Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / QUÊ HƯƠNG TRONG TRÍ NHỚ CỦA TÔI

QUÊ HƯƠNG TRONG TRÍ NHỚ CỦA TÔI

Đời sống tinh thần của người Việt ở quê hương khác xa ngày xưa mà tôi đã biết.
Bây giờ ở Mỹ tôi đã bước vào tuổi già. Những dấu hiệu của tuổi già là yếu, là quên, là mau mệt, là cần nằm ngủ trưa, ngủ trễ, là nói ít nghĩ nhiều. Tuổi già khiến tôi thấy thời gian qua mau, ngày tháng năm mau chấm dứt. Ngày ngắn đêm dài. Nói ít nghĩ nhiều. Điều lạ lùng của tuổi già là người ta thường hay nhớ lại chuyện xưa. Trí nhớ con người thật quý, tôi có khả năng điều chỉnh trí nhớ của tôi. Nghĩa là tôi có thể muốn nhớ hay muốn quên. Cũng lạ nữa là có nhiều điều muốn quên nhưng tôi lại nhớ, nhiều điều muốn nhớ nhưng tôi lại quên. Quên gì nhớ gì, có ích lợi gì không? Âm nhạc, văn chương, thơ phú, những ngày họp mặt dãy mã, những bửa ăn họ hàng của bà con, và tiếng nói đặc sệt Quảng Nôm của quê hương một thời làm tôi nhớ mãi, khó quên.
Chẳng hạn, tôi chỉ thích nghe nhạc tiến chiến, những tác phẩm tôi thấy thật hay, hợp với tình tự dân tộc, sáng tác thời trước 1975. Các nhạc sĩ thời đó đã sáng tác những bài hát sao mà hợp với tâm trạng, với ký ức, với hoàn cảnh, với ước mong của lòng tôi biết bao. Thời gian trôi qua thật lâu. Thế mà ở Mỹ đây, tôi cũng thấy những người đồng hương Việt Nam chỉ thích nghe lại những bản nhạc của ngày xưa. Chuyện lính, chuyện Huế-Sàigòn-Hà Nội. Chuyện ba miền. Tôi thích nghe những bài hát có chữ quê hương tôi, tiếng nước tôi, những hình ảnh xưa, những kỷ niệm xưa, rồi có những câu than như “ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi.” Có lần tôi nghe được một bài hát thật hay, trong một CD nhạc, tôi nghe lại và muốn giữ lại, nhưng tôi để mất CD có bài hát đó. Tôi chỉ còn nhớ trong lòng tôi đó là bài hát thật hay, của một tác giả không quen tên với nội dung lời hát tôi không còn nhớ được một câu. Bây giờ muốn nghe lại bài hát ấy, biết đâu mà tìm. À, tôi còn nhớ lại tấm hình của CD có bài hát ấy, với tấm hình bên ngoài của một ca sĩ có giọng hay, người đã hát nhiều bài và đã chết sớm. Ca sĩ Ngọc Lan.
Âm nhạc là món ăn tinh thần của người xa xứ nhưng những người già như tôi thì chủ đề bài hát duy nhất có thể làm tôi thoả mãn, đó là hai chữ quê hương. Gần đây, tôi có nhắc đến bài thơ NHỚ DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG của Tế Hanh, một thi phẩm rất xưa, diễn tả tâm trạng của một người tha hương vì hoàn cảnh và đã nhớ lại dòng sông của quê hương thời niên thiếu. Có lẽ người Việt quê hương ai cũng thích bài nầy. Sau khi đăng lại bài nầy trên Facebook, tôi có một người bạn đang sống ở Mỹ với tôi, cũng gần tuổi tôi, là người Quảng Nam, đã gọi điện thoại cho tôi và nhắc đến bài thơ với lời quả quyết là ông vẫn còn thuộc lòng bài thơ này từ khi còn đi học, và ông nói rằng có một câu thơ trong bài thơ nầy không có trong nguyên văn. Đó là một câu ở giữa bài nhắc đến chữ cô gái ấy. Và tôi đã nễ tình xoá bỏ câu nầy trên bài viết của tôi.
Tôi nhắc lại kỷ niệm nầy để nói rằng quê hương thời niên thiếu là điều có giá trị quý báu thiết thân còn lưu giữ khó phai đối với những người sống tha hương.
