Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và an ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu. Nhưng, hỡi anh em, anh em chẳng phải ở nơi tối tăm, nên nỗi ngày đó đến thình lình cho anh em như kẻ trộm. Anh em đều là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:3-5
NGÀY ẤY GẦN RỒI
Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm; nhưng hãy khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy (Hê-bơ-rơ 10:24-25).
Tôi có sáu người bạn Mỹ khá thân. Thân theo cái nghĩa là có thể nói về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo và chính kiến một cách thỏa mái. Trong đó, tôn giáo và chính trị là hai lĩnh vực người Mỹ cấm kỵ khi giao tiếp với nhau. Chính trị thì mấy năm gần đây người Mỹ “xả cửa” rồi. Còn tôn giáo lại liên quan đến lòng tin; mà lòng tin thể hiện qua nếp sống.
Người ta nói người Mỹ giàu có và phóng khoáng. Điều ấy đúng. Người ta nói người Mỹ giỏi, vì giáo dục của họ trọng tài hơn trọng lễ. Điều ấy cũng đúng. Người ta nói người Mỹ luôn luôn tôn trọng và biết áp dụng ý tưởng của người khác. Điều ấy cũng đúng luôn. Tất cả những nhận xét từ bên ngoài về người Mỹ và nước Mỹ đa phần là đúng.
Rick, bạn tôi nói, nước Mỹ ngày nay hư rồi. Tụi nhỏ Mỹ gốc Phi ngày nay thích mặc quần tuột xuống khỏi mông. Rồi vừa đi, vừa lấy tay kéo cái quần, chứ không nó tuột. Các trường học công ở Mỹ ngày nay bỏ thông lệ cầu nguyện trước khi vào lớp. Bỏ luôn thông lệ cầu nguyện trước bữa ăn. Trẻ em ngày nay đeo tai nghe và nhảy múa loạn xạ ngoài đường, chẳng thèm để ý những người chung quanh.
… Còn trăm điều đáng nói về nước Mỹ ngày nay. Hồi Hoa Kỳ mới lập quốc, rất nhiều câu nói định danh làm nên nước Mỹ. Chẳng hạn, A Nation Under God (Một Quốc Gia Thờ Chúa). In God We Trust (Chúng Tôi Thờ Trời). With God, All Things Are Possible (Trong Chúa, Mọi Điều Có Thể Xảy Ra). Under God The People Rule (Luật Đời Dưới Luật Trời). Giờ giới trẻ nghe những câu đó thấy lạ hoắc.
Những câu nói định danh ấy giờ thành những câu khẩu hiệu lỗi thời. Chúng mỗi ngày một xa rời dần trong nền văn hóa thờ Chúa của các bậc tiền bối. Thế hệ những người yêu mến Chúa hết lòng ở tuổi 75 trở lên là những người đau buồn nhất cho tình trạng của nước Mỹ hiện nay.
Sáu mươi năm trước, hai tiểu bang Georgia và Florida giao thương với nhau khó khăn lắm. Họ ngồi lại và quyết định xây nên xa lộ 75; nối hai thành phố lớn nhất của hai tiểu bang: Atlanta với Orlando. Chính quyền khởi xướng, và dự án đó được con dân Chúa cầu nguyện mỗi ngày trong các hội thánh. Xa lộ 75 là di sản của chính quyền, nhưng cũng là di sản của lòng tin kính Chúa.
Rick nói, ấy là lòng tin. Ấy là nếp sống. Ấy là văn hóa. Ấy là di sản. Một khi sự tin kính Chúa dời khỏi tấm lòng và tâm trí bạn, mọi điều chúng ta làm chẳng có ý nghĩa, và chẳng để lại di sản tốt đẹp nào cho hậu thế đâu. Cái mà hôm nay chúng ta có được chẳng qua chỉ là kết quả của ngày hôm qua đó thôi. Vậy, hôm nay chúng ta không gieo lòng tin kính, ngày mai hậu tự sẽ gặt sự vô tín.
Các nhà sử học liệt kê những sự kiện trọng đại về năm Sửu của lịch sử Việt Nam, tôi thấy có việc vua Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu vào năm Kỷ Sửu, 1049. Chùa Diên Hựu mà ngày nay gọi là chùa Một Cột trở thành một biểu tượng về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và tinh thần trọng đạo của người Việt. Đó là di sản của cả dân tộc.
Ngày nay, chúng ta tin Chúa, thờ Chúa, học theo Chúa, tập tành sống theo những gì Kinh Thánh dạy. Nếu tin nhận Chúa, và cứ tiếp tục xem Chúa như ông thần tài; khi cần thì khẩn xin, khi không có nhu cầu thì im lặng; với cách sống đó, con cháu sẽ gặt điều tệ hại về sau.
Suốt một năm qua, Chúa thử thách và để tình trạng xã hội diễn ra trong một hoàn cảnh vô cùng bất an; mà lòng dân sự Chúa vẫn cứ nguội lạnh, thờ ơ. Chưa nói đến di sản đức tin đâu, chỉ nói lòng tin kính thôi đã không dám nhận rồi. Có rất nhiều anh chị em yêu Chúa hơn, nhưng cũng còn quá nhiều người bỏ sự nhóm lại.
Có một cầu Kinh Thánh quan trọng nhắc nhở rằng: Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm; nhưng hãy khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy (Hê-bơ-rơ 10:25). Có nhiều câu Kinh Thánh cần phải giải nghĩa; nhưng nhiều câu khác thì chỉ cần làm theo. Câu Kinh Văn trên không cần giải nghĩa, chỉ cần làm theo.
Giống như nhiều người khác, tôi thúc đẩy mọi người giữ sự nhóm lại; đến nhà thờ để tìm kiếm Đức Chúa Trời. Tôi cũng sẵn sàng đón các cháu thiếu nhi đến học trường Chúa Nhật dùm cho ba mẹ chúng. Tôi thấy Chúa gần trở lại rồi, tôi luôn nhắc nhở mình tỉnh thức.
Tôi thấy nhiều phụ huynh đáp ứng rất tốt. Họ nói, đi đâu chứ đi nhà thờ tôi ủng hộ hai tay luôn. Nhờ mục sư giúp dùm. Họ giao con cho tôi; còn họ thì đi chợ, cắt cỏ, làm vườn, tỉa cây, nuôi chim, dẫn chó đi dạo; và họ giải thích với tôi rằng họ quá bận. Đó là tôi nói hồi trước đại dịch; giờ thì mọi sự đứng yên rồi.
Hội Thánh chính là di sản đức tin mà Chúa để lại cho chúng ta; nhưng lòng tin kính, sự trung tín, sự bày tỏ, lòng tận hiến thì mỗi con dân Chúa phải thể hiện. Cha nhắc con. Vợ khuyên chồng. Ông dạy cháu. Bạn bè thúc đẩy nhau. Trước là giữ lòng yêu mến Chúa; sau là tạo nên một dòng dõi đức tin nơi Chúa.
Ai gieo công việc thuộc về đời nầy, sẽ gặt kết quả thuộc đời nầy. Ai gieo công việc thuộc linh, sẽ gặt kết quả xứng đáng với lòng tin kính Chúa. Bạn ơi, hãy thu xếp thì giờ, hãy sửa soạn tấm lòng, hãy cầu thay cho buổi nhóm, hãy gọi điện thoại, hãy nhắn tin bạn bè dựa trên cầu Kinh Thánh nầy.
Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm; nhưng hãy khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy (Hê-bơ-rơ 10:25).
… Ngày Chúa trở lại gần rồi sao còn bỏ nhóm?
Facebook Nhịp Cầu Tình Thương