Ở Mỹ tôi đã học được nhiều điều hay cho bản thân vì tôi đã gặp được nhiều thầy giỏi, thầy hay.
Người Việt xưa đã để lại cho con cháu nhiều kinh nghiệm quý. Hiểu được những kinh nghiệm từng trải nầy sẽ giúp cho hậu sinh tránh bớt lỗi lầm và rút ngắn thời gian. Chẳng hạn, ông bà ta hay nói, “Không thầy đố mầy làm nên.” Nhưng ông bà ta cũng nói, “Học thầy không tày học bạn.” Làm sao áp dụng đây?
–
Chỉ riêng việc học, suốt đời chúng ta ai nấy cũng phải theo đuổi, tìm hiểu thực hành. Lớn rồi nhưng để tiếp tục sống thỏa mái, tôi cũng phải tiếp tục học, khi tôi có cái điện thoại cầm tay, tôi phải học cách sử dụng, khi có cái máy hình tôi phải chụp hình, khi có cái máy computer tôi phải học cách sử dụng, đáng lẽ tôi phải học dùng 10 ngón tay nhưng lâu ngày quen dùng 2 ngón tay nên tôi không đổi được. Hồi mới qua Mỹ tôi phải học lái xe hơi, để có thể di chuyển, bởi không có xe giống như không có chân. Tôi phải mua nhà để có cái nhà để ở, tôi cũng phải học cách để giữ nhà. Tôi có thể học nhờ thầy, cũng có thể học nhờ bạn, có cái học tốn tiền, có cái học miễn phí. Tôi học suốt đời. Có những điều bây giờ tôi mới biết.
Ngày nay tôi không còn đi học để lấy bằng, nhưng tôi vẫn học để biết, để nâng kiến thức, để tìm hiểu câu trả lời. Bây giờ có được cơ hội làm báo, viết báo, phát hành báo, tôi phải học nhiều hơn. Một trong những cách học mà tôi ham thích là đọc sách. Được may mắn ở thành phố Dallas, tôi có cơ hội tìm kiếm và sưu tầm được nhiều sách quý, sách mới in. Sách quý đối với tôi là sách có ý kiến hay đúng với nhu cầu tìm hiểu của tôi. Tôi không còn chọn sách theo đề tài nhưng chọn theo tên tác giả. Tôi chọn tác giả viết sách hợp với ý tôi. Và ý tôi phải hợp với Kinh Thánh. Tôi gọi sách đó là sách hợp ý Trời. Bây giờ đối với Đức Chúa Trời là Đấng quan trọng nhất bởi tôi đã già và sắp chầu Trời. Thời gian qua rất nhanh và tôi phải chuẫn bị kỹ để có thể ngước đầu lên gặp Chúa như con gặp Cha, như vợ gặp chồng.
–
Tôi luôn muốn biết Chúa Trời là ai, Chúa đã làm gì cho tôi và Chúa muốn tôi làm gì.
Hôm nay tôi ngồi lại viết ngay một ý kiến hay mà tôi vừa mới đọc. Có lẽ đối với bạn, ý kiến nầy đơn sơ quá, nhưng đối với tôi nó có ý nghĩa rất mới, rất dễ hiểu để có thể áp dụng cho đời sống đức tin của tôi. Trước nay tôi chưa nghĩ ra, và bây giờ tôi muốn dùng ý kiến nầy cho tôi và tôi cũng muốn dùng câu chuyện nầy để chia sẻ cho bà con tôi, người Việt ở quê hương và người Việt tha hương.
Đơn giản là đây: đôi giày của tôi; con chó của tôi; vợ của tôi; quê hương của tôi và Đức Chúa Trời của tôi. Bây giờ ta thêm vào mấy chữ “tôi yêu.” Tôi yêu đôi giày của tôi, tôi yêu con chó của tôi, tôi yêu vợ của tôi, tôi yêu quê hương của tôi và tôi yêu Đức Chúa Trời của tôi.
Ý nghĩa là đây: Chúng ta đi từ chỗ chúng ta sử dụng các đồ vật, đến chỗ liên hệ với các sinh vật, đến chỗ liên hệ với các người khác, và cuối cùng đến chỗ chúng ta liên hệ để thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của mọi vật. Cũng một chữ yêu mà ý nghĩa của từng chữ được chúng ta dùng rất khác nhau.
Đôi giày của tôi: Tôi yêu đôi giày nầy của tôi. Tôi chọn mua đôi giày nầy vì nó vừa cở với chân tôi, sít sao với chân tôi, tôi cảm thấy đôi giày nầy êm chân, nó giúp bảo vệ chân tôi. Nếu mang đôi giày nầy tôi thấy không vừa nữa, hoặc nó đã mòn, hoặc nó làm đau chân, tôi có thể bỏ đôi giày nầy và mua đôi giày khác.
Con chó của tôi: Tôi yêu con chó của tôi. Con chó nầy có thể làm bạn, có thể giữ nhà, có thể mừng đón tôi khi tôi đi xa về nhà. Một người có thể sở hữu một con chó thì tình yêu của người đó với con vật khác với yêu đôi giày, tự nhiên người đó có trách nhiệm khác, sự thủy chung khác. Con chó quan trọng hơn đôi giày.
–
Vợ của tôi: Tôi yêu vợ của tôi. Một người không phân biệt giữa người vợ và con chó thì người đó có vấn đề ngay. Mối quan hệ giữa người chồng với người vợ khác xa với mối quan hệ với con vật và đồ vật. Người chồng không thể nói rằng vợ tôi không hợp với sở thích của tôi, không còn đẹp trong mắt tôi và tôi chán vợ rồi nên tôi bỏ vợ, thay vợ khác. Hoặc nếu vợ tôi không giúp tôi bớt đau nhưng còn làm tôi đau, thì tôi bỏ vợ ngay. Bạn thấy không?
Quê hương tôi: Tôi yêu quê tôi. Mối quan hệ của một người đối với quê hương không còn là quan hệ sở hữu hay chiếm hữu nữa. Tôi không sở hữu quê hương tôi. Quê hương tôi lớn lao hơn tôi và gia đình của tôi rất nhiều. Tôi yêu quê tôi là mối liên hệ thiêng liêng máu mũ, đó là nơi tôi đã được ra đời, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mã tổ tiên. Tôi không chọn quê hương, tôi không chọn màu da, tiếng nói, gia đình, dòng họ. Tôi cũng không bỏ, không từ chối. Quê hương là của Trời cho. Có một lúc nào đó tôi có thể được kêu gọi để phó mình vì quê hương. Đó lá lý do có một Tổng Thống Mỹ nổi danh, John Kennedy, đã nói một câu nổi danh, “Đừng hỏi quê hương có thể làm gì cho tôi, nhưng phải hỏi tôi có thể làm gì cho quê hương.”
Đức Chúa Trời của tôi: Bây giờ chúng ta đến với mối quan hệ thờ phượng mà chỉ có Ông Trời mới xứng đáng với sự tôn thờ của loài người chúng ta. Tôn thờ là yêu nhưng cao hơn, lớn hơn. Người tín hữu Tin Lành theo Kinh Thánh, tin rằng chỉ có Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, là Đấng tôi yêu. Luật Trời truyền lịnh cho chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết sức yêu mến Đức Chúa Trời và yêu người khác như yêu mình.
–
Vấn đề của loài người bây giờ là bạn yêu ai, bạn thờ ai? Thờ Trời hay thờ người? Một tác giả nổi tiếng nói rằng vấn đề của loài người là nhiều người đang thờ hình tượng thay vì thờ Trời, họ thờ vật thọ tạo (creation) thay vì thờ Đấng sáng tạo (Creator).
Từ khi nghe lời Satan là kẻ thù loạn nghịch của Đức Chúa Trời, loài người đã không còn phân biệt yêu ai. Họ yêu vật, yêu thú, và yêu người thế chỗ cho yêu Trời. Sứ đồ Phao-lô đã phát hiện lẽ thật sau đây:
Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.
Cho nên Đức Chúa Trời đã phó họ sa vào sự ô uế theo lòng ham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa, vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men. Rô-ma 1:19-25.
–
Khi một người không thấy đường nhưng cứ nhờ người mù chỉ đường thì tương lai chắc chắn là ả hai cùng rơi xuống hố. Đó là hậu quả thấy được của những người được sáng mắt mà như mù trên thế giới nầy. Kinh Thánh đã nói rõ chúng ta biết về số phận của người mù. Kinh Thánh là ánh sáng. Chúa Jesus là đường đi, là chân lý và sự sống. Thế giới Tây Phương đã chọn Chúa Jesus là thầy chỉ đường. Tôi đã thấy sự thật nầy về tương lai và Kinh Thánh đã khuyên:
Vậy, ai giữ mình cho khỏi những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành.
Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa. Hãy cự những lời biện luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi. Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó. 2 Timothy 2: 21-26.
Kinh Thánh còn dạy tiếp:
Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi. 2 Timothy 3:1-5.
–
–
Mục sư Nguyễn Văn Huệ