Quê hương là gì hỡi mẹ?
Quê hương là sợi tơ vương rất mỏng nhưng khó đứt. Quê hương là món nợ tình cảm của người tha hương. Người Việt dù đã đổi quyền công dân hay quốc tịch cũng không bao giờ đổi được quê hương. Nước Việt quê hương ngày nay cũng cần đến người Việt tha hương. Có cần không? Hàng năm người Việt ở các nơi trên thế giới đã tham gia du lịch về thăm quê hương. Mỗi năm người Việt ở các nước đang gởi tiền kiều hối về giúp đỡ thân nhân hay làm việc từ thiện ở Việt Nam. Tại sao? Tại vì hai chữ quê hương.
Nhưng yêu quê hương có nghĩa gì?
Tôi xem chuyện phim nhiều tập về BAO CÔNG XỬ ÁN của người Trung Hoa. Tôi bị lôn cuốn để xem, để thấy và để suy nghĩ chuyện đời. Người Hoa thời Tống cũng yêu quê hương rất nhiều. Nhưng đối với ông quan BAO CÔNG cũng như bao nhiêu người khác đương thời, yêu quê hương chỉ có nghĩa là trung với Vua, “Vua biểu chết mà sẵn sàng chết” mới là trung. Toàn dân cả nước đều chỉ làm việc và hy sinh để chỉ để bảo vệ nhà vua và hoàng gia thân thích. Quê hương trong lòng ông Quan BAO CÔNG được đồng nghĩa với nhà vua. Nhất nhất mọi sự đều phụng sự nhà vua. Nhà vua được tôn làm Thiên Tử. Thiên Tử là Con Trời. Mà một người đã chiếm được ngôi vua thì ai dám truất phế, ai mà dám chống lại, ai dám phản loạn, ai dám nói khác ý vua? Tôi thấy hình ảnh ông Quan Công sẵn sàng quỳ xuống chịu chém đầu, trong lúc những người phụ thuộc ông cũng sẵn sàng chết theo ông và dân chúng xung quanh nghe lời ông yên lặng để cho ông yên lòng xuống nơi chín suối để được tiếng giống như một tôi trung. Và mọi người chờ đợi cho đến khi một ông quan trong triều mang lệnh ân xá đến, tha chết, ai nấy vui mừng.
Có một người mang họ Nguyễn đã viết lời bình luận trên Facebook sau khi đọc bài viết nói về nhớ quê hương của tôi. Nguyên văn như sau:
Ông Ms này “ba xạo” thấy mồ. Nếu ông thực sự yêu dân tộc Việt Nam, yêu nước Việt Nam (không nói đến chuyện yêu thể chế ở Việt Nam) thì ông đã không “Escape” sang tận Hoa Kỳ để rồi từ bên đó “yêu nước, yêu dân tộc” qua face. Nếu ngon xin mời ông hãy quay về và đi thực tế các đồng bào của ông ở vùng cao phía bắc, bây giơ hãy còn hàmg chục ngàn cháu không được đến trường, mùa đông dưới cái lạnh dưới 6 độ C mà vẫn đi chân đất, có áo không có quần … và giúp đỡ họ, cái lối thương xót đó thực tế và ích lợi cho đạo Chúa hơn hàng triệu lời bày tỏ tình yêu thương qua không gian mạng. Xét về mặt thực chất ông chưa đủ tâm, tầm, tài để trích dẫn bài thơ của Tế Hanh. Ở tuổi như của ông nên suy tư cẩn trọng trước khi đăng trên không gian mạng. Thanks and God Bless!
Tôi đã ngồi buồn suốt mấy ngày, không còn tinh thần để viết thêm câu nào để đăng tiếp bài viết của tôi.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ

Admin:
May God bless you.
Therefore, my dear brothers and sisters, stand firm. Let nothing move you. Always give yourselves fully to the work of the Lord, because you know that your labor in the Lord is not in vain.
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Don't answer the foolish arguments of fools, or you Will become as foolish as they are. PROV. 26:4 NLT'

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn