biết của A-rôn.

SỰ LẠM QUYỀN

Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng và sự vinh hiển vĩ đại của Ngài trên núi Sinai, và Ngài truyền bảo Môi-se phải lên núi, trong khi dân sự phải ở dưới núi giữ một khoảng cách nhất định với Môi-se (Xuất. 19:16-19; 20:21). Đức Chúa Trời ban cho Môi-se quyển sách của giao ước (Xuất. 20-23) và truyền lệnh ông phải đến với Ngài trên núi. Ông phải đi cùng với A-rôn, hai con trai của A-rôn và bảy mươi trưởng lão Israel (Xuất 24:1). Ở đó họ có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời và ngay cả ăn và uống trong hiện diện của Ngài (Xuất. 24:9-11). Môi-se và Giô-suê đi lên cao hơn để tương giao với Đức Chúa Trời trong khi những người khác trở về trại của mình. Môi-se truyền bảo A-rôn và U-rơ phải giải quyết các sự việc của Israel (Xuất. 24:13-14) trong khi ông vắng mặt.

Những người không ở dưới uy quyền thuộc linh không nên thực thi uy quyền, bởi vì hành động độc lập là bước đầu tiên để lạm dụng uy quyền của mình trên người khác và phạm tội chống lại Đức Chúa Trời. Đó là cách các nhà cai trị độc tài bắt đầu sự nghiệp của họ. A-rôn đã ở dưới uy quyền của Môi-se, và cả hai người này đều ở dưới uy quyền của Đức Chúa Trời. Vì vậy sự vắng mặt của Môi-se sẽ không tạo nên sự khác biệt cho thái độ và hành vi của A-rôn. Đức Chúa Trời đang quan sát dân sự khi Môi-se vắng mặt.  Đây là cơ hội để A-rôn dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời như Môi-se đã thường xuyên làm điều đó.

Môi-se đã ở với Đức Chúa Trời trên núi bốn mươi ngày đêm (Xuất. 24:18). Ông nhận lãnh các hướng dẫn của Đức Chúa Trời về việc xây dựng đền tạm và thiết lập thể chế tế lễ thánh. Bởi vì A-rôn là thầy tế lễ hàng đầu, nên những gì Môi-se nhận lãnh từ Chúa được Môi-se trực tiếp truyền đạt và áp dụng cho A-rôn. Vì vậy khi A-rôn phạm tội, ông đã làm tổn thương chính mình và các con trai cùng làm việc với ông. A-rôn đã chế tác ra một bò con vàng và cho phép dân sự thờ phượng nó khi Môi-se vắng mặt.

Có ba lần trong Kinh văn cho chúng ta biết tuyển dân Israel đã “phạm tội nặng/ phạm một tội rất trọng” (Xuất. 32:21, 30, 31). Tại sao gọi là phạm tội trọng? Bởi vì dân sự đã làm điều đó tại ngọn núi của Đức Giê-hô-va, là nơi mà họ đã mục kích quyền năng và vinh quang của Ngài, và nơi đó họ đã ba lần hứa nguyện vâng phục Chúa (Xuất. 19:8; 24:3, 7). Những gì họ đã nghe trong luật pháp rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Khi làm hình tượng, thờ lạy nó, rồi dâm dục, chè chén say sưa thì tuyển dân đã phá vỡ bốn điều trong mười điều răn. Thực ra chỉ cần vi phạm một điều răn là xem như đã vi phạm toàn bộ luật pháp.

Đức Chúa Trời đã phán với A-rôn, “Ta biết ngươi có tài ăn nói” (Xuất. 4:14), và rồi những gì A-rôn nói với Môi-se để bào chữa cho mình bày tỏ rằng ông là một người trình bày câu chuyện trôi chảy.  A-rôn đáp cùng Môi-se, “Xin chúa tôi đừng nổi giận, chúa biết rằng dân nầy chuyên làm điều ác!  Họ có nói cùng tôi rằng: Hãy làm các thần đi trước chúng tôi; vì về phần Môi-se nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng tôi chẳng biết có điều chi xảy đến cho người rồi.  Tôi bèn nói cùng chúng rằng: Ai có vàng hãy lột ra! Họ bèn đưa cho tôi, tôi bỏ vào lửa, và bởi đó thành ra bò con nầy” (Xuất. 32:22-24). Đầu tiên ông qui lỗi cho tuyển dân chuyên làm điều ác, rồi sau đó ông nêu ra lý do Môi-se đã ở trên núi quá lâu. Những yếu tố này dẫn ông đến việc đúc bò con vàng cho dân sự thờ lạy. Tuyển dân góp phần trong bi kịch này, nhưng Đức Chúa Trời kết án A-rôn đã đúc bò con vàng (Xuất. 32:35). Thầy giảng Tin Lành Billy Sunday vào thế kỷ hai mươi đã nói rằng một lý cớ là vỏ ngoài của một sự biện hộ được nhồi nhét bằng một lời nói dối. Ông đã nói đúng. Môi-se phải trở lại với Đức Chúa Trời trên núi để cầu thay cho dân sự, và đặc biệt là cho A-rôn là người mà Chúa muốn tiêu diệt (Phục. 9:20). Nhưng tội lỗi của tuyển dân phải bị xử lý. Kinh văn ghi lại: “Vả, Môi-se thấy dân sự buông lung, vì A-rôn để họ buông lung, đến đỗi bị sỉ nhục trong vòng các thù nghịch,  thì người đứng nơi cửa trại quân mà nói rằng: Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hãy đến cùng ta đây! Hết thảy người Lê-vi đều nhóm lại gần bên người.  Người truyền cho họ rằng: Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, có phán như vầy: Mỗi người trong các ngươi hãy đeo gươm bên mình, đi qua đi lại trong trại quân, từ cửa nầy đến cửa kia, và mỗi người hãy giết anh em, bạn hữu, và kẻ lân cận mình.  Dân Lê-vi bèn làm y như lời Môi-se; trong ngày đó có chừng ba ngàn người bị chết.  Vả, Môi-se đã truyền rằng: Ngày nay mỗi người trong vòng các ngươi hãy dâng tay mình cho Đức Giê-hô-va, chẳng sá chi đến con trai hay là anh em mình, hầu cho các ngươi được ơn phước vậy” (Xuất. 32:25-29).  Đức Giê-hô-va thi hành kỷ luật trên dân sự, vì họ phạm tội về tượng bò vàng mà A-rôn đã làm ra (Xuất. 32:35).

Không có gì làm xói mòn và phá hủy uy quyền bằng cách cho phép dân sự đi theo ý riêng họ muốn thay vì làm theo những gì họ cần. Khi một chức vụ thuộc linh trở nên xu hướng theo thị trường và văn hóa số đông theo phương châm:  “Hãy tặng cho khách hàng những gì họ muốn,” lúc đó chức vụ trở nên bị thương mại hóa, và bất luận có bao nhiêu khách hàng bước vào cánh cửa của “doanh nghiệp,” sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ lìa khỏi.

 

THỬ NGHIỆM UY QUYỀN

Theo thời gian, các nhà lãnh đạo phải được kiểm tra để nhắc nhở họ về uy quyền  của họ có giá trị và được bảo vệ như thế nào, và A-rôn đã tham gia vào ba thử nghiệm như vậy.  Bài trắc nghiệm đầu tiên tại núi Sinai, khi Môi-se trao uy quyền lại cho A-rôn để đi lên núi. A-rôn đã phạm một lỗi lầm là đúc bò con vàng và dẫn dân sự vào sự thờ phượng hình tượng. Bài trắc nghiệm thứ hai đó là A-rôn và Mi-ri-am đã chỉ trích Môi-se khi ông cưới một người vợ mới (Dân số ký 12). Thử nghiệm thứ ba là khi Cô-rê, Đa-than, A-bi-ram và 250 trưởng lão của dân sự đồng chống lại Môi-se cùng A-rôn, thách thức uy quyền của hai người này. Cô-rê là môt người Lê-vi muốn có đặc ân của chức cụ tế lễ trong khi những người khác muốn có uy quyền giống như Môi-se. Những người dấy loạn này tuyên bố rằng “cả hội chúng đều là thánh” (Dân. 16:3), vì vậy họ cũng muốn có cùng một đẳng cấp giống như Môi-se. Họ quên rằng Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm người lãnh đạo, và trông đợi tuyển dân phải đi theo người lãnh đạo này giống như là đi theo Ngài.

Môi-se đã cố gắng giải thích với họ, nhưng chỉ lãng phí thời gian. Ông thậm chí còn đề nghị tiến hành một thí nghiệm để xem Chúa có chấp nhận 250 người tham dự vào thể chế tế lễ hay không. Và khi Đức Chúa Trời tuôn đổ phán xét của Ngài trên dân sự, thì Môi-se và A-rôn sấp mặt xuống đất cầu xin sự thương xót của Chúa (Dân. 16:22), nhưng đã quá trễ. Những người dấy loạn đã bị Chúa xử lý. “Môi-se bèn nói rằng: Nhờ điều nầy các ngươi sẽ biết rằng Đức Giê-hô-va có sai ta đặng làm các điều nầy, và ta chẳng làm sự chi tự ta.  Nếu các kẻ đó chết như mọi người khác chết, nếu họ đồng chịu số phận chung như mọi người, thì Đức Giê-hô-va không có sai ta.  Nhưng nếu Đức Giê-hô-va làm một sự thật mới, nếu đất hả miệng ra nuốt họ và mọi món chi thuộc về họ, nếu họ còn đương sống mà xuống âm phủ, thì các ngươi sẽ biết rằng những người nầy có khinh bỉ Đức Giê-hô-va.
 Vừa khi Môi-se nói dứt các lời nầy, đất ngay dưới chân họ bèn nứt ra, hả miệng nuốt họ, gia quyến và hết thảy phe Cô-rê cùng tài sản của chúng nó.  Các người đó còn đương sống và mọi vật chi thuộc về họ đều xuống âm phủ; đất lấp lại và chúng nó bị diệt khỏi hội chúng.  Cả Y-sơ-ra-ên ở xung quanh nghe tiếng họ la, đều chạy trốn, vì nói rằng: Chúng ta hãy coi chừng, kẻo đất nuốt chúng ta chăng!
 Rồi một ngọn lửa từ Đức Giê-hô-va lòe ra thiêu hóa hai trăm năm mươi người (những kẻ dấy loạn) đã dâng hương” (Dân. 16:28-35).

Qua biến cố này, Đức Chúa Trời xác nhận Môi-se và A-rôn là những người lãnh đạo mà Ngài đã chọn.

Tuy nhiên một số dân sự không tiếp nhận sứ điệp này, và chỉ hôm sau họ lại dấy loạn cùng Môi-se và A-rôn lần nữa. Một lần nữa, họ bị Đức Chúa Trời trừng phạt. “Sự thạnh nộ của Đức Giê-hô-va đã nổi lên, và tai vạ đã phát khởi” (Dân. 16:46). Có mười bốn ngàn bảy trăm người chết vì tai vạ nầy sau vụ Cô-rê và bè đảng dấy loạn. Sẽ có nhiều người chết hơn, nếu như A-rôn không lấy lư hương của mình và can đảm “đứng giữa kẻ chết và kẻ sống” để tai vạ ngừng lại (Dân. 16:41-50).  Môi-se theo chỉ thị của Đức Chúa Trời kiên nhẫn đưa ra cho tuyển dân một bài trắc nghiệm khác trong Dân số ký chương 17. “Kế đó, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng:  Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên và biểu rằng: Mỗi chi phái của họ phải đem nộp cho ngươi một cây gậy; nghĩa là mười hai cây gậy bởi các quan trưởng của mỗi chi phái.  Ngươi phải đề tên mỗi người trên cây gậy của mình, và đề tên A-rôn trên cây gậy của Lê-vi; vì phải có một cây gậy cho mỗi trưởng tộc.  Ngươi phải để các gậy đó trong hội mạc, trước hòm bảng chứng, là nơi ta gặp ngươi.  Hễ người nào ta chọn lấy, thì cây gậy người đó sẽ trổ hoa; vậy ta sẽ làm cho nín đi trước mặt ta những lời lằm bằm của dân Y-sơ-ra-ên đã phát ra đối nghịch cùng các ngươi” (câu 1-5). Kết quả của câu chuyện này là cây gậy của A-rôn trổ hoa: nó có nứt mụt, sanh hoa và trái hạnh nhân chín. Điều này bày tỏ rõ ràng sự lựa chọn của Đức Chúa Trời dành cho A-rôn. Còn những người khác không thể chiếm lấy chức vụ đó.

Chúng ta thấy rằng hầu hết người Israel không bao giờ hiểu được cái giá mà Môi-se và A-rôn phải trả để trở nên người lãnh đạo của họ. Cả hai người này phải chịu đựng sự bất tuân, càm ràm và phản loạn từ phía tuyển dân. Nếu các người lãnh đạo có nguy cơ trở nên tự hào, thì có đủ những rắc rối phiền phức bao quanh để làm cho họ trở nên khiêm nhường.

Hãy nhớ rằng  thách thức uy quyền của các nhà lãnh đạo tin kính đang phục vụ Chúa cách trung tín là một vấn đề nghiêm trọng trong mọi thời đại.

Warren W. Wiersbe

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn