Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / SÁCH VỞ

SÁCH VỞ

SÁCH VỞ
Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách vở nữa, nhất là những sách bằng giấy da (II Ti-mô-thê 4:13).
Tôi để ý thấy rằng, người thành công thường là những người có nhiều thói quen tốt. Càng có nhiều thói quen tốt, người ta càng dễ thành công. Chẳng hạn, tôi đọc cuốn hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông có rất nhiều thói quen tốt.
Ông Lê học cao đẳng canh nông, chuyên ngành thủy lợi. Những năm đầu ông làm việc ở miền Tây sông nước, chỉ là đo đạc mực nước sông tiền, sông hậu; thủy triều lên xuống thế nào, ghi vào sổ, rồi giao trình cho cấp trên.
Ban ngày làm, ban đêm nghỉ. Ông làm ít, mà nghỉ nhiều quá, ông chán. Chúng ta biết người miền Tây hay nhậu, ông thì không. Ông không thích nhậu, ông uống bia rượu không được. Để vơi bớt thì giờ buồn chán, ông đọc sách, ông tự học thêm Hán ngữ, ông tập viết tùy bút.
Đọc, học, và viết thì không chỉ ông mà nhiều người cũng có sở thích như vậy; nhưng đa phần viết theo cảm hứng; vui thì viết, buồn thì không. Nguyễn Hiến Lê hoàn toàn ngược lại, sau khi rời bỏ công việc ở sở thủy lợi; ông tập chú vào đọc, học, và viết thường nhật; ông làm ba việc đó như một công chức.
Mỗi ngày ông làm ba việc trên đúng tám tiếng. Đọc, học, và viết là thói quen theo đuổi ông suốt cả cuộc đời. Người ta chỉ đọc suốt đời đã có một lượng kiến thức khổng lồ rồi; ông không chỉ đọc mà còn tự học nữa. Ông học rất nhiều lãnh vực. Ông nói một câu chí lý, một người chỉ cần có trình độ tú tài thôi, rồi từ đó mà tự học thêm, thì có thể làm bất cứ việc gì.
Ông học hết tiếng Pháp, đến tiếng Hoa; hết tiếng Hoa đến tiếng Anh. Ông không chỉ học về ngôn ngữ, ông còn học về triết, về văn chương Đông Tây, về tử vi, về toán học, về thiên văn, về địa lý, về vạn vật. Nhờ học cả đời ông thành học giả.
Ông lại có thói quen viết. Đọc sách nào, ông viết cô đọng lại sách đó, viết cốt để truyền bá kiến thức cho người khác. Đó là cách làm của một học giả. Chữ học giả ngày nay định nghĩa khác xa thời ấy. Thời ấy, học giả là những người thông tuệ, và am tường nhiều lãnh vực.
Nếu chọn một nhân vật trong thời Tân Ước để gọi là học giả, tôi chắc không ai qua được sứ đồ Phao-lô. Chỉ riêng thư Rô-ma, nếu so sánh về ngôn ngữ, cú pháp, văn phong, điển tích, trích dẫn Cựu Ước, các lẽ đạo, Rô-ma giống như là một sách Phúc Âm hơn là một thư tín. Phao-lô chưa từng biết mặt Chúa Giê-su, mà viết Rô-ma như thế. Thật bái phục.  (The Complete Gospels, Robert J. Miller, dựa trên Phúc âm Ma-thi-ơ 26:48, “Kẻ phản Ngài đã trao cho họ dấu này: Người nào mà tôi hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy”, lập luận rằng không phải ai ở Jerusalem cũng có thể nhận biết Chúa Giê-su. Có lẽ vào lúc ấy Phao-lô đang là môn đệ của Gamaliel danh giá.)
Tân Ước có 27 sách, Phao-lô viết hết 13 sách. Nếu thư Hê-bơ-rơ của ông nữa, thì là 14; vì nhiều học giả cho rằng Hê-bơ-rơ cũng do ông viết. Phao-lô lúc nhỏ học dưới chân một giáo sư danh tiếng nhất Do Thái bấy giờ là Ga-ma-li-ên (Công Vụ 22:3).
Phao-lô được đào tạo để trở thành một luật sư, một thầy thông giáo. Rồi bất ngờ, Chúa cứu ông. Ông đã nhận và học Tin Lành không từ con người, mà từ chính Chúa Giê-su (Ga-la-ti 1:12). Sau đó, Chúa mang ông qua xứ A-ra-bi, ở ba năm tại đó, được Đức Thánh Linh dạy dỗ. Sở học của ông thật là rộng lớn, đương thời không ai so nổi.
Kiến thức uyên bác, giao tiếp nhiều người, truyền giáo nhiều nơi; bất kể người nào, chỗ nào, có dịp tiện là ông biện luận về Cựu Giáo và Tân Giáo. Hãy đọc lại Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se thì thấy cách ông biện giáo; vừa nói cho người Do Thái thủ cựu về Đấng Christ, vừa giảng giải cho người ngoại biết về Phúc Âm cứu rỗi.
Dù bận rộn, di chuyển liên tục, bị chính những người Giu-đa bắt bớ, chính quyền truy nã, lùng sục, Phao-lô vẫn không nhụt chí. Lúc ông nản thì Chúa nâng đỡ, khích lệ. Lúc ông đuối thì Chúa thêm sức. Bị bắt bớ thì Chúa giải vây. Tới chân tường thì Chúa mở đường. Ông thật can trường, vì Chúa ở trong ông quá phi thường!
Bận đến đâu, vất vả thế nào, nguy hiểm ra sao, Phao-lô vẫn không rời cái chữ. Xin hãy để ý đến lời nầy: Khi con sẽ đến, hãy đem áo choàng mà ta để lại tại nhà Ca-bút, thành Trô-ách, cùng những sách vở nữa, nhất là những sách bằng giấy da (II Ti-mô-thê 4:13).
Học không chưa đủ; đọc mãi vẫn thiếu; đi nhiều vẫn không hết chỗ; quen biết và giao tế người nào, thì học cái khôn của người ấy, vẫn chưa đủ. Bạn còn phải viết nữa. Khi viết bạn sẽ thấy rõ kiến thức của bạn đến đâu. Tôi ước ao các bạn trẻ để ý đến những điều có ích trên.
Mục sư Ân Điển

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn